Có giai đoạn mình khá thích chương trình “Vua đầu bếp”, một phần vì mình cũng thích nấu ăn, một phần vì mình thích những vòng thi “áp lực”, xem những vòng thi như vậy đôi khi khán giả cũng hồi hộp và áp lực không kém với những người đang dự thi. Mình cảm thấy những vòng thi này khá hay, họ tạo ra áp lực từ các phía: thời gian, mùi vị, phương thức trình bày, sáng tạo, tất cả đều phải chỉnh chu nhưng lại bị giới hạn bởi thời gian. Có những người nấu ăn rất ngon, trình bày rất khéo, cũng vô cùng sáng tạo nhưng không thể trải qua bài kiểm tra áp lực. Lúc đó mình khá liên tưởng đến cuộc sống, chúng ta đều đang ở trong bài kiểm tra áp lực. Có thể chúng ta có nhiều kỹ năng, có năng lực, nhưng nếu không chịu nỗi những áp lực của cuộc sống, chúng ta chỉ có thể thu mình trong vỏ ốc vì nỗi sợ và để cho những năng lực của mình mai một theo năm tháng. Việc có thể chịu được áp lực cao là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nó không thể giúp chúng ta đi lên nhưng là một dạng năng lực giúp ta gạt bỏ những rào cản trong quá trình đi lên đó. Chịu được áp lực cao là sau khi đối mặt với những khốn khó, đau đớn, những vấn đề tâm lý đều có khả năng tự phục hồi.
Là cha mẹ, việc xây dựng khả năng tự phục hồi ở trẻ là một phần trong quá trình trang bị cho con hành trang bước vào đời, đây cũng là những trang bị cần thiết để giúp con đối diện với một thế giới đầy thách thức không thể lường trước được.
Trong những năm tháng đầu đời, cha mẹ là cả thế giới với trẻ, những gì cha mẹ nói ra sẽ được trẻ ghi nhận là là những điều thế giới nói với trẻ và hình thành sự tự tin nhân cách và cá tính trong trẻ. Nếu cha mẹ nói với trẻ con là đứa thất bại thì trẻ sẽ tự nhận dạng bản thân rằng mình là đứa thất bại. Việc xây dựng khả năng tự phục hồi ở trẻ có nhiều khía cạnh, nhưng sử dụng ngôn từ để giúp trẻ xây dựng khả năng này sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều. Kinh Thánh đã chỉ cho chúng ta chìa khoá của sức mạnh để phá huỷ và cũng là sức mạnh để bồi đắp, chỉ cần chúng ta sử dụng sức mạnh này để gây dựng, vun trồng trên cuộc sống của con trẻ “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi, kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó.” (Châm 18:21) Điều này chỉ ra rằng lời nói có sức mạnh của sự sống và sự chết. Cũng lời nói có sức công phá đem lại sự huỷ hoại hết sức to lớn “lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm” (Châm 12:18) cũng có những lời nói đem lại sự gây dựng “lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn, và khoẻ mạnh cho xương cốt.” (Châm 16:24)
Duới đây là một số câu nói cha mẹ nên nói với trẻ để xây dựng sự tự tin và khả năng tự phục hồi trong trẻ:
Ba mẹ yêu con dù thế nào đi nữa.
Đối với một đứa trẻ, việc ba mẹ thường xuyên nói lời yêu thương sẽ tăng thêm sự an toàn cho trẻ. Trẻ không sợ thế giới ngoài kia, việc của chúng là cứ tìm tòi khám phá, điều trẻ thực sự sợ hãi là ba mẹ thôi yêu thương chúng. Được lắng nghe lời yêu thương là cách để tiếp thêm năng lượng cho trẻ để đương đầu với thế giới này.
Điều này có thể khó khăn với con nhưng ba mẹ tin con làm được.
Khi còn nhỏ mình được ba mẹ cho học đàn, vào một ngày bất ngờ ba mẹ muốn mình đàn cho mọi người nghe, vì là một đứa trẻ khá cầu toàn nhưng không có thời gian và sự chuẩn bị nên mình đã để xảy ra vài lỗi, ba mình thường hay nói với mình rằng: “có nhiêu đó cũng làm không xong.” Kể từ giây phút đó, mình đã không thể đàn tốt được nữa, sau dần mình bỏ cuộc. Mình đã mang trong mình suy nghĩ về bản thân là một đứa không tích sự và làm gì cũng không xong cho đến khi lớn lên. Sau này, mình được học để nhận dạng bản thân một cách khác đi so với những mặc định từ thời thơ ấu, mình quay lại học đàn vì muốn chinh phục nó một lần nữa, và mình đã làm được.
Khi trở thành mẹ của hai đứa trẻ, mình không bao giờ mong muốn con trở nên một người bỏ cuộc ngay cả khi chưa bắt đầu chỉ vì những lời phán xét tiêu cực của người khác. Mỗi ngày mình học để nói với con rằng: “mẹ biết chuyện này thật khó khăn với con, nhưng mẹ tin con làm được” Mình nghĩ rằng bởi những lời khích lệ của mẹ, trẻ xây dựng được sự tự tin, và chính sự tự tin đó khiến trẻ có thể làm được những điều trẻ nghĩ mình có thể làm được.
Con đã làm được rồi.
Chúng ta thử suy nghĩ khi con làm sai cha mẹ la mắng chúng, nhưng khi con làm đúng cha mẹ lại phớt lờ và cho rằng đó là điều hiển nhiên. Mình là một người cầu toàn, nên mình khá mắc nhiều lỗi trong việc kỷ luật con quá nhiều: cho đến khi Kai hỏi mình: “sao mẹ la con nhiều vậy? Con lúc nào cũng làm sai nên mẹ la con hay sao? có những cái con làm đúng sao mẹ không nói gì với con?” Mình khá bất ngờ vì những câu chất vấn của đứa con trai chưa được năm tuổi. Mình hỏi “con đã làm được gì đúng nói cho mẹ nghe để mẹ biết mẹ đã bỏ lỡ điều gì?” Thì Kai luyên thuyên kể vô số điều mà mình từng nghĩ đó là việc hiển nhiên với cậu bé năm tuổi có thể làm được, nhưng với Kai đó là cả một sự cố gắng và con muốn được mẹ công nhận. Mình nhận ra rằng, những việc tuy nhỏ, con cũng không cần chúng ta khen tặng, chỉ cần một câu nói đơn giản: “con làm được rồi” như một sự ghi nhận sẽ giúp con thêm lên sự tự tin, thêm lên năng lượng. việc đếm những câu “con làm được rồi” nhiều hơn những câu “đừng làm…, nói có nghe không?…. không được…..” sẽ khiến con cảm thấy mình làm tốt hơn rất nhiều.
Con có thể yêu cầu sự giúp đỡ.
Mình đã từng được tư vấn cho một em gái bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ, mình đã hỏi rằng taị sao lúc đó em không nói với ba mẹ, em trả lời vì bị đe doạ và sợ ba mẹ nên đã không dám nói, và lúc nhỏ em cũng không được dạy để yêu cầu sự giúp đỡ nên đã âm thầm chịu đựng và làm nô lệ tình dục cho đến năm mười tám tuổi. Đây là một câu chuyện buồn, nhưng cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ: sẽ còn có bao nhiêu đứa trẻ không thể tự bảo vệ mình và cũng không biết cách để yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác, sẽ có bao nhiêu đứa trẻ phải âm thầm nín chịu nỗi đau không lối thoát như này?
Mình là đứa trẻ đã từng bị bạo lực học đường đến mức trầm cảm, nên việc đầu tiên khi cho con đi học (mẫu giáo) mình đã trang bị cho con những kỹ năng tự vệ, và trong đó là kỹ năng yêu cầu sự giúp đỡ. Hãy nói với con rằng con có thể nhờ sự giúp đỡ từ người khác, từ những người trong tầm ngắm an toàn của con.
Ba mẹ tự hào về con vì đã không bỏ cuộc.
Ghi nhận sự cố gắng của trẻ có giá trị hơn là trao phần thưởng. Việc cha mẹ thường đưa ra phần thưởng để để con cố gắng đạt được thành tựu nào đó lâu dài sẽ dễ đưa trẻ vào trạng thái đòi hỏi phải được này kia mới làm, như vậy trẻ làm vì những lợi ích vật chất chứ không phải làm vì chính bản thân trẻ. Nhưng nếu cha mẹ khích lệ quá trình cố gắng của trẻ hơn là kết quả sẽ giúp trẻ xây dựng được nội lực bên trong, đó là động lực để trẻ làm, duy trì và không bỏ cuộc.
Mong rằng những câu nói nhỏ nhưng có hiệu suất cao trong việc xây dựng khả năng tự phục hồi ở trẻ sẽ là những gợi ý giúp các bậc phụ huynh nói với con trẻ những điều tích cực và yêu thương nhiều hơn là những lời la mắng và kỷ luật. Sự kỷ luật chính là giới hạn để trẻ biết điểm dừng, còn những lời yêu thương là bệ phóng giúp trẻ phát triển tất cả những khả năng của mình và còn khai phóng những khả năng để vượt hơn những điều hạn chế trong trẻ.
Hongan Doan
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com