Nhà đồng sáng lập Wikipedia Larry Sanger đã tuyên bố rằng sau nhiều năm là “người theo thuyết bất khả tri” và “triết gia hoài nghi”, giờ đây ông đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo.
“Cuối cùng đã đến lúc tôi phải thú nhận và giải thích, một cách đầy đủ và công khai, rằng tôi là một Cơ Đốc nhân“, người đàn ông 56 tuổi này đã viết trên blog của mình.
“Những người theo dõi blog có lẽ đã đoán được điều này, nhưng đã đến lúc chia sẻ lời chứng của tôi một cách đường hoàng. Tôi được kêu gọi ‘Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.’ Một trong những cách hiệu quả nhất để làm như vậy là chia sẻ câu chuyện cải đạo của bạn. Vì vậy, đây là câu chuyện của tôi“, ông bắt đầu.
Trong bài tường thuật chi tiết, Sanger đưa độc giả đi qua quá trình cải đạo kéo dài hàng thập kỷ của mình.
Nhà đồng sáng lập trang bách khoa toàn thư trực tuyến nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu khi theo cha mẹ đến Hội Thánh Lutheran, Missouri Synod.
“Cha tôi là một trưởng lão trong hội thánh khi tôi còn nhỏ. Tôi nhớ có vài quyển giải nghĩa Kinh Thánh trên giá sách, mà tôi thấy vô cùng khó đọc“, ông viết.
Sanger cho biết khi còn nhỏ, ông đã đặt ra nhiều câu hỏi về Chúa và đức tin, nhưng đến tuổi thiếu niên, ông đã quyết định rằng Chúa không tồn tại và niềm tin vào Ngài có vẻ “phi lý”.
“Tôi có lẽ đã không còn tin vào Chúa khi tôi 14 hoặc 15 tuổi mà không hề nhận ra: thậm chí cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ rằng niềm tin đó đã dần mất đi, vì thỉnh thoảng tôi nhận thấy rằng mình không còn cầu nguyện hay đi hội thánh nữa“, ông chia sẻ.
Vài năm sau, ông ổn định cuộc sống, trở thành “nhà triết học và cái gọi là người hoài nghi về phương pháp luận”, mà ông mô tả là “người che giấu niềm tin” không thể biết “một cách chắc chắn.”
Sanger chia sẻ, “Khi tôi nghiêm túc với vấn đề, tôi sẽ nói, ‘Tôi thậm chí còn không biết ‘Chúa’ có nghĩa là gì.’ Nhưng nói chung, tôi tự gọi mình là người theo thuyết bất khả tri.“
Khi vào đại học, Sanger muốn học triết học và đặt mục tiêu trở thành giáo sư đại học. Tuy nhiên, ông nhanh chóng vỡ mộng với học thuật vì thiếu “mối quan tâm chân thành đối với sự thật” trong vòng những người bạn triết gia.
Sanger cho biết ông đã gặp phải vấn đề lớn nhất với những người vô thần hiện đại, những người tuyên bố rằng “họ chỉ đơn giản là không tin có Chúa tồn tại, nhưng thái độ chế giễu của họ lại như hét lên rằng Chúa không tồn tại.”
“Tôi luôn sẵn sàng xem xét nghiêm túc khả năng Chúa tồn tại. Họ thì không. Tôi cũng không quá thù địch với tôn giáo“, ông giải thích.
Đến năm 2001, Sanger bắt đầu Wikipedia và cũng bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc tìm kiếm liệu Chúa có tồn tại hay không.
“Sau nhiều năm giao tiếp với những ‘người thành thạo’ trong lĩnh vực này, tôi dần dần nhận ra: có lẽ, tôi cũng đã bị nhồi sọ, theo một cách nào đó. Có lẽ tôi đã hiểu sai những điều mà tôi nghĩ rằng mình đã hiểu“, ông viết. “Có lẽ tôi đã không được tiếp xúc với những đại diện tốt nhất của đức tin. Tóm lại, có lẽ, tôi đã không cho Cơ Đốc giáo một cơ hội công bằng. Và đúng vậy, tôi đã tự nói với mình về ‘Cơ Đốc giáo’: Tôi chưa bao giờ thấy hứng thú với các tôn giáo khác. Suy nghĩ này đã làm phiền tâm trí tôi trong nhiều năm.“
Năm 2010, ông quyết định mở Kinh Thánh ra – không phải cho ông, mà cho các con trai ông – vì đó là “cuốn sách có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới, không gì sánh bằng.”
“Người ta không thể tự gọi mình là người có học thức ở phương Tây nếu chưa từng đọc qua Kinh Thánh“, ông bày tỏ trong khi thừa nhận rằng việc đọc một số phần của Kinh Thánh “không để lại nhiều ấn tượng.”
“Đó chắc chắn là một tác phẩm văn học thú vị. Giờ tôi biết rằng tôi chỉ đơn giản là không hiểu rõ những gì mình đang đọc. Tôi chỉ cho rằng không có gì quá sâu sắc để tìm hiểu“, Sanger giải thích.
Sanger không đọc lại Kinh Thánh cho đến nhiều năm sau đó.
Sau khi hoàn thành bài luận dài 7.000 từ có tựa đề “Tại Sao Phải Sống Đạo Đức” và một bài viết đi kèm, “Lý Thuyết Về Cái Ác”, ông bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về gốc rễ của thiện và ác.
“Tôi kết luận bài luận đó theo cách này:
Điều khiến nhân loại đáng yêu, và điều truyền cảm hứng cho lòng sùng kính đối với các anh hùng và nhà lãnh đạo, là khả năng sáng tạo, khả năng phát minh, xây dựng, bảo tồn và khôi phục bất cứ điều gì tốt đẹp, tức là những gì hỗ trợ và làm cuộc sống thịnh vượng, có trật tự. Điều khiến những cá nhân xấu xa xứng đáng với cơn thịnh nộ chính đáng là khả năng phá hủy điều tốt đẹp của họ, do họ coi thường mạng sống con người.
Nếu vậy, thì tình yêu dành cho Chúa có thể được hiểu là tình yêu hoàn toàn tự nhiên đối với lực lượng sáng tạo tối cao trong vũ trụ. Vì điều gì có thể vĩ đại hơn đấng sáng tạo của vũ trụ, và điều gì có thể đáng yêu hơn? Và sau đó, chắc chắn là hợp lý khi họ coi Sa-tan là một thế lực đáng ghét và đáng lên án nhất, vì Sa-tan được coi là một thực thể hủy diệt về bản chất, là thực thể khinh thường mạng sống con người nhất.”
Ông kết luận rằng trong cả hai bài luận, ông bắt đầu thể hiện sự thay đổi trong thái độ của mình đối với Cơ Đốc giáo.
“Trước đây tôi chỉ hoài nghi và lạnh nhạt với Cơ Đốc giáo, nhưng giờ tôi cảm thấy quan tâm nhiều hơn. Tôi đã chấp nhận Cơ Đốc giáo về mặt đạo đức – không chỉ có thể chấp nhận mà còn thấy tôn giáo này thật tốt đẹp“, ông nói.
Sanger quyết định, lần này, tự mình đọc Kinh Thánh.
“Tôi không chắc tại sao tôi lại bắt đầu đọc Kinh Thánh một cách ám ảnh và cẩn thận như vậy“, ông mô tả. “Khi tôi thực sự cố gắng hiểu Kinh Thánh, tôi thấy Kinh Thánh thú vị hơn nhiều – những câu từ trong đó khiến tôi sửng sốt và kinh ngạc – mạch lạc hơn tôi mong đợi.“
Sanger đã tải xuống ứng dụng Kinh Thánh YouVersion và sử dụng kế hoạch đọc Kinh Thánh trong 90 ngày để biến “việc học Kinh Thánh thành sở thích nghiêm túc”.
Ông bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về thần học để nhận ra rằng “mặc dù có bằng tiến sĩ triết học, tôi chưa bao giờ thực sự hiểu thần học là gì.”
“Tôi thấy thần học là một nỗ lực hệ thống hóa, hài hòa hóa, ở một mức độ nào đó giải thích và biện minh cho rất nhiều ý tưởng có trong Kinh Thánh. Đó là những gì những người lý trí làm khi họ cố gắng nắm bắt Kinh Thánh trong tất cả sự phong phú của nó“, Sanger giải thích.
Cựu triết gia cho biết tại thời điểm này, ông cũng bắt đầu “nói chuyện với Chúa”. Đến năm 2020, Sanger bắt đầu đọc bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng rồi tự nhủ, “Tôi nên thừa nhận với bản thân rằng giờ đây tôi tin Chúa và cầu nguyện với Chúa một cách đúng đắn.“
Sanger thừa nhận rằng sự cải đạo của mình là “phản cao trào”, nhưng đúng và chân thành.
“Tôi chưa bao giờ có trải nghiệm cải đạo nào đáng kinh ngạc. Tôi tiếp cận đức tin nơi Chúa một cách chậm rãi và miễn cưỡng—với sự quan tâm lớn, nhưng đầy bối rối và bàng hoàng“, ông chia sẻ.
Sanger nói thêm rằng mặc dù đôi khi sự cải đạo của ông “không thoải mái”, ông là một phần của “đức tin Cơ Đốc chính thống.” Ông khuyến khích mọi người đọc Kinh Thánh hàng ngày.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com