Home Chuyên Đề Năm Bước Để Xử Lý Nỗi Đau Một Cách Lành Mạnh

Năm Bước Để Xử Lý Nỗi Đau Một Cách Lành Mạnh

by Hongan Doan
30 đọc

“Nỗi đau” chỉ như một cái dầm nhỏ nhưng tác động của chúng lại không hề nhỏ. Và cái “dầm nhỏ bé” đó lại không dễ dàng lấy ra khỏi cơ thể nếu không biết cách. Đôi khi, vì ta nghĩ rằng chúng chỉ nhỏ bé nên ta xem nhẹ chúng, tuy nhiên chúng lại có thể làm tổn thương và hoại tử cả một vùng da lớn. Có người lựa chọn để đối diện và đem ra khỏi cơ thể, nhưng có người chấp nhận sống chung mãi cho đến khi vết thương càng ngày càng lớn, sự tổn thương đang dần mưng mủ và hoại tử thì mới tìm cách để xử lý. Vì không phải ai cũng biết cách xử lý nỗi đau một cách lạnh mạnh, xử lý sai cách, những ảnh hưởng tiêu cực kéo theo sẽ vô cùng lớn.  “Nỗi đau” dù nhỏ hay lớn cũng có sức công phá vô cùng lớn đối với con người, chúng không chỉ huỷ hoại tâm trí, tấm lòng và cảm xúc mà xa hơn là phá huỷ các mối quan hệ, sức khoẻ và cuộc đời của một người.

Biết là vậy, nhưng hiện thực và cuộc sống vô cùng khắc nghiệt nên ai cũng phải trải qua nỗi đau lớn nhỏ khác nhau. Không ai có thể né tránh nỗi đau, chỉ là khi trải qua ta phải xử lý như thế nào. Vì không có nỗi đau, con người sẽ không thể trưởng thành.

Là một người mẹ chăm con nhỏ, mình hiểu được nỗi lo chung của các bà mẹ có con nhỏ là sợ con mình bệnh. Hầu hết các bà mẹ vì nỗi lo lắng đó nên sẽ tìm cách để bảo vệ con mình như cố gắng giữ một môi trường “vô trùng” cho con, trời mưa thì không được ra ngoài, nắng thì phải ở trong nhà, không được chơi dơ, nghịch bẩn, không được thế này, không được thế kia. Nhưng có một thực tế cho thấy, những đứa trẻ sáng giăng nắng chiều dầm mưa lại khoẻ mạnh hơn những đứa trẻ được bao bọc quá kỹ. Khi bao bọc trẻ quá kỹ, ta đã vô tình đánh mất cơ hội để hệ miễn dịch trong trẻ có khả năng nổi dậy chiến đấu, và vì mãi ngủ quên không được kích hoạt nên những đứa trẻ ít bệnh vặt khi nhỏ lớn lên đề kháng cũng sẽ yếu hơn và dễ mắc những bệnh nguy hiểm hơn. Cũng như vậy, “nỗi đau” không đáng sợ đến mức ta phải ta tìm cách né tránh chúng, nhưng mãi sống trong nỗi đau mới đáng sợ vì nỗi đau được xử lý đúng cách sẽ giúp con người mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

 Làm thế nào để ta có thể có được những kháng thể lành mạnh khi đối đầu với những nỗi đau? Làm thế nào để đi qua nỗi đau mà không lọt vào hố sâu của nó “Dù khi tôi đi qua Thung lũng bóng chết, Tôi sẽ không sợ tai họa gì. Vì Ngài ở cùng tôi, Cây trượng và cây gậy của Ngài An ủi tôi.” (Thi 23:4) Kinh Thánh cho chúng ta thấy với sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể đi qua khỏi (đi vào rồi đi ra khỏi) chứ không hề bị mắc kẹt lại trong thung lũng của sự chết (nơi ở của những nỗi đau).

Dưới đây là  năm bước để xử lý nỗi đau một cách lành mạnh:

  1. Nhận Diện Nỗi Đau

Người mang nỗi đau trong người thường hay phủ nhận họ đang tổn thương, vì họ muốn chứng minh mình mạnh mẽ. Hoặc ở một góc độ khác, họ đang trốn tránh. Vì vậy, nhận diện ra nỗi đau, chấp nhận một thực tế rằng “tôi đang bị tổn thương” là bước đầu tiên trong tiến trình của sự chữa lành.

2. Tìm Hiểu Nguyên Nhân

Có rất nhiều người trong chúng ta để vết thương này chồng lên vết thương khác mà không biết cách để chữa lành, đến cuối cùng lại nhầm tưởng lý do mình bị tổn thương là do những người thân yêu bên cạnh.

Mình từng tư vấn cho một cô bé trong mối quan hệ với bạn trai, cô bé luôn cảm thấy tổn thương khi bạn trai có sự quan tâm đến những người nữ khác. Dù đã bày tỏ rõ ràng với bạn trai nhưng cô cho rằng bạn trai đã không quan tâm đủ nên hết lần này đến lần khác làm cô tổn thương. Sau buổi tâm vấn, cô bé cũng dần nhận ra người bạn trai không phải là nguyên nhân của sự tổn thương (cơ bản anh ấy cũng đã vô cùng cẩn thận và rạch ròi trong các mối qua hệ với các bạn nữ khác giới). Nhưng, vì là trưởng nhóm nên bạn trai có trách nhiệm thăm hỏi các thành viên của mình, tuy vậy nhưng trong những lần giao tiếp với các bạn nữ khác bạn trai đều kéo cô ấy vào trong cuộc nói chuyện để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và tăng độ tin tưởng cho bạn gái. Nhưng cô không thể thoát ra khỏi cảm giác bất an và tổn thương nên cuối cùng muốn huỷ hôn vì cảm thấy tổn thương quá nhiều và không thể tin tưởng. Sau cùng, càng đi sâu, cô đã nhận định được nỗi đau mình đang mang chỉ là hậu quả của một tấm lòng không được chữa lành của quá khứ. Trong tuổi còn thơ ấu, những trải nghiệm người cha đã lừa dối mẹ mình rồi bỏ rơi hai mẹ con cô. Sự tổn thương mà người cha trong quá khứ đem lại, đã khiến cô nghi ngờ và không thể tin tưởng bất kỳ một người đàn ông nào nữa, dù cho người đó yêu thương cô bao nhiêu. Vì vậy, chỉ khi xử lý được nỗi đau trong quá khứ, thì những nỗi đau của hiện tại mới có thể xoá bỏ. Tìm được nguyên nhân đúng của nỗi đau là bước cần thiết thứ hai trong tiến trình của sự chữa lành.

3. Quyết Định Buông Bỏ. Tha Thứ Và Nhận Lãnh Sự Tha Thứ.

Quyết định buông bỏ là bước mà rất nhiều người bị mắc kẹt lại, họ có thể nhận diện được nỗi đau, biết được nguyên nhân. Nhưng buông bỏ là điều không dễ dàng. Sau bao nhiêu năm gặm nhấm nỗi đau, nỗi đau trở thành một phần của cuộc sống. Khi để nỗi đau trở nên điều gì đó quen thuộc, nó khiến người đó trở nên thích làm nạn nhân hơn là đứng dậy tha thứ và bước đi. Chìa khoá để có thể thoát khỏi ngục tù của sự tổn thương là “tha thứ”, tuy nhiên có những người muốn thoát ra khỏi những đau đớn đang dằn vặt nhưng lại không có dũng khí để mở cánh cửa hạnh phúc dù là họ đang cầm trong tay chìa khoá.

Tha thứ không phải là cảm giác, nhưng là quyết định. Khi quyết định tha thứ, dù cảm xúc lúc đó vẫn chưa thể tha thứ nhưng khi đứng lên và quyết định thì chính là lúc sự tha thứ được kích hoạt và khai phóng ra bên ngoài. Như khi Môi-se bước xuống nước, biển đỏ mới rẽ ra. Cũng vậy, khi ta bắt đầu hành động mặc cho mọi cảm xúc cầm buộc như thế nào, con đường phía trước cũng sẽ bắt đầu mở ra.

Tha thứ là để giải thoát cho chính bản thân mình. Chúng ta có thể tha thứ không phải vì chúng ta giỏi nhưng là vì có một Đấng đã tha thứ cho chúng ta dù chúng ta ra sao đi nữa. “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:19) Vì bởi chính Ngài là tình yêu và ta biết rằng sức mạnh của sự tha thứ cũng chính là tình yêu.

4. Bước Vào Tiến Trình Của Sự Chữa Lành

Chữa lành không phải là một thời khắc, nhưng nó là cả một quá trình. Không phải “tôi cần được chữa lành” là sẽ được chữa lành mà là  “tiến trình để được chữa lành”

Một ngày sau khi chơi hết mình, con trai mình bị té và bị tét cằm, bác sĩ cho hai phương án lựa chọn: một là may vết thương, hai là dán sinh học. May thì phải tiêm thuốc tê và dùng đến kim chỉ, nghe rất hoảng. Dán sinh học thì đơn giản hơn, sau khi rửa vết thương, chỉ cần dùng keo sinh học trong y khoa để dán vết thương lại là hoàn thành. Nghe có vẻ nhẹ nhàng nên mình đã chọn phương án dán sinh học cho bé vì  vừa nhanh hơn mà lại ít mang lại cảm giác đau hơn. Nghe qua thì thấy rất đơn giản nhưng không phải chỉ cần dán keo vào là sẽ lành lặng ngay lập tức như chưa từng có vết thương nào. Mà dù phương pháp nào cũng cần phải có thời gian theo dõi, băng bó, uống thuốc theo đơn và làm theo những yêu cầu bắt buộc để bảo vệ vết thương. Tất nhiên phải thực hiện nghiêm túc theo liệu trình cho đến khi bác sĩ tháo băng. Ví dụ trên chỉ minh hoạ rằng không có một công thức nào, hay một phương cách nào để có thể chữa lành vết thương ngay lập tức, tất cả đều phải có tiến trình và người bị thương phải tuân thủ thực hiện theo tiến trình đó.

Chữa lành nỗi đau cũng vậy, tiến trình của sự chữa lành luôn cần có thời gian và những nguyên tắc. Tiến trình xảy ra nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào tiến độ thực hiện của bạn.

Bước vào tiến trình của sự tha thứ nghĩa là mỗi ngày cần:

+ Thay đổi tâm trí

+ Kiểm soát những cảm xúc tiêu cực

+ Học các kỹ năng xử lý vấn đề

+ Phục hồi và thêm năng lượng bằng sự cầu nguyện

5. Yêu Cầu Sự Hỗ Trợ

Có một điều chắc chắn rằng không ai có thể tự chữa lành, và sự hổ trợ là điều cần thiết. Để tiến trình chữa lành diễn ra liên tục và không bị ngắt quãng cần có người hướng dẫn và hỗ trợ. Bác sĩ là người điều trị chính, nhưng y tá là người theo sát quá trình điều trị và giúp đỡ. Cũng như vậy trong quá trình trị liệu cho tấm lòng tổn thương, Chúa chính là Đấng Chữa Lành và bên cạnh đó luôn cần những người giúp đỡ.

Vì vậy, đừng ngại yêu cầu sự hỗ trợ từ những người có khả năng. Có thể là Mục sư, có thể là trưởng tế bào, có thể là người đang chăm sóc thuộc linh, hoặc là người trong mục vụ chữa lành nội tâm. Chắc chắn rằng, họ đều sẵn sàng  để làm công cụ của Đức Chúa Trời và  trở nên người giúp đỡ.  Để rồi, tất cả chúng ta đều phải trải qua nỗi đau, nhưng đều có xử lý đúng nỗi đau lành mạnh để ta trưởng thành hơn.

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like