Home Chuyên Đề Ru-tơ và Na-ô-mi: Câu Chuyện Cho Thời Đại Chúng Ta

Ru-tơ và Na-ô-mi: Câu Chuyện Cho Thời Đại Chúng Ta

by Oneforisrael.org
30 đọc

Khi đọc sách Ru-tơ gần đây, tôi nhận ra rằng cảnh mở đầu là một phép ẩn dụ thích hợp cho tình huống của chúng ta ngày nay với tư cách là những người tin Chúa. Đặc biệt là khi bạn lưu ý đến tên của các nhân vật chính trong tiếng Do Thái.

Xin đừng ép con lìa bỏ mẹ hoặc quay trở về!
Mẹ đi đâu con sẽ đi theo đó; Mẹ ở nơi nào con sẽ ở nơi đó.
Dân tộc của mẹ là dân tộc của con; Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con.
Mẹ chết nơi nào, con cũng muốn chết và được chôn nơi đó.
Trừ cái chết ra, nếu vì lý do nào khác khiến con lìa bỏ mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa trên con!” (Ru-tơ 1:16-17)

Hình ảnh Ru-tơ bám lấy Na-ô-mi không chịu rời có rất nhiều điều để các hội thánh ngày nay phải suy ngẫm khi đang trong thời điểm mà có nhiều người bị cám dỗ và kéo lại phía sau bởi cái gọi là “thời thế đưa đẩy.” Dưới đây là những suy nghĩ của tôi.

Thời điểm để ra quyết định

Giống như cát hay dời đổi, và thế gian thì hay đổi trắng thay đen, đổi xấu thành tốt… là người theo Chúa Giê-xu, chúng ta có thể dại dột mà nghĩ rằng mình đủ khôn ngoan để không bị xỏ mũi dắt đi như thế. Con người chúng ta luôn nghĩ rằng bản thân mình biết chuyện gì đang diễn ra, và thường khư khư giữ lấy chính kiến của mình. Nhưng Kinh Thánh cảnh báo hết lần này đến lần khác về một sự lừa dối lớn, cùng sự lầm lạc, và một đám người bỏ đạo. Điều này chỉ có thể xảy ra khi người ta bị lừa dối, và họ bị lừa bởi trúng kế kẻ gian. Họ bị dẫn dụ để tin một điều gì đó là tốt trong khi nó không được như vậy. Chúng ta cho rằng mình có thể nhận ra được sự khác biệt, nhưng trừ khi chúng ta có một sự đánh giá đúng về những hạn chế của mình, chúng ta cũng sẽ gặp nguy hiểm. Vì tính tự cao đi trước sự sa ngã. Chúng ta cần phải khiêm tốn thừa nhận rằng tâm trí và tấm lòng của con người chúng ta có thể làm mồi cho sự lừa dối.

Vậy ai có thể đứng vững? Vì trái tim và khối óc của chúng ta đều có thể mắc sai lầm. Trong bối cảnh của thời kỳ sau rốt vô luật pháp và lầm lạc này, Phao-lô cho chúng ta một cột buồm vững chắc để bám vào – yếu tố quyết định chúng ta sẽ bị hư mất hay được cứu chính là: Yêu thích lẽ thật.

Vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi.” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:10)

Điều đó có nghĩa là, những người không yêu thích lẽ thật bị hư mất, và ngược lại, những ai yêu thích lẽ thật sẽ được cứu.

Vậy sự yêu thích lẽ thật trông như thế nào?

Tại đây hình ảnh của Ru-tơ và Na-ô-mi hiện ra.

Na-ô-mi theo một cách nào đó đại diện cho dân sự và Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên – lẽ thật về Đức Chúa Trời và Lời của Ngài – ở giữa các dân. Nếu Na-ô-mi là đại diện cho dân sự và Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, thì Ru-tơ và Ọt-ba có thể được coi là đại diện cho các dân tộc được mời vào gia đình của những người Do Thái đó. Cả hai đều yêu thương Na-ô-mi, nhưng khi khó khăn ập đến và Na-ô-mi quyết định đã đến lúc phải quay trở lại Y-sơ-ra-ên, hai người phụ nữ này đã có phản ứng khác nhau. Cả hai cô đều yêu thương bà, ôm lấy bà, trân quý bà và hôn bà, nhưng Ru-tơ thì lại bám lấy và không chịu lìa bà.

Thật thú vị, những cái tên trong Kinh Thánh (bằng tiếng Do Thái) thường có ý nghĩa rất quan trọng.

Từ gốc trong tên Ọt-ba đề cập đến phần gáy, hoặc lưng. Đó là từ mà Đức Chúa Trời thường sử dụng khi miêu tả Y-sơ-ra-ên là một dân cứng cổ, quay lưng lại với Đức Chúa Trời hay bội đạo. Tên của Ọt-ba có một chữ cái thêm vào ở cuối, ‘ah’, mà trong tiếng Do Thái nếu gắn với một từ khác thường được cùng để chỉ hướng đi. Ví dụ từ “smol” có nghĩa là “bên trái”, và khi thêm ‘ah’ vào sẽ thành “smolah” có nghĩa là  “về bên trái”, nhà là “beit”, và nếu bạn muốn nói bạn đang về nhà thì sẽ là tôi đanghabeitah”. Mặc dù tên Ọt-ba có nghĩa là linh dương, cũng có thể trông giống như, tôi sẽ “từ bỏ”; sẽ “quay đầu”.

Ru-tơ, mặt khác, có nghĩa là tình bạn hữu, từ chữ bạn đồng hành. Trong câu chuyện và dụ ngôn dành cho chúng ta ngày nay, Ru-tơ đại diện cho sự tin cậy, lòng trung thành – và quan trọng hơn tất cả – là mối quan hệ.

Na-ô-mi có nghĩa là “sự ta đẹp ý” (hay “điều ta ưa thích”).

Bạn nghĩ sao về Kinh Thánh?

Bởi vì có rất nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay tuyên bố là họ yêu Chúa Giê-xu, nhưng khi lời của Chúa đi ngược lại với sự khôn ngoan của thế gian, họ cuối cùng cũng phân rẽ.

Những người khác thì bám chặt vào lời Chúa như thể đó là sự sống của họ.

Trớ trêu thay, việc người Do Thái hồi hương đã được nói tiên tri rất nhiều lần trong Kinh Thánh lại là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay. Còn người Palestine thì sao? Điều đó không thể nào đúng được? Chắc chắn Nhà-nước Israel không phải là công việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ là việc làm của con người? Và rồi đã có rất nhiều người diễn giải lại những lời tiên tri đó theo một nghĩa khác, thay vì sự phục hồi của dân Chúa trong xứ theo như lời Ngài đã hứa. Khi làm như vậy, họ bỏ lỡ rất nhiều lời hứa và thông tin tuyệt vời trong Kinh Thánh mà đáng lẽ ra chúng ta nên để tâm đến khi nhìn xem và chờ đợi sự trở lại của Chúa Giê-xu. (Nhân đây tôi muốn nói thêm rằng, Đức Chúa Trời chắc chắn không quên người Palestine (Ê-xê-chi-ên 47:22-23), ngay cả khi Ngài tiếp tục thực hiện lời hứa với Y-sơ-ra-ên. Nếu bạn biết Ngài, bạn sẽ biết mình có thể tin tưởng rằng Ngài sẽ làm tốt mọi sự và rằng Ngài là Đấng công bằng.)

Tương tự như vậy, Kinh thánh có những tiêu chuẩn khắc khe về các vấn đề giới tính và tình dục, sự thật kinh hoàng về địa ngục và Chúa Giê-xu là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi…tất cả những điều này có vẻ rất… khó chấp nhận. Đặc biệt là nếu bất kỳ vấn đề nào trong số này động chạm đến cá nhân bạn, hoặc người mà bạn yêu. Thế gian đòi hỏi Kinh Thánh phải được cập nhật và chỉnh sửa cho bớt chướng tai để phù hợp với thời đại của chúng ta, và đáng buồn thay, có những Cơ-đốc nhân đồng ý với điều này. Giống như Ọt-ba, họ quá yêu thích cuộc sống và văn hóa mà họ biết để có thể từ bỏ tất cả mà đi theo đường lối của Chúa và dân sự Ngài. Họ sẽ không bất chấp tất cả chỉ để nắm giữ đức tin mà đi theo Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, bởi vì họ không biết Chúa đủ rõ để tin rằng Ngài biết những gì Ngài đang làm, và rằng Ngài luôn đúng trong những gì Ngài phán. Mọi thứ có vẻ như đang trở nên đáng báo động và gây bối rối cho Chúa, sau tất cả những gì Ngài đã làm cho họ. Thay vào đó họ chọn dựa vào sự hiểu biết của mình. Họ điều chỉnh Kinh Thánh để nó nói những gì họ muốn, thay vì xem lời của Đức Chúa Trời là niềm vui của họ.

Bám chặt lấy!

Nhưng Ru-tơ đã được gắn kết với gia đình Do Thái yêu dấu của mình thông qua mối quan hệ sâu sắc. Cô quyết định sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để ở bên Na-ô-mi và xem cuộc sống của bà cũng như của mình. Rủi ro ở đây là rất lớn và còn nhiều điều chưa biết đang chờ đợi ở phía trước, nhưng cũng giống như bà Ma-ri người được Chúa Giê-xu công nhận là bạn hữu của Ngài, Ru-tơ đã chọn phần tốt nhất. Ý cô đã quyết, bởi vì cô biết mình đang theo ai.

Sự lừa dối rất tinh vi và dễ gây nhầm lẫn, nhưng chúng ta có thể đến với Chúa và xin Ngài cho sự khôn ngoan và sáng suốt bất cứ khi nào chúng ta cần. Đôi khi, đó là một hành trình mà Chúa cho phép để chúng ta có thể hiểu được tấm lòng của Ngài về một vấn đề nào đó, nhưng Ngài hứa rằng những ai tìm kiếm cách siêng năng sẽ tìm thấy. Trong khi chờ đợi, hãy ở yên đó và tin tưởng rằng Ngài biết mình đang đi đâu!

Dưới đây là một số minh họa khác trong Kinh Thánh về những con người bám lấy Chúa vì mục đích sống còn: Môi-se không dám đi mà không có Chúa đi cùng (Xuất 33:15) và Gia-cốp không để cho thiên sứ của Đức Chúa Trời đi cho đến khi ông được ban phước (Sáng-thế 32:26). Trong Nhã-ca, nàng dâu (đại diện cho chúng ta, người yêu dấu của Chúa) níu lấy chú rể của mình. Giống như Ru-tơ, Su-la-mít không chịu buông:

Tôi đã gặp người mà lòng tôi yêu mến. Tôi ôm chặt lấy chàng, không chịu buông ra.(Nhã-ca 3:4)

Đừng như Ọt-ba – hãy giống như Ru-tơ!

Giữ chặt nhé, bạn của tôi, và đừng buông tay. Con đường đang dần trở nên gập ghềnh khó đi, nhưng có một tương lai tuyệt vời để hướng tới.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like