Một thực trạng đáng lo ngại trong thân thể Đấng Christ ngày nay chính là tình trạng “mù Kinh Thánh”. Dù nhiều người xưng mình là Cơ Đốc nhân và yêu mến Đức Chúa Trời, nhưng kiến thức của họ về Kinh Thánh lại vô cùng hạn chế. Ngoài một vài câu gốc yêu thích, họ hầu như không biết thêm gì về Lời Chúa dạy trong toàn bộ Kinh Thánh! Khi suy nghĩ về chủ đề này, tôi nhận thấy có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: 1)Người tin Chúa không duy trì việc đọc Kinh Thánh một cách đều đặn. 2)Những người giảng dạy không rao giảng Lời Chúa một cách đầy đủ.
Hậu quả của tình trạng mù Kinh Thánh có thể rất nghiêm trọng – từ việc diễn giải sai Lời Chúa đến tin vào những giáo lý sai lệch. Thực tế, hai điều này thường đi kèm với nhau: giáo lý sai lệch thường bóp méo ý nghĩa Lời Chúa, dù vẫn trích dẫn các câu Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta cần quay lại với việc đọc Kinh Thánh đều đặn, để tăng trưởng trong sự hiểu biết đúng đắn. Cuối cùng, Kinh Thánh giúp chúng ta biết rõ hơn về chính Đức Chúa Trời, đặc biệt khi chúng ta mong muốn tăng trưởng trong đức tin.
Dưới đây là 5 công cụ hữu ích có thể giúp bạn vượt qua tình trạng mù Kinh Thánh:
1) Các nhóm học Kinh Thánh
Có rất nhiều điều để khám phá khi bạn thật sự “nghiên cứu” Kinh Thánh chứ không chỉ đọc. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp nhưng đó lại là hành trình thuộc linh quý giá nhất. Càng học, bạn càng nhận ra mình biết quá ít, và điều đó cho thấy sự phong phú khôn dò của Lời Chúa.
Đây là bước căn bản không thể thiếu để phát triển sự hiểu biết Kinh Thánh. Bạn không thể tăng trưởng nếu không đắm mình vào Lời! Dù đôi lúc bạn đọc nhưng thấy khó hiểu và nản lòng, hãy cứ kiên trì. Không có cách nào tốt hơn để hiểu Kinh Thánh ngoài việc siêng năng học và nghiên cứu mỗi ngày.
2) Kế hoạch đọc Kinh Thánh
Một cách hữu ích khác là đọc Kinh Thánh theo kế hoạch. Một kế hoạch có thể kéo dài 30 ngày, 90 ngày, hoặc cả năm; bạn có thể chọn đọc theo chủ đề hoặc theo trình tự thời gian. Kế hoạch giúp bạn có lộ trình rõ ràng: mỗi ngày đọc 4 hoặc 12 chương tùy theo độ dài. Điều này giúp bạn không bị quá tải; tránh việc không biết bắt đầu từ đâu dẫn đến bỏ cuộc giữa chừng, đặc biệt là với người mới.
Hơn nữa, kế hoạch đọc Kinh Thánh còn giúp bạn giữ thói quen đọc đều đặn, vì bạn sẽ có động lực và mục tiêu rõ ràng. Qua thời gian, bạn sẽ quen thuộc hơn với toàn bộ Kinh Thánh, từ đó vượt qua tình trạng chỉ biết vài câu quen thuộc.
3) Câu gốc mỗi ngày
Khi đọc Kinh Thánh, sẽ có những câu gợi nên điều gì đó đặc biệt trong lòng bạn. Nhiều ứng dụng Kinh Thánh hiện nay cũng cung cấp câu gốc mỗi ngày, rất dễ tiếp cận. Ghi nhớ những câu này là cách tốt để tăng trưởng, nếu bạn hiểu đúng bối cảnh, bao gồm ý định của tác giả và mối liên hệ với toàn bộ câu chuyện Kinh Thánh.
Tuy nhiên, hãy cảnh giác: một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mù Kinh Thánh là trích câu rời rạc và hiểu sai ngữ cảnh. Vì vậy, đừng bao giờ chỉ nhìn một câu đơn lẻ, mà hãy tập thói quen đọc lại cả đoạn để nắm được ý nghĩa đúng của câu đó.
4) Sách (hoặc các bài viết) tĩnh nguyện
Các bài tĩnh nguyện là một cách nhẹ nhàng cho những người mới bắt đầu tiếp cận Kinh Thánh. Mỗi ngày, bạn sẽ được gợi ý một phân đoạn Kinh Thánh kèm theo những suy ngẫm mang tính khích lệ. Đây là một thói quen thuộc linh hữu ích, đặc biệt vào buổi sáng – giúp bạn bắt đầu ngày mới với Lời Chúa. Chủ đề tĩnh nguyện có thể kéo dài 7 ngày, 30 ngày, hoặc 90 ngày tùy lựa chọn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các bài tĩnh nguyện không thể thay thế cho việc đọc toàn bộ Kinh Thánh.
Bạn có thể ví chúng như món “khai vị” – có thể ngon, dễ ăn, nhưng không phải bữa chính. Sách tĩnh nguyện chỉ nên là chất xúc tác đưa bạn đến với Lời Chúa cách sâu sắc hơn, chứ không thể thay thế toàn bộ Kinh Thánh. Nếu sử dụng đúng cách, bài tĩnh nguyện vẫn là một cách hữu ích để hiểu rõ và suy gẫm một câu Kinh Thánh trong bối cảnh thích hợp.
5) Podcast (chương trình phát thanh hoặc giảng dạy qua mạng)
Nếu bạn muốn tăng trưởng trong sự hiểu biết Kinh Thánh, nghe podcast là một cách rất hiệu quả. Những podcast này có thể giúp bạn khám phá chiều sâu Lời Chúa một cách dễ hiểu và ứng dụng được vào đời sống thực tiễn. Dù bạn mới tin Chúa hay đã theo Ngài nhiều năm, vẫn luôn có chỗ để học hỏi thêm. Ngày nay có rất nhiều chương trình phát thanh chất lượng giúp bạn đào sâu vào Lời Chúa. Việc nghe bài giảng có thể góp phần to lớn cho sự phát triển thuộc linh
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com