Home Chuyên Đề Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 4 và hết: Bài học cho chính tôi

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 4 và hết: Bài học cho chính tôi

by Richard Huỳnh
30 đọc
V. Bài học cho chính tôi

Ở trên là lời chứng của tôi về những gì tôi biết về Phật Thích Ca Mâu Ni, Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca và con đường ông dạy, với Tứ Diệu Đế về cơ chế về sự khổ của con người, và Bát Chánh Đạo để loại bỏ bản ngã tham ái u mê, trừ diệt lửa lòng mà đạt trạng thái an vui Niết Bàn – tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt. Cơ duyên đã cho tôi được đọc về cuộc đời ông từ khi còn rất nhỏ, một trong những quyển truyện tranh đầu đời. Vậy nên những câu chuyện, hình ảnh về ông, những suy nghĩ, hành động và các lời dạy của ông đã ghi sâu vào đầu óc non trẻ của tôi. Chúng chỉ cho tôi số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người, sự hư không của danh vọng, giàu sang, tiệc tùng và mỹ nữ. Chúng dạy tôi phải đề phòng và trừ diệt những tham ái u mê của bản ngã (cái tôi xác thịt) mình, vì chúng chính là lửa lòng gây khổ đau. Chúng cho tôi ý thức học hỏi những điều cần học hỏi, từ bỏ những điều cần từ bỏ, tu tập những điều cần tu tập, nghĩ đúng sống đúng làm đúng v.v… để có cuộc sống an vui. Nhờ làm theo lời dạy của ông, từ một đứa trẻ sức khỏe kém, hay bệnh, đầu óc trên mây, ăn nói vụng về, tôi đã rèn luyện để dần có đủ sức khỏe và năng lực cho một cuộc sống an vui, thỏa lòng. Ông cũng cho tôi ý thức rằng thần phật là người dạy ta lẽ sống và các quy luật ở đời, chứ không phải là người ta thờ lạy để được ban phước (dù hồi nhỏ ba mẹ bảo thờ thì tôi cũng thờ thôi, có thờ có thiêng có kiêng có lành mà.)

Nhiều người tin thờ thần phật mà không biết vị thần đó là ai, thích gì, dạy gì, và hứa ban gì. Họ chỉ đơn giản là người ta nói thờ thì thờ thôi. Đức tin của họ chỉ là sự thờ phượng lễ bái và kiêng kỵ theo phong tục truyền đời. Kinh Thánh nói tin thờ kiểu này là vô ích: “Dân nầy lấy môi miệng tôn kính Ta; Nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Việc chúng thờ phượng Ta là vô ích, Giáo lý chúng dạy chỉ là những luật lệ của loài người.” (Ma-thi-ơ 15:9). Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy ta con đường để tránh được nhiều khổ đau và có trạng thái an vui không lửa lòng Niết Bàn. Người thờ cúng mà không tu tập làm theo thì chỉ phí công vô ích.

Có lẽ việc tôn thờ theo phong tục truyền đời này đã biến Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca thành Phật Tổ Thích Ca quyền năng vô biên, hóa Ngũ Hành Sơn giam Tôn Ngộ Không. Theo một khảo sát [B], Phật Giáo có 3 vòng quay lớn. Lần #1 là Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) với các lời dạy của Thích Ca Mâu Ni cùng những môn đồ / giáo sĩ đi theo ông. Từ “phật” nghĩa là một người đã giác ngộ, “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập” [N], còn “Niết Bàn” nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ trạng thái an vui lòng không bị lửa tham muốn thiêu đốt. Lần #2 là sau 600 – 800 năm truyền đời với sự hình thành Phật Giáo Đại Thừa mà biến đổi chính là Niết Bàn trở thành thiên đường của các phật, và các phật có thể cứu rỗi người thường vào Niết Bàn như họ. Lần #3 là sau 100 – 300 năm truyền đời nữa với giáo lý suy nghĩ tâm thức tạo nên thực tại, có lẽ từ đây ra niềm tin rằng các “phật” có quyền năng sáng tạo, biến suy nghĩ của mình thành thực tại như Phật Tổ hóa Ngũ Hành Sơn nhốt Tôn Ngộ Không. Vậy là sau 1000 năm truyền đời, Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca với lời dạy về con đường thoát khổ để sống an vui đã trở thành Phật Tổ có thần quyền sáng tạo và quyền năng cứu rỗi con người lên thiên đàng như vậy. Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca thật sự còn không cứu được dân tộc Thích Ca của mình khỏi cơn thịnh nộ của vua nước láng giềng Virudhaka khi ông này phá hủy kinh thành Ca-tỳ-la-vệ và thảm sát dân chúng. Đó là nghiệt báo mà họ phải chịu vì đã xúc phạm vị vua hùng mạnh này, Thích Ca Mâu Ni không cản được.

Đó cũng là giới hạn của con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca. Bể khổ cuộc đời có nhiều gian truân vượt quá sức người, dẫu ta có học hỏi tu tập thế nào cũng đành bất lực. Tôi đã nhận ra điều này khi bệnh mũi, cộng với áp lực học tập và nghiên cứu căng thẳng ở Singapore, khiến sức khỏe suy kiệt, phải về Việt Nam mổ mũi và nghĩ một học kỳ để phục sức. Nhận thấy sự yếu đuối giới hạn của mình khiến tôi muốn tìm kiếm một con đường mà cho ta bình an trước những cơn sóng gió cuộc đời vượt quá sức người. Khi đọc về cuộc đời của ba mẹ tác giả Dale Carnegie trong “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, tôi tìm thấy con đường đó là yêu mến Đức Chúa Trời, vâng giữ lời Ngài, và tin cậy sự dẫn dắt giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống. Sức người có hạn, nhưng Đức Chúa Trời là đấng toàn năng, Ngài có thể giúp tôi qua những gian truân vượt quá sức người. Sau khi dốc lòng tìm hiểu Đức Chúa Trời và học về Kinh Thánh để xem thực sự mình có thể tin cậy nơi Ngài không, tôi quyết định tin nhận sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu và đến với Chúa là Cha Thiên Thượng và là Chủ Trên Trời của mình.

Đến với Chúa, tôi tìm thấy sự bình an trong quyền năng của Chúa và mối quan hệ giữa mình với Ngài, giữa chiên với người chăn, gia nhân với chủ, con nuôi với Cha Thiên Thượng. Tôi biết rằng dẫu sức lực và hiểu biết của mình có hạn, nhưng nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn của Ngài, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Chúa là người cha, người chủ “giàu lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ”(Thi Thiên 103:8) nên Chúa không đối đãi ta theo luật nhân quả mà sẵn lòng tha thứ khi ta nhận tôi, và nâng đỡ khi ta vấp ngã. Trải nghiệm những phước lành, sự đáp lời cầu nguyện cùng sự chu cấp dẫn dắt của Chúa trong cuộc sống giúp đức tin tôi mạnh mẽ hơn và lòng tôi thêm vững an trong Chúa.

Tôi không cảm thấy có lỗi với Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca khi đến với Chúa Giê-xu Christ. Thích Ca Mâu Ni là một người thầy đã dạy tôi ý thức kiềm chế bản ngã và đường lối học hỏi tu tập để sống tốt. Còn đấng Christ là Chúa, là Chủ. Ta không có lỗi với thầy giáo mình khi đến sống và làm cho cho một người chủ. Ngược lại, nếu ta sống tốt và làm đẹp lòng chủ thì đó cũng là vinh dự của người thầy mình. Đường lối của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca cho tôi điểm mạnh khi đến với đấng Christ. Nó dạy tôi ý thức học hỏi và tu tập với Chúa, học biết những gì Chúa cần ta học biết, từ bỏ những gì Chúa cần ta từ bỏ, và tu tập những gì Chúa cần ta tu tập. Nó nhắc tôi cảnh giác trừ diệt những tham muốn của đời này và cái tôi của chính mình, và ý thức về sinh lão bệnh tử của kiếp người. Điều này giúp tôi bớt cái tôi để tiếp nhận cái Chúa, và sống hướng tới kho báu trên trời cùng phước hạnh vĩnh cửu ở đời sau trong nước Chúa.

Có điều nó cũng khiến tôi có khuyết điểm là quá chú trọng việc tu luyện cá nhân hơn là phục vụ hội nhóm, có phần thiếu sự thương xót với những người sai lạc phải nhận quả báo, và thiếu nỗ lực hòa nhập với người xung quanh hầu chia sẽ Tin Lành. Con người là bất toàn, phàm mọi vật đều có chỗ thiếu sót. Ta cứ từ từ học hỏi điều cần học hỏi, tu tập điều cần tu tập thôi. Chúa là đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, nguyện xin Chúa dần giúp tôi chỉnh sửa mình để có thể khắc phục các khuyết điểm này để trở nên người làm việc tốt hơn cho Chúa.

Richard Huỳnh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 1: Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 2: Những điều tôi học từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 3: Đến với chân Chúa Giê-xu Christ và Con Đường của Đấng Christ

Tham khảo
  1. Các khái niệm về tín ngưỡng, tôn giáo
https://ditiep.com/cac-khai-niem-ve-tin-nguong-ton-giao/
  • Cuộc đời Phật Thích Ca
http://tuyenphap.com/duc-phat-thich-ca-mau-ni-1262
  • Hoàng tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (phật Thích Ca Mâu Ni)

https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91a_C%E1%BB%93-%C4%91%C3%A0m

  • Ba vòng quay của bánh xe đạo pháp

https://thuvienhoasen.org/a16774/ba-vong-quay-cua-banh-xe-dao-phap

Trang chia sẻ hiểu biết của mình về Kinh Thánh của bác sĩ Ted Montgomery http://www.tedmontgomery.com/bblovrvw/TOC.html

Bình Luận:

You may also like