Home Chuyên Đề Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 2: Những điều tôi học từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 2: Những điều tôi học từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

by Richard Huỳnh
30 đọc
II. Những điều tôi học từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Ấn tượng đầu tiên của tôi là Thích Ca Mâu Ni thật sống động, khác hẳn với hình ảnh vị thần quyền năng nhưng xa vời, luôn nhắm mắt tọa thiền mà người ta thờ lạy để được ban phước. Ông sinh ra và lớn lên. Ông chán ngán các vui thú cung đình rồi trăn trở với những đau khổ và số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người. Ông từ bỏ cuộc đời vương tử mà đi học đạo chỗ này chỗ kia để tìm con đường giải thoát. Khi không đạt mục tiêu với các đạo sẵn có, ông tự nghiệm ra con đường mới rồi giảng dạy nó cho chúng sinh. Quả là một đời sống đáng ngưỡng mộ.

Biết về cuộc đời và lời dạy của ông cho tôi ý thức rằng thần phật không phải là một người ta thờ lạy để được ban phước, mà là người dạy ta lẽ sống cùng các quy luật trên thế gian. Đường/đạo của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca có mục tiêu rất cụ thể là tránh những khổ đau ở đời mà đạt trạng thái an vui Niết Bàn. Phương pháp diệt khổ cũng rõ ràng: trừ bỏ những tham ái u mê của cái tôi của mình, học hỏi tu tập nghĩ đúng, làm đúng, sống đúng… Thích Ca Mâu Ni không có hứa hẹn ban phước hay giúp đỡ cách siêu nhiên gì, phải tu tập và giác ngộ – “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập” [N] – thì mới đạt đến Niết Bàn.

Sẽ không thể hiểu hết giá trị con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đối với tôi nếu không nói đến hoàn cảnh của tôi hồi nhỏ. Sức khỏe tôi yếu nhất xóm, đến nỗi khi xóm chia hai đội đá banh thì đội nào yếu hơn thêm tôi vào cho cân. Tôi lại hay bệnh, mà bệnh thì hay sốt đến 40 độ nằm một chỗ. Đầu óc tôi cũng hơi trên mây, chậm nhận biết chuyện xung quanh, ăn nói cũng vụng về. Cứ như vậy thì khi lớn lên đời tôi sẽ có nhiều nỗi khổ.

Trải nghiệm vương tử của ông nhắc nhở tôi rằng địa vị cao trọng, cung điện giàu sang, tiệc tùng linh đình cùng các cung nữ xinh đẹp không cho ta thỏa mãn dài lâu. Chúng trông thật hấp dẫn, nhưng khi sống ngập trong chúng thì ta sẽ thấy địa vị cao trọng đầy những gánh nặng, nhà cao cửa rộng chỉ để no con mắt, ăn nhiều uống nhiều làm mệt người, và gái đẹp làm tâm linh sa ngã. Người ta vì tham muốn chúng đã gánh lấy vô số mệt nhọc khổ đau. Ý thức đề phòng chúng hẳn đã giúp tôi tránh khỏi nhiều tham ái u mê khổ đau mệt nhọc ở đời.

Câu chuyện đời ông cũng khiến tôi ý thức về số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người từ khi còn rất nhỏ. Thật buồn cười khi thằng bé vừa biết đọc đã nghĩ đến điều này. Hồi nhỏ, những khi bệnh sốt đến 40*C, tôi hay lo sợ mình sẽ chết, bệnh nhiều vậy chắc không sống thọ. Dần tôi chấp nhận rằng chết là điều tất nhiên sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn. Vấn đề là ta làm được gì, trải nghiệm được gì trước lúc đó mà thôi. Sống sao cho khỏi ân hận đã sống hoài sống phí là được.

“Tứ Diệu Đế” của ông đã giúp tôi ý thức rằng tham muốn u mê và cái tôi của mình là điều khiến tôi khổ. Vậy nên tôi tập chấp nhận những điều thiếu sót, không được như ý ở đời (Khổ Đế). Mình sức khỏe kém, nhận biết chậm, ăn nói vụng về hơn người khác cho nên việc tranh cạnh, ham muốn chỉ làm mình khổ thêm (Tập Khổ Đế). Điều này có lẽ đã giúp tôi khiêm mình mà bỏ đi cái tôi, ít đòi hỏi, làm được gì làm nấy, vui được gì vui nấy (Diệt Khổ Đế). Được cho chơi chung, đá banh chung là tôi vui rồi, vai phụ như hậu vệ cũng nhận, thắng thua đều vui. Cứ thế, càng trưởng thành, tôi càng trở nên vô tư, ít muốn, ít ghét, ít so sánh. Ăn mặn ăn nhạt cũng được, đều chỉ là vị cơm rau cá thịt. Ở phòng trọ công nhân hay khách sạn năm sao thấy cũng như nhau, đều chỉ là chỗ để tắm và ngủ. Lo đời sống mình thôi, không so sánh với người khác. Tâm trí nhờ đó cũng nhẹ nhàng, ít khổ, dễ vui.

Và quan trọng nhất là “Bát Chánh Đạo” của ông đã cho tôi ý thức học hỏi và tu tập những điều đúng để cải thiện bản thân. Vì sức khỏe kém, ba mẹ luôn bắt tôi phải chơi thể thao rèn luyện sức khỏe như đá banh, bóng bàn, võ thuật v.v… Khi tập thể thao, ta phải học hỏi và rèn luyện cho đúng kỹ thuật thì động tác mới được nhanh, mạnh, và chính xác v.v… Làm sai thì động tác sẽ vụng về, cho kết quả kém, cần phải chỉnh sửa. “Bát Chánh Đạo” mở rộng yêu cầu này ra mọi mặt trong đời sống. Ta cần học rèn nhìn đúng, nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng, nỗ lực đúng, chú tâm đúng, định tâm đúng… thì đời sống mới tốt đẹp. Thực ra tôi chẳng nhớ “Bát Chánh Đạo” gồm 8 điều gì, nhưng luôn nhớ là muốn làm tốt thì phải học hỏi và tu tập cái đúng. Nhờ đó, tôi luôn có ý thức học hỏi, tiếp thu, đọc sách, tìm hiểu những cách “đúng” hơn, hay hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt trong những điểm mình cần cải thiện. Nếu “Tứ Diệu Đế” dạy tôi đề phòng tham ái u mê của bản ngã xác thịt, thì “Bát Chánh Đạo” cho tôi niềm vui trong việc học hỏi tu tập, hiểu biết rõ hơn và rèn luyện tốt hơn những điều mình quan tâm.

Nhờ vậy, khi lớn lên, dần sức khỏe, độ nhận biết, khả năng ăn nói của tôi cũng khá hơn. Người tiếp xúc với tôi nhiều vẫn sẽ nhận thấy những khuyết điểm này, nhưng chúng không còn là điểm liệt giới hạn đời sống của tôi nữa. Như vậy, con đường của Thích Ca Mâu Ni với tinh thần “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập”, thái độ sống vô ngã, ý thức tránh đau khổ do cái tôi tham ái u mê của mình, học biết những quy luật trong đời sống, tu tập cái đúng v.v… đã giúp tôi tránh được nhiều đau khổ cuộc đời.

Thực ra nó cũng có một số vấn đề. Việc xem nhẹ sự giàu sang, ăn uống, đồ đẹp hay người đẹp khiến tôi có phần lạc lõng với con người thế gian và xu thế thời đại.  Việc phòng trừ cái tôi tham muốn của mình cũng khiến tôi ít quan tâm tới tham muốn và cái tôi của người khác. Việc chú trọng nghĩ đúng làm đúng cũng khiến tôi từ chối những cái mà mình thấy là sai dù chúng là xu thế của thế gian. Việc học biết quy luật đời sống dễ khiến ta chấp nhận xuôi theo chúng: sinh lão thì bệnh tử, u mê bị nghiệt báo thì ráng chịu, không duyên thì đành thôi. Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca chắc cũng gặp những vấn đề này. Ông cũng lạc lõng với đời sống cung đình, ít quan tâm tới tham muốn của cha mẹ vợ con, và nghĩ khác làm khác nhiều người. Ông cũng đành chấp nhận luật nhân quả – nghiệt báo khi vua Virudhaka xâm lược xứ Thích Ca quê ông và thảm sát kinh đô Ca-tỳ-la-vệ để trả thù việc hồi nhỏ vua bị xúc phạm [P]. (Luật nhân quả nghiệt báo không có cân bằng hay giới hạn, gieo nhân có thể gặt quả hơn trăm lần. U mê xúc phạm vua láng giềng thì phải chịu cảnh nước mất nhà tan, chúng dân bị thảm sát). Ngoài ra thì bể học vô biên và việc học hỏi tu tập mất rất nhiều thời gian và công sức. Ta đơn giản là không thể học hỏi tu tập để làm hoàn hảo tất cả mọi điều mọi việc. Tôi luôn thấy có nhiều điều mình không biết, nhiều điều mình làm còn sai. Nhiều điều tôi học tập rèn luyện mãi mà cũng chỉ tàm tạm. Thậm chí nhiều điều tôi biết là sai nhưng vì thích nên vẫn cứ làm. Tôi chỉ từ bỏ những điều gây khổ cho mình hay người khác, và học rèn những gì mình thấy cần. Vậy nên tôi không dám nói “Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ. Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ. Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập. Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật” [N]. Làm được đến đâu tốt đến đó thôi.

(Còn tiếp)

Richard Huỳnh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 1: Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 3: Đến với chân Chúa Giê-xu Christ và Con Đường của Đấng Christ

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 4 và hết: Bài học cho chính tôi

Bình Luận:

You may also like