Home Chuyên Đề 8 Bí Ẩn Trong Kinh Thánh Vẫn Chưa Có Lời Giải Đáp

8 Bí Ẩn Trong Kinh Thánh Vẫn Chưa Có Lời Giải Đáp

by Crosswalk.com
30 đọc

Học Kinh Thánh cũng giống như bất kỳ môn học nào ở trường. Có công mài sắt có ngày nên kim. Nhưng trước khi thực hành, bạn phải học, và mọi thứ bạn học đều bắt đầu bằng một câu hỏi.

Nhưng nếu điều gì đó mà bạn thắc mắc lại không có câu trả lời thì sao?

Một Cơ-đốc nhân, không chỉ được phép đặt câu hỏi mà còn được khuyến khích để làm việc đó.

Liệu Kinh Thánh có câu trả lời cho mọi câu hỏi mà một tín hữu có thể nghĩ ra chăng? Ngay cả những Cơ-đốc nhân lâu năm nhất cũng không có câu trả lời cho mọi chuyện, nếu bạn qua lại với họ đủ lâu, bạn sẽ sớm nhận ra được điều đó. Và việc không có câu trả lời cho mọi câu hỏi cũng không sao cả.

Đức tin không phụ thuộc vào việc chúng ta có được câu trả lời cho mọi sự, vì thế Kinh Thánh nói rằng:

Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy – 2 Cô-rinh-tô 5:7

Bước đi bởi mắt thấy có nghĩa là chỉ dựa vào câu trả lời để dẫn đường. Đức tin, do đó, cho phép đặt câu hỏi. Tuy nhiên đức tin Cơ-đốc không dựa vào việc liệu câu hỏi của chúng ta có nhận được câu trả lời hay không. Tin vào Đức Chúa Trời có nghĩa là chấp nhận việc dù không biết được hết mọi sự, nhưng vẫn tin Ngài và tất cả những gì thuộc về Ngài.

Rốt lại, Kinh Thánh mô tả Đức Chúa Trời là Đấng huyền nhiệm (Gióp 11:7).

Lời của Ngài cung cấp cái nhìn sâu sắc cho nhiều câu hỏi, nhưng không phải là tất cả. Phần quan trọng nhất của Kinh Thánh — là câu chuyện về Chúa Giê-xu — tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và những người khác là những điều răn quan trọng nhất từ Kinh Thánh đã được làm cho nổi bật.

Tuy nhiên, việc đặt câu hỏi về các chủ đề khác cũng có thể mang lại sự sáng suốt.

Giải mã được một bí ẩn có vẻ như là một việc làm đáng giá, nhưng một số bí ẩn sẽ mãi mãi không được giải đáp. Có thể bạn có nhiều cách khác nhau để giải nghĩa Kinh Thánh, tuy nhiên những câu hỏi sau đây không có câu trả lời trực tiếp.

Nhưng không có câu trả lời cũng không sao cả. Cơ-đốc nhân bước đi bởi đức tin, chứ không phải bởi mắt thấy.

Dưới đây là 8 điều trong Kinh Thánh mà vẫn còn là một bí ẩn:

1. Vườn Ê-đen ở đâu?

Cuộc sống của A-đam và Ê-va có khởi đầu thật lý tưởng. Họ có mối quan hệ với Đức Chúa Trời, một ngôi nhà với Đức Chúa Trời, và họ đã chính tay hủy hoại phước hạnh của mình. Hành động của họ đã đưa tội lỗi vào trong thế gian.

Ngôi nhà vinh hiển mà họ bị đã đuổi khỏi đó thực ra là ở đâu?

Một con sông từ Ê-đen chảy ra đặng tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn ngả. Tên ngả thứ nhứt là Bi-sôn; ngả đó chảy quanh xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng. Vàng xứ nầy rất cao; đó lại có nhũ hương và bích ngọc. Tên sông thứ nhì là Ghi-hôn, chảy quanh xứ Cu-sơ. Tên sông thứ ba là Hi-đê-ke [hay Ti-gơ-rít], chảy về phía đông bờ cõi A-si-ri. Còn sông thứ tư là sông Ơ-phơ-rát. – Sáng-thế Ký 2:10-14

Không ai thấy tận mắt những gì họ đã trải qua ở Ê-đen. Không chỉ vậy, không ai biết chính xác khu vườn nằm ở đâu.

Trong bốn con sông được đề cập là Bi-sôn, Ghi-hôn, Ti-gơ-rít và Ơ-phơ-rát. Hai con sông cuối cùng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng Bi-sôn và Ghi-hôn thì không còn nữa.

Vườn Ê-đen hẳn là ở Trung Đông dựa trên vị trí của hai con sông Ti-gơ-rít và Ơ-phơ-rát, nhưng không rõ vị trí chính xác là ở đâu.

2. Khủng long đã từng tồn tại?

Khoa học hiện đại đã chứng minh khủng long đã từng tồn tại, nhưng Kinh Thánh không nói về khủng long theo cách mà sách vở đã dạy.

Có hai sinh vật được đề cập trong Kinh Thánh không chỉ có kích thước khổng lồ mà còn có những đặc điểm gần như siêu nhiên khi so sánh với động vật ngày nay.

Hãy nhìn con Bê-hê-mốt mà Ta đã dựng nên như dựng nên con; Nó ăn cỏ như bò. Hãy xem, đôi hông nó đầy sức mạnh, cơ bụng nó thật rắn chắc. Đuôi nó giống như cây bá hương; Gân đùi đan với nhau chằng chịt. Các xương nó như ống đồng, tứ chi nó như những thanh sắt. Nó là tạo vật hàng đầu của Đức Chúa Trời; Chỉ có Đấng dựng nên nó mới giết được nó. – Gióp 40:10-14 (Bản Hiệu Đính)

Phân đoạn này miêu tả con sinh vật rất chi tiết. Con thú này chắc phải được kính trọng và nể sợ lắm, đặc biệt là khi xem xét tới việc chỉ có Chúa mới giết được nó. Sinh vật này là khủng long, voi hay thứ gì khác?

Nếu đây là một con khủng long, thì tại sao chỉ có một con? Những con khủng long khác ở đâu?

Chúa đã dùng quyền năng Ngài mà rẽ biển ra, đập nát đầu của quái vật dưới nước. Chúa chà nát đầu Lê-vi-a-than, ban nó làm thực phẩm cho dân sống trong hoang mạc. – Thi-thiên 74:13-14

Tham chiếu này là một con thú khác không đáng sợ như Bê-hê-mốt. Tuy nhiên, sinh vật này được mô tả là có nhiều đầu. Đa-vít đang mô tả những con quái vật biển thực sự, hay một thứ gì đó mà khoa học hiện đại đã đặt tên?

Ngày nay, khoa học giải thích rằng các loài động vật mới đã được phát hiện, trong khi những loài khác bị tuyệt chủng. Những sinh vật này trong Kinh Thánh dường như có nguồn gốc từ thế giới khác … nhưng, một lần nữa, trái đất đã có một số loài động vật khá kỳ lạ như hổ Tasmania, hươu đùi vằn Okapisứa lửa ‘chiến binh Bồ Đào Nha’.

3. Điều gì đã xảy ra với những người khổng lồ?

Những người khổng lồ thực sự đã được đề cập trong Kinh Thánh, mặc dù không quá chi tiết.

Vào thời bấy giờ và sau đó có những người khổng lồ [dân Nê-phi-lim hay người cao lớn] xuất hiện trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở với con gái loài người rồi sinh con cái. Đó là những anh hùng thuở xưa, là những người danh tiếng. – Sáng-thế Ký 6:4

Tại sao bây giờ người ta không thấy những người khổng lồ nữa? Đây có phải là một tộc người cụ thể nào đó chăng?

Cách giải thích khác về dân Nê-phi-lim mô tả họ là con cái của các thiên sứ sa ngã. Họ xuất hiện trong Kinh Thánh một vài lần. 

4. Còn sự tiến hóa thì sao?

Kinh Thánh không nói gì về sự tiến hóa. Trong khi Đức Chúa Trời tạo ra mọi loài sống từ con người đến động vật, không có sự mô tả trực tiếp nào về quá trình tiến hóa.

Sự tiến hóa hoàn toàn không phải là khái niệm chính của Kinh Thánh — nó không có liên quan gì đến câu chuyện về sự cứu chuộc — và do đó, nó vẫn là một bí ẩn trong Kinh Thánh.

5. Còn những nguyên tử thì sao?

Tương tự như sự tiến hóa, không có một đề cập trực tiếp nào đến các nguyên tử trong Kinh Thánh. Khoa học nói rằng nguyên tử là những khối cấu tạo cơ bản của vật chất.

Kinh Thánh không đưa ra định nghĩa về nguyên tử và đã để lại sự khám phá về nguyên tử cho khoa học hiện đại.

6. Có sự sống nào khác ngoài vũ trụ không?

“Tôi muốn tin là có” Đặc-vụ Mulder thường nói như thế trong chương trình nổi tiếng The X-Files (Hồ Sơ Tuyệt Mật). Anh bị ám ảnh bởi cuộc sống ngoài hành tinh, không giống như Dana Scully, người bạn đặc vụ Cơ-đốc nhân của anh, anh ta luôn nghi ngờ về điều này.

Có một số thứ giống như UFO (vật thể bay không xác định) trong các bức tranh thời Phục Hưng. Những hình ảnh này thường mô tả những con người hoặc bối cảnh thánh thiện, bao gồm cả Bà Ma-ri và Chúa Giê-xu.

Kinh Thánh không đưa ra câu trả lời về sự sống trên các hành tinh khác. Mặc dù nếu có sự sống tồn tại ở nơi khác, Chúa cũng đã tạo ra chúng.

7. Kinh Thánh nói gì về vấn đề hẹn hò?

Các Cơ-đốc nhân trẻ ngày nay thường tìm đến Kinh Thánh để được hướng dẫn trong vấn đề hẹn hò. Có rất nhiều lời khuyên hữu ích để mọi người có thể xem xét, chẳng hạn như yêu thương người khác, bày tỏ sự tha thứ và tránh cám dỗ tình dục.

Tuy nhiên, Kinh Thánh không tập trung vào việc hẹn hò như xã hội hiện đại. Những người trong Kinh Thánh không hẹn hò trong nhiều năm trước khi kết hôn. Theo văn hóa của Y-sơ-ra-ên cổ đại dường như hôn nhân là được sắp đặt trước.

Những người trong Kinh Thánh thường kết hôn sớm. Đàn ông thường có nhiều vợ. Trinh tiết được coi trọng.

Không có câu Kinh Thánh nào nói rõ ràng về việc hôn nhân sắp đặt là đúng hay sai, nhưng có rất nhiều câu Kinh Thánh hướng dẫn các cặp vợ chồng trong quá trình hẹn hò ngay cả khi những người trong Kinh Thánh thường không trải qua giai đoạn hẹn hò.

8. Tại sao trong Kinh Thánh người ta lại sống lâu như vậy?

Công nghệ hiện đại đã cho phép nhiều người sống tới 80-90 tuổi, và ít người sống đến 100 tuổi hoặc hơn. Điều này không giải thích cho việc tại sao những người trong Kinh Thánh như A-đam, thậm chí còn sống lâu hơn nữa.

A-đam được một trăm ba mươi tuổi, sanh một con trai giống như hình tượng mình, đặt tên là Sết. – Sáng-thế Ký 5:3

Có thể cách mà người ta tính thời gian vào lúc đó khác với cách mà chúng ta tính ngày nay. Số năm vào thời đó có thể không tương đương với những gì mà xã hội hiện đại coi là một năm (tất nhiên cái này chỉ là giả thuyết).

Tất cả những bí ẩn này có ý nghĩa gì?

Một câu hỏi không có câu trả lời có nghĩa là Đức Chúa Trời đã chọn để giữ cho một số kiến thức vẫn là một bí ẩn. Hãy nhớ rằng A-đam và Ê-va đã ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Họ đã biết được những thông tin mà họ không nên biết.

Có thể việc biết tất cả những điều phức tạp của vũ trụ sẽ là quá nhiều đối với tâm trí con người của chúng ta. Chúng ta phải tranh chiến với tội lỗi là đủ rồi.

Có thể Đức Chúa Trời muốn chúng ta dành nhiều thời gian hơn để yêu Ngài, yêu người và yêu chính mình, thay vì cố gắng giải đáp mọi bí ẩn của cuộc sống.

Câu hỏi không có nghĩa là bạn nên từ bỏ đức tin của mình. Nếu chúng ta có thể đơn giản tìm ra câu trả lời cho mọi điều chúng ta cần, thì sẽ không cần đến Chúa nữa.

Sự thiếu hiểu biết, hoặc không biết gì, dẫn chúng ta đến chỗ phải nương cậy vào Ngài và thuận theo ý muốn của Ngài. Có điều gì chúng ta không biết, hãy dựa vào Ngài để được hướng dẫn và được gia thêm sự hiểu biết.

Có lúc Chúa sẽ bày tỏ điều đó ra. Có lúc thì không.

Dù thế nào thì đức tin của chúng ta cũng sẽ lớn mạnh và không bị lung lay.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like