Home Chuyên Đề Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 1: Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 1: Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

by Richard Huỳnh
30 đọc

Trong bữa tiệc Giáng Sinh của công ty, tôi hỏi cậu đồng nghiệp ngồi cạnh:

_ Bữa nay là ngày kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh, em có biết về Chúa Giê-xu không?

_ Dạ không, em tin theo Phật.

_ Ồ, vậy em có biết về Tứ Diệu Đế không?

_ Dạ, em không biết.

_ Vậy em có biết về Bát Chính Đạo không?

_ Em không biết.

_ Vậy em có biết về cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni không?

_ Em cũng không biết.

_ Vậy em biết gì về Phật?

_ Dạ, em không biết gì hết, ông bà nói thờ Phật thì em thờ thôi

Thực sự thì rất nhiều người nói tin thờ Phật nhưng lại không biết những điều rất căn bản về Phật Thích Ca Mâu Ni như cuộc đời ông, Tứ Diệu Đế hay Bát Chính Đạo. Điều này cũng như nhiều người nói tin Chúa Giê-xu mà không biết về cuộc đời Chúa Giê-xu, lý do Chúa giáng thế (Giăng 3:16-18) hay Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5-7). Đức tin của họ chỉ là sự tôn thờ bằng việc cúng bái và kiêng kỵ theo phong tục truyền đời. Tin thờ một vị thần kiểu nói thờ thì thờ thôi mà không biết thần đó là ai, dạy gì, muốn gì, hứa gì v.v… thì làm sao ta có thể làm họ đẹp lòng mà nhận lãnh điều họ hứa? Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời nói: “Dân nầy lấy môi miệng tôn kính Ta; Nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Việc chúng thờ phượng Ta là vô ích, Giáo lý chúng dạy chỉ là những luật lệ của loài người.” (Ma-thi-ơ 15:9). Ta cần phải hiểu rõ vị thần mình thờ để làm đúng điều họ dạy mà nhận lãnh điều họ hứa. Đừng thờ phượng theo lời truyền khẩu của con người kẻo uổng công vô ích.

Nhiều người tin thờ Phật mà không biết Thích Ca Mâu Ni nghĩa là gì. Thích Ca là vương quốc Thích Ca quê hương ông, Mâu Ni nghĩa là nhà thông thái. Thích Ca Mâu Ni là Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca [C], người đã nghiệm ra đường lối sống thông thái và truyền dạy cách thoát khỏi nhiều khổ đau của kiếp người.

Tôi có cơ duyên đọc được câu chuyện về cuộc đời Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca từ khi còn rất nhỏ. Lúc đó sách truyện còn rất hiếm và quí, và đó là một trong những quyển truyện tranh đầu tiên tôi đọc. Vậy nên những hình ảnh, câu chuyện về cuộc đời ông, cùng những suy nghĩ, hành động và các lời dạy của ông đã để lại trong đầu óc non trẻ của tôi một ấn tượng sâu sắc. Chúng cho tôi thấy số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người, sự phù phiếm của danh vọng, giàu sang, tiệc tùng và mỹ nữ, cùng đường lối khôn ngoan để tránh những khổ đau ở đời. Và con đường này đã dẫn tôi đến chân đấng Christ, người “đến để chiên được sống và sống sung mãn” (Giăng 10:10)

Sau đây là những gì tôi biết về cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca, cùng những thành quả mà tôi đạt được khi đi theo con đường của ông, và điều đã dẫn tôi đến với chân Đấng Christ.

I. Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Đấng Thích Ca Mâu Ni – Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca – là hoàng tử Tất Đạt Đa của vương triều Cô Đàm xứ Thích Ca, một tiểu quốc ở Ấn Độ [B, C]. Ông thiên tướng thông minh, từ nhỏ đã được tiên tri là sẽ trở thành một minh quân cai trị toàn Ấn Độ, hay một nhà tu hành đắc đạo. Vì vua cha muốn ông trở thành vua toàn Ấn Độ nên ra sức dạy con mình việc triều chính và cho ông hưởng mọi vui thú cung đình: cung điện tráng lệ, các bữa tiệc linh đình và những cung nữ xinh đẹp. Tuy nhiên, hoàng tử Tất Đạt Đa không cảm thấy cuộc sống vinh hoa phú quý như vậy là vui thú hay ý nghĩa. Một ngày nọ, khi ra khỏi thành, ông gặp một người già, người bệnh, người chết và một tu sĩ và nhận ra số phận đau buồn của con người trên thế gian: sinh, lão, bệnh, tử. Đâu là con đường giải thoát? Suy nghĩ này càng khiến ông càng chán ngán những vui thú cung đình hơn nữa, nhìn cung nữ lõa lồ chỉ còn thấy ô uế. Đến độ khi vợ sinh con, ông đặt tên đứa bé là “Chướng Ngại” (tiếng Phạn: La Hầu La) và nửa đêm lẻn ra khỏi cung điện, từ bỏ ngai vị hoàng tử và đời sống cung đình xa hoa để đi tìm câu trả lời. Đầu tiên, ông theo những dòng tu nổi tiếng thời bấy giờ và tu hành khổ hạnh đến gần chết. Nhưng ông thấy chúng không giải thoát con người khỏi những khổ đau trong đời sống nên từ bỏ. Rồi ông ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Đề, suy ngẫm về nguyên nhân và cơ chế của sự khổ và ngộ ra con đường thoát khổ với Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Sau đó, ông giảng dạy chúng cho mọi người, bắt đầu từ những người bạn tu hành khổ hạnh cũ, dần đến hoàng gia mình, rồi khắp cả xứ. Ông được mọi người tôn kính gọi là Thích Ca Mâu Ni – Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca.

Con đường là đạo, đạo là con đường. Đời là bể khổ đầy những khó khăn gian trá. Giữa cuộc đời rối ren, đạo chỉ cho ta mục tiêu để đi, lối để đến, lề trái lề phải để giữ ta không lầm lạc. Con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca dạy ta tránh né những khổ đau của kiếp người mà giữ lòng an vui qua Tứ Diệu Đế (4 chân lý kỳ diệu) [D, E] và Bát Chánh Đạo (8 con đường đúng) như sau [D, F]:

1. Khổ Đế – Chân lý về sự đau khổ: ở đời, mọi người, mọi vật đều khổ: sinh là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ; thân ái biệt li là khổ, cầu không được là khổ, v.v… sự khổ nằm trong bản chất của mọi người và mọi vật, vì tất cả đều có chỗ không trọn vẹn, còn thiếu sót, không như ta mong muốn.

2. Tập Khổ Đế – Chân lý về nguyên nhân của đau khổ: Nguyên nhân của sự khổ là do tham muốn yêu thích (tham ái) cách u mê của cái tôi (bản ngã) của ta. Bản ngã ta tham ái u mê mà không được thỏa mãn làm ta khổ.

3. Diệt Khổ Đế – Chân lý về diệt khổ: Để diệt khổ cần phải loại bỏ bản ngã tham ái u mê qua việc học hỏi và tu tập để dập tắt những ngọn lửa trong lòng, trở nên vô ngã (không còn cái tôi), đạt trạng thái an vui Niết Bàn (tiếng Phạn có nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ trạng thái an vui lòng không còn bị lửa tham muốn giày vò.) [G]

4. Đạo Diệt Khổ Đế – Chân lý về con đường diệt khổ: con đường diệt khổ là Bát Chánh Đạo – tám con đường đúng: (1) Chánh Kiến – nhìn đúng, (2) Chánh Tư Duy – suy nghĩ đúng, (3) Chánh Ngữ – nói đúng, (4) Chánh Nghiệp – làm đúng, (5) Chánh Mạng – sống đúng, (6) Chánh Tinh Tấn – nỗ lực đúng, (7) Chánh Niệm – chú tâm đúng, (8) Chánh định – định tâm (tĩnh tâm) đúng.

Ngoài ra, Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca còn dạy về một số quy luật của đời sống như luật vô thường [H], luật nhân sinh duyên [J], luật nhân quả và nghiệp báo [K]. Hiểu quy luật đời sống sẽ diệt bỏ những u mê gây khổ não.

Diễn thì dài, nhưng con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca rất đơn giản và hợp lý. Ở đời này, mọi người, mọi sự đều không được trọn vẹn, đều có chỗ thiếu sót, nên đều đau khổ. Khổ là do cái tôi của ta tham ái cách u mê mà không được thỏa mãn nên đau khổ. Diệt được bản ngã tham ái u mê trong mình thì lòng sẽ không còn bị lửa thiêu đốt, đạt trạng thái an vui Niết Bàn (tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt). Để được vậy, ta cần phải học hiểu các quy luật của đời sống và tu tập để nhìn đúng, suy nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng v.v… Luyện thành chánh quả sẽ đạt tới giác ngộ [N], thành “phật” theo định nghĩa của Thích Ca Mâu Ni:

“Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập.
Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật”

Trung bộ kinh, kinh Brahmàyu [N]

Thực sự thì mãi sau này tôi mới biết Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo chi tiết là gì. Còn lại, tôi chỉ nhớ các câu chuyện về cuộc đời ông, và lời dạy phải trừ diệt bản ngã tham muốn, tập rèn nghĩ đúng, làm đúng, sống đúng. Nếu ta không tham ái u mê, học hiểu quy luật đời sống và làm đúng sống đúng thì đời ta sẽ an vui, không khổ.

Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca là vậy. Còn tại sao Thích Ca Mâu Ni lại trở thành Phật Tổ với quyền năng vô biên, lật bàn tay giam Tôn Ngộ Không dưới Ngũ Hành Sơn thì tôi không biết. Một khảo sát nói rằng đạo Phật có 3 lần phát triển giáo lý lớn gọi là 3 vòng quay lớn như sau [B]:

Vòng quay #1: là những lời giảng của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca như Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo, vô ngã và vô thường như tôi biết. Những điều này, cùng với các lời truyền khẩu về ông, các bình luận, giảng giải của những sư môn sau này được tổng kết trong Tam Tạng Kinh là cơ sở giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) [M]

Vòng quay #2: xuất hiện 600-800 năm sau khi Thích Ca Mâu Ni mất, với sự phát triển của Phật Giáo Đại Thừa mà nổi bật là tổ sư Long Thọ [I], người được tôn xưng là Đức Phật Thứ Hai với nhiều ý tưởng mới về đạo. Biến đổi chính là Niết Bàn – tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt – đổi nghĩa từ trạng thái an vui, vô ngã, không lửa lòng mà trở thành cõi thiên đường cho những người đã thành phật và thoát khỏi Luân Hồi [B]. Sau này có thêm niềm tin rằng những người thành phật có thể cứu độ người thường ra khỏi Luân Hồi mà đưa vào thiên đường Niết Bàn.

Vòng quay #3: phát triển 100-300 năm sau đó với các giáo lý về tâm thức và suy nghĩ rằng tâm thức tạo nên thực tại [B]. Có lẽ giáo lý tâm thức tạo nên thực tại này qua truyền khẩu trở thành niềm tin rằng các phật có thần quyền sáng tạo, hóa suy nghĩ của mình thành hiện thực như Phật Tổ hóa Ngũ Hành Sơn nhốt Tôn Ngộ Không.

Như vậy sau hơn 1000 năm truyền kỳ và phát triển, từ “phật” ban đầu có nghĩa là một người đã giác ngộ, “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập” [N], trở nên có nghĩa là một người thần thông quảng đại, có thần quyền sáng tạo, hóa ý nghĩ của mình thành hiện thực và cứu độ con người lên thiên đàng. Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca trở thành Phật Tổ quyền năng vô biên có thể hóa Ngũ Hành Sơn giam Tôn Ngộ Không. Còn Niết Bàn, từ tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt chỉ trạng thái an vui vô ngã không còn lửa trong lòng, đã trở thành cõi thiên đàng của các phật, những người có thần thông quảng đại có khả năng cứu rỗi con người.

Tôi không nói mình biết Phật Giáo với hơn 2500 năm truyền kỳ và phát triển. Tôi cũng chưa từng đi học lớp nào trên chùa. Việc thờ Phật của tôi cũng chỉ giống như cậu bạn trên, ông bà nói thờ lạy thì thờ thôi. Nhưng tôi biết về Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca, câu chuyện cuộc đời ông, những trăn trở, suy nghĩ và hành động cùng các lời dạy của ông. Và con đường của ông đã giúp tôi tránh được nhiều khổ đau do tham ái u mê của kiếp người.

(Còn tiếp)

Richard Huỳnh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 2: Những điều tôi học từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 3: Đến với chân Chúa Giê-xu Christ và Con Đường của Đấng Christ

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 4 và hết: Bài học cho chính tôi

Bình Luận:

You may also like