Home Chuyên Đề Những Người Bỏ Lỡ Chúa Giáng Sinh

Những Người Bỏ Lỡ Chúa Giáng Sinh

by Richard Huỳnh
30 đọc

Mỗi mùa Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe câu chuyện quen thuộc về Ma-ri, Giô-sép, những kẻ chăn chiên và các nhà thông thái từ đông phương. Những kẻ chăn chiên nghèo hèn, các nhà thông thái cao sang, họ là đại diện cho mọi tầng lớp, mọi quốc gia sẽ đến thờ lạy Chúa và tin nhận sự cứu rỗi từ Ngài. Tuy nhiên, trong câu chuyện Giáng Sinh cũng có nhiều người bỏ lỡ Chúa Giáng Sinh. Họ cũng đại diện cho rất nhiều người trong nhân loại vì sự thờ ơ và suy nghĩ sai lầm của mình mà bỏ lỡ Chúa Giáng Sinh  và sự cứ chuộc từ Ngài. Trong bài này ta sẽ ngẫm xem họ là ai, và tại sao họ lại phạm sai lầm đáng tiếc vậy.

1. Vua Hê-rốt (Ma-thi-ơ 2:1-3)

Vua Hê-rốt không được thiên sứ đến báo tin như những kẻ chăn chiên, và cũng không có sự thông thái để hiểu ý nghĩa ngôi sao lạ như các nhà thông thái. Tuy nhiên, ông ta cũng được nghe chuyện Chúa giáng sinh qua lời các nhà thông thái.

Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông-phương, nên đến đặng thờ-lạy Ngài.” – Ma-thi-ơ 2:2

Tuy nhiên, vì bản tánh của mình, thay vì đến thờ lạy vị Vua mới sanh như các nhà thông thái, Hê-rốt lại có suy nghĩ khác. Ông là một bạo chúa yêu ngôi vua của mình đến nỗi đã giết chính vợ và ba con trai mình vì nghi ngờ họ dòm ngó ngai vàng. Vì vậy, khi nghe về vị Vua vừa sinh ra, ông nghĩ ngay cách loại bỏ kẻ sẽ cạnh tranh ngôi báu của mình, cho dù phải giết toàn bộ trẻ sơ sinh vùng đó để trừ hậu họa . Vì quá yêu ngôi báu quyền lực của mình, vua Hê-rốt đã bỏ lỡ Chúa Giáng Sinh và sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời.

Không có ngai vàng như vua Hê-rốt, nhưng chúng ta ai cũng có ngai vua yêu quí của đời sống mình. Đời sống ta, ta làm chủ. Khi người khác động đến nó, dù là cha mẹ, vợ con, hay anh chị em mình, ta có thể sẽ phản ứng dữ dội để bảo vệ quyền làm chủ của mình. Vua Hê-rốt là hình ảnh của những con người đã quá tham giữ ngai vua của đời sống mình đến nỗi đã chối bỏ Chúa Giáng Sinh. Vì họ không muốn nhường ngai vị chủ đời sống mình cho vị Vua mới, họ đã bỏ lỡ sự cứu rỗi của Ngài.

2. Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo Do Thái (Ma-thi-ơ 2:4-6)

Sau vua Hê-rốt, nhóm người tiếp theo nghe đến sự sinh ra của Chúa Giê-xu là các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo Do Thái đầy cao trọng

Vua bèn nhóm các thầy tế-lễ cả và các thầy thông-giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu. Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên-tri chép như vầy: Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, vì từ ngươi sẽ ra một tướng, là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta.“ – Ma-thi-ơ 2:4-6

Một câu trả lời xuất sắc. Sau khi nghe câu hỏi của các bác sĩ về vì Vua dân Giu-đa mới sinh ra, các giáo sĩ Do Thái ngay lập tức nhận ra vị Vua này là đấng Christ được tiên tri trong Kinh Thánh. Họ liền nhớ tới lời tiên tri về nơi sinh ra của Ngài, và chỉ đường cách chính xác cho các nhà thông thái đến mà thờ lạy.

Nhưng có cái gì đó không ổn. Các nhà thông thái từ đông phương – trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp là “magoi”, những cố vấn thông thái quyền lực của hoàng đế Ba Tư [1] – đã lặn lội ngàn dặm đến để thờ lạy vị Vua Giu-đa mới sinh ra. Còn các giáo sĩ Do Thái? Họ được vua Hê-rốt nhóm lại để hỏi, trả lời xong, có lẽ họ lại quay về với công việc tư tế thông giáo của mình. Họ quan tâm đến công việc tế lễ thông giáo hơn là việc Chúa Giáng Sinh. Những hoạt động và nghi lễ hoành tráng nơi đền thờ đã khiến họ vô cảm với sự kiện vĩ đại mà Kinh Thánh đã tiên tri: Đấng Christ vua dân Giu-đa ra đời. Lời chứng của các nhà thông thái cao trọng, lời tiên tri Kinh Thánh ứng nghiệm, các dấu hiệu đều vô nghĩa vì họ không quan tâm. Đến vua Hê-rốt còn để ý chuyện vị vua Giu-đa vừa ra đời hơn bọn họ.

Ngược với các nhà thông thái, các thầy tế lễ và thầy thông giáo Do Thái là hình ảnh của nhiều người cao trọng uyên bác, được nghe nhiều lời chứng, được biết nhiều chuyện lạ kỳ về Chúa. Nhưng mọi điều đó đều vô nghĩ vì họ không quan tâm. Vì mải bận rộn với công việc mình đến nỗi không còn tâm trí cho Chúa, họ đã bỏ lỡ Chúa Giáng Sinh và sự cứu rỗi của Ngài.

3. Người dân thành Giê-ru-sa-lem và Bết-lê-hem

Các nhà thông thái từ đông phương không chỉ báo tin Chúa giáng sinh cho vua Hê-rốt, mà họ còn loan báo khắp thành Giê-ru-sa-lem. Cũng vậy, những người chăn chiên không chỉ đến thờ phượng hài nhi Giê-xu, mà họ còn thuật lại cho mọi người khắp vùng. Như vậy, mọi người dân vùng Giê-ru-sa-lem và Bết-lê-hem từ giàu đến nghèo đều được nghe tin Chúa giáng sinh.

Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối-rối.” – Ma-thi-ơ 2:3.

Đã thấy vậy, họ bèn thuật lại những lời thiên-sứ nói về con trẻ đó. Ai nấy nghe chuyện bọn chăn chiên nói, đều lấy làm lạ.” – Lu-ca 2:17-18.

Tuy vậy, phản ứng của mọi người trước tin Vua dân Giu-đa ra đời và sứ điệp của thiên sứ về con trẻ đó rất hời hợt. Họ bối rối. Họ lấy làm lạ. Nhưng họ không đến thờ lạy Chúa. Có lẽ vì họ bận rộn với công việc đời sống, hay vì họ thấy cái thầy tế lễ và các thầy thông giáo của mình không quan tâm. Và họ đã bỏ lỡ Chúa giáng sinh.

Người dân thành Giê-ru-sa-lem là hình ảnh của nhiều rất nhiều người trong nhân loại suốt hai ngàn năm qua đã nghe tin lành về Chúa Giáng Sinh. Họ nghe, họ lấy làm lạ, họ bối rối. Nhưng rồi những những lo lắng bận rộn của đời này ập tới. Họ nhìn quanh, thấy ít người quan tâm đến Chúa, các lãnh đạo lại càng không, nên họ cũng xuôi theo thế gian. Cuối cùng họ đã bỏ lỡ Chúa Giáng Sinh và đánh mất ân điển cứu chuộc  của Ngài.

Kết luận

Câu chuyện Giáng Sinh quen thuộc cho ta những tấm gương đẹp về những người đến với Chúa. Các gã chăn chiên nghèo khổ khi nghe lời thiên sứ liền vội vàng bỏ bầy cừu, bỏ cả giấc ngủ trong đêm đến xem. Các nhà thông thái  từ đông phương – các “magoi” tư vấn của Hoàng Đế Ba Tư [1] – khi thấy ngôi sao liền tạm ngưng công tác triều chính cao trọng của mình, rời bỏ cung điện đi hàng ngàn dặm từ Ba Tư đến xứ Giu-đa tìm đến vị Vua vừa sanh để thờ lạy và dâng cho Ngài những điều quí giá nhất. Với tấm lòng và đức tin của mình, họ đã được thấy Chúa Giáng Sinh và rồi sẽ nhận được sự cứu rỗi của Ngài.

Nhưng câu chuyện Giáng Sinh cũng cho ta những hình ảnh buồn của những người bỏ lỡ Chúa Giáng Sinh. Vua Hê-rốt là hình ảnh của những người đã quá tham giữ và để ngai vàng làm chủ đời sống mình, vì không muốn nhường nó cho vị Vua vừa sinh nên đã chống đối Ngài. Các thầy tế lễ và thầy thông giáo là hình ảnh những người cao trọng, uyên bác, nghe nhiều lời chứng về Chúa, thấy nhiều điều lạ về Ngài. Nhưng vì họ đã quá bận với công việc danh giá của mình nên họ không quan tâm đến Chúa. Những người dân thành Giê-ru-sa-lem và Bết-lê-hem là hình ảnh rất nhiều người đã được nghe những điều kỳ lạ đặc biệt về Chúa. Họ nghe, họ lấy làm lạ, họ bối rối. Nhưng rồi khi những lo lắng bận rộn của đời này ập tới, họ xuôi theo thế gian và không đến với Ngài. Vì mối quan tâm và suy nghĩ sai lầm của mình, họ đã bỏ lỡ Chúa Giáng Sinh và vuột mất sự cứu rỗi của Ngài.

Câu chuyện Giáng Sinh cũng nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình với Chúa. Chúng ta sẽ như các nhà thông thái, các gã chăn chiên, hay sẽ như vua Hê-rốt, các thầy tế lễ và thầy thông giáo Do Thái, người dân thành Giê-ru-sa-lem? Chúng ta sẽ mời Ngài vào ngai vàng làm chủ đời sống chúng ta, hay sẽ bám giữ quyền tự chủ đời sống mình? Chúng ta có quan tâm việc Ngài trên đất, hay chỉ quan tâm công việc của mình?  Chúng ta có dám tạm gác bỏ các nỗi lo đời này để đến bên Ngài, hay là sẽ bối rối rồi lại xuôi theo con người và các thầy thông giáo của thế gian?

Biên Tập: Richard Huynh

Nguồn: Bài giảng “Không Đón Cứu Chúa” của mục sư Trần Thanh Minh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Đọc thêm

[1] Người Giàu Mất Gì Được Gì Khi Đến Với Chúa Qua Câu Chuyện Các Nhà Thông Thái Đông Phương

[2] Em-Ma-Nu-Ên, Phúc Âm Theo Lời Tiên Tri Của Ê-Sai 800 Năm Trước Chúa Giê-Xu

Bình Luận:

You may also like