Home Tôi Viết Tôi Ơi! Đừng Vô Tâm

Tôi Ơi! Đừng Vô Tâm

by Thanh Tân
30 đọc

[poll id=”8″]

Trên chiếc xe buýt tôi đi hôm nay, một cô gái trẻ đang giãy dụa và lên từng cơn co giật với “phong đòn gánh”. Chưa bao giờ nhìn thấy cảnh này, tôi và đám bạn chẳng biết phản ứng ra sao, chỉ biết cảm xúc trong mỗi đứa đang rất sợ. Từ chiếc ghế của mình, cơn kinh phong đã khiến cô ấy giật tuột xuống sàn xe buýt, sùi bọt mép rồi lại nằm thẳng ra trên nền vương đầy bụi bẩn. Trong trạng thái đó, tay chân tôi cứng lại vì không biết phải làm gì. Kịp định hình, tôi gọi í ới vọng lên nhờ người xung quanh giúp đỡ. Từng ánh mắt nhìn nhau và đáp lại bằng cái nhìn thờ ơ. Hai ông bà ngoài 50 ngồi đối diện nhau cười cười nói nói rồi đi đến ghế khác ngồi vì sợ phiền đến mình. Ba bốn anh thanh niên ngồi gần đó bĩu môi, tỏ vẻ e hèm, chán chường như cảnh đó diễn ra hằng ngày rồi cũng phớt lờ. Tôi nói với chú xé vé xe buýt “Chú ơi, phải làm sao chú, làm gì đó đi chứ….?”. Chú ấy đáp lại bằng giọng thản nhiên “Thì bã nói tới bến xe miền đông bã xuống, mấy đứa bây lại đỡ bã lên đi”. Nói rồi chú ấy đứng trơ ra đấy – cách cô gái đó chừng mấy bước chân. Cả đoàn người trên xe thay nhau lũ lượt nhìn về phía cô gái đang sôi lên từng cơn co giật, mà không ai buồn giúp đỡ… Chú tài xế thì thản nhiên phóng xe về phía trước để mặt mọi việc đang diễn ra.

Mấy phút sau, có một người đàn bà tốt bụng đi từ băng ghế đầu xuống giúp đỡ, bà ấy dùng 2 tay mình ghì chặt 2 chân cô gái. Chúng tôi cùng một bạn sinh viên nữa, thảy là 4 người, xúm lại đỡ cô ấy lên trước những ánh mắt ngó lơ của đoàn người trên xe.

Sau khi ngồi được lên xe, chúng tôi thay phiên nhau hỏi cô ấy muốn xuống đâu để phụ dìu xuống. Như người bước ra trong cơn say chưa tỉnh, cô ấy bất thần với ánh mắt mệt mỏi chẳng buồn trả lời. Chúng tôi để cô ấy ngồi yên rồi quay về chỗ của mình, chốc chốc tôi lại nhìn sang cô ấy như thăm dò, như muốn buông một vài câu hỏi chuyện, hỏi về tình trạng hiện giờ của cô ấy.

Gần đây, trên xe buýt cũng có rất nhiều vấn đề phải nói đến. Báo chí cũng rộ tin “bọn vừa ăn cướp vừa la làng vạ lây nữ sinh”, đại khái là bọn ăn cướp tự nhận là chồng của bất kỳ một bạn nữ sinh nào mà chúng thấy ưng ý, rồi lên tiếng cãi lẫy, có ý đánh đập, bảo tài xế dừng xe để hắn dẫn nữ sinh ấy về nhà “dạy”vì bảo với mọi người rằng “con này đi theo trai”. Mặc cho bạn nữ có khóc lóc, kêu van sự cứu giúp của mọi người, còn minh chứng với bác tài xế bằng thẻ sinh viên nhưng bác tài xế vẫn đuổi bạn ấy và tên côn đồ kia xuống xe để khỏi phiền phức. Và không ai giúp đỡ bạn gái tội nghiệp trước sự đe dọa của kẻ xấu.

Những sự việc có tính chất tương tự diễn ra thường xuyên trong xã hội chúng ta đang sống. Tôi tự hỏi: “Phải chăng con người thời nay quá vô tâm hay tại vì nạn lừa đảo nhiều quá khiến lòng người chai sạn? Hoặc người ta sợ phiền phức đến mình nên thờ ơ?”.

Sau sự việc ấy, tôi về nhà cầu nguyện với Chúa. Tôi có những băn khoăn trong lòng không biết là một Cơ Đốc Nhân thì phải cư xử như thế nào trước những sự việc ấy.

Tôi tin rằng, tình yêu thương luôn ngự trị trong tấm lòng của mỗi người. Không người nào là không đau buồn trước thảm cảnh 6 người trong gia đình ở Bình Phước bị sát hại bởi 2 thanh niên trẻ. Không người nào là không thương xót những đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ sớm vì tai nạn giao thông. Tình yêu thương luôn trỗi dậy trong mỗi người trước những sự việc mà họ nghe, họ chứng kiến. Tuy nhiên, cách phản ứng của mỗi người có khác nhau, người thì chỉ nghe chỉ thấy và chỉ dừng lại ở cảm xúc, nhưng có người còn tiến xa hơn bằng hành động giúp đỡ.

Có điều đáng buồn là, tình thương đó trong mỗi người dần bị khóa chặt hơn bởi thực trạng xã hội đầy rẫy những người lừa đảo, cướp giật và cưu mang điều ác. Dưới góc độ người chứng kiến, tôi không dám lên án những người “ngồi yên” trên xe buýt trước những tình huống cần giúp đỡ vì họ cũng có lý do của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng, mỗi người đều có một trái tim, một tình thương chan chứa để yêu mình, yêu người thân mình và thương hại người khác. Huống chi là con cái Chúa, được học biết về tình thương yêu của Chúa thì thái độ và cách cư xử của chúng ta phải khác hơn, đúng không? Không có một giải pháp nào triệt để trong bài viết này vì tính chất trong mỗi sự việc là khác nhau nhưng tôi nghĩ mình cư xử như thế nào để không hổ thẹn với Chúa, để làm chính người khác phải hổ thẹn với cách cư xử của mình là được. Tôi nghĩ thế, còn bạn – một “xê đê en” (Cơ đốc nhân), bạn nghĩ và hành động như thế nào?

Bình Luận:

You may also like