Gia nhập băng đảng tội phạm và buôn bán ma túy từ năm 13 tuổi ở Cabramatta, sau 8 năm chìm ngập trong cuộc sống tuyệt vọng, vào tù ra khám, nghiện ngập ma túy và mất mát bạn bè, hiện Tony Hoàng là mục sư, diễn giả và tư vấn viên về vấn đề ma túy. Anh có hơn 10 năm làm việc cùng những người trẻ lầm đường lạc lối và dành trọn cuộc đời mình để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình khi xưa.
Vùng Cabramatta, Sydney, những năm 1980 và 1990 đã chứng kiến sự xuất hiện của các băng nhóm đường phố và đại dịch ma túy.
Tony Hoàng là con trai duy nhất trong một gia đình người Việt tị nạn đông con và lớn lên trong nghèo khổ vào những năm 90. Như nhiều người tị nạn Việt Nam khác, niềm hy vọng của ba mẹ Tony về một mái ấm gia đình tại vùng đất mới đã bị đại dịch ma túy quét sạch.
Gia nhập băng đảng tội phạm và buôn bán, nghiệp ngập ma túy từ năm 13 tuổi ở Cabramatta, sau 8 năm chìm ngập trong cuộc sống tuyệt vọng, vào tù ra khám và mất mát bạn bè, hiện Tony Hoàng là mục sư, diễn giả và tư vấn viên về vấn đề ma túy. Anh có hơn 10 năm làm việc cùng những người trẻ lầm đường lạc lối và dành trọn cuộc đời mình để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình khi xưa.
Kim Anh: “Tony là con trai trong một gia đình Việt Nam tị nạn ở Úc, ba mẹ anh đã liều lĩnh đánh cược mạng sống của mình và hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Úc. Làm thế nào mà anh lại vướng vào băng đảng tội phạm và buôn bán ma túy?”
Tony Hoàng: “Có nhiều lý do để tôi đi vào con đường xấu lúc đó. Tôi sinh ra trong một gia đình lớn với nhiều chị em gái, tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Lúc đó, rất khó để ba mẹ tôi có thể theo dõi hết tất cả các con. Rồi ba mẹ tôi còn phải làm việc. Lớn lên ở Cabramatta vào thời điểm đó thì rất dễ dàng trượt ngã vào những con đường xấu, đặc biệt lúc đó tôi lại vừa bị đuổi học. Đó là khởi điểm của hàng loạt những quyết định sai lầm sau đó khiến tôi sa chân vào các băng đảng tội pham.
Tôi vẫn còn nhớ những ký ức khi ba đánh mẹ, lúc đó tôi còn rất nhỏ, thế nhưng tôi đã cảm thấy rất cuồng nộ. Vì còn nhỏ nên lúc đó tôi chẳng biết phải làm gì. Và sự giận dữ đó mãi theo tôi trong quá trình trưởng thành. Và để bảo vệ mẹ, tôi trở nên nóng nảy và chán ghét ba mình. Tâm trạng tôi trồi sụt khi tôi thấy ba đánh mẹ con tôi. Ở trường, tôi tham gia các nhóm đánh nhau và bị đuổi học. Rồi gia nhập băng đảng lúc 13 tuổi.
Tất cả những điều tôi làm khi đó chỉ với mong muốn chứng tỏ mình thuộc về một nơi nào đó.”
Kim Anh: “Thế ba mẹ Tony phản ứng thế nào khi đó?”
Tony Hoàng: “Tôi nghĩ là ba mẹ chẳng biết gì cả. Đến Úc, tất cả đều mới mẻ và ba mẹ phải học rất nhiều thứ – môi trường, ngôn ngữ, việc làm. Tôi chưa bao giờ nghe ba mẹ kể về cuộc sống của họ trước khi sang Úc, những gì họ đã phải trải qua để đến được nước Úc, vì khi đó tôi chỉ là một cậu bé con. Và khi lớn lên, chúng tôi cũng chưa bao giờ nói về chuyện đó. Tôi đã không nhận ra và cảm kích về sự lựa chọn của ba mẹ mình.
Một trong những nguyên nhân khiến tôi tham gia băng đảng có lẽ là do tôi thiếu sự kết nối với ba mình. Từ một đứa trẻ trở thành một chàng trai, tôi cần rất nhiều thông tin với sự giúp đỡ từ người cha, thế nhưng lúc đó tôi không được như vậy. Thế là tôi tìm kiếm xung quanh một hình mẫu cho mình và tham gia băng đảng, nơi có những người bạn tốt, những người chấp nhận tôi.”
“Một trong những nguyên nhân khiến tôi tham gia băng đảng có lẽ là do tôi thiếu sự kết nối với ba mình. Từ một đứa trẻ trở thành một chàng trai, tôi cần rất nhiều thông tin với sự giúp đỡ từ người cha, thế nhưng lúc đó tôi không được như vậy. Thế là tôi tìm kiếm xung quanh một hình mẫu cho mình và tham gia băng đảng, nơi có những người bạn tốt, những người chấp nhận tôi.”
Kim Anh: “Qua lời kể của Tony, Tony là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Vậy Tony có bao giờ tự hỏi mình rằng tại sao ba Tony lại xử sự như vậy không?”
Tony Hoàng: “Tôi tin rằng đó là do rượu. Tôi cũng từng nghĩ là do văn hóa Việt Nam nhưng sau đó tôi lại nghĩ rằng không đúng. Đàn ông không thể đánh phụ nữ. Sau đó, tôi cũng thấy bạn trai của các chị gái tôi đánh các chị ấy và tôi không thích điều đó một chút nào. Vì vậy, tôi tin rằng rượu là nguyên nhân chính gây ra nạn bạo hành gia đình. Và kể cả tiền bạc nữa. Tất cả những cuộc cãi vả đều dính dáng đến tiền bạc.”
Kim Anh: “Tony có cảm thấy sợ hãi khi tham gia băng đảng và buôn bán ma túy không?”
Tony Hoàng: “Không, tôi không cảm thấy sợ hãi gì cả. Khi còn trẻ, bạn thường không nghĩ đến những hậu quả. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến chuyện mình được chấp nhận và thật ấn tượng với mọi người. Tôi chẳng có thời gian để nghĩ nhiều đến chuyện đó. Tôi chỉ nghĩ đó là cuộc sống của mình và cố gắng hết sức có thể, vậy thôi.”
Kim Anh: “Vào thời điểm đó, có bao giờ Tony cảm thấy hối hận vì những quyết định của mình không?”
Tony Hoàng: “Có chứ, tôi cảm thấy hối tiếc vì những quyết định sai lầm của mình. Thế nhưng chúng ta không thể thay đổi quá khứ của mình, chỉ cố gắng vì tương lai tốt hơn. Và những sai lầm đó cũng giúp tôi trở thành người đàn ông như hôm nay.
Khi tôi 16 tuổi, tôi đã mất đi người bạn thân nhất của mình do dùng ma túy quá liều. Cuộc sống với tôi lúc đó chỉ là số tiền mà tôi kiếm được. Mặc dù tôi có nghĩ đến những lựa chọn sai lầm của mình, cũng cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc, những người bạn của mình lần lượt chết đi, nhưng lúc đó tôi còn trẻ, và tôi nghĩ rằng đó là cuộc sống của tôi.”
Kim Anh: “Lúc đó Tony có người thân nào bên cạnh hay không?”
Tony Hoàng: “Không có ai cả. Lúc đó mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi 4 người trong gia đình tôi bị nghiện ma túy. Chị tôi vào tù đã khiến cho ba mẹ tôi tan nát cõi lòng. Chúng tôi không biết phải làm gì, khi đó ở Cabramatta cũng không có nhiều dịch vụ hỗ trợ. Quả thật rất khó khăn cho chúng tôi để vượt qua những chuyện như vậy. Chúng tôi không thể giúp đỡ nhau vì có cùng vấn đề. Dường như những người xung quanh chúng tôi khi đó đều có liên quan đến ma túy hay băng đảng.”
Kim Anh: “Trong 8 năm tham gia băng đảng và buôn bán ma túy, Tony có bao giờ cảm thấy tuyệt vọng đến mức không còn muốn sống nữa?”
Tony Hoàng: “Có chứ, nhiều lần tôi đã cảm thấy tuyệt vọng với cuộc sống. Tôi muốn thay đổi và trở thành người tốt hơn. Thế nhưng cuộc sống quanh tôi vẫn tiếp diễn như thế, những người bạn của tôi lần lượt ra đi, tôi vẫn cần ma túy để sống và cứ thế trong cái vòng lẩn quẩn, cuộc sống như địa ngục. Không ai hiểu những gì tôi nghĩ và tôi cũng không thể chia sẻ được với ai. Tôi không muốn ba mẹ, bạn bè tôi biết những giai đoạn khó khăn đó. Và như thế nào đó, tôi lại càng trở nên tồi tệ hơn.
Tôi gia nhập băng đảng tội phạm năm 13 tuổi, sau đó vào tù. Tôi bị trầm cảm, tôi không biết phải xây dựng lại tương lai như thế nào, tôi không thấy bất kỳ hy vọng nào hết. Sau khi ra tù, tôi muốn làm lại cuộc đời, tôi đã nghĩ đến chuyện quay lại trường học, khiến ba mẹ tự hào như tất cả những người trẻ khác muốn làm như vậy. Nhưng tôi đã lại có một quyết định ngu xuẩn khác là quay trở lại với ma túy. Trong 8 năm đó, tôi buôn bán ma túy. Mỗi tuần tôi kiếm được từ 7 đến 10 ngàn đô. Tôi mua nhiều thứ mà bạn chưa từng mơ đến khi còn trẻ như vậy. Nhưng tất cả những điều đó đều đi kèm với hệ quả. 16 tuổi, tôi mất đi người bạn thân nhất do dùng quá liều ma túy. Sau đó, bà nội qua đời. Bà là người có ảnh hưởng rất nhiều đối với tôi. Tôi không thế tiếp nhận được những sự thật này. Và thế là tôi dùng ma túy.
Năm 21 tuổi, tôi suýt chết vì dùng ma túy quá liều. Đến thời điểm đó, 6 người bạn của tôi đã chết, trong đó có 3 người bị sát hại. Tôi đến nhà thờ và ngồi khóc. Tôi hỏi Chúa trời rằng nếu Người ở đó, xin hãy cứu vớt tôi, hãy cho tôi bất kỳ dấu hiệu nào đó. Ngày hôm sau, trong lúc đi bộ trên đường phố Cabramatta, tôi thấy một mục sư đang hát và nói về Chúa Giê-su. Người đàn ông đó đưa cho tôi một tờ thông tin. Lúc đó tôi nghĩ rằng tôi đã xin Chúa trời ban cho tôi một dấu hiệu, và đây chính là dấu hiệu đó. Chúa trời đã giang tay cho tôi và tôi xin Người tha thứ cho tôi. Kể từ ngày đó, tôi bắt đầu thay đổi.
Bây giờ, tôi không nghiện cờ bạc, rượu chè, ma túy hay thuốc lá, tôi cũng không còn chửi thề nữa. Tôi cảm thấy tự do cho dù có bị nhốt lại đi chăng nữa. Và Chúa trời đã ban cho tôi sự tự do đó.”
Kim Anh: “Tony đã bắt đầu làm lại cuộc đời mình như thế nào?”
Tony Hoàng: “Tôi bắt đầu đi nhà thờ nơi mà tôi cảm nhận thấy tình thương yêu từ mọi người bất chấp những lỗi lầm của tôi. Tôi đã nhìn thấy Chúa trời qua những con người như thế. Tôi sống thật sự chứ không phải chỉ là niềm tin nữa.”
Kim Anh: “Không dễ dàng để cai nghiện ma túy và quay trở lại cuộc sống bình thường. Tony đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?”
Tony Hoàng: “Tôi nghĩ rằng mọi người dùng ma túy để trốn tránh nỗi đau nào đó trong tâm hồn họ và từ đó dẫn đến nghiện ngập. Tôi đã vượt qua những khó khăn đó bằng cách giải phóng tâm hồn mình khỏi sự chán ghét và giận dữ. Tôi đi nhà thờ và bắt đầu học cách tha thứ. Sự thanh thản trong tâm hồn không chỉ giúp tôi thoát khỏi ma túy về mặt thể chất mà còn về mặt tâm lý. Những sự thay đổi đó không xảy ra chỉ trong một đêm, một vài ngày mà là kết quả của nhiều sự lựa chọn. Tôi đã mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để cai nghiện.”
“Tôi nghĩ rằng mọi người dùng ma túy để trốn tránh nỗi đau nào đó trong tâm hồn họ và từ đó dẫn đến nghiện ngập. Tôi đã vượt qua những khó khăn đó bằng cách giải phóng tâm hồn mình khỏi sự chán ghét và giận dữ. Tôi đi nhà thờ và bắt đầu học cách tha thứ.”
Kim Anh: “Từ năm 13 tuổi cho đến nay là 34 tuổi, từ một tội phạm tham gia băng đảng, nghiện và buôn bán ma túy, nay Tony trở thành một mục sư, diễn giả, giáo dục và tư vấn viên về vấn đề ma túy, Tony muốn nói gì khi nhìn lại khoảng thời gian 20 năm qua của mình?”
Tony Hoàng: “Có hai điều tôi muốn nói. Thứ nhất là, với các bạn trẻ, đôi khi trải nghiệm không phải là một người thầy tốt nhưng học hỏi từ một người nào đó có thể là một trải nghiệm tốt. Bạn không cần phải đi ra đường và sa vào những chuyện như tôi đã trải qua để tìm kiếm một hình mẫu nào đó.
Thứ hai là với các bậc cha mẹ có con cái vướng vào nạn ma túy, xin đừng bỏ cuộc. Hãy chiến đấu vì con cái của mình vì họ cần tình thương, sự quan tâm và có mặt của ba mẹ bên cạnh họ. Cung cấp về mặt vật chất là một phần nhiệm vụ, nhưng mặt khác ba mẹ nên ở bên cạnh các con của mình, làm bạn bè và hỗ trợ các con.”
Kim Anh: “Hiện là một tư vấn viên về nạn ma túy, Tony làm gì để giúp đỡ những người vướng vào ma túy giống như Tony lúc trước, đặc biệt là những người trong cộng đồng Việt?”
Tony Hoàng: “Tôi tin tưởng vào vấn đề phòng ngừa hơn là can thiệp. Chúng ta nên giáo dục con cái về ma túy, không chỉ là nói về ma túy mà còn phải giải thích lý do tại sao như vậy, hoàn cảnh rất quan trọng, con cái kết bạn với ai, làm gì và ở đâu. Những người trẻ không có được nhận thức rõ rệt đôi khi dẫn đến việc muốn thử nghiệm. Đó là một phần của việc ngăn ngừa và giáo dục những người trẻ tuổi về ma túy.
Mặt khác, liên quan đến chuyện can thiệp đối với những ai đã vướng vào ma túy. Hiện có rất nhiều chương trình để giúp người nghiện thoát khỏi ma túy. Tất cả các chương trình đó đều tốt cả. Với những ai có vấn đề về ma túy, dùng một loại thuốc nghiện khác để thoát khỏi ma túy là không khả thi. Đôi khi những chương trình đó cũng tốt nhưng họ cần phải có chiến lược giúp người nghiện thoát khỏi ma túy hoàn toàn.
Đặc biệt, với cộng đồng Việt, những người trẻ rất cần một người tư vấn, kèm cặp bên cạnh và tin tưởng họ, để họ xây dựng lại sự tự tin trong chính bản thân mình bởi có những lúc họ không còn biết phải hy vọng vào điều gì. Họ cần một niềm hy vọng. Như khi mọi người đến nhà thờ gặp tôi, họ nhìn thấy tôi và nói rằng ‘Anh có thể làm được thì tôi cũng có thể làm được’. Họ cần sự hỗ trợ và một tư vấn viên tốt. Nhiều chương trình giúp bạn thoát khỏi ma túy, nhưng để tiếp tục tránh xa ma túy lại là một vấn đề khác. Và khi đó, một tư vấn viên tốt sẽ làm được điều đó.”
Câu chuyện của Tony Hoàng cũng đã được đưa vào loạt phim tài liệu 3 tập ‘Once Upon A Time In Cabramatta’ lần đầu tiên được phát sóng trên kênh truyền hình SBS vào năm 2012.
Kim Anh