JERUSALEM, Israel – Một nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một dòng chữ gần Biển Ga-li-lê có liên quan đến Sứ-đồ Phi-e-rơ và vai trò của ông với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo của Giáo-hội sơ khai.
Nhóm nghiên cứu, do Giáo-sư Mordechai Aviam và Giáo-sư Steven Notley dẫn đầu, đã khai quật được dòng chữ Hy Lạp trong cuộc khai quật tại Nhà-thờ các Tông-đồ ở nơi được cho là Bết-sai-đa cổ đại. Như CBN News đã đưa tin trước đây, các chuyên gia tin rằng thánh đường từ thời Byzantine này được xây dựng trên nền nhà của các môn đồ Chúa Giê-xu là Phi-e-rơ và Anh-rê.
Dòng chữ có nội dung “Constantine, tôi tớ của Đấng Christ,” và tiếp tục với một lời thỉnh cầu nhờ Phi-e-rơ cầu thay, “người đứng đầu và chỉ huy của các sứ đồ trên trời”. Các dòng chữ được đóng khung bởi một kim bài hình tròn và tạo thành một phần của bức tranh khảm lớn hơn trên sàn nhà thờ.

Theo các nhà khai quật, danh hiệu “người đứng đầu và chỉ huy của các sứ đồ trên trời” thường được các Cơ-đốc nhân thời Byzantine sử dụng để chỉ Phi-e-rơ.
“Khám phá này là dấu hiệu mạnh mẽ nhất để chúng tôi nói rằng Phi-e-rơ có mối liên hệ đặc biệt với thánh đường này, và có khả năng nơi này được dành riêng cho ông. Vì theo truyền thống Cơ-đốc giáo thời Byzantine thường xác định nhà của Phi-e-rơ là ở Bết-sai-đa, chứ không phải ở Ca-bê-na-um như người ta thường nghĩ ngày nay, nên có vẻ như thánh đường này dùng để tưởng niệm nơi đã từng là nhà của ông,” Notley, giám đốc quản lý việc đào bới, cho biết trong một tuyên bố.
Nhà khảo cổ học của Đại-học Kineret, Tiến-sĩ Mordechai Aviam đã dẫn đầu cuộc khai quật trên bờ bắc của Biển Ga-li-lê trong nhiều năm. Nhóm của ông đã phát hiện ra Nhà-thờ các Tông-đồ vào năm 2019, hai năm sau khi họ phát hiện ra điều mà họ tin là sẽ giúp họ xác định được Bết-sai-đa trong Kinh Thánh.
“Một trong những mục tiêu của cuộc đào bới này là để kiểm tra xem chúng tôi có tìm thấy ở địa điểm này những hiện vật gì từ thế kỷ thứ nhất hay không, điều này sẽ cho phép chúng tôi đề xuất một ứng cử viên tốt hơn cho việc xác định Bết-sai-đa trong Kinh Thánh. Chúng tôi không chỉ tìm thấy những di tích quan trọng từ thời kỳ này mà còn tìm thấy nhà thờ quan trọng này và tu viện xung quanh nó,” Aviam, giám đốc khảo cổ của cuộc khai quật, cho biết
Theo Kinh Thánh, Bết-sai-đa là quê hương của Anh-rê, Phi-e-rơ và Phi-líp. Các sách Phúc Âm nói rằng Chúa Giê-xu đã cho năm nghìn người ăn và chữa lành một người mù ở gần Bết-sai-đa.
Bết-sai-đa sau đó trở thành một thành phố thuộc La Mã có tên là “Julias.”
“Bây giờ thành phố Julias là gì? Chúng ta đang nói về Bết-sai-đa!” Aviam nói với CBN News trong cuộc khai quật vào năm 2017. “Josephus Flavius, nhà sử học người Do Thái sống vào thế kỷ thứ nhất, cho chúng ta biết rằng Vua Phi-líp, con trai của Hê-rốt Đại-đế, người trị vì từ đó đến Golan, hướng về Damascus – cai trị khu vực này – đã quyết định nâng cấp làng Bết-sai-đa và khiến nó trở thành [thành phố] polis, theo tên của Julias, con gái của Hoàng-đế Augustus.“
Các học giả tin rằng nơi đó gần làng chài Bết-sai-đa, nơi Chúa Giê-xu cho đoàn dân đông ăn với năm cái bánh và hai con cá. Aviam nói rằng những di tích của người La Mã ở đây, bao gồm cả tiền xu và một bồn tắm La Mã, là bằng chứng nữa cho thấy nhóm của ông có thể đã tìm thấy Bết-sai-đa cổ đại.
Các nhà khảo cổ học sẽ tiếp tục khai quật vào tháng 10, hy vọng sẽ khai quật được nhiều khám phá hơn trong Kinh Thánh.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com