Home Chuyên Đề Bước Vào Sự Vinh Hiển Của Đức Chúa Trời

Bước Vào Sự Vinh Hiển Của Đức Chúa Trời

by Oneforisrael.org
30 đọc

Môi-se thưa: “Xin cho con được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài!” (Xuất 33:18)

Đến đây, bạn có thể nghĩ rằng Môi-se đã nhìn thấy sự vinh hiển của Chúa rất nhiều. Chắc chắn là nhiều hơn bạn và tôi dù chúng ta đang ở bất kỳ mức độ thuộc linh nào đi nữa. Ông đã chứng kiến những tai họa tàn khốc mà Đức Chúa Trời đã trút xuống dân Ai Cập, ông đã thấy biển rẽ ra trước mắt mình, ông đã lên Núi Si-nai và nhận được Mười Điều Răn do chính Đức Chúa Trời viết ra. Nhưng Môi-se hiểu mức độ nghiêm trọng của thử thách mà ông được giao phó, và ông sẽ không đi đâu hết nếu không có Chúa đi cùng. Ông muốn biết Chúa có thực sự ở cùng với ông.

Ông muốn được trở nên thân thiết với Ngài nhiều hơn.

Điều đẹp đẽ ở đây là trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33, chúng ta thấy Đức Chúa Trời nói Ngài biết Môi-se, và biết đích danh ông… rồi trong Xuất Ê-díp-tô Ký 34 Môi-se hiểu thêm về Đức Chúa Trời và danh của Ngài. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được kết nối chặt chẽ với danh của Ngài, bởi vì những cái tên trong Kinh Thánh đều có ý nghĩa sâu sắc và báo hiệu điều gì đó về bản chất của một con người. Thậm chí ngày nay, chúng ta có thể nói rằng một người hoặc một công ty nào đó có một cái tên hay, ý nghĩa và nó hợp với tính cách của họ chẳng hạn như tốt bụng và đáng tin cậy. Môi-se muốn biết thêm về Đức Chúa Trời để hiểu Ngài là Đấng như thế nào. 

Sự vinh hiển là gì?

Có một định nghĩa rất hay về sự vinh hiển như sau: “Những điều ưu tú trong bản tính thiên thượng của Đức Chúa Trời được tỏ ra.”  Điều đó có nghĩa là các phẩm chất của Chúa, những bản tính của Ngài, và tính cách của Ngài được thể hiện rõ ràng theo những cách mà chúng ta có thể nhìn, nghe, chạm, cảm nhận và biết được. Đó là điều mà Môi-se đã theo đuổi.

Đức Giê-hô-va phán rằng: “Ta sẽ làm cho các sự nhân từ ta phát ra trước mặt ngươi; ta hô danh Giê-hô-va trước mặt ngươi; làm ơn cho ai ta muốn làm ơn, và thương xót ai ta muốn thương xót.” Ngài lại phán rằng: “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống.”  (Xuất 33:19-20

Chúa đề nghị Môi-se nên nép mình vào kẽ đá vì sự an toàn của chính ông.

Đức Giê-hô-va đi qua trước mặt ông và tuyên bố: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, dư dật ân huệ và thành thực, giữ lòng yêu thương đến nghìn đời, tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; Nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, mà nhân tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời.” (Xuất 34:6-7) 

Điều thú vị là danh Đức Chúa Trời viết bằng bốn chữ cái (trong tiếng Hê-bơ-rơ) được biểu thị ở đây là Adonai, được nhắc đến ba lần (Kinh Thánh tiếng Việt dịch là Giê-hô-va). Tương tự như những câu trong Kinh Thánh của người Do Thái (“Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va [Adonai] Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va [Adonai] có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va [Adonai] Đức Chúa Trời ngươi.” –  Phục truyền 6:4-5). Danh thánh của Đức Chúa Trời được nói đến ba lần. Tôi không nghĩ rằng đây là một sự trùng hợp.

Bảy điều ưu tú trong bản tính thiên thượng của Đức Chúa Trời

Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy rằng Chúa liệt kê bảy bản tính của Ngài:

Nhân từ (có liên kết với chữ ‘tử cung’ trong tiếng Do Thái – giống như một người mẹ)

Hay thương xót 

Chậm giận, hoặc hay dung chịu

Đầy ơn

Thành tín

Tha thứ các điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi

Không để cho kẻ có tội thoát hình phạt

Số bảy là con số của sự trọn vẹn, và Đức Chúa Trời là trọn vẹn trong mọi đường lối Ngài. Đây là cách mà Ngài đã chọn để bày tỏ sự vinh hiển của Ngài cho Môi-se, và cũng là danh mà Ngài đã công bố.  Bản chất được bày tỏ của Đức Chúa Trời là nhân từ, thương xót, hay dung chịu và thành tính, đầy tình yêu thương và sự tha thứ. Thật tốt lành biết bao khi được đắm mình trong những điều này! Mọi thứ mà người ta đã nói và làm, sẽ không ai có thể cáo buộc Đức Chúa Trời là bất công hay thiếu sự nhân từ. Ngay cả khi Đức Chúa Trời bày ra cơn thịnh nộ đáng kinh sợ  của Ngài trong sách Khải-huyền, thì các thiên sứ vẫn hát về sự chính trực và công bình của Ngài. Đường lối của Đức Chúa Trời là trọn vẹn và công bình, ngay cả khi Ngài trừng trị kẻ gian ác. Một Đức Chúa Trời tốt lành sẽ không thể để cho kẻ ác nhởn nhơ mà không nhận lấy bất kỳ hình phạt nào. Công lý đòi hỏi một vị thẩm phán tốt thi hành các phán quyết công bình, và đó là điều mà Ngài sẽ làm.

Một gợi ý ẩn dấu về sự vinh hiển thậm chí còn lớn hơn nữa

Ngay cả khi sự trừng phạt đã được báo trước, chúng ta vẫn có hy vọng lớn để bám vào. Có một chữ cái ngẫu nhiên trong tiếng Do Thái (נ – N /Nun) được đánh dấu bằng cách viết đậm và lớn một cách bất thường ở từ đầu tiên trong câu 7–‘natzar’.

Tại sao? Các học giả đã xem xét điều này và cảm thấy thật bí ẩn.

Nếu có gì bất thường trong văn bản Kinh Thánh, chắc phải có lý do nào đó. Những sai sót quá rõ ràng có thể đại diện cho một manh mối ẩn giấu mà Chúa ban cho chúng ta.

Từ ‘natzar’ (נָצַר) được dịch ra ở đây là “giữ gìn,” ở câu Chúa nói rằng Ngài sẽ giữ lòng yêu thương đến nghìn đời. Từ ‘natzar’ có thể được dịch là giữ hoặc bảo quản một thứ gì đó quý giá (giống như kho báu), một thứ gì đó bí mật.

Giấu kín việc nào, ấy là vinh hiển của Đức Chúa Trời; Nhưng dò xét điều nào, ấy là vinh hiển của các vua. (Châm-ngôn 25:2)

Các học giả tiếng Do Thái đồng ý rằng chữ cái nào được đánh dấu đồng nghĩa với việc chúng ta nên đặc biệt chú ý đến chữ đó. Họ có ý của họ về lý do tại sao chữ cái đầu tiên có thể được nhấn mạnh, điều này có vẻ hơi xa vời với tôi, nhưng hãy để tôi nói cho bạn biết thêm về từ gốc của chữ này. Nó có một ý nghĩa khác.

Động từ ‘natsar’ có nghĩa là canh gác, bảo vệ hoặc gìn giữ – để đảm bảo một cái gì đó được bảo quản, bảo vệ và duy trì. Đó có thể là việc bảo quản kho báu, giữ lời hứa hoặc bí mật, hay bảo toàn một thứ gì đó đang bị đe dọa.

Danh từ ‘netser’ có nghĩa là nhánh hoặc chồi. Nó đề cập đến giai đoạn ban đầu dễ bị tổn thương nhất của một cái cây, cần được bảo vệ và trông nom, cũng như sự đâm chồi nảy lộc trong quá trình lớn lên của cái cây đó.

Nhánh / Chồi từ Na-xa-rét

Đó là từ gốc của chữ “chồi” hoặc “nhánh” mà Ê-sai đã nói đến – nhánh này sẽ ra từ Gie-sê (có bản dịch là Y-sai):

Có một chồi sẽ nứt ra từ gốc Gie-sê, một cành từ rễ nó sẽ ra trái.” (Ê-sai:1). 

Thật tuyệt vời làm sao, “Chồi của Gie-sê”, Đấng Mê-si trong lời hứa, đã đến thế gian như một đứa trẻ dễ bị tổn thương cần được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận.

Đây cũng là từ gốc của tên thành Na-xa-rét. Không phải ngẫu nhiên mà Chồi của Gie-sê lại lớn lên ở nơi này.

[…người (Giô-sép) vào xứ Ga-li-lê], ở trong một thành kia tên là Na-xa-rét. Vậy là ứng nghiệm lời mấy đấng tiên tri đã nói rằng: Người ta sẽ gọi Ngài là người Na-xa-rét. (Ma-thi-ơ 2:23)

Ngay trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký, Đức Chúa Trời đã xưng danh Ngài, công bố rằng, Nhánh (ra từ Gie-sê )… Đấng sẽ giữ lòng yêu thương của Đức Chúa Trời khi sự phán xét đã đến kỳ hạn.

Vậy, chữ cái đầu tiên của từ đầu tiên được viết lớn hơn bình thường là để chỉ về Đấng Mê-si, người sẽ đảm bảo lòng thương xót của Đức Chúa Trời cho đến ngàn đời, cũng là Đấng sẽ cất tội lỗi của chúng ta đi. Ba từ khác nhau dùng để chỉ ‘tội lỗi’ được sử dụng ở đây (điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi), nhấn mạnh mọi sai phạm mà chúng ta có thể, đã, hay sẽ phạm phải. Tất cả đều được tha thứ và cất đi, nhưng vẫn còn hình phạt nghiêm khắc dành cho những người chọn cách không ăn năn và vẫn sống trong tội lỗi của họ.

Môi-se vội vàng cúi đầu xuống đất và thờ phượng. Ông thưa: “Lạy Chúa! Nếu con được ơn trước mặt Chúa, xin Chúa cùng đi với chúng con. Dù đây là một dân tộc cứng cổ, xin Chúa tha sự gian ác và tội lỗi của chúng con và nhận chúng con làm cơ nghiệp Ngài.”” (Xuất 34:8-9)

Đây là phản ứng thích hợp duy nhất khi kinh nghiệm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thờ phượng, tôn kính và ăn năn. Sự nhân từ và lòng thương xót của Đức Chúa Trời vượt xa mọi điều chúng ta có thể hiểu được, sự tha thứ của Ngài đã được ban cho trong ân điển của Ngài.

Cả Thi-thiên 103 đều nói về những bản tính này của Đức Chúa Trời, và gợi nhớ đến cuộc gặp gỡ của Môi-se với Chúa. Dân Y-sơ-ra-ên có thể đã có được đặc ân nhìn thấy những việc Chúa làm và quan sát công việc đầy quyền năng của Ngài, nhưng Môi-se đã gặp gỡ Đức Chúa Trời trong vinh quang của Ngài – được gần gũi với Ngài một cách cá nhân. Ông hiểu rõ Chúa là Đấng như thế nào, và cũng được Ngài cho biết về những việc sắp xảy đến.

Đức Giê-hô-va thi hành sự công bình và sự ngay thẳng cho mọi người bị hà hiếp. Ngài bày tỏ cho Môi-se đường lối Ngài. Và cho Y-sơ-ra-ên biết các công việc Ngài. Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi. Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu. Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy. (Thi-thiên 103:6-13)

Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã tỏ ra trên đất qua hình ảnh của một con Người – Chúa Giê-xu người Na-xa-rét, Đấng Mê-si trong lời hứa, Đấng đã đến để xóa bỏ tội lỗi của thế gian.

Hỡi linh hồn ta, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like