Home Chuyên Đề Vụ Án Chúa Giê-Xu

Vụ Án Chúa Giê-Xu

by Ân Điển
30 đọc
Bức họa Ecce Homo (Hãy xem Con Người!), tranh tường ở nhà thờ Borja, Tây Ban Nha, họa sĩ Elías García Martínez (20/7/1858-1/8/1934) 

Mùa Thương Khó và Phục Sinh lại về. Con dân Chúa khắp nơi lại có lần được nhắc nhớ về sự hy sinh chuộc tội của Chúa Cứu Thế. Chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, nhưng đã tự bỏ mình, lấy cái chết làm của lễ hy sinh chuộc tội cho toàn nhân loại, theo ý định đời đời của Đức Chúa Cha trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Nhưng ai đã giết Chúa? Những thầy tế lễ, những người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê trong Tòa Công Luận? Hay chính Phi-lát, quan tổng đốc vùng Giu-đa lúc đó? Hay do đám đông bị xui giục? Chúng ta hãy xem xét vụ án Chúa Giê-xu dưới sự dẫn chứng của Kinh Thánh để có thể ít nhiều thấy rõ sự việc.

 Tòa Công Luận, hay Hội Nghị Luận là cơ quan chính trị, pháp luật và tôn giáo cao nhất của xã hội Do Thái vào thời kỳ La Mã. Tên gọi nầy đến từ chữ Synedrion (Hy  Lạp) và được xử dụng trong thời kỳ La Mã cai trị tại Do Thái (từ năm thứ nhất trước Chúa); cơ quan nầy có nguồn gốc từ thời kỳ lưu đày Ba Tư và được gọi là Gerusia (có nghĩa là lời cố vấn của các trưởng lão).

Truyền thống cho rằng có sự liên hệ giữa con số 70 thành viên tòa Công Luận với 70 trưởng lão đã cùng Môi-se dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên thuở xưa, Dân số ký 11:16 chép Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng:Hãy nhóm hiệp cho ta bảy mươi người trong bực trưởng lão Y-sơ-ra-ên, tức là những kẻ ngươi biết là trưởng lão và cai quản dân sự; hãy dẫn các người ấy đến hội mạc, đứng tại đó với ngươi. Đoạn, ta sẽ ngự xuống nói chuyện tại đó với ngươi; ta sẽ lấy thần cảm ngươi mà ban cho ngươi người đó, để họ chịu gánh nặng về dân sự với ngươi và ngươi không phải gánh một mình.” Kết cấu Tòa Công Luận thay đổi theo tình hình bên trong cộng đồng dân Do Thái và những điều kiện chính trị bên ngoài; vào thời kỳ đền thờ thứ hai, Tòa Công Luận đã là một thứ cơ quan xử án tối cao trong xứ Do Thái,

Những tranh chấp giữa những người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê đã làm ảnh hưởng tới sự thành lập và xây dựng Tòa Công Luận. Thông thường trong các cuộc hội họp của Tòa Công Luận hay xảy ra sự đụng độ giữa hai nhóm người nầy; xem phần Mác tường trình về sự xử án Đức Chúa Giê-xu, chỉ có các thầy tế lễ thượng phẩm được nhắc đến chứ không thấy nói đến người Pha-ri-si (Mác 14:53). Ban đầu, đảng của người Sa-đu-sê (gồm các thầy tế lễ) chiếm ưu thế trong Tòa Công Luận, theo thời gian, các thầy thông giáo kinh Thora (hay người Pha-ri-si) đã chiếm được thế mạnh, cho dù có lúc người Sa-đu-sê vẫn còn là số đông, nhất là vào thời kỳ Đền Thờ thứ hai (vào năm 20 TCN).

Các thành viên Tòa Công Luận hội nghị tại “Phòng Đá Vuông” trong đền thờ Giê-ru-sa-lem; không bao giờ có hội họp trong ban đêm, trong ngày Sa-bát, các ngày lễ hay buổi chiều trước ngày Sa-bát hay ngày lễ. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Tòa Công Luận gồm có ba nhóm người: các thầy tế lễ, các thầy thông giáo (một số trong đó là người Pha-ri-si) và đại diện của các tỉnh thành trong xứ (Nê-hê-mi 5:7; E-xơ-ra 10:8).

Các sách Phúc Âm đã tường trình những vụ xử án trước Tòa Công Luận; trưởng Tòa Công Luận hướng dẫn phiên tòa trong mọi việc xử án; không gian thi hành việc xử án dường như có thay đổi. Vụ xử án Chúa Giê-xu xảy ra vào đêm lễ Vượt Qua, hay đêm trước Lễ Vượt Qua tại dinh của thầy tế lễ thượng phẩm, Mác 14:53: “Chúng điệu Đức Chúa Giê-xu đến nơi thầy cả thượng phẩm, có hết thảy thầy tế lễ cả, trưởng lão, và thầy thông giáo nhóm họp tại đó,” và câu 55: “Vả, các thầy tế lễ cả cùng cả tòa công luận đều tìm chứng gì để nghịch cùng Chúa Giê-xu đặng giết Ngài, song không kiếm được chi hết.” Chúng ta thấy, vì muốn xử án Chúa Giê-xu một cách cấp kỳ, cho nên các thành viên của Tòa Công Luận bất chấp những qui định như họp hành trong ban đêm, trong các ngày trước lễ và trong các ngày lễ. Giăng 18:12-27 kể lại rằng họ đã dẫn Ngài đến nhà Cai-phe, thầy tế lễ thượng phẩm, và tại đó đã gạn hỏi, điều tra Chúa. Chúa Giê-xu đã khước từ trả lời trực tiếp với những kẻ đúng ra phải là những người nhận thấy và biết Ngài là Con Đức Chúa Trời, là Đấng Hứa Ngôn mà dân Y-sơ-ra-ên hằng mong đợi, vì trong cả dân chúng, chính họ là những người biết về Lời Đức Chúa Trời nhiều hơn hết. Sự việc một đầy tớ của thầy tế lễ cả đã đánh vào mặt Chúa Giê-xu và bảo với Ngài rằng: “Ngươi dám đối đáp cùng thầy cả thượng phẩm dường ấy sao?” cho thấy thầy cả thượng phẩm lúc đó có uy quyền và sự tôn kính rất lớn trong dân chúng, đến nỗi người ta sợ và có khi không dám nói lên sự thật.

Sau đó, vào lúc sáng sớm, họ đã điệu Chúa Giê-xu đến “trường án,” là nơi người dân sẽ bị xử án theo luật La-mã. Họ đến nhưng không vào, vì đối với họ, đây là một nơi ô uế, Giăng 18:28 cho biết: “Kế đó, chúng điệu Đức Chúa Giê-xu từ nhà Cai-phe đến trường án; bấy giờ đương sớm mai. Nhưng chính mình chúng không vào nơi trường án, cho khỏi bị ô uế, và cho được ăn Lễ Vượt Qua.” Phi-lát, làm quan tổng đốc tại vùng Giu-đa lúc đó, là người có quyền ra án lệnh tử hình mà họ có thể dùng để giết một người nổi tiếng, “một Đấng Tiên Tri đang chữa lành và dạy dỗ dân chúng về Nước Đức Chúa Trời” là Chúa Giê-xu. Họ phải nhờ tới công lý của La-mã là vì dưới thời La-mã, Tòa Công Luận không được quyền ra bản án tử hình. Giăng 18:31 kể lại rằng: “Phi-lát bèn truyền cho chúng –  những người Giu-đa đang muốn Phi-lát ra lịnh hành quyết Chúa Giê-xu – rằng: Các ngươi hãy tự bắt lấy người, và xử theo luật mình. Người Giu-đa thưa rằng: chúng tôi chẳng có phép giết ai cả.”

Cũng tại trường án nầy, Chúa Giê-xu khẳng định Ngài là Vua của một nước không thuộc về thế gian nầy – là điều mà Phi-lát không thể hiểu nổi – Ngài cũng cho biết vị Vua ấy đã vào trần gian để làm chứng cho chân lý, và hễ ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng của Ngài – đây cũng là điều mà Phi-lát hoài nghi, ông hỏi lại một câu: “Chân lý là cái gì?” Có lẽ Phi-lát ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giê-xu, vì Ngài không hề mở miệng xin ơn tha thứ hoặc có một lời nào để binh vực cho mình. Mà chỉ trình bày chân lý cho ông. Tiếng kêu của chân lý dường như đã bị dập tắt trước một con người không màng đến chân lý, và đứng giữa sức ép của một đám đông cuồng nộ bên ngoài. Giờ đây Phi-lát đang đứng trước một nhân vật được giới nghèo khổ yêu quí và ủng hộ, nhưng lại là một mối đe dọa cho giới cầm quyền Do Thái Giáo. Qua cuộc đối chất với Chúa Giê-xu, Phi-lát không thấy điều mà họ tố cáo Ngài: Ấy là Chúa muốn làm loạn, chống lại nhà nước của đế quốc La-mã đang cai trị. Trước mặt Phi-lát, chỉ có một Đấng xưng mình đại diện cho Chân Lý, Vua của một Nước không thuộc về trần gian nầy. Nước đó Phi-lát không biết, chân lý của Ngài là gì, việc đó cũng không liên quan gì đến ông. Nhưng Phi-lát biết một điều: Chúa Giê-xu vô hại đối với nhà cầm quyền La-mã, và Ngài vô tội. Và ông là người duy nhất có quyền ban lệnh tha tội cho Chúa Giê-xu. Nhưng ban lệnh ra sao cho một đám đông cuồng nộ muốn giết Ngài, một đám đông trong đó có những kẻ có quyền thế trong dân Giu-đa mà Phi-lát muốn lấy lòng để tiện cho việc cai trị của mình tại đây! Phi-lát đã làm một việc kỳ lạ: Ông sai người mặc áo triều đỏ cho Chúa Giê-xu và đội cho Ngài mão triều gai và dẫn Ngài ra sân ngoài cho mọi người đều thấy. Tại sao Phi-lát làm điều nầy? Có lẽ ông muốn đoàn dân nhìn ra sự vô lý của mình, trước một kẻ đáng thương: được mặc áo đỏ nhưng không phải là Vua, đội mão triều nhưng được làm bằng gai, thay vì bằng hoàng kim và ngọc quí, và đang ở dưới sự nhục mạ của nhà cầm quyền La-mã (Giăng 19:1-3). Ông bảo đám đông: “Hãy xem người nầy!” như để khẳng định với họ rằng điều họ tố cáo Chúa không đúng và Ngài vô tội. Lần nầy, những người Do Thái cho Phi-lát thấy rõ họ có chủ tâm muốn giết Ngài, chỉ vì Chúa nói Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Giăng cho biết, sau khi nghe xong Phi-lát lại càng thêm sợ hãi. Ông sợ hãi điều gì? Phải chăng ông đang sợ một tôn giáo luật lệ khe khắt? Sợ những con người cuồng nộ đang sử dụng mình để thi hành một điều độc ác mà họ không có quyền làm? Hay sợ đứng trước một việc ác mà mình phải nhúng tay vào? Kinh Thánh có những bằng chứng cho thấy Phi-lát không hề dè dặt trong việc làm ác. Lu-ca 13 có kể lại chuyện ông giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ. Chúng ta không biết những người Ga-li-lê nầy đã phạm tội gì với đế quốc La-mã, có lẽ là tội phiến loạn, chống đối nhà cầm quyền ngoại giáo độc ác. Nhưng hành động của Phi-lát trong việc ấy, nhất là tại sân ngoài đền thờ, thật là ghê tởm và đáng sợ. Tại phiên xử Chúa Giê-xu, lời phán “Ta là Con Trời như lời ngươi nói” từ một Con Người vô tội và đáng thương đã làm cho Phi-lát sợ hãi, một nỗi sợ hãi bí ẩn có lẽ xuất phát từ sự kiện vợ Phi-lát sai người đến thưa với ông: “Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao” (Ma-thi-ơ 27:19). Có lẽ sự sợ hãi của ông cũng đến từ uy quyền tự nhiên của Chúa Giê-xu, Đấng mà trước Ngài cả trời và đất đều phải cúi đầu.

Phúc Âm Mác, Ma-thi-ơ và Giăng không nói đến sự điều tra của Hê-rốt, nhưng Phúc Âm Lu-ca 23 cho thấy, sau khi biết Chúa là người Ga-li-lê, thì giải Ngài đến trước Hê-rốt. Hê-rốt biết danh Ngài đã lâu và muốn gặp Chúa Giê-xu để mong thấy phép lạ Ngài làm. Nhưng trước mặt Hê-rốt, thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, Chúa Giê-xu không trả lời gì hết. Vua và các lính hầu của vua đều khinh khi, nhạo báng Chúa, rồi sau đó giao trả Ngài lại cho Phi-lát, vì họ cũng không thấy Chúa có tội gì đáng chết (Lu-ca 23:15).

Trở lại nơi xử án và một mình với Chúa Giê-xu, Phi-lát hỏi Ngài: “Ngươi từ đâu?”, nhưng Chúa Giê-xu không trả lời. Rất khó hiểu trước thái độ của Chúa, nên Phi-lát đã cho Ngài biết rằng ông có toàn quyền trên Ngài, ông có thể tha và có thể hành quyết Chúa. Trước câu nói nầy, Chúa đã bảo ông: “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta; vậy nên, kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa.” Lúc nầy Phi-lát được vén bức màn để thấy một quyền lực lớn hơn đang chi phối và điều động trên cuộc đời ông, là quyền năng của Đấng tạo nên ông và ban cho ông mọi điều. Phải, Phi-lát thật không có quyền gì trên Chúa Giê-xu cả. Nhưng nếu đã được ban cho quyền hành để định đoạt cuộc đời của một con người, Phi-lát phải định đoạt theo sự ngay thẳng. Chúa đã thấy trước ông không thể định đoạt theo ý mình, mà phải định đoạt dưới áp lực của đám đông. Đó là một tội phạm với lương tâm một quan án, với Đấng đã ban cho ông địa vị và quyền xét xử, Đấng mà một kẻ ngoại đạo người La-mã như Phi-lát không biết. Nếu treo Chúa trên thập hình, ông sẽ mắc tội. Nhưng những kẻ nộp Chúa Giê-xu cho Phi-lát đang đẩy ông vào việc kết án tử hình một người vô tội, còn có tội lớn hơn. Phúc Âm Giăng cho biết, kể từ lúc ấy Phi-lát muốn tìm cách tha cho Chúa Giê-xu. Lu-ca 23 kể lại, rằng Phi-lát đã tuyên bố “Vậy, người nầy đã không làm điều gì đáng chết, nên ta sẽ đánh đòn rồi tha đi,” lý do là vì đến ngày lễ, theo lệ thường, quan tổng trấn thường ra lệnh ân xá cho một phạm nhân. Phi-lát có thể lấy quyền một quan tổng đốc tuyên bố tha tội Chúa không cần hỏi ý kiến đám đông cũng được. Cả ba lần, ông đứng trước đám đông, khẳng định sự vô tội của Chúa Giê-xu, chỉ muốn đánh đòn Ngài cho bọn người cuồng nộ nguôi ngoai rồi tha cho. Nhưng cả ba lần, họ đều gào thét, đòi ông phải lên án tử hình Chúa Giê-xu, và tha tội cho Ba-ra-ba, một phạm nhân mắc tội phiến loạn và giết người, bị bắt cùng một lúc với Chúa Giê-xu. Giăng nói thêm rằng đám dân làm áp lực với Phi-lát: “Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy.” Nghe đến đây, một con người mà sử gia nổi tiếng thời đó là Josephus cho là ích kỷ, tàn ác, cứng cỏi và dã man như Phi-lát đành phải nhượng bộ. Phúc Âm Ma-thi-ơ có nói đến việc Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi. Tấn tuồng đã đến hồi kết thúc. Đám đông đã thắng thế. Phi-lát rửa tay để chứng tỏ mình không có lỗi trong việc giao Chúa Giê-xu cho đoàn dân đóng đinh Ngài lên thập hình, một hình phạt nặng nhất dành cho phạm nhân thời đó. Vì người bị đóng đinh phải chịu một cái chết đau đớn, dai dẳng và đồng thời chịu những lời phỉ báng của những kẻ chung quanh.

Đám đông kêu gào: “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!” Ta tự hỏi, đám đông nầy là ai. Phải chăng cũng chính là những người trước đây ít hôm, trong ngày lễ Lá, đã tung hô Chúa Giê-xu như một vị Vua trong thành Giê-ru-sa-lem? Phải chăng có những kẻ trong đó đã từng thấy phép lạ Chúa làm, nghe những lời giảng dạy của Ngài? Chúng ta không biết rõ, nhưng khi bị những kẻ ác độc xúi giục (Mác 15:1), đám dân đông có thể trở thành một thế lực đáng sợ. Tại đây, chính đám đông đã tạo áp lực gây ra cái chết đau thương cho một Đấng vô tội, là Chúa của họ và Chúa của cả nhân loại. Phi-lát đã phó sinh mạng của Chúa cho đám đông, trong đó có những người đàn bà không thể làm chi được, đã đấm ngực khóc thương Ngài, có lẽ trong đó có bà Ma-ri, mẹ của Ngài và những người đàn bà giàu có, quí phái, từng giúp đỡ Chúa khi Ngài thi hành chức vụ (Lu-ca 8:3). Nhưng Chúa bảo với họ: “Hỡi con gái thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi.” Rồi tất cả đều kéo đến đồi Sọ để xem người ta đóng đinh Chúa Giê-xu. Đám đông đã dự phần vào cuộc xử án Chúa Giê-xu như thế đó. Họ đã chứng kiến từ đầu đến cuối và góp phần vào bi kịch đóng đinh Chúa. Những tên lính làm công việc hành quyết nầy thuộc quyền của đế quốc La-mã, những người lính thuê người ngoại quốc. Các thầy tế lễ cả cũng có binh lính và cũng có quyền xét xử, nhưng không có quyền xử án tử hình (Giăng 18:31). Thầy đội đã đóng đinh Chúa Giê-xu, người nghe lời cầu nguyện xin Cha tha tội cho dân chúng vì đã giết mình, thấy đất trời rúng động khi Con Trời trút hơi thở cuối cùng, đã phát biểu: “Thật người nầy là người công bình!” (Lu-ca 23:46)

Chúa Giê-xu Con Đức Chúa Trời đã chết như thế đó!

Cũng có những thành viên trong Tòa Công Luận không dự phần vào công việc gian ác của số đông: Ông Giô-sép, người A-ri-ma-thê, đã đến xin Phi-lát xác của Chúa Giê-xu đem về chôn trong mộ huyệt của gia đình mình (Lu-ca 23:50-56). Ông Ni-cô-đem, một người Pha-ri-si từng kín đáo đến với Chúa trong ban đêm, để hỏi Ngài về sự tái sinh, nay cũng đem hương liệu đến để xức xác cho Chúa trước khi chôn (Giăng 19:39).

Về phần Phi-lát, người ta không biết cục diện sẽ xảy ra thế nào, nếu ông cương quyết không nhượng bộ đoàn dân và cứu được mạng sống của Chúa. Chỉ biết sau đó không lâu, ông bị hạ bệ và bị Hoàng Đế Caligula cách chức và đày sang Vienne, một tỉnh ở miền Nam nước Pháp, và chết ở đó vào năm 41 sau Công Nguyên.

Đám đông người Do Thái đã reo hò đóng đinh Chúa thì bị tan lạc. Đền thờ không còn nữa. Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70 SC cho đến nay, Tòa Công Luận cũng chẳng còn. Người Do Thái sau gần 2000 năm lưu lạc khắp đất đã hiểu thế nào là hậu quả của lời nói của đám đông lúc đó: Nguyện máu của hắn đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! (Ma-thi-ơ 27:25).

Câu hỏi “Ai đã giết Chúa Giê-xu đến đây dường như đã có câu trả lời. Đám đông bị giới cầm quyền tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem xui giục, chẳng biết việc mình làm, đã đóng vai trò lớn trong việc xử án Con Đức Chúa Trời. Những đám đông dự phần trong những công việc tội lỗi, bất công của quá khứ, của hiện tại. Trong đám đông đó, có thể cũng có cả những người đang đóng đinh Chúa Giê-xu một lần nữa và công khai sỉ nhục Ngài của mọi thời đại, những kẻ đã một lần được cứu nhưng lại sa ngã và không còn hy vọng phục hồi (Hê-bơ-rơ 6:6).

Ân Điển

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like