Home Tôi Viết Thờ Phượng Chúa Giáng Sinh

Thờ Phượng Chúa Giáng Sinh

by Ân Điển
30 đọc

     Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ. Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng:
     Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao,
  Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!
(Lu-ca 2:10-14)

     Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. (Ma-thi-ơ 2:1-2)

     Thưa quí anh chị em, chúng ta đã nghe các bài hát chúc tôn, được biết ý nghĩa của những biểu tượng quen thuộc của ngày lễ Giáng Sinh. Thế nhưng lễ Giáng Sinh còn nhiều hơn thế nữa khi chúng ta có thể gặp được Đấng hạ sinh và nằm trong máng cỏ. Thiên sứ đã đến với các mục đồng, báo tin vui với lời kêu gọi hãy đến tôn thờ Chúa.

     Các mục đồng là những người nghèo khổ, ít học, không có địa vị cao trong xã hội, nhưng chính là những con người được Đức Chúa Trời đoái thương và cho biết Tin Mừng trước hết. Đêm hôm đó, họ đã hân hoan, vui mừng tìm đến thành Bết-lê-hem để chiêm ngưỡng con Vua Trời hạ sinh nằm trong máng cỏ. Thật lạ lùng! Vì không có ai ngờ được Tin Mừng có thể đến với những hạng người như vậy. Thật ngạc nhiên vì Tin Mừng ngày hôm nay đến với quí anh chị em và tôi, những con người bình thường trong xã hội, không giàu có, không địa vị, cũng không có gì nổi bật hơn mọi người. Chính tình yêu Chúa đã làm điều đó để chúng ta được cứu và ngày lễ Giáng Sinh có thể cùng nhau quì xuống chiêm ngưỡng Chúa ra đời nằm trong máng cỏ.

     Thật ngạc nhiên! Vì Vua mà những người mục đồng tìm thấy đã sinh ra đời trong cảnh nghèo khó như một con người cùng địa vị như các mục đồng. Mùi hôi của chuồng chiên, tiếng kêu của những con cừu bé nhỏ, máng cỏ chất đầy rơm khô, là những gì quen thuộc trong đời sống của những người mục đồng. Tại đó, họ đã gặp Vua trên muôn vua, Đấng hạ mình làm người, sinh ra trong nơi tối tăm cùng khổ. Ngài đã hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá, một cái chết đầy đau đớn và tủi nhục nhất trên thế gian. Tại đó, họ đã gặp một vị Vua không có vinh quang. Vinh quang của Ngài chỉ đến sau khi Ngài làm xong sự cứu chuộc trên thập tự giá và sống lại. Những mục đồng ngày hôm ấy không bao giờ tưởng tượng nổi vinh quang của Chúa Giê-xu khi Ngài sống lại như thế nào. Ngày hôm ấy, họ đến Bết-lê-hem và thấy vinh quang ấy trong hiện thân của một hài nhi yếu đuối, bé nhỏ. Hài nhi ấy chính là ánh sáng soi cho nhân loại đang ở trong tối tăm của tội lỗi; là sự sống và hy vọng cho tất cả những ai tìm đến tin cậy nơi danh của Ngài. Ngày hôm ấy, các mục đồng được chiêm ngưỡng tình yêu nhập thể, một sự diệu kỳ và niềm hy vọng lớn cho muôn dân. Tương phản giữa địa vị của con Vua Trời, Đấng ngự trị giữa Thiên Đàng cao sang, vĩnh cửu với em bé được bọc khăn nằm trong máng cỏ trong thôn làng Bết-lê-hem tối tăm thật quá lớn. Bởi đó chúng ta nhận ra được trong đêm Giáng Sinh, con Vua Trời đã đến với loài người trong một cách mà nhân gian không thể ngờ. Tạ ơn Chúa đã đến với chúng ta trong cảnh ngộ tầm thường của chúng ta.

     Các mục đồng đã đến tôn thờ Chúa như thế đó. Họ đã ra về với lòng vui mừng. Họ không ngừng kể lại khắp nơi về những việc diệu kỳ đã xảy đến cho họ và về em bé nằm trong máng cỏ. Xin Chúa cho chúng ta cũng có thể kể lại một cách đơn sơ, chân thành những biến đổi lạ lùng mình nhận được từ Chúa.

     Nhóm người thứ hai đến tôn thờ Chúa là các nhà thông thái từ Đông Phương. Họ đi theo ánh sáng của một vì sao mà họ nhận biết chính là hiện thân của một Đấng Cứu Thế đã ra đời. Hành trình đưa họ đến Giê-ru-sa-lem, nơi mà họ tưởng rằng một vì vua sẽ được ra đời nơi cung điện tráng lệ. Họ đã tìm sai chỗ những ngày cuối của hành trình. Họ đã không đợi chờ sự dẫn dắt của ngôi sao. Tại cung điện của Hê-rốt, những cuộc họp kín đã diễn ra và cuối cùng họ được một câu trả lời rằng Vua dân Do Thái sẽ được sinh ra đời tại Bết-lê-hem. Thế rồi ngôi sao lại hiện ra và tiếp tục dẫn họ đến chỗ em bé chào đời và dừng lại.

     Các nhà thông thái được dẫn đường kỳ diệu để ra mắt tôn thờ Đấng Cứu Thế. Những con đường kỳ diệu trên đời để dẫn mỗi chúng ta đến chỗ gặp được Chúa, biết Ngài và tôn thờ Ngài thật là kỳ diệu, lạ lùng. Phải chăng chúng ta cũng đã trải qua bao gian khổ trên đường đời rồi cuối cùng mới gặp được Chúa của tình yêu và được an nghỉ ở trong Ngài? Phải chăng có biết bao lần sai lạc trong cuộc đời, cuối cùng chúng ta mới thấy rõ con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi chính là con đường thập tự giá mà Chúa Giê-xu yêu dấu đã đi trước? Phải, thật vậy. Đấng sinh ra tại Bết-lê-hem chính là Vì Vua lớn, Đấng cứu rỗi cho toàn nhân loại mà các nhà thông thái tôn thờ đêm hôm ấy.

     Để dâng tôn kính lên cho Con Vua Trời, các nhà thông thái từ Phương Đông ấy đã dâng lên ba lễ vật tượng trưng cho sứ mạng của Đấng Mê-si-a. Vàng để nói lên rằng Ngài chính là Vua. Nhủ hương để nói lên rằng Ngài chính là thầy tế lễ. Và mộc dược nói trước cái chết hy sinh của Ngài cho nhân loại.

     Đường về của những nhà thông thái không giống như đường đi đến của họ. Ngôi sao không còn dẫn đưa họ nữa, bây giờ họ được thiên sứ bảo ban trong một giấc chiêm bao. Hành trình theo Chúa của con dân Ngài cũng sẽ được bảo toàn như vậy. Chúa sẽ không bao giờ rời xa chúng ta. Ngài phán rằng ‘Ta sẽ ở cùng các con cho đến tận thế!’ Những ai sống theo ý muốn Chúa có quyền tin vào sự dẫn dắt lạ lùng của Ngài.

     Như vậy, chúng ta đã được biết về sự thờ phượng Chúa của các mục đồng và sự thờ phượng Chúa của các nhà thông thái ở Đông Phương. Nhóm thứ ba thờ phượng Chúa trong câu chuyện Giáng Sinh chính là các thiên sứ. Thông thường các thiên sứ ở trên trời và ca tụng Chúa không dứt. Nhưng đêm nay thật đặc biệt, vì thiên sứ đến một đoàn đông vô số và đã hát một bài chúc tôn Chúa thật tuyệt vời. Có những ban hợp xướng lớn đến 80.000 người hay hơn nữa trên thế giới. Họ đã hát những bài hát thật vĩ đại để tôn ngợi Chúa, như ban hợp xướng đã hát bản Symphonie số 9 của Beethoven hay ban hát lớn đã hát bài Đêm Yên Lặng cách đây 2 năm để kỷ niệm 200 năm bài hát nầy ở nước Áo. Những cuộc trình diễn thật ấn tượng! Nhưng bài hát của các ban hát ấy không phải là bài hát từ trời mà các mục đồng được chiêm ngưỡng, được lắng nghe. Thiên đàng thật đã đến với nhân gian trong đêm hôm ấy. Có gì tuyệt vời hơn khi các mục đồng được nghe bài hát thiêng liêng từ trời bằng ngôn ngữ của con người. Chúa đã chọn đến ở giữa con người và làm cho nhân loại hiểu được Ngài bằng ngôn ngữ của loài người. Cám ơn Chúa đã cho các thiên sứ mặc khải sự thờ phượng của họ bằng ngôn ngữ của loài người để chúng ta có thể hiểu được.

     Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao

     Bình an dưới đất ân trạch cho loài người.

    Sự thờ phượng của chúng ta có hình dáng của cây thập tự, có chiều dọc là tôn cao Chúa và chiều ngang là bình an, hòa bình cho đồng loại. Đời sống Cơ Đốc nhân có hình dáng của cây thập tự: làm sáng danh Chúa ở trên cao và đem sứ điệp bình an của Chúa đến cho anh chị em chung quanh mình.

Thưa quí anh chị em, cái máng cỏ có ý nghĩa khi có em bé Giê-xu nằm ở đó. Hang đá và chuồng chiên tỏa sáng khi Chúa hiện diện. Ánh sáng của ngôi sao soi đường cho đến khi chúng ta đi đến cuối hành trình là gặp được Chúa để tôn thờ Ngài. Mọi bài hát dâng lên cho Cha có được ý nghĩa khi được hát bằng một đời sống tôn cao danh Chúa và rao truyền bình an của Ngài cho người chung quanh.

     Quí anh chị em có sẵn lòng thờ lạy Thiên Chúa ở trong máng cỏ không?

     Quí anh chị em có thờ phượng Chúa là Vua, thầy tế lễ và Đấng chết thế cho nhân loại không?

     Quí anh chị em có thờ phượng Chúa bằng cách làm sáng danh Cha trên cao và rao truyền ơn cứu rỗi, sự bình an của Chúa cho mọi người không?

     Hôm nay, sinh nhật Chúa Cứu Thế, tôi ước mong anh chị em có thể thờ phượng chân thành với cả tấm lòng đã gặp gỡ Chúa. Nguyện tấm lòng của quí anh chị em có thể mở ra như máng cỏ mời Chúa ngự vào. Nguyện Chúa của ngày Giáng Sinh sẽ ngự trong lòng của chúng ta mỗi ngày trong đời, khiến cho cuộc sống của anh chị em sẽ là những ngày mới mẻ, đầy quyền năng và đầy ý nghĩa. Amen

Stuttgart, ngày 22/12/20

Ân Điển

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like