Home Văn Phẩm BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 10: Thời Điểm Chúa Tái Lâm

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 10: Thời Điểm Chúa Tái Lâm

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín Hữu:

Lúc đầu mục sư có nói về các quan điểm giải kinh, như là Trước Đại Nạn, Giữa Đại Nạn, Sau Đại Nạn. Xin mục sư giải thích con nghe.

Mục sư:

Các nhóm giải kinh tìm kiếm thời điểm Hội Thánh được “cất đi”ở điểm nào. (Được “nhấc lên”, “thăng thiên”, “rapture” cũng là một số thuật ngữ khác nói về sự kiện Hội Thánh rời thế gian và gặp Chúa tái lâm trên không trung). Con có biết Khải Huyền không có câu nào trực tiếp nói về Hội Thánh được cất đi không. Mình chỉ có thể suy ra từ một số dấu hiệu như sau:

  • Ở một số thời điểm, chúng ta thấy tín đồ thờ phượng Chúa trên thiên đàng trong khi ở trần gian đang xảy ra hoạn nạn.
  • Tín đồ sẽ quay trở lại đề cùng Đấng Christ cai trị trần gian trong 1000 năm Thiên Hỷ Niên. Nếu không thăng thiên thì làm sao quay trở lại?
  • Sự thăng thiên của Hội Thánh liên hệ với Chúa tái lâm theo thứ tự mà Phao lô mô tả: Tiếng kèn cuối cùng > Chúa tái lâm > tín đồ đã chết sống lại > tín đồ còn sống sẽ được nhấc lên và gặp Chúa trên không trung, chiếu theo ba câu Kinh thánh sau đây:

1 Cô-rinh-tô 15:52 “trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hóa.”

1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17Vì khi có hiệu lệnh ban ra, với tiếng gọi của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời thì chính Chúa từ trên trời sẽ giáng lâm. Bấy giờ, những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên. Kế đến, chúng ta là người đang sống mà còn ở lại sẽ cùng được cất lên với những người ấy trong đám mây để gặp Chúa tại không trung, và chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi.”

Khải Huyền 10:7 “Nhưng đến những ngày thiên sứ thứ bảy thổi kèn thì sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất, như Ngài đã công bố cho các đầy tớ Ngài là các nhà tiên tri.”

Tín hữu:

Hội Thánh thăng thiên liên hệ tới thời điểm Chúa tái lâm. Vậy Chúa tái lâm vào thời điểm nào? Trước, sau, hay ở giữa cơn Đạn Nạn?

Mục sư:

Khi các tai họa xảy ra trong chương 16, Chúa đã Tái Lâm. Con biết vì sao mục sư có thể khẳng định chắc chắn điều này không? Xin con đọc câu 16:5 sau chén thứ ba: “… Đấng Hiện Có, Đã Có” (tương tự câu 11:17 về kèn thứ bảy)[1]. Con hãy để ý ở đây không nhắc đến cụm chữ “và đang đến” như trong các chương đầu (1:4,8, 4:8) (Đấng Hiện Có, Đã Có và Đang Đến). Lý do là ở thời điểm này Chúa đến rồi, mọi sự từ trở đi ở trong thì hiện tại và chung kết.

Theo giả thiết này, cụm từ “và Đang Đến” không còn cần được nhắc tới bởi Chúa đã Tái Lâm. Câu hỏi mới được nảy sinh, Chúa tái lâm một lần hay hai lần? Sau tiếng kèn thứ bảy (11:17) và sau chén thịnh nộ thứ ba (16:5),  hai lần tái lâm, hay chỉ một lần, nhưng được miêu tả với các góc độ khác nhau? [2]

Chúa tái lâm là chủ đề chính của Khải Huyền. Ngay đầu sách đã có câu “Kìa, Ngài đến với các đám mây. Mọi mắt sẽ nhìn thấy Ngài. Ngay cả những kẻ đã đâm Ngài cũng sẽ thấy; Tất cả các chi tộc trên đất sẽ than khóc vì cớ Ngài. Thật đúng vậy. A-men.” Khải Huyền 1:7, và cuối sách: “Nầy, Ta đến mau chóng, đem phần thưởng theo với Ta, để thưởng cho mỗi người tùy việc họ làm” (Khải Huyền 22:12).

Thời điểm Chúa tái lâm là tiếng kèn thứ bảy được thổi. Bây giờ chúng ta phải xác định tiếng kèn ấy được thổi trước Đại Nạn, Giữa Đại Nạn, hay Sau Đại Nạn.

  • Trước tiếng kèn thứ bảy có mưa đá, lửa, 1/3 đất và cây cối cháy; biển, sông và 1/3 cá chết; 1/3 tinh tú trở nên tối tăm, sau đó đến nạn châu chấu khiến người đau đớn 5 tháng… Rồi 200 triệu kỵ binh sát hại 1/3 loài người… Nếu đây là đại nạn thì Chúa tái lâm sau Đại Nạn.
  • Nếu sau 7 kèn còn có 7 chén thịnh nộ nữa thì Chúa tái lâm giữa cơn Đại Nạn. Trong chu kỳ 7 chén, sau chén thứ ba có tuyên bố: “Đấng Đã Có và Hiện Có”. Tức là Chúa đã tái lâm – giữa cơn Đại Nạn.

Nhưng quan điểm này dựa trên sự giải thích của Đa-ni-ên 9 về 7 năm, trong đó 3 năm rưỡi mang tính chất hòa bình, và 3 năm rưỡi mang tính chất hoạn nạn[3]. Điều này khác với Khải Huyền, bởi trong Khải Huyền, cả giai đoạn kèn và cả giai đoạn chén đều chứa đựng những tai họa ở mức Đại Nạn khủng khiếp.

  • Sự tái lâm trước Đại Nạn được dựa vào câu 3:10, 11 “Bởi vì ngươi đã vâng giữ lời Ta mà kiên trì chịu đựng, Ta cũng sẽ gìn giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trên toàn thế giới, để thử thách dân cư trên đất. Ta sẽ đến mau chóng; hãy giữ vững những gì ngươi có, để không ai lấy đi mão chiến thắng của ngươi”. Ngoài ra có những dẫn chứng về sự hiện diện của tín đồ trên thiên đàng trong khi hoạn nạn đang xảy ra trên đất.

Mục sư chỉ đưa các giả thiết của các quan điểm giải kinh để con tự xem xét và quyết định. Cách nhìn nhận quân bình mà mọi nhóm có thể đồng ý là:

(1) Hội Thánh bị bắt bớ trong mọi thời điểm của lịch sử, nhiều lúc đến mức tử đạo. Tín đồ phải ý thức được điều ấy và sẵng sàng đáp ứng trong sự trung tín tới cùng (2 Ti-mô-thê 3:12; Giăng 15:20).

(2) Hoạn nạn ở mức độ của 7 kèn, 7 chén là sự cảnh báo và bày tỏ cơn thịnh nộ của Chúa đối với thế gian vô tín, chứ không đối với con dân của Chúa. Dù tín đồ có còn ở trần gian thì đã có dấu bảo vệ của Chúa (như trên trán 144 ngàn người rồi). Chúa bênh vực Hội Thánh bằng cách trừng phạt thế gian.

(3) Hội Thánh phải cảnh tỉnh vì “Con Người” sẽ đến như kẻ trộm, ở lúc người ta không ngờ tới” (Khải Huyền 3:3; 16:15 2 Phi-e-rơ 3:10, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 4; …)

Câu Khải Huyền 16:15 dường như không phải là câu nói của Chúa Giê-xu trong thời điểm Khải Huyền, nhưng là câu Chúa Giê-xu phán cho các môn đồ 60 năm trước đó Giăng nay nhớ lại, và thêm vô chương này (như phần chen giữa câu 14 và 16) để nhắc nhở tất cả mọi độc giả cần phải trung tín, bền đỗ và thức tỉnh chờ Chúa Tái Lâm.


[1] Tuyên bố “Đấng Đã Có và Đang Có” được tuyên bố hai lần bởi hai nhóm khác nhau, lần đầu bởi 24 trưởng lão tức tín đồ được cứu (11:17), lần sau bởi thiên sứ của nưóc (16:5). Lần đầu nói về thời điểm Chúa tái lâm trong tiếng kèn thứ bảy, lần sau nói về việc xảy ra một thời gian sau tiếng kèn thứ bảy, khi Chúa đã tái lâm.

[2] Ngoài ra còn có các quan điểm Hội Thánh thăng thiên nhiều lần, nhiều nhóm, ví dụ đầu tiên là Hội Thánh Tân Ước như chúng ta, sau đó là nhóm 144 ngàn tín đồ Do-thái, cuối cùng nhóm tín đồ trong thời kỳ Đạn Nạn… Tác giả không muốn đi quá sâu ở đây khiến độc giả mất phương hướng và quan tâm vào chủ đề chính.

[3] Kẻ Chống Chúa sẽ lập giao ước hòa bình 7 năm, nửa chừng sẽ bẻ gãy giao ước, hủy bỏ của lễ, tàn phá Đất Hứa và khủng bố Dân Tuyển. Xin xem giải thích về tuần thứ bảy trong Đa-niên 9, ở trong phụ lục.

(Còn tiếp)

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like