Home Chuyên Đề Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 3: Đến với chân Chúa Giê-xu Christ và Con Đường của Đấng Christ

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 3: Đến với chân Chúa Giê-xu Christ và Con Đường của Đấng Christ

by Richard Huỳnh
30 đọc
III. Đến với chân Chúa Giê-xu Christ

Con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca quả đã dạy tôi biết học hỏi tu tập chánh đạo mà tránh khỏi nhiều khổ đau ở đời. Nhưng sức người có hạn. Dẫu có học biết và tu tập đến đâu, ta vẫn bất lực trước nhiều điều trong cuộc sống. Khi đang du học ở Singapore, bệnh mũi cùng áp lực học tập và nghiên cứu căng thẳng đã làm tôi bị suy nhược cơ thể, phải về Việt Nam mổ mũi, rồi nghỉ một học kỳ để phục hồi sức khỏe. Sức khỏe yếu luôn là nỗi ám ảnh của tôi, việc rèn luyện sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu, thế mà cũng vẫn bị vậy. Qua đó, tôi muốn tìm một con đường nào đó có thể giữ được bình an trước những sóng gió cuộc đời dù sức người là có hạn.

Khi đọc quyển “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” của Dale Carnegie, tôi thấy tác giả kể về cha mẹ mình đã chiến thắng lo lắng như thế nào [Q]. Là nhà nông nghèo ở Mỹ, ba mẹ ông luôn phải làm việc cực khổ. Những lúc được mùa thì mất giá, còn được giá thì lại mất mùa nên cả đời họ vất vả mà không tích lũy được gì. Cha ông có lần còn mắc nợ đến nỗi suýt mất cả trang trại, chán nản tuyệt vọng muốn tự tử. Dù vậy, cha mẹ ông vẫn luôn tin tưởng rằng nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn của Ngài thì mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Nhờ đó, dù nghèo khó, họ vẫn sống đời bình an và lương thiện, luôn giúp đỡ một trại trẻ mồ côi. Cuối cùng cha ông sống đến 90 tuổi mới an nghỉ. Tính ra đời sống theo Chúa của cha mẹ ông vẫn tốt hơn nhiều so với đời sống của những người giàu có nhưng luôn căng thẳng, sống theo ý mình nhưng luôn phải tự lo cho cuộc đời mình.

Tôi thấy con đường sống yêu mến Đức Chúa Trời, vâng giữ lời Ngài, và nương nhờ sự dẫn dắt giúp đỡ của Ngài qua các khó khăn như cha mẹ Dale Carnegie là con đường mình tìm kiếm. Sức người có hạn, nhưng Đức Chúa Trời đầy quyền năng. Nếu Đức Chúa Trời có thể giúp những nhà nông nghèo khó, đơn sơ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống thì Ngài cũng sẽ giúp tôi vượt qua được những giông bão vượt quá sức người.

Thực ra từ khi mới sang Singapore, tôi đã có dịp tiếp xúc và sinh hoạt các bạn sinh viên tin Chúa. Khi các bạn ấy hỏi tôi muốn biết về Chúa hay không, với ý thức học đạo của mình, tôi trả lời “Tôi thấy người Do Thái, người Hy Lạp, La Mã, người Phường Tây tin theo Chúa và xã hội họ rất văn minh, phát triển. Vậy nên tôi cũng muốn biết Chúa dạy gì” [O]. Dẫu vậy, khi đó tôi chỉ theo học cho biết. Đến lúc này, tôi mới nghiêm túc tìm hiểu về Chúa để xem mình thực sự có thể tin tưởng mà nương tựa vào Chúa như cha mẹ Dale Carnegie được không.

Từ đó tôi bắt đầu đặt những câu hỏi về Chúa, và google câu trả lời. Rồi tôi lang thang vào trang web của bác sĩ Ted Montgomery, một bác sĩ mắt về hưu dành thời gian rảnh viết ra toàn bộ niềm tin và hiểu biết của mình về Kinh Thánh, từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền [R]. Những chia sẻ và diễn giải của một bác sĩ Mỹ đã giúp tôi hiểu một cách hệ thống và logic về Kinh Thánh và Đức Chúa Trời. Ông là hình mẫu đẹp của một người trí thức Cơ Đốc: thông hiểu Lời Chúa, luôn suy ngẫm để áp dụng vào thực tế đời sống, khiêm tốn, thích chia sẻ, sẵn sàng thừa nhận mình có thể sai và luôn tìm kiếm lẽ thật. Sau khi đọc những gì bác sĩ Montgomery chia sẻ, tôi thấy mình đã đủ hiểu về Đức Chúa Trời để tin theo Ngài.

Rồi tôi ngủ mơ thấy mình sống trong kỳ Khải Huyền, Cơ Đốc nhân bị bắt bớ, ai không có Dấu Của Con Thú sẽ không thể mua bán gì được như lời tiên tri ở Khải Huyền 13:16-17. Vì không chịu quỳ phục và nhận dấu Con Thú, tôi không thể làm việc hay mua đồ ăn và cuối cùng chết vì đói. Rồi Chúa hiện ra hỏi tôi “Nếu con theo ta, chuyện này có thể xảy ra. Vậy con có chịu không?” Tôi thấy rằng nếu mình quỳ phục Con Thú để sống, thì cũng chỉ có thể sống thêm vài năm một cách hèn nhát và rồi phải xuống hỏa ngục đời đời. Vậy nên tôi phục xuống nói: “Vậy vẫn tốt hơn. Chết lên thiên đường còn hơn là sống nhục thêm vài năm rồi chết xuống địa ngục đời đời.” Chúa nói: “Tốt lắm”. Xong tôi tỉnh dậy và biết mình đã là người Cơ Đốc. Lúc đó tôi mới đến hội thánh để sinh hoạt.

Cũng thú vị khi tôi đến với Chúa để tìm kiếm sự bình an trước những khó khăn vượt quá sức con người trong cuộc sống, rồi quyết định theo Chúa dù có bị bắt bớ đến chết. Tính ra thì cái chết không đáng sợ, nó là điều tất nhiên sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn. Sống trong u mê xác thịt, sống lo lắng bất an, sống hèn nhát quỳ phục còn đáng sợ hơn cái chết. Sống thông sáng, chính đạo, bình an, tự do mới là cuộc sống đáng sống. Có lẽ đây là cuộc sống sung mãn mà Chúa Giê-xu nói trong Giăng 10:10 “Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn”.

IV. Trên con đường của đấng Christ

Tôi không cảm thấy có lỗi với Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca khi đến với Chúa Giê-xu Christ. Nó cũng như không ai cảm thấy có lỗi với thầy giáo mình khi đến làm cho một chủ công ty hay phục vụ một vị vua. Khác với hình tượng Phật Tổ với thần quyền tạo hóa và cứu rỗi con người lên thiên đàng sau ngàn năm truyền kỳ, đấng Thích Ca Mâu Ni là nhà thông thái dạy con người đường lối sống khôn ngoan để tránh đau khổ và đạt trạng thái an vui “Niết Bàn” (tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ tấm lòng không còn bị tham muốn thiêu đốt). Ai thấy hay thì làm theo, còn ông không đòi hỏi phụng sự, và cũng không hứa ban phước hay chu cấp bảo vệ gì hết. Khi xứ Thích Ca bị vua xứ láng giềng dẫn quân đến xâm lược, phá hủy kinh thành Ca-tỳ-la-vệ và tàn sát dân chúng, ông cũng không cản được [P]. Họ xúc phạm vị vua đó khi ông còn nhỏ, nên giờ họ phải chịu quả báo.  Đó là luật nhân quả, đấng Thích Ca Mâu Ni không thể cứu họ khỏi hậu quả của hành động u mê sai lạc của mình.

Còn mối quan hệ giữa Chúa Giê-xu Christ với người theo mình là mối quan hệ là giữa người chăn và chiên (Thi Thiên 95:7), chủ và tôi (Ma-thi-ơ 6:24), cha và con nuôi (Ê-phê-sô 3:20). Sẽ là rất sai nếu làm chiên của hai người chăn, làm tôi của hai chủ, làm con nuôi của hai cha. Mối quan hệ này ràng buộc hơn và yêu cầu cao hơn. Chúa yêu cầu phải “kính sợ Ngài, tuân giữ các điều răn Ngài, vâng theo tiếng phán Ngài, phục vụ Ngài và gắn bó với Ngài”(Phục Truyền 13:4), “phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như chính mình.” (Lu-ca 10:27) v.v…  Nhưng Chúa cũng có trách nhiệm của người chăn với chiên, người chủ với gia nhân, người cha với con nuôi. Chúa hứa sẽ luôn ở cùng (Ma-thi-ơ 28:20), nghe lời cầu nguyện (Giăng 14:13), cho Đức Thánh Linh dạy dỗ dẫn dắt (Giăng 14:26) v.v… Khi thân thể của đời tạm này hư nát và linh hồn về với Chúa, Ngài hứa sẽ ban cho thân thể mới vinh hiển như của thiên sứ để sống đời đời với Ngài nơi trời mới đất mới tươi đẹp hoàn hảo mà Chúa sẽ tạo dựng (Khải Huyền 21:1-4).

Mối quan hệ này chính là nguồn bình an vượt trên những giông bão trong cuộc sống và những giới hạn của sức người mà tôi tìm kiếm. Ta sống yêu mến Đức Chúa Trời, học hỏi vâng giữ lời Ngài và phụng sự công việc Ngài. Chúa sẽ dạy dỗ, dẫn dắt giúp đỡ ta trong đời sống này, và cho ta chung hưởng cuộc sống phước hạnh đời đời trong nước Ngài. Vì Chúa là người chăn, người cha, người chủ “giàu lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ”(Thi Thiên 103:8), nên Ngài không đối đãi ta theo luật nhân quả, mà tha thứ khi ta nhận tội và nâng đỡ khi ta vấp ngã. Sống với Chúa, tôi nhiều lần kinh nghiệm được Ngài đáp lời cầu nguyện và dẫn dắt sắp xếp cuộc sống cách vô hình. Mỗi lần vậy, đức tin tôi lại phát triển và lòng tôi lại thêm vững an trong Ngài.

Với con đường học hỏi tu tập của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca thì Kinh Thánh quả là một kho vàng những điều khôn ngoan cần học. Lời khôn ngoan thiên thượng quan trọng hơn các dấu kỳ phép lạ. Dấu kỳ phép lạ tất nhiên là các chuyện hiếm hoi ít thấy trong đời thường, còn lời khôn ngoan sẽ dẫn dắt ta sống tốt mỗi ngày. Kinh Thánh cho ta các câu chuyện và tấm gương của những người khôn ngoan biết sống với Chúa trong đức tin như Áp-ra-ham, Đa-vít và Đa-ni-ên. Kinh Thánh dạy ta luật Trời qua 10 điều răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17), lối sống đẹp lòng Chúa, cũng như bổn phận giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, chủ tớ (Ê-phê-sô 5). Điều thú vị là Kinh Thánh có 2 sách dạy khôn ngoan là Châm Ngôn và Truyền Đạo được viết bởi Sô-lô-môn, cũng là một vương tử thông thái, giàu có, từng trải nghiệm đến chán ngán mọi vinh hoa phú quý, tiệc tùng cung nữ như Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca. Hai người có cùng điều kiện, cùng trải nghiệm sống và cùng ngộ ra một con đường. Tôi thấy những lời dạy trong Châm Ngôn và tâm sự trong Truyền Đạo của Sô-lô-môn dạy những điều rất giống với các nguyên lý của Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, nhưng cụ thể rõ ràng trong thực tế cuộc sống. Chúng cũng chỉ ra các giới hạn của con đường học hỏi tu tập rèn luyện của Thích Ca Mâu Ni:  sức người rất có hạn, sự khôn ngoan con người rất giới hạn (Truyền Đạo 8:17), sách vở nhiều vô cùng, học nhiều làm mệt người (Truyền Đạo 12:12). Vậy nên việc học hỏi tu tập khôn ngoan là điều tốt, nhưng nó có giới hạn. Quan trọng hơn là con người phải nhớ đến Đấng Sáng Tạo, biết kính sợ và vâng giữ các điều răn của Ngài. Làm vậy là đủ phận sự của con người, và là chuẩn mà linh hồn con người sẽ bị phán xét khi về với Chúa (Truyền Đạo 12).

Con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca cũng là điểm mạnh của tôi khi đến với đấng Christ. Đường lối đó cho tôi ý thức học biết những gì Chúa cần ta học biết, từ bỏ những gì Chúa cần ta từ bỏ, và tu tập những gì Chúa cần ta tu tập. Nó cũng giúp tôi biết tránh những tham muốn phù du của thế gian này như giàu có danh vọng, nhà cao cửa rộng, tiệc tùng mỹ nữ v.v… mà rèn luyện tâm trí linh hồn. Nó nhắc nhở tôi phải biết trừ diệt cái tôi của mình và học theo cái Chúa. Nó cho tôi ý thức sống đạo theo lời Chúa dạy chứ không theo lễ nghi giáo lý của loài người. Và nó khiến tôi ý thức về sự ngắn ngủi, sinh lão bệnh tử của kiếp này. Điều này nhắc nhở tôi biết bỏ bớt các thú vui vô nghĩa ở đời này mà phục vụ đấng Christ và tích lũy kho báu của mình trên Thiên Đàng để sau này vui hưởng đời đời trong nước Ngài. Đó mới là sự sống phước hạnh vĩnh viễn mà Chúa dành cho ai yêu mến Ngài.

Nhưng đường lối của Thích Ca Mâu Ni cũng khiến tôi có một số khiếm khuyết trong đời sống với đấng Christ. Nó khiến tôi tập trung lo việc tu tập cá nhân nhiều hơn lo việc tập thể hội thánh. Nó cũng khiến tôi ít lòng thương xót con người khi họ sống sai lạc, u mê và phải nhận quả báo. Vì đòi hỏi ý thức học hỏi tu tập, tôi thiếu tinh thần hạ mình để thuyết phục những người không nghe mà cứu chuộc linh hồn như Phao-lô, “tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối… tôi trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (I Cô-rinh-tô 9:20-22). Vậy nên dù con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca giúp tôi học hỏi tu tập trở thành một Cơ Đốc nhân tốt, nó lại khiến tôi kém hiệu quả trong việc làm chứng chia sẻ Tin Lành. Xin Chúa giúp tôi sửa đổi để trở nên hoàn thiện hơn và hữu ích hơn cho Đại Mạng Lệnh của Ngài.

(Còn tiếp)

Richard Huỳnh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 1: Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 2: Những điều tôi học từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ – Phần 4 và hết: Bài học cho chính tôi

Bình Luận:

You may also like