Home Chuyên Đề Corona Có Thể Giải Phóng Lòng Can Đảm?

Corona Có Thể Giải Phóng Lòng Can Đảm?

by Sưu Tầm
30 đọc

Trong những ngày vừa qua, nỗi sợ hãi mang tên vi-rút corona đã không ngừng gia tăng khi số ca nhiễm và các quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng lên gấp bội.

Có gần 170.000 ca nhiễm trên hơn 100 quốc gia theo như báo cáo. Hàng nghìn ca tử vong. Nước Ý gần như phải đóng cửa hoàn toàn, sau khi trở thành quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất chỉ sau Trung Quốc. Các trường đại học lớn phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Disneyland đóng cửa. NCAA (Hiệp-hội Thể-thao Đại-học Quốc-gia) đã phải hủy bỏ giải đấu March Madness được mong đợi nhất của họ. NBA (Hiệp-hội Bóng-rổ Quốc-gia), NHL (Liên-đoàn Khúc-côn-cầu Quốc-gia) và MLB (Liên-đoàn Bóng-chày Mỹ) cũng đã hoãn lại các giải đấu có giá trị lên đến hàng triệu mỹ kim. Hoa Kỳ đã ban lệnh cấm tất cả các du khách đến từ hầu hết các nước châu Âu trong vòng 30 ngày. Theo ước tính, khoảng 200 triệu người Mỹ có thể có nguy cơ bị lây nhiễm. Nếu dự đoán đó trở thành hiện thực và cùng với tỉ lệ tử vong hiện tại là 3%, thì điều đó có nghĩa là sẽ có hơn 6 triệu người chết chỉ tính riêng ở nước Mỹ.

Mỗi giờ trôi qua chúng ta biết được nhiều hơn về loại vi-rút này, nhưng còn nhiều thứ nữa về nó mà chúng ta không hề biết (và có thể sẽ không thể nào biết được trong thời gian sắp tới). Điều này thật sự gây hoảng loạn: nỗi kinh khiếp mang tên những điều mà chúng ta không biết.

Nỗi sợ của những nỗi sợ

Ẩn dưới nỗi sợ hãi mang tên COVID-19 là sự ám ảnh về cái chết đang lan tràn, là thứ đã đang cầm giữ phần lớn con người thế gian trong vòng tôi mọi suốt đời mà họ không dễ nhận ra (Hê-bơ-rơ 2:15). Những bình luận về chiến tranh của C.S. Lewis (nhà thần học người Ireland) có chút liên quan đến đại dịch này:

Chiến tranh (hay vi-rút corona) gây ra chết chóc? Nó chắc chắn không phải là nguyên nhân khiến cái chết xảy ra thường xuyên hơn; chúng ta ai cũng đều phải chết, thế thì tỉ lệ tử vong sẽ không thể nào tăng hơn con số 100%. Chiến tranh và dịch lệ có thể làm nhiều người chết sớm hơn, nhưng tôi thật không cho rằng cái chết là điều mà chúng ta sợ…. Tuy nhiên, chiến tranh đúng thật là gây ra chết chóc. Nó buộc chúng ta phải nhớ rằng… sự chết là điều không thể tránh khỏi khi xảy ra chiến tranh, và sự chết được coi là một trong những phước lành đối với các Cơ-đốc nhân vĩ đại ngày xưa (sứ điệp Learning in War-Time của C.S. Lewis).

Bản chất của sự chết là không hề thay đổi. Nhưng điều thay đổi trong những tuần vừa qua, ít nhất là đối với một số người trong chúng ta, là giờ đây chúng ta ý thức được điều gì chắc chắn sẽ xảy ra với mình. Và nếu chúng ta sẵn sàng lắng nghe cũng như tiếp nhận những gì Chúa muốn nói qua đại dịch COVID-19 này, thì ngay cả con vi-rút khủng khiếp, chết người cũng có thể trở thành một sự thương xót kỳ lạ được ngụy trang dưới những trải nghiệm cay đắng.

Trong khi các Cơ-đốc nhân với tư cách là những người ủng hộ sự sống, xem đại dịch này là một vấn đề nghiêm túc, tự mình học hỏi, và có các biện pháp phòng ngừa thích hợp, thì COVID-19 là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta, cũng như một lời nhắc nhở và sự ủy thác cho tất cả những ai yêu và theo Chúa Giê-xu. Liệu những người đã được tự do khỏi sự sợ hãi về cái chết sẽ dấn thân để thực hiện trọng trách mà nhiều người trên thế gian sẽ từ chối nhận lấy, để bày tỏ niềm hy vọng trong vòng những con người đang sợ hãi, đang bị nhiễm bệnh và đang chết dần kia chăng?

Điều không thể giết chết thân thể

Hầu hết mọi người trên thế giới có thể phớt lờ trước lời cảnh báo trong đại dịch toàn cầu. Nhưng Chúa của thiên đàng, là Đấng nắm quyền trên mọi loài sinh vật và phân tử trong vũ trụ, phán với những người có tai để nghe,

Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng có thể hủy diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28)

Trong khi tỉ lệ tử vong dự kiến thấp hơn so với các đợt dịch trước, như SARS hoặc MERS, thì vi-rút lần này lây lan nhanh hơn và có ảnh hưởng rộng hơn, nghĩa là ngay cả khi phần trăm tử vong nhìn có vẻ thấp, nhưng có thể sẽ có hàng triệu người chết, đặc biệt là những người có thể trạng yếu sẽ dễ bị vi-rút tấn công hơn.

Tuy nhiên, lời cảnh báo trong Ma-thi-ơ 10 đi kèm với một lời hứa đáng chú ý dành cho những ai kính sợ Chúa và tìm nơi nương náu mình nơi Ngài. Trong những câu Kinh Thánh tiếp theo, Chúa Giê-xu phán,

Hai con chim sẻ không phải chỉ bán được một đồng sao? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha các con. Ngay cả tóc trên đầu các con cũng được đếm hết rồi. Vì vậy, đừng sợ, vì các con quí giá hơn chim sẻ nhiều. (Ma-thi-ơ 10:29-31)

Trong khi Trung-tâm Kiểm-soát Dịch-bệnh (CDC) đang ra sức ngăn chặn COVID-19, thì Cha bạn trên thiên đàng cũng đang chăm sóc cho từng sợi tóc trên đầu bạn rồi. Ngài cai trị trên đại dịch này, và vẫn đang quan tâm đến mọi nhu cầu của bạn. Nếu bạn hoặc tôi qua đời, thì điều đó không phải vì Chúa đã quên hay từ bỏ chúng ta đâu.

Đấng Christ là điều tốt hơn nhiều

Những ai đã được ban cho món quà sự sống đều đã trải qua nỗi sợ về cái chết. Cũng như những ai tìm thấy con đường hẹp dẫn đến sự sống thật và đời đời thì cũng đã chứng kiến cái cách mà Đấng Christ xoay chuyển nỗi sợ hãi sự chết trong suy nghĩ của họ là như thế nào rồi. Sứ đồ Phao-lô, người từng nhiều lần suýt chết khi đi theo bước chân của Chúa mình, đã tuyên bố,

“Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy. Ví thử tôi cứ sống trong xác thịt, là ích lợi cho công khó tôi, thì tôi chẳng biết nên lựa điều chi. Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn.” (Phi-líp 1:21-23)

Những thời điểm như thế này là để thử xem liệu chúng ta có thể nói được như vậy hay không. Rất dễ để nói rằng tôi sống là vì Chúa Cứu Thế, còn chết là điều ích lợi khi việc sống cho Chúa Giê-xu không khiến chúng ta phải trả giá quá nhiều và cái chết dường như vẫn còn xa vời lắm. Liệu chúng ta có thể nói điều tương tự khi dịch bệnh lây lan và chúng ta, hoặc một người nào đó mà chúng ta yêu có thể nhiễm bệnh và qua đời đột ngột. Cái chết có thật sự là một tin tốt đối với những người yêu mến Chúa Giê-xu không? COVID-19 như một bức tranh mới và đen tối hơn mà đằng sau đó Chúa dường như phán rằng, sự sống sau khi chết thì tốt hơn, thậm chí còn tốt hơn nhiều những điều vui thú nhất trên thế gian.

Tất nhiên, bản thân cái chết không có gì tốt đẹp cả. Nó là một nỗi kinh hoàng và là kẻ thù bị ghét bỏ. Nhưng với những ai trong Đấng Christ, sự chết trở nên như kẻ hầu việc—một cánh cửa dẫn đến sự vui thỏa đời đời và an toàn tuyệt đối trong sự hiện diện trọn vẹn của Chúa Giê-xu. Chết là điều ích lợi, không phải vì nó ít có khả năng xảy ra hoặc ít đau buồn hơn, mà bởi những điều sự chết mang lại – Đấng mà sự chết mang lại cho chúng ta. Liệu chúng ta sẽ đối diện với những ngày tháng không chắc chắn sắp tới với tình yêu và lòng can đảm vì bây giờ chúng ta đã biết sự chết có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Tự do để dấn thân

Sứ đồ Phao-lô ý thức được rằng sự chết thì tốt hơn nhiều so với việc được sống thêm vài năm nữa trên đất. Nhưng ông cũng biết mình cần phải làm gì với những ngày tháng còn lại đó. “Tôi bị giằng co giữa hai đàng: Tôi muốn ra đi và về ở với Đấng Christ là điều tốt hơn rất nhiều. Nhưng tôi còn ở lại trong thân xác, ấy là điều cần thiết hơn cho anh em. Tin chắc điều nầy, tôi biết rằng tôi sẽ còn ở lại và tiếp tục ở với tất cả anh em để giúp anh em tăng trưởng và vui mừng trong đức tin.” (Phi-líp 1:23-25). Dùrất muốn ở bên Chúa Giê-xu, nhưng ông vẫn dốc đổ chính mình ra cho những linh hồn xung quanh, làm việc, hy sinh và dấn thân cho sự tăng trưởng và vui mừng trong đức tin của họ.

Vào đúng thời điểm cùng với sự khôn ngoan được ban cho mình, liệu Hội-thánh có nhóm hiệp lại để đáp ứng sự cần dùng cho những người xung quanh, để làm lợi cho sự tăng trưởng và vui mừng trong đức tin vào Chúa Giê-xu của họ không? Sự can đảm này không phải là có những hành động liều lĩnh hay tùy tiện, phớt lờ các biện pháp phòng ngừa khôn ngoan nơi công cộng. Một trong những hành động thiết thực nhất lúc này mà chúng ta có thể làm là hạn chế và làm chậm lại sự lây lan của vi-rút. Nhưng loại can đảm này sẽ giúp chúng ta sẵn sàng, trong những ngày tới, để bước vào những nơi cần sự giúp đỡ của chúng ta, khi mà sẽ có rất ít người chịu làm điều này.

David Brooks nhắc lại Đại dịch ‘Cúm Tây Ban Nha’ đã tàn phá nước Mỹ vào năm 1918… khi tình hình trở nên xấu đi, các nhân viên y tế ở khắp các tỉnh thành kêu gọi tình nguyện viên để giúp chăm sóc người bệnh. Rất ít người chịu giúp. Ở Philadenphia, trưởng khoa cấp cứu đã tha thiết cầu xin sự giúp đỡ cho các bệnh nhân nhi. Không một ai chịu đứng lên.

Trong thời gian sắp tới, các Cơ-đốc nhân, những người đã được tự do khỏi nỗi sợ chết, có thể là những người tiên phong để bước lên phía trước. Liệu chúng ta có đáp lại lời kêu gọi đó, khi mà các phòng khám và bệnh viện đều quá tải, không thể chăm sóc hết cho tất cả mọi người?

“Tôi không sợ mất mác”

Vào năm 1519, khi Cái Chết Đen tấn công Zurich, Thụy Sỹ, quê hương của Mục-sư, nhà cải cách Ulrich Zwingli, dịch bệnh đã nhanh chóng càng quét một phần ba dân số. Lúc ấy, ông Zwingli đang đi nghỉ mát. Trong khi những người khác sơ tán ra khỏi thành phố, ông đã can đảm quay trở lại để chăm sóc và an ủi những người bị nhiễm bệnh, để nói cho họ biết về sự trông cậy mà ông có được trong Chúa Giê-xu.

Khi ông chẳng màng đến mạng sống mình, tin rằng Chúa vẫn còn nhiều người thuộc về Ngài trong thành phố đã bị ô nhiễm vì dịch lệ này (Công-vụ 18:9-10) và Ngài sẽ ở cùng ông trong cơn nguy hiểm (Ê-sai 43:1-3; Ma-thi-ơ 28:20), ông mắc bệnh và suýt chết. Nhưng điều này không phải là vô ích và cũng không phải là không có hy vọng, vì ông đã chịu khổ khi bước đi trên con đường của tình yêu thương.

Ông đã viết nhiều bài thơ trong cơn đau ốm, với những lời lẽ như thế này:

Bởi đức tin và hy vọng
Tôi từ giã mặt đất
An bình nơi nước Chúa
Vì tôi thuộc về Cha.

Sau đó, khi bệnh tình trở nặng, ông viết

Ngài không làm hại tôi bao giờ
Tôi không sợ mất mác
Chính nơi đây tôi nằm xuống
Bên dưới thập giá Ngài.

Niềm hy vọng của ông Zwingli nơi thiên đàng đã không làm ông chủ quan hay ích kỷ khi đối diện với bệnh tật và cái chết. Mà nó khiến ông trở nên can đảm, giải phóng bản thân ông khỏi sự sợ hãi để nhìn, để tìm và để thấy những nhu cầu của người khác. Biết được điều gì đang đe dọa mình, điều gì đang chờ đợi mình phía bên kia của sự chết, ông chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận nguy cơ lớn là bản thân mình có thể sẽ mắc bệnh, để chăm sóc cho những người đang chịu khổ, đặc biệt là những người được định phải chịu đau khổ đời đời.

Nguyện điều này cũng trở nên chân thật đối với chúng ta, là Cơ-đốc nhân, chúng ta tiếp cận chứ không chạy trốn những người lân cận đang cần sự giúp đỡ; khi Hội-thánh mở rộng vòng tay và những cánh cửa bệnh viện trở nên quá tải; khi chúng ta chấp nhận những sự rủi ro đúng đắn, khi đã đúng thời điểm hãy lắp đầy thành phố của chúng ta, nơi đang chìm trong sợ hãi bằng danh Giê-xu.

Bây giờ là thời điểm

Phúc Âm luôn bị quên lãng trong thời kỳ bình an. Bởi ‘có gì để sợ đâu?’ Nhưng trong cơn đại dịch thì khác. Khi dịch tả bùng phát ở Luân Đôn, Charles Spurgeon đã nhân danh Đấng Christ cảnh tỉnh mọi người.

Bây giờ là thời điểm cho những ai yêu mến linh hồn hơn thân thể. Bạn có thể nhận thấy con người đang hoảng loạn hơn bao giờ hết; và nếu họ như vậy, thì bạn phải tận dụng cơ hội này để làm điều gì đó cho họ. Cơ-đốc nhân có trong tay nhũ hương của Ga-la-át; hãy xức vào những tấm lòng đang bị tổn thương. Bạn biết về Đấng đã chết để mang đến sự cứu rỗi; hãy nói với họ về Ngài. Hãy giơ cao thập tự giá trước mắt họ. Nói với họ về Đấng đã tự trở nên con người để con người được kéo lại gần Đức Chúa Trời. Hãy kể cho họ nghe về đồi Gô-gô-tha, cùng với sự khổ nạn, tiếng than khóc và mồ hôi đổ xuống như máu. Nói rằng Chúa Giê-xu đã bị treo lên cây thập tự để giải cứu tội nhân. Hãy nói cho họ biết rằng — “Hễ ai nhìn vào Đấng chịu đóng đinh đó thì có được sự sống.”

Nói với họ rằng Ngài có thể cứu tất cả những ai quay trở về cùng Đức Chúa Cha nếu người đó chịu tin vào Ngài. Nói rằng Ngài có khả năng cứu họ vào chính giây phút cuối cùng của cuộc đời họ, giống như khi Ngài nói với tên trộm đang hấp hối rằng “hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Ba-ra-đi.

Chúa đã sắm sẵn những việc lành cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10). Ngài cũng chuẩn bị chúng ta cho những thời điểm như thế này. Ngài có kế hoạch để bày tỏ sự giàu có khôn lường của sự nhân từ Ngài thông qua những việc làm đơn giản xuất phát từ lòng can đảm của con dân Chúa trong một thế giới đang bị tê liêt và gần như bị nuốt chửng bởi nỗi sợ hãi. Lạy Chúa, trong danh Chúa Giê-xu, xin hãy sử dụng Hội-thánh của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Ngài vì chúng con được Ngài gọi là con cái của Ngài, chúng con có niềm vui vượt qua những nỗi sợ hãi, trong đó có sợ chết. Xin nhắc nhở chúng con không vì sợ chết mà bỏ mặc những linh hồn đang cầu cứu. Vì chúng con là “việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-xu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng con làm theo”.

Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like