Không hiểu sao tôi lại có duyên với mảnh đất Hương An này quá vậy. Trước đây, dù đã đi ngang qua Hương An khá nhiều lần trên đường ra Đà Nẵng, vào Tam Kỳ, lên Quế Sơn… nhưng tôi chưa hề biết đến tại cái ngã ba sầm uất này lại có một điểm nhóm của những người con Chúa. Miền trung đang những ngày đầu vụ, một vài nơi đã gặt xong, nhiều đám ruộng lúa chín ngã đầu trông rất đẹp nằm dọc bên quốc lộ như một lời chào thân thiện khi chúng tôi đến thăm Hội Nhánh Hương An. Tự nhiên tôi lại nhớ đến hình ảnh đồng lúa chin vàng mà Chúa nhắc trong Mathiơ, ờ, đồng lúa đang chín vàng rồi, mà con gặt thì đang thiếu, thiếu quá đi chứ, đồng bào mình còn quá nhiều người chưa biết đến Chúa…
Hai chúng tôi, dù chênh lệch với nhau vài ba tuổi như vẫn xem nhau như hai người bạn, mà lại cùng nơi sinh, có thể là rất gần: TĐ Nguyễn Thanh Minh sinh tại thôn Đệ tứ, thị xã Quảng Trị, còn tôi là thôn Đệ ngũ. Không hiểu cái nơi sinh có làm chúng tôi có gần nhau hơn không nhưng bây giờ thì chúng tôi có cùng một cảm nghĩ, nhìn về tương lai của Hội Nhánh Hương An, nơi TĐ Nguyễn Thanh Minh đang kiêm nhiệm.
Những hạt nắng cứ phủ vàng khúc sông nhỏ dưới chân chiếc cầu mới, chúng tôi ngồi ở hiên sau nhà chú Hoàng, nơi Hội Nhánh nhóm tạm, nhìn qua bên kia sông, nơi có khu đất tái định cư mà trao nhau những mơ ước. Ước mơ chứ, phải biết ước mơ và dâng nó cho Chúa qua lời cầu nguyện, qua sự năng nổ Hầu việc Ngài, để rồi một ngày không xa, chúng ta vui mừng lớn tiếng cảm tạ Chúa vì Ngài đã đoái xem đến khao khát của con dân Ngài. Đa số những tín hữu tại Hội Nhánh Hương An cũng như Hội Thánh Quế Xuân đều có đời sống kinh tế ở mức trung bình, cũng phải thôi, bởi vùng đất này khá khô cằn, cát trắng phủ khắp nơi, nếu sống bằng nông nghiệp thì rất vất vả. Từ khi được thành lập (hay đúng hơn là tái lập), Hội Nhánh Hương An như một con sông vừa trở mình qua giấc ngủ mùa đông, cuồn cuộn chảy, đem những dòng nước mát dịu tưới khắp cánh đồng đang mùa nắng hạn. Những cơn mưa phước lành Chúa ban cho thật diệu kỳ, những cuộc đời được đổi thay đến ngạc nhiên, mà điển hành là chú Tôn Thất Hoàng, trước đây vốn là thầy cúng, vậy mà Chúa đã dùng chú trở thành con chim đầu đàn của Hội Nhánh, một con người hết lòng vì Hội Thánh Ngài. TĐ Nguyễn Thanh Minh kể cho tôi nghe lược sử của Hội Thánh Tin Lành Hương An từ ngày xưa đến nay mà ông đã bỏ công sưu tầm trong những năm qua, nó như bài ca ơn phước, có lúc chìm sâu trong giai điệu trầm buồn, có lúc khởi sắc sáng ngời như ánh bình minh vừa ló dạng đem đến những niềm vui bất tận cho những người yêu mến Chúa, cái giai điệu ấy theo thời gian, tưởng có lúc nó chấm dứt bằng những nốt lặng giữa chừng, nhưng rồi, trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, lại trổi lên một khúc nhạc hồi sinh làm nức lòng những tấm lòng đã một thời trăn trở vì sự tồn vong của một Hội Thánh ngày xưa…
Năm 1968, sau hai năm trở về từ Quảng Trị để quản nhiệm HTTL Thăng Bình, MS Lê Văn Tường nhận thấy nhu cầu thờ phượng Chúa của những tín hữu đang tị nạn tại Hương An khá bức thiết, họ là những người đến từ Quế Cường (Quế Sơn), Bình Giang, Bình Đào (Thăng Bình) đổ về. Chính vì vậy, nhờ ơn Chúa, ông đã thành lập HTTL Hương An (còn có tên là Phú Hiệp). Trong thời gian này, HTTL Hà Lam (lúc đó gọi là Bình Nguyên) cũng vừa mới được hình thành, cho nên, có thể xem HTTL Hương An và Hà Lam là hai anh em sinh đôi, tuy nhiên, nếu ở Hà Lam đa số tín hữu là người địa phương thì ở Hương An, họ chỉ là người tạm cư, có thể đến và đi bất cứ lúc nào. HTTL An Tân (Núi Thành) cũng ở trong trường hợp như vậy, tuy nhiên, sau năm 1975, khi số người tản cư đã về quê cũ thì số tín hữu còn lại khá đông nên sự sinh hoạt của HTTL An Tân vẫn còn đến ngày nay.
Ngôi nhà thờ đầu tiên (và cũng là duy nhất đến nay) xây dựng khá nhỏ, được dựng lên bằng gỗ ngo và lợp tole. Trước khi có ngôi nhà nguyện này thì con dân Chúa đã nhóm tuần hoàn tại một số gia đình trong khu vực Hương An, thường là gần với xã Bình Nguyên, Thăng Bình, số lượng khoảng 25-30 người. Lúc này, về tổ chức, HTTL Hương An vẫn ở trong tình trạng tạm thời, chưa có Ban Chấp sự, nên MS Lê Văn Tường nhờ ông Phan Đình Lê, lúc đó là Thư ký HTTL Thăng Bình, đảm trách chức vụ Thư ký tạm thời của HTTL Hương An cho đến năm 1975. Năm 1972, khi MS Lê Văn Tường chuyển về Tiên Phước, ông có bàn giao tất cả hồ sơ sổ sách của HT cho MS kế nhiệm Bùi Phiên, sau đó MS Bùi Phiên giao lại cho ông Phan Đình Lê, tuy nhiên, do thời gian quá lâu, mưa lụt làm tất cả đều bị hư hỏng, thật là một điều đáng tiếc. Cũng trong thời gian quản nhiệm tại Hà Lam, TĐ Lê Văn Nguyện cũng đã kiêm lo cho HTTL Hương An (từ năm 1973 đến năm 1975). Hiện tại những tư liệu về HTTL Hương An một thời đã không còn gì nhiều ngoài tấm hình chụp trên bìa sau của báo Rạng Đông số 67, tháng3/1971 và ký ức của một số con dân Chúa sống thời đó.
Nhà thờ Tin Lành Hương An, ảnh báo Rạng Đông số 67, tháng 3 năm 1971
Cụ Phan Đình Lê, 84 tuổi, trước đây là Thư ký tạm thời của HTTL Hương An
Từ tháng 3/1975 đến tháng 6/1998, trong vòng 23 năm đó, HTTL Hương An không còn sinh hoạt bởi số tín hữu đã trở về quê cũ, số người còn lại ít ỏi, nhà thờ bị bỏ hoang, vì thế khu đất đã bị trưng dụng vào mục đích khác. Cái tên HTTL Hương An hầu như bị quên lãng như những nốt trầm của giai điệu khoảnh khắc thời gian. Tuy nhiên, Thiên Chúa không hề quên con dân Ngài, HT Ngài. Khi TĐ Lê Thanh Trung (hiện nay là MS) về quản nhiệm HTTL Quế Xuân, ông đã tổ chức các buổi nhóm tuần hoàn các gia đình con dân Chúa tại Hương An để nâng đỡ đời sống đức tin cho họ, bởi có một số người già yếu không thể ra tại nhà thờ Quế Xuân thờ phượng Chúa cùng HT, trong đó có một số người là tín đồ của HTTL Hương An cũ. Đến tháng 6/1998, chi phái Hương An thuộc HTTL Quế Xuân được thành lập và nhóm tại nhà ông Tôn Thất Hoàng, là một người tin Chúa sau năm 1975. Ngôi nhà nhỏ sát bờ sông Hương An, dù diện tích khá khiêm tốn, chỉ hơn 20m2, nhưng mỗi chiều Chúa nhật lại là nơi trở về của khoảng 30-40 con dân Chúa để thờ phượng, tôn vinh danh Chúa. Số tín hữu ngày mỗi tăng, và địa bàn mở rộng không chỉ ở xã Hương An mà còn ra các xã Quế Cường, Quế Phú (Quế Sơn) và Bình Giang (Thăng Bình).
Ngày 9/12/2006, Hội nhánh Hương An được chính thức tái lập, Bốn năm sau, MS Phan Ân, kiêm nhiệm Hội Nhánh từ năm 2007-2010, đã trình xin BTS TLH cấp giấy Chứng nhận số 2799/2010/TLH-TT công nhận Hội Nhánh Tin Lành Hương An trực thuộc HTTL Quế Xuân, huyện Quế Sơn. Cũng trong thời gian này, hiệp với Ban CS và MS Phan Ân còn có TĐ Nguyễn Thanh Minh (tập sự từ 3/2008-10/2010) và TĐ Lê Văn Hải Quang (phụ trách âm nhạc) để cùng chăm lo đời sống thuộc linh của con dân Chúa tại đây. Ngày 12/12/2011, chính quyền xã Hương An đã cấp Giấy Chứng nhận Sinh hoạt Đạo Tin Lành số 01/GCN-UB cho phép Hội Nhánh Hương An được sinh hoạt chính thức công khai.
Hội Nhánh Hương An trong Lễ Giáng sinh 2011
Như một phép mầu mà Thiên Chúa ban cho con dân Ngài, ngôi nhà thờ nhỏ bé Hương An ngày xưa nằm bên quốc lộ 1A không còn nhưng hạt giống Đạo Chúa thì vẫn nẩy sinh những mầm sống mới và cho đến hôm nay, cái tên Hương An thân thuộc đó lại trở về cùng với con dân Chúa nơi đây. Hiện tổng số tín hữu chính thức tại Hội Nhánh Hương An là 42 người, TĐ Nguyễn Thanh Minh, Quản nhiệm HTTL Quế Xuân đang kiêm nhiệm từ tháng 10/2010.
Địa bàn Hương An khá đặc biệt, nằm trên một ngã ba đường lên Quế Sơn, ra Đà Nẵng và vào Tam Kỳ, nơi đây có cầu Hương An, bắc qua dòng sông cùng tên, con sông nhỏ bé, hiền hoà nhưng cũng lắm khắc nghiệt khi mùa lũ về. Hiện nay, người ta đang xây dựng một cây cầu Hương An mới thay cho chiếc cầu cũ đã quá già nua qua năm tháng chiến tranh, chính vì vậy trong thời gian đến, vùng đất Hương An lại có thêm nhiều sự thay đổi khi chiếc cầu mới được khánh thành. Trong thời gian sắp tới (cụ thể là đến cuối năm 2012) khu nhà của ông Tôn Thất Hoàng mà Hội Nhánh đang mượn nhóm lại sẽ bị giải tỏa, cùng lúc đó, nhà nước sẽ qui hoạch một khu đất thuộc xã Hương An mới để bán cho những ai bị giải tỏa nhà ở. Giá mỗi lô đất 100m2 là 150.000.000 đồng (một trăm năm mươi triệu đồng). Con dân Chúa tại Hội Nhánh Hương An với tấm lòng ao ước có thể mua được hai lô đất và xây một ngôi nhà Nguyện với kinh phí dự trù 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng). Đây là một thử thách lớn đối với đức tin của con dân Chúa ở Hội Nhánh Hương An, nhưng cũng là một cơ hội tốt cho con dân Chúa ở đây có thể có được một khu đất để xây cất nhà nguyện.
TĐ Nguyễn Thanh Minh, Quản nhiệm HTTL Quế Xuân, kiêm nhiệm Hội Nhánh Hương An
TĐ Nguyễn Thanh Minh, cứ trầm ngâm ngồi nhìn chiếc cầu mới và khu đất qui hoạch bên kia cầu, những trăn trở của một người quản nhiệm nhưng cũng là tấm lòng của một người nặng lòng với Hội Nhánh Hương An. Ông bảo tôi cố chụp một bức hình về khu đất sắp tới đây, Hội Nhánh dự kiến sẽ mua. Tôi đưa máy lên mấy lần rồi tự nhiên không thể chụp được, trước đây chưa một lần chùn tay, vậy mà lúc này tôi không thể chụp được bức hình này. Có lẽ Thiên Chúa còn đòi hỏi chúng ta những nổ lực không ngừng trong sự cầu nguyện, kêu gọi sự góp sức của con dân Chúa khắp nơi để Hội Nhánh Hương An có được một khu đất xây dựng nhà nguyện như là một bài ca yêu thương, hội tụ tất cả những trái tim đồng cảm của nhiều người, ở nhiều nơi, ở nhiều hoàn cảnh… Và đến khi đó, bức hình chụp được sẽ đẹp lên vì nó không phải thể hiện một mảnh đất bình thường mà là sản phẩm kết quả của tình yêu trong Chúa, sự cảm thông một cách chân tình.
Tôi cầm chiếc máy ảnh, nhìn khu đất đầy cỏ hoang nằm dưới chân cầu Hương An mới mà ước mơ một ngày không xa, mình được bước chân đến, không phải mảnh đất vô tri vô giác ấy mà là một mảnh đất chan chứa sự sẻ chia, một mảnh đất đầy dẫy phước hạnh mà Thiên Chúa ban cho những người hết lòng trông cậy nơi Ngài…
Vũ Hương Dương (theo Sống Đạo Online)
Bình Luận: