Home Chuyên Đề Lớp Giáo Lý Tin Lành Có Giúp Thoát Khỏi Đói Nghèo?

Lớp Giáo Lý Tin Lành Có Giúp Thoát Khỏi Đói Nghèo?

by Sưu Tầm
30 đọc

Giữa lớp giáo lý Tin Lành và lớp dạy làm kinh tế, đi học lớp nào giúp tăng thu nhập nhanh hơn? Một nghiên cứu của đại học Yale cho thấy các gia đình nghèo đi học lớp giáo lý Tin Lành có thu nhập tăng 9% chỉ trong 6 tháng, còn lớp kia phải mất 30 tháng! Nghiên cứu này cho thấy ích lợi của việc học giáo lý và các giá trị của Cơ Đốc giáo, nhưng cũng chỉ ra những cảnh báo mà Cơ Đốc nhân cần lưu ý.

Liên kết giữa đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ nghĩa Tư Bản theo Max Weber

Khoảng một phần tư dân số Philippines sống trong đói nghèo. Một nghiên cứu bởi giáo sư James Choi cùng các cộng sự ở Đại Học (ĐH) Yale, cho thấy việc học giáo lý và các giá trị thần học của Cơ Đốc giáo Tin Lành có thể tăng thu nhập cho các gia đình nghèo. Nhưng họ cần có lòng trung tín lâu dài để duy trì những ích lợi.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã tự hỏi liệu lòng mộ đạo có dẫn tới kết quả kinh tế tốt hơn không. Ví dụ, nhà xã hội học Max Weber nổi tiếng với nhận định rằng đạo đức Tin Lành nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cần kiệm khiến người dân có thu nhập cao và tích lũy nhiều tiền hơn, giúp khai sinh chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Nhưng việc chứng minh rằng Cơ Đốc giáo thực sự mang lại những lợi ích này lại là một thách thức. Vấn đề là “tôn giáo, hiển nhiên, không phải là điều ta có thể phân bổ cách ngẫu nhiên”, James Choi, một giáo sư tài chính ở đại học Yale nói. Ngay cả khi người có đạo dường như có thu nhập cao hơn, có thể vì một số yếu tố không đo lường được nào đó – như quá trình nuôi dạy của họ – dẫn đến việc họ là người vừa làm việc chăm chỉ vừa mộ đạo.

Trong một nghiên cứu gần đây, nhóm của giáo sư Choi đã giải quyết vấn đề này bằng cách mời ngẫu nhiên các hộ gia đình ở Philippine đến các lớp dạy giáo lý và những giá trị Cơ Đốc Tin Lành. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, so với những gia đình không được mời tham dự chương trình này, thu nhập của người được mời có tăng lên trong thời gian ngắn. “Điều này thật sự có thể mang lại một số ích lợi kinh tế,” giáo sư Choi, người cộng tác với Gharad Bryan ở ĐH Kinh Tế Luân Đôn và Dean Karlan ở ĐH Northwestern trong nghiên cứu này nói.

Nhưng vài năm sau khi chương trình kết thúc, lòng mộ đạo của mọi người sụt giảm, và mức tăng thu nhập của họ cũng vậy, cho thấy rằng các tổ chức Tin Lành cần phải tiếp tục theo dõi những người tham gia để tạo ra một tác động lâu dài.

Nhóm của giáo sư Choi đã làm việc với International Care Ministries (ICM), mục vụ ở Philippine dạy một chương trình gồm 3 phần gọi là Transform (Biến Đổi). Một phần tập trung vào thần học và các giá trị Cơ Đốc giáo Tin Lành, ví dụ các mục sư dạy rằng những thất bại là một phần trong kế hoạch của Chúa và khuyến khích người học làm các “việc lành” như tiết kiệm tiền, làm việc chăm chỉ, và tránh bài bạc hay rượu chè. Phần thứ hai dạy về lối sống lành mạnh và vệ sinh. Và phần thứ ba dạy cách kiếm sống và những kỹ năng kinh doanh nhỏ lẻ như sản xuất phân hữu cơ.

Các mục sư đã xác định khoảng 9600 gia đình nghèo trong 320 cộng đồng ở Philippines. Rồi họ tách ngẫu nhiên các cộng đồng ra thành nhiều nhóm. Một số hộ gia đình được mời đi học đủ cả 3 phần, một số khác chỉ học giáo lý và các giá trị tôn giáo, nhóm khác chỉ học về sức khỏe và kinh tế. Nhóm đối chứng không được học gì. (Tổng số hoạt động truyền giảng thực hiện bởi ICM không bị thay đổi bởi nghiên cứu.) Trung bình, những gia đình được mời tham gia 9/16 buổi học (mỗi tuần một buổi). Nhóm nghiên cứu khảo sát khoảng 6,500 hộ gia đình 6 tháng sau khi chương trình kết thúc, và khoảng 5,800 hộ 30 tháng sau, đo lường các yếu tố như niềm tin tôn giáo và thành quả kinh tế.

Tại thời điểm 6 tháng, những người được mời học lớp giáo lý có vẻ trở nên mộ đạo hơn những người không được mời. Và chương trình học giáo lý có liên quan đến mức tăng thu nhập 9%, là điều “khá ấn tượng”, giáo sư Choi nói.

Lớp học giáo lý Tin Lành ở Philippines

Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng sự gia tăng này đến từ việc có nhiều “ý chí” hơn, hay khả năng làm việc chăm chỉ và kiên trì. Ví dụ, người được mời dự các lớp giáo lý Tin Lành thường có thái độ “tôi sẽ hoàn thành những gì tôi đã bắt đầu” và “trở ngại không làm tôi nản lòng”. Có lẽ niềm tin nơi Chúa đã thúc đẩy họ tìm kiếm công việc mới và tốt hơn, bất chấp những khó khăn trong gia đình mình. Thái độ của họ là “Tôi có thể vượt qua chuyện này vì Đức Chúa Trời đang dõi theo tôi, và Ngài có một kế hoạch cho tôi,” giáo sư Choi nói.

Đáng ngạc nhiên là, mặc dù những người tham gia kiếm được nhiều tiền hơn, lớp giáo lý có vẻ như làm giảm nhận thức của họ về địa vị kinh tế tương đối của họ trong cộng đồng. Lý do có thể là bây giờ, khi làm những việc có mức thu nhập hàng giờ cao hơn, họ gặp những người khá giả hơn trong xã hội, khiến địa vị kinh tế của họ có vẻ giảm đi khi so sánh.

30 tháng sau khi chương trình kết thúc, những người được mời dự lớp giáo lý không cho rằng họ có lòng mộ đạo cao hơn những người không tham gia nữa, và phần thu nhập cao hơn của họ cũng biến mất. Giáo sư Choi diễn giải rằng niềm tin Cơ Đốc thực sự đã giúp gia tăng thu nhập lúc ban đầu, nhưng sự suy giảm đức tin sau đó cũng làm suy giảm ý chí vượt qua khó khăn và tìm kiếm một đời sống tốt hơn của họ. Ông suy đoán rằng nếu họ tiếp tục giữ vững sự trung tín của mình, họ có thể thấy kết quả kinh tế dài hạn hơn.

Với nhóm chỉ được huấn luyện về kinh tế và sức khỏe, nhóm nghiên cứu ít thấy hiệu quả về thu nhập của họ trong 6 tháng đầu. Nhưng sau 30 tháng, sự khác biệt là đáng kể. So với nhóm đối chứng (không được học gì), những người tham gia làm việc nhiều hơn 4.3 giờ mỗi tuần, và thu nhập thêm US$17/tháng (tăng thêm 10%). Có lẽ họ đã không áp dụng các kỹ năng mới vào đời sống ngay lập tức, nhưng trong vài năm tiếp theo, “họ đã có thể thay đổi tình trạng kinh tế của mình,” giáo sư Choi nói.

Giáo sư Choi tự hỏi những kết quả này có thể có ý nghĩa gì với nước Mỹ (từng là nước Cơ Đốc mộ đạo) khi lòng tôn kính Chúa đã suy giảm trong những thập kỷ qua. Nếu sự trung tín có nhiều ích lợi, thì “nó cho thấy rằng có điều gì đó đáng lo ngại, ngay cả ở cấp độ kinh tế thuần túy,” ông nói.

Có phải giáo lý Tin Lành là cách duy nhất để dạy những giá trị như làm việc chăm chỉ và kiên trì? Hóa ra việc tìm cách khác thay thế là điều không hề dễ dàng. Nhóm của giáo sư Choi đã bắt đầu thử nghiệm làm một chương trình vô thần ở Philippine để dạy những giá trị tương đương, nhưng họ đã từ bỏ nỗ lực này vì việc tìm kiếm huấn luyện viên hiệu quả thật quá khó khăn. Ngược lại, nhiều mục sư là những người rất đam mê và có tài trong việc truyền đạt. Tôn giáo là “một cơ chế truyền dạy đã được chứng minh hiệu quả cho một số giá trị trên”, ông nói.

Điều này không có nghĩa là mọi người nên thúc đẩy giáo dục tôn giáo chỉ để tăng thu nhập. “Lý do để giáo dục tôn giáo là vì bạn tin rằng thông điệp đó là đúng và nó có ích lợi tâm linh,” giáo sư Choi nói.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: insights.som.yale.edu

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like