Là thầy tế lễ, chúng ta đại diện cho gia đình mình trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng với vai trò là một tiên tri, chúng ta đại diện cho Đức Chúa Trời với gia đình mình. Trở thành nhà tiên tri không chỉ đơn thuần được xác nhận bởi những điều chúng ta nói ra, nhưng là cách chúng ta thực hiện vai trò nhà tiên tri trong gia đình.
Hình Mẫu
1. Tấm Lòng Người Cha của Đức Chúa Trời
Châm Ngôn 22:6– “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.”
“Dạy” – trong ngôn ngữ nguyên bản thì từ này có nghĩa là “khiến cho trở nên ngon miệng hay hấp dẫn”. Nghĩa là với vai trò cha mẹ, chúng ta nên biến Đức Chúa Trởi trở thành món ăn hấp dẫn với con trẻ để khi chúng lớn lên cũng không hề kìa khỏi đó. Noi theo gương cha mẹ, con trẻ sẽ luôn giữ được lòng khao khát và tìm được niềm vui trong Chúa.
Tít 2:9-10 –“ Hãy khuyên nhủ những tôi tớ phải vâng phục chủ mình, phải làm đẹp lòng chủ trong mọi việc, chớ cãi trả, chớ ăn cắp vật chi, nhưng phải hằng tỏ lòng trung thành trọn vẹn, để làm cho tôn quí đạo Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta trong mọi đường.”
Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Phao lô kêu gọi Tít khích lệ những tôi tớ vâng phục chủ…tỏ lòng trung thành cách trọn vẹn, để qua đời sống ấy, người đầy tớ khiến cho sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời thu hút người chủ: Trên cơ sở đó, là cha mẹ, chúng ta nên khiến Chúa trở nên hấp dẫn hơn nữa với con trẻ qua đời sống của chúng ta.
Bởi hình ảnh của người cha trên đất bị sai chệch mà nhiều người có cái nhìn sai lệch về Đức Chúa Trời. Là người cha, chúng ta có xu hướng bóp méo hình ảnh của Chúa tới gia đình mình (Bởi con cái nhận định Đức Chúa Trời là ‘Cha’, chúng cũng gọi chúng ta là ‘Cha’). Nếu người cha luôn yêu thương và có trách nhiệm, con trẻ sẽ dễ dàng hình dung một Đức Chúa Trời yêu thương, chu đáo và thành tín. Tuy nhiên, nếu người cha hay chỉ trích, ngược đãi, lơ là hay tỏ ra thiếu trách nhiệm, con trẻ sẽ trưởng thành trong cái nhìn tiêu cực về Chúa bởi chúng ta chồng chéo mối quan hệ giữa chúng ta với người cha trần gian và Cha ở Thiên Đàng lên nhau.
Tình yêu của con người được phân thành bốn loại:
Tình yêu ‘Storge’- Là tình yêu thương trong gia đình, tình cảm trìu mến giữa các thành viên với nhau. Có một loại tình cảm đặc biệt giữa các thành viên trong gia đình còn mạnh mẽ hơn cả tình cảm mà chúng ta dành cho bạn bè.
Tình yêu ‘Phileo’- Tình thương mến giữa bạn bè. Là tình cảm mà ta dành cho anh chị em trong Đấng Christ. Tình yêu ‘phileo’ cũng đã tồn tại giữa Giô-na-than và Đa-vít trong Kinh Thánh. (I Sa-mu-ên 18:1; II Sa-mu-ên 1:26)
Tình yêu ‘Eros’- Tình yêu về mặt thể xác hay sự thu hút về giới tính giữa người nam và người nữ. Tình yêu này khiến cho người ta dễ bị lầm lạc bởi ma quỉ. Tuy nhiên, bản chất của tình yêu này không phải là xấu.
Tình yêu ‘Agape’- Tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời. Tình thương này tuôn đổ vào lòng chúng ta (Rô-ma 5:5) để chúng ta cũng yêu Chúa và những người khác nữa. Nếu được tăng trưởng cách lành mạnh, tình yêu này sẽ không những vươn tới những người thân của ta, mà còn là chạm tới kẻ thù nghịch của chúng ta.
Không may thay, nhiều người vẫn phải chịu đau khổ và phải đương đầu với nỗi đau và nhận lấy sự chối bỏ trong tình yêu thương của Cha, bởi sự thất bại từ trong chính tình yêu gia đình. Chính vì vậy mà chúng ta trưởng thành cùng với những ý tưởng tiêu cực về Tấm Lòng Người Cha của Đức Chúa Trời. Chúa yêu tất cả chúng ta như nhau, nhưng bởi vì trải nghiệm tiêu cực của chúng ta mà không phải ai cũng được bao phủ bởi tình yêu của Chúa như nhau. Chúng ta thường đấu tranh và cảm thấy khó có thể yên nghỉ trong tình yêu thương của Ngài, vốn là nền tảng của đức tin.
Thực chất, nhiều người trưởng thành bị ảnh hưởng bởi những thói quen tiêu cực dẫn tới các vấn đề cơ bản khiến cho tình yêu thương trong gia đình trở nên không lành mạnh. Nhiều người chìm đắm trong các thói hư (đồi bại, rượu chè, chất gây nghiện, cờ bạc, ham mê công việc,…) để chạy trốn hay làm dịu đi những nỗi đau trong khi họ thật sự khao khát một tình yêu thật.
Tình yêu của người mẹ thường được miêu tả là hy sinh, đẹp đẽ không thể thay thế, nhưng chỉ tình yêu thương của người mẹ thì vẫn không đủ. Vẫn tồn tại sự khác biệt giữa tình cảm của người mẹ với con cái và tình cảm của người cha với con cái. Tình yêu thương của người cha mang lại một cảm giác mạnh mẽ, an ninh, quan trọng và quý giá. Và khi tình cảm đó bị thiếu mất trong cuộc sống của một đứa trẻ, điều đó gây ra một vết thương sâu trong lòng – khiến cho đứa trẻ cảm thấy bản thân không quan trọng, không ai muốn mình. Một cuộc khảo sát giữa những người trẻ tuổi trưởng thành cho thấy những người gần gũi với cha mình, xét về tổng thể, vui vẻ và hài lòng về cuộc sống của mình hơn bất kể cảm xúc của họ với người mẹ là như thế nào.
Sự kêu gọi đầu tiên trong việc Nuôi Nấng Con Cái- Được truyền cảm hứng để bước đi trong mạng lệnh đầu tiên!
Trong Phúc Âm, khi người Pha-ri-si hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa thầy, trong luật pháp, điều nào là lớn hơn hết? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.”– Ma-thi-ơ 22:36-37
Nếu yêu Chúa là mạng lệnh lớn nhất với các môn đồ của Đấng Christ, vậy với bậc cha mẹ, lời kêu gọi lớn nhất của chúng ta chính là truyền cảm hứng để con trẻ yêu Chúa qua đời sống chúng ta. Chức vụ môn đồ bắt đầu từ trong nhà của mình!
Điều đáng suy ngẫm:
Hỡi những người cha, chúng ta có đang khắc họa chân dung của Đức Chúa Trời qua đời sống chúng ta cho con trẻ hay không? Chân dung ấy được khắc họa ra sao?
Chúa ban phước cho bạn!
(Còn nữa)
H.U dịch
Tác giả: Adrian Chua
Ảnh: linkedin.com
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com