Home Chuyên Đề Thế Gian Không Phải Là Nhà – Chúng Ta Chỉ Là Dân Kiều Ngụ

Thế Gian Không Phải Là Nhà – Chúng Ta Chỉ Là Dân Kiều Ngụ

by Desiringgod.org
30 đọc

Là Cơ-đốc nhân, nhiều khi chúng ta cảm thấy mình thật lạc lõng. Thế gian này giống như xứ Ba-by-lôn nơi dân Y-sơ-ra-ên xưa từng bị lưu đày. Dân cư của nó không nhận biết Đức Chúa Trời cũng như không làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Ngài (Mi-chê 6:8). Nó đầy dẫy những tội tà dâm, thờ thần tượng, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cắp, tham lam, say sưa, chửi rủa, cướp giật… (1 Cô-rinh-tô 6:9-10). Nhiều lãnh đạo lấy phép riêng mình mà cai trị; mỗi người làm theo ý mình cho là phải (Các Quan Xét 21:25). Sống trong bối cảnh này, những người yêu mến đường lối Chúa sẽ không khỏi cảm thấy xa lạ, lạc lõng giữa thế gian, như thể nó không phải là nơi ta thuộc về.

Sự thật là, chúng ta chỉ là dân kiều ngụ. Nếu chúng ta ở trong đấng Christ, chúng ta là những “người kiều ngụ, “người khách lạ”, “những người…đang đi tìm một quê hương” (1 Phi-e-rơ 1:1, 2:11, Hê-bơ-rơ 11:14). Thế gian này không phải quê hương thật sự của ta. Nó chưa bao giờ là nhà của chúng ta. Nếu chúng ta ở trong đấng Christ, chúng ta là “công dân trên trời…” (Phi-líp 3:20). Nước Chúa mới là quê hương của ta, là nơi ta thuộc về. Đó là một nơi không có tội lỗi và sự hư nát, là nơi đầy những điều tốt đẹp của Chúa, mọi người đều vâng giữ đường lối Ngài, và là nơi ta vui hưởng cuộc sống phước hạnh đời đời với Chúa.

Cuộc đời kiều ngụ của một Cơ-đốc nhân trông như thế nào? Bản thân từ “kiều ngụ” có thể gợi lên hình ảnh tối tăm mờ mịt – của những tu sĩ sống ẩn dật và những cộng đồng bị tách biệt khỏi xã hội. Nó không khác gì một cuộc sống lưu đày mà Kinh Thánh mô tả.

Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ 28:19-20, “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.” Lý do chúng ta sống trên đất này không phải chỉ để đợi ngày về Thiên Quốc, mà là để thực hiện Đại Mạng Lệnh của Ngài.

Sau đây là 5 điều giúp Cơ-đốc nhân có thể thành công khi sống kiều ngụ trên thế gian và hoàn thành sứ mạng của mình.

1. Vai trò sứ giả — kiều ngụ của Đức Chúa Trời

Như Edmund Clowney diễn giải, Cơ-đốc nhân “là những khách trọ và là khách lạ, nhưng họ cũng là những sứ giả. Họ từ chối học theo lề thói phong tục của nơi mà họ đang ở, nhưng họ có trách nhiệm sống như những công dân tuân thủ luật pháp, tôn trọng những người lãnh đạo và các cư dân khác” (Sứ Điệp Sách 1 Phi-e-rơ, trang 42). Chúng ta không chỉ là những người sống tha hương, mà còn là sứ giả. Vì con đường đến với Si-ôn không đi vòng qua các bức tường thành của Ba-by-lôn, mà là băng ngang qua nó.

Cuộc sống sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta chỉ là những người kiều ngụ—chúng ta chỉ cần ẩn náu nơi hoang mạc trong khi thế gian này bị thiêu đốt. Nhưng cuộc đời của những sứ giả kiều ngụ không đơn giản như vậy. Như mục-sư John Piper từng giảng:

  • Chúng ta không học theo thế gian (Ê-phê-sô 5:11), nhưng chúng ta cũng phải ráng thích nghi với thế gian một cách có chiến lược (1 Thê-sa-lô-ni-ca 4:11-12)
  • Chúng ta phân rẽ và không dự phần vào các công việc ô uế của thế gian (2 Cô-rinh-tô 6:17), nhưng chúng ta phải thân thiện với những người trong thế gian hầu cho họ cũng được ảnh hưởng bởi cách ăn nết ở của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 5:9-13).
  • Chúng ta không thuộc về thế gian (Giăng 17:16), nhưng chúng ta vẫn ở trong thế gian (Giăng 17:15).
  • Chúng ta không làm theo đời này (Rô-ma 12:2), nhưng chúng ta cũng trở nên mọi sự cho mọi người để bằng mọi cách cứu được một số người (1 Cô-rinh-tô 9:19-23).

Có lẽ không sách nào trong Kinh Thánh miêu tả sứ mệnh phước tạp này của Cơ-đốc nhân một cách đầy đủ như sách 1 Phi-e-rơ. Trong đó, chúng ta học về cách mà những người tin Chúa sống, nói năng, cảm thông và hy vọng — với tư cách là một sứ giả kiều ngụ.

2. Làm việc lành — cách dư dật

Việc lành là một đặc điểm để nhận biết chúng ta là Cơ-đốc nhân. Được tái sanh để nhận biết Chúa (1 Phi-e-rơ 1:3), chúng ta cũng được tái sanh để làm các việc lành mà Chúa “đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” (1 Phi-e-rơ 1:22-23, 3:13, Ê-phê-sô 2:10). Tuy nhiên, những việc lành mà Phi-e-rơ đang nghĩ đến thật không mấy dễ dàng.

Một mặt, là người kiều ngụ, Cơ-đốc nhân dâng mình làm những việc lành mà xã hội này không nhìn nhận – những việc bị khinh miệt bởi những kẻ “bảo ác là thiện, bảo thiện là ác” (Ê-sai 5:20), những việc thiện khiến chúng ta bị gièm chê và phải chịu khổ (1 Phi-e-rơ 3:17). Chúng ta bảo vệ quyền được sống của những đứa trẻ còn chưa được sinh ra, vạch ra ranh giới rõ ràng giữa người nam và người nữ, và chỉ ra những cái sai của cả bên cánh tả và cánh hữu.

Mặt khác, là sứ giả, chúng ta làm những việc lành mà người lân cận quý trọng – những “điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột” (1 Phi-e-rơ 2:15) và những kẻ gièm chê chúng ta, khi thấy việc lành chúng ta làm, thì…ngợi khen Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 2:12). Cơ-đốc nhân không chỉ giơ tay biểu quyết chống phá thai, mà còn giúp nuôi dạy trẻ mồ côi. Chúng ta không chỉ giảng dạy theo đường lối của Kinh Thánh, mà còn hỗ trợ học phí cho những gia đình nghèo có thể đến trường.

Các việc lành của chúng ta sẽ không hoàn toàn đúng chất Cơ-đốc nhân trừ khi chúng vừa gây vấp phạm cho một số người vừa khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Một số người sẽ ghét cay ghét đắng những việc tốt mà chúng ta làm, số khác sẽ thầm khen ngợi chúng. Và theo ý muốn của Đức Chúa Trời, một số người sẽ “được cảm hóa” (1 Phi-e-rơ 3:1).

3. Nói lẽ thật — trong sự tôn trọng

Cơ-đốc nhân không chỉ làm việc lành, mà chúng ta còn nói ra những lời tốt đẹp nữa. Và lời nói của chúng ta cũng phải mang dấu ấn như những việc làm của chúng ta vậy.

Là những người kiều ngụ, sứ điệp mà các Cơ-đốc nhân chia sẻ thường gây ác cảm cho những tấm lòng chưa được cứu chuộc. Chúng ta rao giảng về một đấng Christ chịu thương khó vì tội nhân và một ngày nào đó sẽ trở lại để phán xét (1 Phi-e-rơ 1:13, 3:18). Chúng ta kêu gọi mọi người hãy từ bỏ “lối sống phù phiếm từ tổ tiên mình truyền lại” và hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 1:17-18, 5:6). Chúng ta tuyên bố có được niềm hy vọng mà sẽ không làm chúng ta hổ thẹn (Rô-ma 5:5). Những lời lẽ này sắc như gươm, và nếu được nói ra cách trung tín, chúng cắt lòng. Là khách kiều ngụ, chúng ta phải giữ cho lưỡi gươm này luôn sắc bén.

Tuy nhiên với tư cách là những sứ giả, Cơ-đốc nhân cũng phải làm mọi cách để tránh gây cho người khác những vấp phạm không đáng có. Lời của người khôn ngoan cho chúng ta biết “Lời nói đúng lúc khác nào quả táo bằng vàng có cẩn bạc” (Châm-ngôn 25:11). Vậy nên chúng ta nỗ lực để bọc quả táo bằng vàng là Phúc Âm bên trong bạc của “sự nhu mì và trân trọng” (1 Phi-e-rơ 3:15), với lòng tôn trọng tất cả mọi người (1 Phi-e-rơ 2:17), và trong những trường hợp không cần phải dùng đến lời nói, thì hãy im lặng và thuận phục (1 Phi-e-rơ 3:1-2).

Cơ-đốc nhân tồn tại để “rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi [chúng ta]ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (1 Phi-e-rơ 2:9). Và khi chúng ta rao truyền công đức vĩ đại của Ngài, chúng ta hãy cố gắng làm điều đó một cách tốt nhất, hãy nói ra những lẽ thật [dù cho đó có là những lời khó nghe nhất] bằng tiếng nói từ thiên đàng.

4. Nuôi dưỡng các mối quan hệ — cách rộng rãi

Hình mẫu của sự  phục vụ và lời ăn tiếng nói của chúng ta được tìm thấy trong 1 Phi-e-rơ có liên quan đến bối cảnh về những mối quan hệ cụ thể: Cơ-đốc nhân, dù gắn kết sâu sắc với cộng đồng của những người tin Chúa, vẫn sẽ bị cuốn vào một mạng lưới của các mối quan hệ bên ngoài Hội-thánh.

Là người kiều ngụ, những mối quan hệ trên đất của chúng ta về cơ bản khác với trước đây. Chúng ta có mối quan hệ gia đình gần gũi với những người trong Chúa hơn là với các đồng minh chính trị, những người cùng chủng tộc, và thậm chí là cả những họ hàng ruột thịt của chúng ta nữa. Điều này cũng là dễ hiểu, chúng ta gần gũi với những người kiều ngụ khác trên hành trình trở về quê hương của mình, mong muốn cùng nhau phản ánh đường lối của Thiên Quốc nơi mà chúng ta là công dân (1 Phi-e-rơ 1:22-23, 3:8, 4:8-11). Chúng ta thà chung vai sát cánh với những người kiều ngụ nghèo khó của đấng Christ còn hơn là ngồi trên ngai cao nhất của thế gian.

Nhưng mặc dù Cơ-đốc nhân không bị ảnh hưởng bởi bản chất của thế gian, chúng ta vẫn phải “vì Chúa, [mà]hãy thuận phục mọi thẩm quyền của loài người” (1 Phi-e-rơ 2:13). Là sứ giả, chúng ta đem muối của đất vào trong những gia đình, nơi làm việc, những khu dân cư, và thậm chí cả bộ máy chính quyền (1 Phi-e-rơ 2:13-3:17). Thường thì các Cơ-đốc nhân kiều ngụ hay sống xa cách với những người hàng xóm chưa tin Chúa của mình đến nỗi chúng ta giống như thắp đèn mà lại đặt ngọn đèn của Nước Trời dưới cái thùng vậy (Ma-thi-ơ 5:15). Tuy nhiên, Chúa kêu gọi chúng ta để sống gần gũi với những người lân cận của mình: đủ gần để bị lăng mạ, vu khống, và nói xấu (1 Phi-e-rơ 4:4), nhưng cũng đủ gần để cho họ thấy niềm hy vọng của chúng ta (1 Phi-e-rơ 3:15).

5. Vui hưởng Thiên Đàng – ngay bây giờ

Cuối cùng, sự kêu gọi phức tạp của con dân Chúa không thể được hoàn thành chỉ bằng một chương trình giao lưu văn hóa. Đời sống làm việc lành, nói lời lành, và nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp mà Phi-e-rơ nói đến là một lối sống siêu nhiên, được sinh ra từ một niềm hy vọng siêu nhiên.

Trong một khía cạnh nào đó, niềm hy vọng này sẽ chờ đợi chúng ta trong tương lai. “Cơ nghiệp không hư hoại, không hoen ố, không suy tàn” hiện chưa thuộc quyền sở hữu của chúng ta, nhưng được “để dành trong các tầng trời” (1 Phi-e-rơ 1:4). Cơ-đốc nhân đang chờ đợi ngày mà kiếp sống kiều ngụ của mình kết thúc, khi vinh quang đời đời ló dạng, khi nỗi buồn và tiếng than khóc qua đi, khi Đức Chúa Trời làm cho mọi sự trở nên mới (1 Phi-e-rơ 5:10, Ê-sai 43:18). Giờ thì chúng ta hãy “đặt hi vọng hoàn toàn vào ân điển sẽ ban cho [chúng ta] khi Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra” (1 Phi-e-rơ 1:13).

Dẫu vậy, theo một góc độ khác, chúng ta luôn mang theo bên mình một phần nào đó của thiên đàng ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Phi-e-rơ nói “Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài, dù chưa gặp Ngài anh em vẫn tin Ngài, và hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả” (1 Phi-e-rơ 1:8) – hay nói theo cách khác thì đó là niềm vui không thể diễn tả được bằng lời và “đầy vinh hiển”. Niềm vui này của chúng ta, dẫu chỉ là một phần nhỏ so với ngày đó, thì cũng đã lấp lánh những tia sáng rực rỡ của vinh quang hầu đến. “Thánh Linh vinh quang của Đức Chúa Trời” đã ngự trên chúng ta – đặc biệt là khi chúng ta chịu khổ vì cớ danh Ngài (1 Phi-e-rơ 4:14). Thiên đàng không chỉ ở tương lai; một phần của nó đang hiện diện trong niềm vui đầy vinh hiển của các sứ giả Đấng Christ.

Đây là điều mà thế gian này cần từ những người của đấng Christ: không chỉ là những việc lành, không chỉ là lẽ thật của Phúc Âm, không chỉ là những mối quan hệ ngay thẳng, mà còn cả niềm vui. Vui khi bị phỉ báng. Vui khi phải chịu khổ. Vui khi không có nhiều người đứng về phía mình. Niềm vui mà kẻ thù của chúng ta không tài nào hiểu nổi. Niềm vui đó kêu gọi họ cùng đồng hành với chúng ta để hướng tới vinh quang hầu đến.

Lời kết

Chúng ta phải ý thức được vai trò của mình trong Nước Chúa. Quên mất điều này, một số Cơ-đốc nhân sống như những tu sĩ ẩn dật, xa cách thế gian, không quan hệ với con người thế gian, không thực thi vai trò sứ giả của mình. Ngược lại, một số người khác lại hòa nhập đến nỗi hòa tan, mất đi bản chất của con người Thiên Quốc, mất đi vị mặn của muối và ánh sáng của mình. Như những sứ giả đang kiều ngụ trên đất này, chúng ta sống theo đường lối của Chúa mình, không tham dự vào các công việc ô uế của thế gian. Nhưng chúng ta cũng chăm chỉ làm lụng, tuân thủ luật pháp, tôn trọng nhà nước và những người xung quanh mình, cũng như không phán xét họ… Từ đó, chúng ta mới có cơ hội thực hiện sứ mệnh mà Chúa đã giao phó.

Nguyện xin Chúa giúp đỡ tất cả chúng ta!

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: Desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like