Home Chuyên Đề Galileo Galilei Nói Về Kinh Thánh, Khoa Học, Và Bản Chất Con Người

Galileo Galilei Nói Về Kinh Thánh, Khoa Học, Và Bản Chất Con Người

by Richard Huỳnh
30 đọc

Galileo Galilei được gọi là “cha đẻ của khoa học hiện đại.” Stephen Hawking nói: “Galileo, có lẽ hơn bất kỳ một người riêng biệt nào, chịu trách nhiệm về sự khai sinh khoa học hiện đại” [1]. Ông cũng hay bị lấy làm hình mẫu việc tôn giáo bắt bớ khoa học vì bị tòa án dị giáo tuyên án về thuyết nhật tâm của mình. Nhưng ông là một Cơ Đốc nhân với đức tin không phai nhạt cả khi bị giáo hội bắt bớ. Sau đây là trích đoạn bức thư của Galileo gởi nữ công tước Christina xứ Tuscany [2]. Nó cho ta thấy suy nghĩ của ông về Kinh Thánh, khoa học, và bản chất con người.

“Những định luật của thiên nhiên được viết bởi bàn tay của Đức Chúa Trời bằng ngôn ngữ của toán học” – Galileo Galilei

Bức Thư Galileo Galilei gởi đến nữ đại công tước Christina xứ Tuscany

“Gửi đến Người Mẹ Nữ Đại Công Tước Bình An Nhất,

Vài năm trước, như Quý Tôn Kính Bình An đã biết rõ, tôi khám phá ra trên các tầng trời nhiều thứ chưa từng thấy trước thời đại của chúng ta. Sự mới lạ của chúng, cũng như việc những hệ quả ra từ chúng đi ngược lại với các kiến thức vật lý thường được tin trong giới giáo sư hàn lâm, đã khuấy động không ít giáo sư chống lại tôi – như thể tôi đã tự tay đặt những thứ này lên bầu trời để làm đảo lộn thiên nhiên và lật đổ khoa học. Họ dường như quên rằng sự gia tăng hiểu biết về những lẽ thật sẽ biết kích thích sự nghiên cứu, thiết lập, và phát triển của [khoa học]; chứ không phải làm suy giảm hay hủy hoại chúng…

…Thể hiện lòng yêu thích ý riêng của mình nhiều hơn lẽ thật, họ tìm cách phủ nhận và bác bỏ những điều mới mẻ mà, nếu họ chịu quan tâm mà tự mình tìm hiểu, chính các giác quan của họ sẽ cho họ thấy. Để đạt mục đích này, họ ném nhiều lời buộc tội khác nhau và xuất bản vô số bài viết chứa đầy những lập luận hão huyền, và họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi rải những trích đoạn từ Kinh Thánh mà họ hiểu sai, và cũng chẳng phù hợp với mục đích của mình… Những người này đã quyết định tạo ra một tấm khiên cho những ngụy biện của mình dưới áo khoác tôn giáo giả hình và thẩm quyền của Kinh Thánh. Họ áp dụng những điều này cách ít suy xét để bác bỏ những lập luận mà họ không hiểu và thậm chí chẳng lắng nghe…

Galileo than thở xu hướng của lòng người là dễ hợp lại để ức hiếp hơn là để chung vui, điều mà ngày nay ta thấy đã trở nên đáng sợ hơn do tính ẩn danh của mạng. Ông viết:

…Bản chất con người là thích thuận theo các lý do để một người có thể áp bức người lân cận mình, dù là bất công đến đâu, thay vì các lý do để có thể khích lệ một người cách chính đáng…

Lên án hành vi hiểu các đoạn Kinh Thánh cách hời hợt mà không có tư duy phản biện hay suy ngẫm ngữ nghĩa cách sâu sắc hơn – Galileo lập luận, giống như Neil deGrasse Tyson 500 năm sau, rằng việc từ bỏ lý lẽ và bằng chứng là dấu hiệu của sự lười biếng về mặt tâm linh và lý trí:

… Bây giờ, về những lời vu khống sai trái mà họ tìm cách đổ lên tôi cách bất công, tôi nghĩ mình cần phải biện minh trước mắt mọi người, những người mà tôi rất coi trọng các phán đoán của họ trong các vấn đề tôn giáo và danh tiếng. Do đó, tôi sẽ tranh luận về những luận điểm mà họ bày ra để khiến cho ý tưởng ​​này (n.d: thuyết nhật tâm) bị ghét bỏ và khiến nó bị lên án không chỉ là sai lầm mà còn là dị giáo. Vì mục đích này, họ làm một cái khiên bằng lòng nhiệt thành tôn giáo giả hình của mình. Họ đi khắp nơi viện dẫn Kinh Thánh, mà họ dùng để phục vụ cho mục đích giả dối của mình…

… Trái ngược với chiều hướng của Kinh Thánh và ý định của các Thánh Phụ, nếu tôi không lầm, họ sẽ mở rộng các thẩm quyền phán xét như vậy ngay cả trong những vấn đề thuần vật lý – nơi không liên quan đến đức tin – họ sẽ khiến chúng ta hoàn toàn từ bỏ lý trí và các bằng chứng giác quan để hiểu theo một số đoạn Kinh Thánh, dù dưới lớp ngữ nghĩa bề mặt, đoạn văn này có thể chứa đựng một cách hiểu khác…

… Nhưng ngay cả trong những tuyên bố không thuộc vấn đề đức tin, thẩm quyền này (của Kinh Thánh) phải được ưu tiên hơn của tất cả các sách viết của con người chỉ được hỗ trợ bởi các nhận định đơn thuần hoặc các lập luận kiểu “có thể là”, và không được trình bày bằng cách chứng minh. Tôi cho rằng điều này là cần thiết và đúng đắn cũng giống như sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời vượt qua mọi phán đoán và suy đoán của con người…

…Nhưng tôi không thấy phải tin rằng cũng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta các giác quan, lý lẽ, và trí tuệ, lại muốn ta từ bỏ việc sử dụng chúng, rồi bằng những cách khác cung cấp cho ta kiến ​​thức mà mình có thể đạt được thông qua chúng. Ngài sẽ không yêu cầu chúng ta phủ nhận giác quan và lý trí trong các vấn đề vật lý được đặt trước mắt và tâm trí mình bằng kinh nghiệm trực tiếp hay các minh chứng cần thiết…

“Tôi không thấy phải tin rằng cùng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta các giác quan, lý lẽ, và trí tuệ lại muốn ta từ bỏ việc sử dụng chúng rồi bằng những cách khác cung cấp cho ta kiến ​​thức mà mình có thể đạt được thông qua chúng” – Galileo Galilei

Galileo nhấn mạnh tầm quan trọng của những người diễn giải và giúp hiểu trong việc rút ra chân lý từ Kinh Thánh, đồng thời cảnh báo về xu hướng hình thành ý kiến ​​chỉ vì nó phổ biến và do đó dễ dàng, thay là vì nó khôn ngoan:

… Những người không thể hiểu hoàn hảo cả Kinh Thánh và khoa học thì đông hơn nhiều những người thực sự hiểu chúng. Nhóm người trước, chỉ lướt qua Kinh Thánh cách hời hợt, sẽ tự cho mình quyền ra lệnh cho mọi câu hỏi về vật lý dựa trên sức mạnh của vài từ mà họ đã hiểu sai, và được sử dụng bởi các tác giả thánh cho những mục đích khác. Và số ít người hiểu biết không thể ngăn chặn dòng lũ dữ dội của những người đó, những người sẽ kiếm được đám đông đi theo chỉ vì sẽ dễ chịu hơn nhiều để được danh tiếng là khôn ngoan mà không cần nỗ lực hay học tập so với việc phải hết sức mình miệt mài theo đuổi những ngành học khó khăn nhất…

Nói về sự xung đột giữa “Chân Lý của Vũ Trụ” và “chân lý của con người” mà Einstein và Tagore sẽ tranh luận nhiều thế kỷ sau, Galileo chỉ ra rằng thay vì làm phai nhạt sự thiêng liêng, bản thân thiên nhiên chính là thể hiện của sự thiêng liêng.

…Để phù hợp với mức hiểu biết của tất cả mọi người, Kinh Thánh cần phải nói điều trông có vẻ khác với chân lý tuyệt đối khi xét về nghĩa đen đơn thuần của các từ (n.d: tức Kinh Thánh có thể dùng nghĩa bóng, nghĩa hình tượng cho dễ hiểu dù nó không chính xác về mặt kỹ thuật theo nghĩa đen). Ngược lại, thiên nhiên là không thể lay chuyển và không thể thay đổi; nó không bao giờ vi phạm những luật lệ đã đặt lên cho nó, hoặc quan tâm chút nào đến việc liệu những lý do và phương pháp hoạt động khó hiểu của nó thì con người có hiểu hay không. Vì lý do này, gần như chẳng vấn đề vật lý gì mà những trải nghiệm giác quan đặt ra trước mắt chúng ta, hoặc những bằng chứng cần thiết đã chứng minh cho ta, nên bị nghi vấn (và càng không nên bị lên án) vì những từ ngữ trong lời Kinh Thánh có thể có các ngữ nghĩa khác nhau bên dưới. Vì Kinh Thánh không bị ràng buộc trong cách diễn đạt cách nghiêm ngặt như những quy luật quản lý mọi tác động vật lý; và Đức Chúa Trời cũng được bày tỏ qua những hành động của thiên nhiên không kém gì qua những lời thiêng liêng trong Kinh Thánh…

“Để phù hợp với mức hiểu biết của tất cả mọi người, Kinh Thánh cần phải nói điều trông có vẻ khác với chân lý tuyệt đối khi xét về nghĩa đen đơn thuần của các từ” – Galileo Galilei

Trọng tâm của lập luận của Galileo là lời nhắc nhở rằng chính sự thiếu hiểu biết đã thúc đẩy kiến ​​thức; ông viết:

Do đó, tôi nghĩ rằng một phần của khôn ngoan là không cho phép ai lạm quyền lời Kinh Thánh và ép buộc cách hiểu chúng theo cách nào đó để khẳng định bất kỳ kết luận vật lý nào là đúng, vì tại một thời điểm tương lai nào đó, các giác quan hay những lý do chứng minh cần thiết có thể cho thấy điều ngược lại. Ai thực sự sẽ đặt ra giới hạn cho sự khéo léo của con người? Ai có thể khẳng định rằng mọi thứ trong vũ trụ có thể được nhận biết được đều đã được khám phá và biết đến? Thay vào đó, ta hãy thú nhận một cách trung thực rằng những lẽ thật mà chúng ta biết là rất ít so với những lẽ thật mà chúng ta không biết…

…Giờ nếu Đức Thánh Linh cố ý bỏ qua việc dạy chúng ta những vấn đề như thế này vì chúng không liên quan đến mục tiêu cao nhất (tức là sự cứu rỗi của ta), thì làm sao ai đó có thể khẳng định rằng bắt buộc phải đứng về phía nào, rằng tin vào chúng là bắt buộc bởi đức tin, trong khi phía bên kia là sai lầm? Làm sao một ý kiến ​​có thể là dị giáo nhưng lại không liên quan đến sự cứu rỗi của linh hồn? Liệu có thể khẳng định là Đức Thánh Linh không có ý định dạy cho chúng ta điều gì liên quan đến sự cứu rỗi của mình không? Tôi muốn nói ở đây điều đã nghe từ mà một giáo sĩ có trình độ cao nhất: “Ý định của Đức Thánh Linh là dạy cho chúng ta cách lên thiên đàng, chứ không phải cách thiên đàng vận hành.”…

“Ý định của Đức Thánh Linh là dạy cho chúng ta cách lên thiên đàng, chứ không phải cách thiên đàng vận hành.” – Galileo Galilei

Về những người hay nhầm lẫn ý kiến ​​với lẽ thật, Galileo khuyên răn:

Hãy để họ tự do thừa nhận rằng mặc dù họ có thể lập luận rằng một quan điểm nào đó là sai, họ không có thẩm quyền để chỉ trích một quan điểm là sai lầm...

Chia sẻ tinh thần của câu nói nổi tiếng của Bertrand Russell – “Đừng sợ sự lập dị trong quan điểm, vì mọi quan điểm hiện đang được chấp nhận đều đã từng là lập dị.” – Galileo kêu gọi đứng vững với niềm tin cá nhân của mình ngay cả khi chúng không được đám đông ưa chuộng:

… Theo ý tôi, không ai… nên chặn con đường tự do triết lý về những thứ trần tục và vật chất, như thể mọi thứ đã được khám phá và bày tỏ cách chắc chắn. Cũng không nên coi là thiếu suy nghĩ khi không thỏa mãn với các ý kiến ​​đã trở nên phổ biến. Không ai nên bị khinh miệt trong các cuộc tranh luận vật lý vì không theo những ý kiến tình cờ làm người khác hài lòng nhất…

Trong đoạn kết, Galileo cảnh báo thiên kiến ​​xác nhận và bong bóng lọc thông tin tạo ra một buồng vọng ý kiến ​​cho những người thích tự cho mình là đúng hơn là tìm hiểu đầy đủ:

(N.d: Thiên kiến ​​xác nhận – confirmation bias – là xu hướng tin những cái gì mình muốn tin. Bong bóng lọc thông tin – filter bubble of information – là không gian mà thông tin bị lọc chỉ theo 1 chiều. Buồng vọng – echo chamber – là không gian chỉ lập lại những gì mình nói. Cả 3 điều này khiến ta chỉ thấy chỉ nghe điều mình tin, và càng thấy nó là đúng dù nó sai thực tế.)

…Những người tin rằng một lập luận là sai có thể dễ dàng tìm ra những sai lầm ngụy biện trong nó hơn nhiều so với những người xem nó là đúng và thuyết phục. Những người trung thành với 1 ý tưởng càng lật cách trang sách của mình, xem xét các lý lẽ, lập lại các quan sát, và so sánh các trải nghiệm, họ càng được củng cố trong niềm tin đó của mình...

______________

Dẫu bị Tòa Án Dị Giáo của giáo hội Công Giáo La Mã tuyên bố thuyết nhật tâm của mình là tà giáo, Galileo vẫn là một ví dụ về một nhà khoa học có đức tin mạnh mẽ vào Đức Chúa Trời [3]. Ông viết: “Tôi vô cùng biết ơn Chúa vì đã tử tế để tôi trở thành người đầu tiên quan sát những điều kỳ diệu được giữ kín trong bóng tối trong suốt nhiều thế kỷ trước.”¹

Trong một lá thư gửi một người bạn năm 1638, Galileo đã viết các lý thuyết về thủy triều của mình. Cuối thư, ông viết: “Hãy can đảm! Tạ ơn Chúa! Hãy giúp tôi bằng những lời cầu nguyện của anh, và với lòng tôn kính, tôi hôn tay anh.” Hai năm sau, Galileo mô tả tình trạng sức khỏe không tốt của mình trong một lá thư gửi cho một người bạn trẻ. Ông nói: “Ý Chúa muốn là như vậy, và chúng ta phải chấp nhận nó.”²

Hãy dạy con cái bạn về Đức Chúa Trời, Đấng tạo nên vũ trụ, và về vũ trụ mà Ngài đã tạo dựng.

“Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời, Bầu trời bày tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng về vinh quang của Đức Chúa Trời cho ngày kia, Đêm nầy truyền tri thức về Đức Chúa Trời cho đêm nọ.” – Thi Thiên 19:1-2

“Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được.” – Rô-ma 1:20

Người dịch: Richard Huynh (bachkhoa.name.vn)
Dịch và tổng hợp từ bài tham khảo.

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài Tham Khảo

[1] Galileo Galilei
https://vi.wikipedia.org/wiki/Galileo_Galilei

[2] Galileo vs. God: The Father of Modern Science on Religion, Truth, and Human Nature
https://www.themarginalian.org/2013/02/15/galileo-letter-to-duchess-of-tuscany/

[3] Galileo, A Scientist Who Believed in God
https://charlenenotgrass.com/galileo-a-scientist-who-believed-in-god/

Bình Luận:

You may also like