Chức vụ “làm cha mẹ” có nghĩa là chúng ta không chỉ nuôi dưỡng con cái về thể chất và trí tuệ mà còn có một đặc ân và trách nhiệm thiêng liêng để giúp con lớn lên trong sự nhận biết và yêu mến Chúa. Khi đó môi trường thuộc linh trong gia đình chính là mảnh đất đầu tiên gieo mầm đức tin cho con trẻ, là cái nôi xây dựng nhân cách và lối sống cho trẻ khi trưởng thành. Cũng chính tại nơi đó đời sống thuộc linh của con được hình thành và lớn lên.
Dưới đây là năm cách để cha mẹ cơ đốc có thể xây dựng môi trường thuộc linh cho con trong chính ngôi nhà của mình.
1. Biến gia đình thành “hội thánh nhỏ”
Điều thách thức đầu tiên cho cha mẹ cơ đốc là đừng đợi đến Chúa Nhật mới nói với con về Chúa. Mỗi ngày, cha mẹ có thể cùng con đọc Kinh Thánh, cầu nguyện trước khi đi ngủ, hoặc kể cho con nghe những câu chuyện về sự thành tín của Đức Chúa Trời. Một bàn tay nắm chặt con khi cầu nguyện, một câu Kinh Thánh dán trên tủ lạnh, một bài hát thờ phượng bật trong phòng khách, tất cả những điều nhỏ nhặt đó đều là những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy rằng Chúa hiện diện trong ngôi nhà của trẻ. Vì gia đình là vườn ươm đức tin đầu đời cho con trẻ. Như trong II Ti-mô-thê 1:5, sứ đồ Phao-lô viết: “Vì ta nhớ đến đức tin thật trong con, là đức tin trước đã có nơi bà ngoại con là Lô-ít, và nơi mẹ con là Ơ-nít; ta chắc rằng cũng ở trong con nữa.” Ta thấy rằng Ti-mô-thê không được nuôi dạy trong một hội thánh lớn, không có nền tảng từ người cha (cha của ông là người Hy Lạp ngoại đạo (Theo Công vụ 16:1)), nhưng ông đã tiếp nhận đức tin chân thật từ người bà và người mẹ khi ông còn thơ ấu. Điều này cho thấy ảnh hưởng của người nuôi dưỡng trong gia đình với vai trò như những người âm thầm gieo trồng hạt giống thuộc linh. Và chính môi trường thuộc linh bắt đầu từ trong gia đình đã có thể tạo nên một người hầu việc Chúa mạnh mẽ cho thế hệ sau.
2. Làm gương trong đời sống đức tin
Châm ngôn 22:6 chép: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.”
Trẻ con là những người có tấm lòng mềm mại và dễ hình thành niềm tin nếu được hướng dẫn cách đúng đắn. Việc cha mẹ dành thời gian kể chuyện Kinh Thánh, cùng con cầu nguyện buổi tối hay thảo luận về cách áp dụng lời Chúa vào cuộc sống, tất cả những hành động này tuy nhỏ nhưng sẽ tạo nên dấu ấn không phai trong tâm trí con. Đối với con cha mẹ là cả thế giới, vậy nên cha mẹ cũng chính là gương mẫu duy nhất trong những năm đầu đời mà coi noi theo. Vì trẻ em học bằng cách quan sát, nên khi cha mẹ thành thật trong đức tin hay khi họ tha thứ, khiêm nhường, biết ơn và vâng phục Chúa thì con cái cũng sẽ học được những đặc tính đó. Có thể nói rằng cha mẹ không cần phải hoàn hảo, nhưng sự chân thật trong hành trình theo Chúa sẽ dạy con nhiều hơn bất kỳ bài học nào.
Một người cha nóng nảy nhưng giảng về tình yêu của Chúa; một người mẹ hay than phiền nhưng dạy con biết ơn sẽ khiến con bối rối, nghi ngờ và mất ổn định.
Trong Sáng thế ký 22, Áp-ra-ham dẫn con là Y-sác lên núi để dâng làm của lễ. Dù không hiểu hết, nhưng Y-sác theo cha với lòng tin, vì ông thấy nơi cha mình sự tin kính thực sự. Kết quả là Y-sác cũng trở thành một người tin kính và thờ phượng Chúa. Vì đức tin truyền đi không chỉ qua lời nói mà bằng những bước chân cha mẹ bước đi.
3. Nuôi dưỡng sự tò mò thuộc linh của con
Khi con hỏi: “Tại sao Chúa để con buồn?” hay “tại sao Chúa lại để người xấu còn trên đất?” thì đó không phải là điều đáng lo, mà là cánh cửa mở ra cho đức tin thật được hình thành. Những câu hỏi đó là dấu hiệu con đang tìm kiếm chân lý và lẽ thật. Và là cha mẹ, chúng ta được kêu gọi để không im lặng cho qua hay áp đặt đức tin trên con nhưng cùng với con khám phá về một Đức Chúa Trời đầy yêu thương, thành tín và nhân từ. Cha mẹ không nên quá vội vàng đưa ra câu câu trả lời mà trước nhất cần sự lắng nghe một cách cẩn thận, nhắc lại để chắc chắn cha mẹ hiểu chính xác điều con đang muốn nói, và cùng với con tra xét Lời Chúa. Bởi đức tin lớn lên không phải từ sự áp đặt mà là từ tình yêu được đồng hành.
Thay vì né tránh các câu hỏi khó của con thì điều cần thiết mà cha mẹ cần phải làm là khuyến khích con đặt câu hỏi. Có như vậy cha mẹ mới có thể cùng con tra xét Lời Chúa và tìm kiếm câu trả lời trong ánh sáng của Kinh Thánh. Khi làm vậy, cha mẹ không chỉ dạy con kiến thức Kinh Thánh mà còn đang xây dựng một đức tin có gốc rễ và có chiều sâu để có thể trưởng thành trong thử thách.
Đức tin thật không sinh ra từ sự chấp nhận mù quáng mà từ hành trình tìm kiếm và được dẫn dắt bởi tình yêu và sự kiên nhẫn. Cha mẹ cần cho con trẻ biết biết rằng Chúa không sợ bất kỳ câu hỏi nào của con, và Ngài cũng không thất vọng khi con nghi ngờ Ngài, nhưng Ngài mong muốn con đến gần Ngài hơn trong quá trình ấy.
4. Tạo nếp sinh hoạt tâm linh ổn định là xây dựng sự hiện diện của Chúa trong sinh hoạt hằng ngày.
Phục truyền 6:6–7 nói:
“Những lời nầy mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm, hay khi chỗi dậy.”
Môi trường thuộc linh không phải là việc chỉ làm một lần trong tuần ở nhà thờ, mà là sự hiện diện của Lời Chúa trong từng hơi thở của cuộc sống gia đình. Khi bạn cho con thấy rằng Chúa là Đấng bạn trò chuyện mỗi ngày, tìm kiếm ý muốn của Ngài khi quyết định bất cứ điều gì, và luôn thể hiện sự biết ơn Ngài khi ăn bữa cơm đơn sơ, lúc này con sẽ thấy Chúa là thật và Ngài vô cùng gần gũi. Tạo mối quan hệ gần gũi cho con với Chúa đơn giản như như treo Kinh Thánh trên tường, thiết lập “góc cầu nguyện” trong nhà để đây là nơi cả nhà quây quần bên nhau và cầu nguyện. Dành thời gian mỗi tối trước khi đi ngủ để hỏi con: “Con cảm ơn Chúa vì điều gì hôm nay?” Mỗi ngày dành thời gian để học Kinh Thánh cùng nhau, làm một cuốn sổ tay ghi lại những điều con cầu nguyện, hay xây dựng một thói quen chúc phước cho con mỗi sáng… những điều giản đơn đó sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn và theo con suốt đời.
5. Kết nối con với cộng đồng đức tin
Hội thánh là phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng đức tin. Nên chắc chắn rằng cha mẹ tạo mọi điều kiện có thể để con tham gia nhóm học Kinh Thánh, trại hè Cơ Đốc, nhóm thiếu nhi. Chính trong cộng đồng đức tin này con sẽ học được giá trị của sự hiệp một, tình yêu thương và đời sống thờ phượng cùng người khác. Được sinh hoạt trong môi trường có những người bạn cùng đức tin sẽ giúp con củng cố đức tin mạnh mẽ khi con thấy mình thuộc về một cộng đồng yêu mến Chúa.
Không có con đường tắt nào để nuôi dưỡng đức tin. Vì đưc tin của con trẻ không thể được “ép cho mọc” nhưng cần được “tưới bằng nước mắt cầu nguyện”, “bón bằng tình yêu thật” và “phơi nắng Lời Chúa mỗi ngày”. Chúng ta không thể thay con chọn Chúa, nhưng chúng ta có thể làm cho việc chọn Chúa trở thành một lựa chọn đẹp đẽ và sống động trong mắt con.
Hongan Doan
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com