Home Tôi Viết Dòng Sông – Giòng Đời!

Dòng Sông – Giòng Đời!

by Hồ Galilê
30 đọc

Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng trong thơ tình, riêng về bài Cảm Xúc có viết:

“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây

Hay chia xẻ bởi trăm tình yêu mến!”.

Không biết tôi có bị ảnh hưởng thơ Xuân Diệu chi phối hay không, vì những năm thập niên 83 của thế kỷ trước, mình có được học khóa đào tạo Biên Tập viên được Nhà thơ Xuân Diệu trực tiếp giảng dạy. Chắc cũng có phần nào thôi, chứ ngay từ khi nhỏ mình đã biết làm thơ rồi.

Cuộc đời mình là những năm tháng vất vả mưu sinh, những năm tháng đời lính sống chết trên chiến trường lửa đạn ở Campuchia, dòng sông Mê-Kông của xứ Chùa Tháp lại gắn liền với đời mình suốt thời gian binh ngũ. Có lần cùng đồng đội bơi xuồng độc mộc của người dân bản xứ Khơ-me, đi ngược dòng sông Mê-Kông, nhìn giòng nước trong xanh thật thỏa thích. Mắt tôi nhìn sắc xanh của màu nước: xanh da trời trên cao, xanh ve chai dưới đáy, tôi mơ màng nhớ đến những chuyến đò ngang trên quê tôi mỗi mùa qua Cồn thu hoạch bẻ bắp hái dưa, màu xanh áo ai đang phất phơ trước mũi thuyền. Đặc biệt nhìn màu xanh ngút ngàn của những nương dâu, tôi chợt nhớ những câu thơ trong Chinh phụ:

“Càng trông lại mà càng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai!”

Chinh phụ ngâm.

Những năm tháng đời lính phục vụ khi là Sĩ Quan Quân Đội, Đảng viên Cộng Sản. Có thể đời là màu hồng, khi ta được có những chế độ đãi ngộ, chúng ta cũng có một chỗ đứng trong Xã hội… Nhưng rồi niềm tin kính dẫn đưa ta đến gần Chúa hơn, mặc dù ta phải trả giá rất đắt.

Bước ngoặt cuộc đời có nhiều lối rẽ, bắt buộc người ta phải quyết định lựa chọn.

Có cái rất gần tựa như một chiếc bóng của ta trên tường.

Có cái xa hun hút ngoài tầm tay với của mỗi người.

Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông Vu Gia!

Cuộc đời tôi ngoằn nghoèo như một một khúc quanh của dòng sông, và giòng đời của tôi cũng lắm đa đoan khó hiểu!

Cuộc đời dạy ta chứng quyết và trải nghiệm như một dòng sông uốn khúc.

Có khúc êm đềm tha thướt như cô gái tóc xõa nhẹ bước chiều thu.

Có khúc thét gầm cuộn sóng như giông bão cuồng phong kinh hãi.

Sông nước ngày đêm vẫn lặng lẽ trôi đi biền biệt…

Nhưng tình yêu Chúa thì mãi mãi vẫn hiện hữu trong ta mỗi ngày

“Dòng sông – Giòng đời”… như một khúc thương, như một tùy bút kỷ niệm để ta nhớ về miền ký ức xa xăm thủa nào!…

Những năm tháng phần lớn của đời mình là làm Nhân sự tình nguyện, ra đi truyền giáo và cũng đem về cho Chúa nhiều linh hồn tội nhân.

Cuộc đời theo Chúa với những phong trần, mất mát và đau thương, bị người ta vu oan, giáng họa tù tội khôn lường, rồi bị giam cầm cùm kẹp trong ngục thất oan nghiệt. Xã hội đương thời lắm nỗi nhiêu khê, vàng thau lẫn lộn, thói đời xưa nay vẫn thế, vẫn cười ra nước mắt. Ta vể với Chúa để được yên nghỉ, nhưng đường thập tự vẫn còn đang tiếp diễn trên Thiên lộ lịch trình. Sự chia rẽ bè phái trù dập từ trong Hội Thánh vẫn đang hiện hữu. Khi ta hầu việc Chúa với tư cách một Thư Ký khiêm nhường, nhưng kết quả Chúa cho lại lớn lao, Hội Thánh phát triển mạnh mẽ, nhiều người được cứu, Phúc-âm được giảng ra thì Sa-tan lồng lộng tiếp tục đánh phá quyết liệt trong những ngày cuối rốt…

Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài luôn nâng bước cho ta sống trong niềm vui, niềm kiêu hãnh tuyệt vời. Ngài thấy từ nơi sâu thẳm trong lòng ta, đó là tình yêu dành cho Chúa những lời tốt đẹp nhất, tán mỹ Chúa qua những trang viết trên các Website Tin Lành, Chúa thêm cho ta nhiều năm làm Cộng Tác viên Văn Phẩm mục Văn – Thơ hoithanh.com, từ đó vùng trời thơ văn có nhiều cơ hội có mặt trên Văn thi đàn Cơ-đốc. Bàng bạc đó đây trên các Tạp chí Tin Lành ngoại quốc, có còn nào hạnh phúc hơn, vinh dự hơn, lãng mạn và thi vị hơn, khi cuộc đời thật sự có ý nghĩa, vì Chúa là Đấng thành tín và công bình. Chúa làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời ta, dù ta chỉ sống những ngày ngắn ngủi trên đất. Chúa thương ta không phải vì ta tài năng nổi trội quí giá hơn người, nhưng Chúa thương vì ta hèn mọn, Chúa chọn ta bởi ân điển và lòng thương xót từ bi rất lớn của Ngài. “Mỗi buổi sáng Chúa thương một cách mới hơn”.Ca-thương 3:23

Mình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, bất cứ chỗ nào, nơi nào có màu xanh của cây cối là mình thích ngay. Quê hương mình còn nhiều trăn trở, như bài thơ “Đất nước” của tác giả Tạ Hữu Yên:

“Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca giao”…

Mình không thích sống nơi thành phố, phồn hoa đô thị, có lẽ mình giống tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”.

Mình chỉ thích cuộc sống giản đơn như nhà thơ Nguyễn Bính chân quê:

“Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”…

Mình yêu những khu rừng hùng vĩ xanh ngát, quê mình có đỉnh núi cao chót vót 1.062 mét so với mặt biển, dưới chân nó có đồi sim ba cụm liên hoàn bằng phẳng, eo gió Yên Ngựa có dáng hình lưng một chú ngựa, gió thổi mát rượi như cảnh một thiên đường và những đồi dầu chuỗi điệp trùng, sóng gió đưa hương mùi dầu thơm ngát nồng nàn. Cao điểm này là chiến tích sừng sững mà thiên nhiên còn ưu đãi, nơi xảy ra những trận đánh lớn dằng co của hai lực lượng tinh nhuệ Sài Gòn và Bắc Việt suốt mùa hè 1974. Sức mạnh quân sự đổ dồn vào đây, hai chiến tuyến tập trung sử dụng phương tiện và vũ khí hiện đại nhất thời chiến tranh lúc bấy giờ. Hỏa châu từ những chiếc máy bay trinh thám L19 thả lơ lửng trên bầu trời thắp sáng suốt đêm, nhiều làn đạn đan xen thành một lưới lửa cả ngày lẫn đêm…

Mình yêu những con sóng bạc đầu của biển cả, những cánh hải âu chao nghiêng qua rặng thùy dương cát trắng. Những con diều no gió, những dòng sông và những cánh đồng. Những cánh hoa dại ven đường sương đêm còn đọng hạt, mùi hương của cỏ, lau lách nơi hoang sơ. Những tiếng chim kêu khi bình minh ló dạng, những mảng màu nhạt nắng khi hoàng hôn giăng bủa, tiếng quốc gọi bầy ai oán non sông…

Hai mươi năm về trước, nhà mình ở Lam Phụng, Đại Đồng, nhà mình cách con sông Vu Gia khoảng hai trăm mét. Vậy là, trưa, chiều đều dắt hai đứa con nhỏ khoảng dưới mười tuổi đi tắm sông. Có khi mình cào hến, và các con nô đùa chờ ba cất mẻ, để chúng nó nhặt bỏ vào thùng thật thú vị. Cứ mỗi lần đi tắm sông mình cứ nhớ đến Tường Linh một thi nhân hiện đại là một người con đất Quảng đã viết về dòng sông đáng yêu của quê hương mình bằng mấy câu thơ nằm lòng:

“Trả lại dòng sông trả lại cho anh

Từ vết bàn chân trên cát vàng tuổi thơ

Ai có vẽ bên bờ sông đó

Đếm giùm tôi bao bến nước vắng con thuyền

Còn sót đọt tre nào chấm mặt thủy triều lên

Mấy độ trăng tròn trăng khuyết

Dòng sông trôi, dòng sông trôi biền biệt

Giòng nhớ thương chảy mãi qua hồn.”

Bây giờ mình về ở nơi mới cũng gần hai mươi năm rồi. Mình nhớ con sông Vu Gia lắm, thế nên mình cũng quyết tâm đi đến nơi bến sông này. Sông Vu Gia bây giờ xa nhà mình cũng khoảng hơn một cây số… Con đường ra sông cũng lắm ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng những bụi gai lê dương cành oằn ra cào vào cánh tay mình cảm thấy khó chịu và sợ hãi. Vậy, có gì hấp dẫn nơi đây, có gì làm vương vấn hồn thi sĩ? Phải chăng, ấy là chúng thấp thoáng hai bên vệ đường hoa cỏ dại mọc chen chúc, cánh mỏng li ti, màu sắc lung linh, đong đưa trong gió. Cái đẹp hoang sơ nhưng thanh tao ấy, hòa quyện với những phiến cỏ xanh rờn, tạo nên một gam màu thiên nhiên tuyệt diệu. Một bức tranh thủy mạc được thâu vào ống kính thì còn gì bằng…

Vốn tính lãng mạn, yêu văn thơ, yêu sông nước, mình lại được tắm mình trên con sông đó những buổi chiều quê tháng hạ.

Cảm tạ ơn Chúa!

Ngài cho chúng ta có một thời kỷ niệm, nó như một con sông quá vãng cứ chảy mãi trong lòng ta, dù cho thời có gian phôi pha, dù cho tháng năm có lặng lẽ trôi đi như sông nước biền biệt… Có thể, cũng có lúc ta nhạt lòng, hờ hững… từ đâu cứ chắn, cứ xô, cứ lấp không cho ta được nối dòng với hiện tại, nên mình muốn viết nó thành một Tùy bút: “Dòng sông – Giòng đời” đầy đa đoan trắc ẩn của đời mình dâng lên cho Ngài, như một thức hương nực mùi thơm, và duy một niềm tin yêu, cậy trông và tín thác vào Chúa, Đấng làm làm nên kịch bản tuyệt vời và đạo diễn đời mình theo ý tốt lành của Thiên Chúa!

Thay lời muốn nói!
Hồ Galilê – Thu 2021

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like