Ngày xưa, ta sinh ra trong một thế giới đầy những điều kỳ diệu. Rồi mọi thứ đều là những khám phá diệu kỳ. Ta khám phá ra đôi tay của mình, rồi học cách sử dụng chúng. Ta khám phá ra đôi chân của mình, rồi học cách đi lại. Ta khám phá ra cái lưỡi của mình, rồi học cách điều khiển nó để bắt chước những âm thanh nghe được từ người xung quanh mà diễn đạt ý định theo cách mà họ có thể hiểu. Và bằng cách sử dụng đôi tay, đôi chân, đôi mắt, đôi tai, cái miệng, và cái mũi của mình – mọi giác quan và năng lực mà ta được ban cho, dù nhạy bén đến đâu, dù hạn chế cỡ nào – ta cũng bắt đầu khám phá thế giới mà Đức Chúa Trời đã đặt mình vào. Ta là một con người.
Giữa tất cả những công trình tuyệt vĩ mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng trong vũ trụ này, và giữa hàng tỷ sinh vật sống mà Ngài đã làm tràn đầy quả đất, loài người ở vị trí độc nhất là có thể nghe, hiểu, và đáp lại tiếng của Chúa qua hai ngôn ngữ mà Ngài nói. Chúng ta nhìn thấy thế giới của Ngài, rồi trong tâm trí của mình, không như bất kỳ sinh vật nào khác trên trái đất, ta được lay động bởi tiếng Chúa. Chúng ta đọc Lời Ngài (tức Kinh Thánh), và những nét mực nhỏ trên các trang giấy của nó truyền đạt chân lý, cái đẹp, tình yêu thương, công lý, và sự cứu rỗi cho linh hồn ta. Ngay cả khi ta chỉ biết một ngôn ngữ, thì theo nghĩa nào đó, ta vẫn là song ngữ. Ta được trang bị để nghe và đáp lại tiếng Chúa trong cả Lời Ngài và thế giới của Ngài.
Chẳng có gì khi ta chỉ là một người ít được biết đến và ít được để ý nhất trên quả đất; việc Đức Chúa Trời đã thiết kế ta cách đặc biệt để nghe và hiểu Ngài, rồi trang bị cho ta để đáp lại tiếng Ngài – và thực tế còn hơn nữa là Ngài đã mất rất nhiều công sức để giao tiếp với ta qua hai ngôn ngữ khác nhau – có nghĩa là, ít nhất, ta phải cực kỳ quan trọng. Không có kết luận khả dĩ nào khác. Đấng Tạo Hóa của muôn vật đã thiết kế ta một cách độc nhất để biết Ngài và được Ngài biết đến.
Hãy Hiểu Mình Là Ai

Con người là loài giống lai kỳ lạ nhất từng tồn tại, trong thần thoại hay thực tế. Chúng ta là nửa thần linh nửa sinh vật. Một con griffin (đại bàng sư tử) còn có vẻ hợp lý hơn – nửa đại bàng và nửa sư tử. Ít nhất thì cả hai đều là sinh vật. Loài người là gì? Không thể phủ nhận rằng chúng ta giống loài thú, với những điểm yếu, ham muốn, và chức năng giống loài thú. Như Solomon đã nói, “Việc xảy ra như vậy, vì Đức Chúa Trời muốn thử nghiệm con người, và chỉ cho họ biết rằng mình không hơn gì loài thú. Vì việc xảy đến cho loài người và loài thú đều giống nhau; loài nầy chết, loài kia cũng chết. Cả hai đều thở cùng một thứ hơi thở; loài người chẳng hơn gì loài thú, vì tất cả đều hư không.” (Truyền đạo 3:18-19). Chúng ta sinh ra như loài thú, ăn uống ngủ như loài thú, và sống chết như loài thú. Trừ việc là không hoàn toàn như vậy. Vì nếu loài người chỉ là loài thú, thì chúng ta là loài thú kỳ lạ nhất từng sống.
Các con thú đều sống theo bản năng. Một con báo sống và sinh tồn khá tốt, nhưng nó không bao giờ dừng lại để cảm thấy day dứt vì đã giết con của một con thú khác. Một con bọ ngựa cái không bao giờ dành thời gian để suy nghĩ về ảnh hưởng đạo đức của việc ăn thịt bạn tình mình. Nó chỉ ăn thịt bạn tình và tiếp tục sống. Chỉ con người mới có những bài toán đạo đức khó xử này. Chỉ con người mới có tiếng nói bên trong mình tranh đấu với tiếng gọi của bản năng tự nhiên, và nói cho ta biết khi nào những điều ta đang muốn làm là, hoặc không phải là, điều ta thực sự nên làm. Tiếng nói đó, mà chúng ta gọi là lương tâm, kêu gọi ta hãy sống cuộc đời mình và lựa chọn một mục tiêu lớn hơn việc chỉ tuân theo những ham muốn tức thời như con vật (Rô-ma 2:15). Nếu không có ý thức đạo đức này, các khái niệm của chúng ta về thiện ác, công lý, lòng thương xót, và sự tha thứ sẽ không tồn tại. Sẽ chẳng có anh hùng hay kẻ ác. Lòng can đảm sẽ là điều không thể. Tất cả những câu chuyện hay nhất và các hành động cao cả nhất sẽ chẳng là gì ngoài những chuyện phi lý vô nghĩa.
Con người hơn con vật. Có một chiều hướng cao sâu hơn về chúng ta là ai. Có một thực tại bên trong ta quá khó nắm bắt để tìm kiếm bằng dao mổ, nhưng lại quá mạnh mẽ để có thể bỏ qua. Nó định hình suy nghĩ, ước mơ, ý thức về công lý và mục đích, nhận thức về cái đẹp, tình yêu thương, và các hành động của ta. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Ta được ban cho không chỉ một cơ thể mà còn cả một thần linh (spirit) (Gióp 32:8). Với món quà này, Đức Chúa Trời cho ta không chỉ khả năng nhìn thấy và trải nghiệm thế giới tự nhiên xung quanh mình (như mọi sinh vật khác), mà còn khả năng lắng nghe ý nghĩa mà Ngài truyền đạt qua chúng — để cảm nhận mặt đất rung chuyển với tiếng sấm của Đức Chúa Trời, và nhận biết không chỉ sức mạnh, mà còn cả tiếng nói của Ngài (Thi Thiên 29). Với món quà này, Chúa cho chúng ta khả năng nói điều gì đó để đáp lại.
“Nhưng chính thần linh ở trong loài người, Là hơi thở của Đấng Toàn Năng, mới ban cho họ sự hiểu biết.” (Gióp 32:8)
Có hợp lý không khi Đức Chúa Trời giao cho con người trách nhiệm quản trị tạo vật của Ngài? Có sinh vật nào khác có thể đại diện cho công lý của Ngài? Có sinh vật nào khác có thể đại diện cho lòng thương xót của Ngài cho mọi vật mà Ngài đã tạo dựng? Thậm chí có sinh vật nào khác có thể nhận biết những điều này?
Loài người được đặc ân để bày tỏ đặc tính của Đức Chúa Trời trên đất, và chỉ duy chúng ta được ban cho năng lực để làm điều này. Chỉ duy chúng ta mới có thể nghe tiếng Ngài, tương giao với Ngài cách cá nhân, học các đặc tính của Ngài, và bày tỏ chúng với các tạo vật còn lại. Nhưng còn hơn thế nữa. Sự bày tỏ này là cả hai chiều – chúng ta không chỉ có thể bày tỏ vinh quang của Chúa cho các tạo vật, mà còn có thể thay mặt các tạo vật bày tỏ lời ca ngợi vinh quang lên cho Đức Chúa Trời mình.
Hãy Đáp Ứng Lại Đấng Đã Tạo Dựng Chúng Ta

Thi Thiên 98:8 kêu gọi sông núi hãy ngợi khen Chúa: “Nguyện các sông vỗ tay, Núi đồi cùng nhau hát mừng trước mặt Đức Giê-hô-va!” (Thi Thiên 98:8). Ê-sai 55:12 nói rằng cây cối cũng sẽ tham gia, và Thi Thiên 148 thêm nhiều tạo vật nữa vào danh sách – nhưng hãy nhớ rằng: mặc dù những điều kỳ diệu này “chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; Cũng không ai nghe âm thanh của chúng. Nhưng tiếng của chúng dội vang khắp đất Và lời của chúng truyền đến tận cùng thế giới.” (Thi Thiên 19:3-4). Dù sự tồn tại của thế giới tự nhiên bày tỏ vang dội vinh quang của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ một phần của thế giới vật hóa là có thể phát những tuyên bố đó ra thành lời. Đó chính là chúng ta. Nếu toàn bộ thế giới tạo hóa là dàn nhạc ngợi khen, thì chúng ta là ca đoàn. Chúng ta là cái lưỡi, là tiếng nói của muôn vật, là người chỉ huy dàn nhạc, là những nghệ sĩ độc tấu và là ca sĩ, là các nhà thơ và là người chép sách. Khi dâng lời tôn vinh của mình lên cho Chúa của muôn vật, chúng ta thể hiện bằng lời nói của mình ngôn ngữ thầm lặng mà muôn vật vẫn luôn bày tỏ. Theo nghĩa đó, chúng ta không chỉ nói cho chính mình – mà ta đang nói thay cho cả một vũ trụ diệu kỳ. Đó là một vũ trụ mở rộng vượt xa chúng ta, và lời ca ngợi của ta cũng hãy mở rộng theo nó.
Dàn nhạc đã bắt đầu chơi. Chúng ta có đóng góp lời hát không? Ta không cần một giọng hát tuyệt vời để tham gia vào dàn hợp xướng của tạo hóa. Ta có thể đóng góp ngay bây giờ chỉ bằng lòng biết ơn và lời nói cảm ơn của mình với Chúa – bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Sẽ không bao giờ, không bao giờ, có khoảnh khắc nào là không phù hợp để thờ phượng. Là con người, ta có niềm vui là có thể nhận biết Chúa và đáp ứng lại với Ngài cách cá nhân. Và những từ ngữ nào ta có thể sử dụng để đáp lại một Đức Chúa Trời như vậy, trừ ngôn ngữ thờ phượng? Ngày qua ngày ta hãy tuôn lời nói (Thi Thiên 19:2), hòa những lời ngợi khen của mình với âm nhạc luôn được phát ra bởi thiên nhiên tạo hóa. Đêm này qua đêm khác, ta hãy bày tỏ tri thức về bản tính Ngài trong cách mình kết nối với những tạo vật kỳ diệu còn lại của Ngài. Thật là một đặc ân khi được làm người.
Người dịch: Richard Huynh
Theo GospelCenterDiscipleship.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com