Home Văn Phẩm Đào Tạo Môn Đồ – Chương 5: Môn đồ hoá và Cầu nguyện

Đào Tạo Môn Đồ – Chương 5: Môn đồ hoá và Cầu nguyện

by daotaomondo.com
30 đọc

Đào Tạo Môn Đồ
Tác giả: Greg Laurie

Chương Năm
Đào Tạo Môn Đồ và Cầu Nguyện

Có một ngày, Đức Chúa Jêsus cầu nguyện ở nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn đồ mình. (Lu-ca 11:1)

Cầu nguyện nên là đặc tính thứ hai của Cơ đốc nhân, giống như hít thở vậy. Tiếc thay, cuộc đời của nhiều tín hữu lại rất hay thiếu đi lời cầu nguyện.

Môn đồ phải là người cầu nguyện. Cầu nguyện là một trong những điều cần có của môn đồ hoá. Cầu nguyện là chìa khoá để có khao khát và năng lực làm chứng về Chúa Giê-su.

Khi Gióp đối diện với rất nhiều thử thách, ông kêu lên, “Chẳng có người nào phân xử giữa chúng ta, đặt tay mình trên hai chúng ta” (Gióp 9:33). Gióp không thể tìm thấy ai để tranh luận với ông, không ai đứng ở khoảng trống trước Đức Chúa Trời cho ông. Ông cảm thấy như thể ông không thể đến được chỗ Chúa.

Có lẽ có những lúc bạn cũng cảm thấy như vậy. Dường như Chúa không lắng nghe. Nhưng nếu bạn tiếp nhận Chúa Giê-su là Chúa, là Chủ, thì bạn không có nan đề này, vì Chúa Giê-su đã mở con đường cho chúng ta dạn dĩ đứng ở ngai ân điển tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần (xem Hê-bơ-rơ 4:16). Kinh Thánh bảo chúng ta rằng Chúa Giê-su sống để cầu thay cho chúng ta (xem Hê-bơ-rơ 7:25). Ngày nay, chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su, Đấng Trung bảo: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người” (1 Ti-mô-thê 2:5).

Giá trị của lời cầu nguyện là giúp chúng ta giữ liên lạc với Chúa. Chúa muốn bạn biết Ngài qua lời cầu nguyện. Ngài muốn bày tỏ chính mình cho bạn qua lời cầu nguyện. Bạn có thể mong đợi Chúa cho chúng ta tất cả những gì mình cần cho mọi tình huống trong một lần xin. Đó không phải là cách Chúa làm. Thực ra thì điều này còn hại bạn.

 Chúa có rất nhiều thứ cho chúng ta, nhưng Ngài ban cho chúng ta khi chúng ta cần. Lời cầu nguyện khiến chúng ta phụ thuộc vào Chúa khi Ngài hành động trong cuộc đời chúng ta.

Trong Ma-thi-ơ 6, chúng ta thấy Chúa Giê-su phải xử lý vài hiểu lầm phổ biến mà người ta hay có về lời cầu nguyện. Điều hiểu lầm thứ nhất liên quan đến động cơ. Chúa Giê-su nói, “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy. Quả thật ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi…” (câu 5).

Vấn đề đối với các nhóm tôn giáo thời đó, người Pha-ri-si, là họ cầu nguyện để gây ấn tượng với người khác. Họ có thể được nhìn thấy ở góc đường và nơi phố chợ giơ cao tay cầu nguyện theo một cách rất phô trương. Những người khác sẽ đi qua và nghĩ. Hãy nhìn người của Chúa này. Ông ấy yêu Chúa nhiều đến nỗi ông không thể đợi để đến nhà hội cầu nguyện.

Điều họ không nhận ra là người cầu nguyện đó dường như đang nghĩ, Tôi thật là người của Chúa. Mọi người đang nhìn vào tôi. Mọi người rất ấn tượng với sự thuộc linh của tôi. Tôi thật thánh.

Thái độ kiểu vậy sẽ khiến cho lời cầu nguyện không được Chúa nhận. Một người bận tâm với những gì người khác nghĩ về mình thì chỉ chú tâm đến làm sao để thể hiện trong khi cầu nguyện. Anh ta giống như người Pha-ri-si tự xưng công chính mà Chúa Giê-su nhắc đến, “cầu nguyện thầm như vầy” (Lu-ca 18:11). Chúa sẽ không nghe lời cầu nguyện của người đầy rẫy lòng kiêu ngạo, bởi vì đó cũng là tội lỗi. Kinh Thánh nói cho chúng ta rằng nếu chúng ta có điều tội lỗi trong tấm lòng mình, Chúa sẽ không nghe chúng ta (xem Thi thiên 66:18). Đừng phạm lỗi này –  sự kiêu ngạo thuộc linh cũng đầy tội như nói dối hay phóng đãng dù nó khó phát hiện hơn.

Hiểu lầm thứ hai mà Chúa Giê-su nhắc đến là cách người Pha-ri-si cầu nguyện: “Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm” (câu 7). Người Pha-ri-si lặp đi lặp lại lời cầu nguyện tôn giáo. Dường như họ tin rằng cầu nguyện càng dài thì sẽ càng làm vừa lòng Chúa và thuộc linh hơn.

Nhưng Chúa không thích những lời hùng biện. Lời cầu nguyện phải đến từ tấm lòng. Ngài không thích lời cầu nguyện hoàn hảo của chúng ta dù nó có nhạc điệu hay dài thế nào. Ngài quan tâm đến đến lời cầu nguyện chân thật ra sao. Một trong những lời cầu nguyện tốt nhất được tìm thấy trong Kinh Thánh đến từ một người đàn ông đã cầu nguyện, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!” (Lu-ca 18:13). Đó là lời cầu nguyện hiệu quả. Người đàn ông đã chân thật với Chúa. Ông nói điều ông nghĩ đến và trao cho Chúa. Đôi khi chúng ta quá quan tâm đến kỹ thuật mà hoàn toàn bỏ đi toàn bộ ý nghĩa của lời cầu nguyện

Khi Chúa Giê-su dùng từ “cầu nguyện”, Ngài dùng một từ có nghĩa đen là “điều ước phía trước.” “Ước” là miêu tả một khao khát, một hy vọng của tấm lòng chúng ta. “Phía trước” chỉ về hành động. Ý nghĩa của nó là ước một điều gì đó từ sâu thẳm trong tấm lòng và mang khao khát đó đến trước bệ chân Chúa. Thường thì miệng và tâm trí của chúng ta có thể lướt qua lời cầu nguyện tôn giáo nhưng tấm lòng của chúng ta thì chẳng liên hệ chút nào.

Đôi khi mọi người băn khoăn rằng cách cầu nguyện tốt nhất là gì? Quỳ gối ư? Cầu nguyện mở mắt có được không? Bạn có thể cầu nguyện mở mắt. Đó không phải là tội lỗi; nó không xóa bỏ đi lời cầu nguyện của chúng ta nếu mắt mở ra. Nhưng tôi nghĩ nhắm mắt khi cầu nguyện vẫn tốt hơn, bởi vì nó giúp chúng ta tập trung. Hay bạn có thể cầu nguyện nhắm mắt. Hoặc bạn có thể cầu nguyện quỳ gối hay ngồi hay nằm. Bạn có thể cầu nguyện trong khi lái xe nhưng mà nhớ phải mở mắt ra nhé.

Kinh Thánh cho biết mọi người cầu nguyện tại nhiều nơi khác nhau. Họ cầu nguyện trong nhà tù. Họ cầu nguyện trên đỉnh núi. Cầu nguyện trong thung lũng. Có người thì cầu nguyện từ bụng cá và Chúa lắng nghe lời cầu nguyện. Bạn ở đâu cũng cầu nguyện được.

Hiều lầm tiếp theo được Chúa Giê-su bóc trần là mục đích thật của lời cầu nguyện. Ngài phán, “Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài” (câu 8). Chúa biết nhu cầu của chúng ta trước khi chúng ta hỏi xin. Do đó, cầu nguyện không phải để hướng dẫn hay thông báo cho Chúa. Lời cầu nguyện cũng không được dùng để bẻ cong ý muốn Chúa. Một vài người nghĩ rằng họ có thể tác động Chúa hay xoay chuyển Chúa theo hướng họ muốn thông qua cầu nguyện. Nhưng tất cả đều sai hết. Lời cầu nguyện thật không thay đổi ý muốn Chúa mà nắm lấy ý muốn Chúa. Lời cầu nguyện không phải là để ý muốn của chúng ta lên tới thiên đàng mà là để ý muốn của Chúa ở trên đất. Martin Luther nói rằng, “Bởi lời cầu nguyện của chúng ta … chúng ta hướng dẫn chính mình hơn là Ngài.”

“Xin dạy chúng tôi cầu nguyện”

“Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện….” Đây là lời cầu xin của một trong những môn đồ tới Chúa Giê-su. Hiển nhiên người môn đồ này đã quan sát Chúa Giê-su cầu nguyện. Đôi khi Chúa Giê-su sẽ thức cả đêm trong sự hiện diện của Cha trên trời và cầu nguyện trong khi các môn đồ đã ngủ. Chúa Giê-su đã cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê ngay trước khi Ngài bị bắt. Ngài bảo Phi-e-rơ, “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:41).

Đáp lại lời cầu xin của môn đồ, Chúa Giê-su cho chúng ta một một bài mẫu cầu nguyện mà chúng ta gọi là bài Cầu nguyện chung. Gọi chính xác phải là bài Cầu nguyện của Môn đồ bởi vì bài này dành cho chúng ta cầu nguyện chứ không phải cho Ngài. Chúa Giê-su không bao giờ cần cầu nguyện như này, “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.” Ngài vô tội. Đây là lời cầu nguyện cho môn đồ Ngài và cho chúng ta. Và vì Quyển sách này viết về môn đồ hóa nên chúng ta cần phải có hiểu biết tốt hơn về bài cầu nguyện này.

Trong bài cầu nguyện này, chúng ta nhận được các nguyên tắc để hiểu cách giao tiếp với Chúa. Môn đồ đã xem Chúa Giê-su cầu nguyện. Họ được xem Ngài dành thời gian với Cha. Họ đã thấy sự mật thiết và gần gũi với Cha của Ngài. Ngược lại họ cũng thấy những lời cầu nguyện tôn giáo lạnh lẽo, học thuật, nghi lễ của những kẻ giả hình tôn giáo.

Nên Chúa Giê-su bắt đầu bài giảng về lời cầu nguyện bằng cách nói, “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy…” (Ma-thi-ơ 6:9). Để tôi nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su không cho các môn đồ một lời cầu nguyện khuôn mẫu đóng khung. Thực tế lời cầu nguyện này không bao giờ được lặp lại trong Tân Ước. Ý tôi không phải nói là không nên cầu nguyện y hệt như vậy hoặc sử dụng nó như một hành động thờ phượng Chúa. Nhưng bài này không nên được coi như một nghi lễ tôn giáo. Không có phép lạ ẩn trong hành động đọc lời cầu nguyện này. Tuy nhiên, chúng ta có thể học từ khuôn mẫu và cấu trúc này để cầu nguyện có hiệu quả. Đây là hình mẫu cho tất cả các lời cầu nguyện.

Lời cầu nguyện này được chia làm hai phần. Ba lời cầu xin đầu tiên tập trung vào vinh quang của Chúa, trong khi ba lời cuối thì liên quan đến lời cầu xin của chúng ta là con người.

Nên chú ý là Lời cầu nguyện bắt đầu với “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” chứ không phải “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày.” Trong khi đó chúng ta lại vẫn thường cầu nguyện bắt đầu với nhu cầu của chính mình.

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời

Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cần phải nhận ra rằng chúng ta đang cầu nguyện với ai: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” (câu 9). Nên dừng lại trước khi cầu nguyện để nhận ra rằng bạn đang nhắc đến Đấng tạo nên vũ trụ. Đôi khi chúng ta quá vội vã bước vào sự hiện diện của Chúa mà quên mất, đi thẳng một mạch đến lời cầu xin. Chúng ta nên yên lặng trước và chờ đợi Chúa trước khi nói bất cứ điều gì. Sau đó, sau khi đã yên lặng suy ngẫm về Đấng chúng ta cầu nguyện thì chúng ta sẽ bắt đầu cung kính cầu nguyện, “Lạy Cha….”

Những lời này nên nhắc nhở chúng ta rằng đó là Cha của chúng ta, Đấng yêu thích chúng ta và là Đấng chúng ta cầu nguyện. Như 1 Giăng 3:1 đã nhắc nhở chúng ta, “Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời!” Từ điểm này chúng ta có thể đảm bảo rằng bất cứ điều gì xảy ra cũng là kết quả của lời cầu nguyện của chúng ta theo những gì Cha muốn cho chúng ta. Chúng ta không phải lúc nào cùng đồng ý với những gì Ngài quyết định, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng ý muốn của Ngài cho chúng ta là tốt lành. Chúng ta biết Ngài yêu chúng ta với tình yêu đời đời.

Khi bạn sống lâu hơn một chút và bắt đầu nhận ra lợi ích của việc nhìn lại cuộc đời. Lúc đó bạn có thể thấy sự khôn ngoan của Chúa được bày tỏ ra. Tôi có thể nghĩ về những điều tôi đã cầu nguyện nhiều năm trước, những điều mà tôi chắc chắn đó chính là ý muốn của Chúa cho tôi, rồi Ngài nói không. Một số lời cầu nguyện thì được đáp lời sau đấy. Một số thì không bao giờ được đáp lời theo cách tôi cầu xin. Nhưng bây giờ tôi có thể nhìn lại và nói, “Chúa ơi, con cảm ơn Chúa vì những gì Ngài đã làm trong cuộc đời con.”

Bạn nên tin rằng Cha trên trời đang làm điều tương tự cho bạn ngay bây giờ. Thi thiên 84:11 nói rằng, “Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng.” Chỉ bởi vì Chúa từ chối không có nghĩa là Ngài quay lưng lại với bạn. Thực ra Ngài đang để dành điều tốt đẹp cho bạn.

Khi bạn cầu nguyện với Cha trên trời, bạn nên nhớ rằng Cha là Đấng sáng tạo. Điều này sẽ khiến cho tấm lòng của chúng ta đầy dẫy sự khiêm nhường và kính sợ. Nói lên những từ này sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tấm lòng mình và nhìn thấy sự nhỏ bé của chúng ta trong ánh sáng của sự vĩ đại Ngài.

Danh Cha được Thánh

Sau khi nhận biết Đấng chúng ta đang cầu nguyện, Cha yêu thương và Đấng sáng tạo, chúng ta được nhắc nhở về sự thánh khiết của Ngài. “Danh Cha được thánh” (câu 9). Từ “thánh” có thể được dịch là “thanh tẩy” “tôn kính” và “thánh.” Vậy nên chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta muốn được thanh tẩy, hay biệt riêng, cho Chúa Giê-su Christ để sống một đời sống thánh khiết. Bởi Ngài là thánh, nên chúng ta cũng phải sống thánh khiết. Mọi tham vọng, sở thích, và điều đeo đuổi của chúng ta nên bày tỏ ra rằng chúng ta theo một Chúa thánh khiết.

Một lời cầu nguyện năng quyền phải được cầu nguyện vì cớ vinh hiển Chúa. Khi bạn đọc Kinh Thánh, bạn sẽ thấy rằng những lời cầu nguyện vĩ đại được chép lại trong Kinh Thánh luôn tôn cao Chúa và biệt riêng Ngài, như là lời cầu nguyện của Ê-li trên núi Cạt-mên (xem 1 Các vua 18:36).

Đặc quyền cầu nguyện không chỉ trao cho chúng ta để chúng ta có thể có được những thứ đến từ Chúa. Gia-cơ 4:3 cho chúng ta biết tại sao một số lời cầu nguyện không được đáp lại: “Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.” Chúng ta nên hỏi xin những điều Chúa muốn cho chúng ta. Nếu Ngài cho chúng ta mọi thứ chúng ta cầu xin, điều đó sẽ hoàn toàn hủy diệt chúng ta. Chúng ta phải tìm kiếm vinh hiển Ngài nhiều hơn cả khao khát của chúng ta.

Tôi đã thấy rằng khi tôi tìm kiếm vinh quang Chúa, ý muốn và vương quốc Ngài thì Ngài ban phước cho tôi. Không có sai khi hỏi xin điều bạn tin là cần thiết, nhưng tôi muốn nói rằng khi bắt đầu lời cầu nguyện với những thứ như, “Chúa ơi, con nghĩ đây sẽ là điều tuyệt vời nếu Ngài làm cho con và con thực sự nghĩ là Ngài nên làm, nhưng xin ý Chúa được nên. Nếu còn thiếu điều gì, nếu còn điều con không biết, thì xin Chúa tể trị lời cầu xin của con. Con biết rằng điều gì Ngài làm cũng là điều tốt nhất.” Đó là lời cầu nguyện làm vinh hiển Chúa.

Nước Cha được đến….”

Phần tiếp theo trong bài cầu nguyện mẫu là “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (câu 10). Một người không thể cầu nguyện, “Nước Cha được đến” cho đến khi người đó có thể cầu nguyện trước hết là “Nước con phải đi.”

Thường thì lời cầu nguyện của chúng ta là để thiết lập vương quốc của chính mình. Chúng ta muốn là thuyền trưởng của con tàu, người thầy của định mệnh mình. Chúng ta sẽ không làm vậy nếu chúng ta thực sự muốn nước Cha và nếu chúng ta thực sự muốn trở thành môn đồ Ngài. Chúng ta phải giao trọn quyền lãnh đạo cho Ngài.

Do đó chúng ta cần học biết ý muốn Chúa là gì để chúng ta có thể cầu nguyện cho điều đó. Nếu bạn cầu nguyện theo ý muốn Chúa, lời cầu nguyện của bạn luôn được đáp lời. Theo như 1 Giăng 5:14-15 “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.”

Chúa Giê-su nhắc tới điều này trong Giăng 15:7 “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.” Câu này có ý là, “Ta ra lệnh cho con xin cho chính mình bất cứ điều gì con muốn thì sẽ nhận được.”

Khi chúng ta dành thời gian với Lời Chúa như một người môn đồ học biết ý muốn Chúa và khao khát của Ngài, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không còn vị kỷ, theo ý riêng. Thay vào đó, chúng ta sẽ hướng về vinh hiển và ý muốn Chúa. Khi chúng ta gắn kết chính mình với ý muốn Ngài và bắt đầu cầu nguyện cho điều đó, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy kết quả. Hầu hết lời cầu nguyện không được đáp lời bởi vì chúng ở ngoài ý muốn Chúa.

Khi chúng ta khám phá ra ý muốn Chúa, chúng ta sau đó có thể cầu nguyện mạnh mẽ và tự tin cho điều đó. Chúng ta có thể cầu nguyện, tin tưởng rằng điều đó sẽ xảy ra, vì chúng ta biết đó không phải điều chúng ta tự bịa ra. Gia-cơ 1:6-7 nói rằng khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nên “lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa.”

Khi Chúa Giê-su về làng mình, chúng ta biết rằng, “Ở đó, Ngài không làm nhiều phép lạ, vì chúng không có lòng tin” (Ma-thi-ơ 13:58). Tức là sự vô tín sẽ huỷ phá lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện và tin.

Vậy chúng ta lấy đức tin này ở đâu? “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi Lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Tôi có thể cầu nguyện, tin rằng Chúa sẽ cứu lấy linh hồn của một người, vì tôi đã được Kinh Thánh cho biết rằng Chúa “lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). Do đó, tôi có thể cầu nguyện, tin và hi vọng rằng Chúa sẽ cứu cá nhân đấy. Tuy nhiên, kết quả nhận được vẫn là do Chúa hành động chứ không phải là lời cầu nguyện của tôi.

Khi tôi có thể cầu nguyện với thẩm quyền theo Kinh Thánh cho sự phấn hưng trong đất nước, thành phố, nhà, hoặc hội thánh của tôi. Tôi tin rằng đây là điều Chúa muốn làm, bởi vì như chúng ta thấy, điều này đã được công bố trong Kinh Thánh (xem 2 Sử ký 7:14). Và ở mức độ cá nhân hơn, tôi có thể cầu nguyện với thẩm quyền bởi vì Chúa sẽ làm cho tôi trở nên như Chúa Giê-su và Ngài sẽ bày tỏ ý muốn của Ngài trên tôi (xem Rô-ma 8:29; 12:2). Câu Kinh Thánh rõ ràng cho biết mọi điều đều là ý muốn Chúa.

Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày

 Sau khi biết ai là Đấng chúng ta cầu nguyện và nhận biết vị trị đúng của Ngài thì chúng ta sẽ đến với lời cầu xin đầu tiên: “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày” (câu 11).

Để tôi lại lần nữa nhấn mạnh thứ tự trong bài cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su. Trước khi lời cầu xin của ai đó được cất lên, Chúa Giê-su cho chúng ta biết rằng trước hết chúng ta phải nhận ra Đấng mình cầu nguyện là ai và xin ý muốn của Chúa ở trên ý muốn của chúng ta. Chúa không phải là người quản gia trên trời cho chúng ta.

Cũng nên để ý rằng Chúa Giê-su không hề nói rằng, “Xin cho chúng tôi năm nay đồ ăn đủ năm” hay là “Xin cho chúng tôi tháng này đồ ăn đủ tháng.” Chúa muốn chúng ta dựa dẫm vào Ngài mỗi ngày. Đáng buồn thay nhiều người không muốn phụ thuộc vào Chúa; họ lại muốn phụ thuộc vào chính mình.

Chú ý rằng trong Giăng 6, Chúa Giê-su miêu tả chính mình là Bánh của sự Sống. Chúng ta phải tìm kiếm sự gặp mặt Chúa tươi mới mỗi ngày. “Bánh” của ngày hôm qua thì không còn dùng được cho ngày hôm nay nữa, giống như ma-na được Chúa cho cho con cái Y-sơ-ra-ên trong suốt giai đoạn lang thang trong đồng vắng. Ma-na không thể để qua đêm mà không bị hỏng; nó chỉ có thể ăn được trong ngày hôm đó.

Điều tương tự áp dụng trong cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Chúa muốn cho chúng ta chỉ dẫn tươi mới mỗi ngày. Kinh Thánh bảo chúng ta “Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm” (Ca thương 3:22-23). Chúa muốn mang sự tươi mới đến với mối quan hệ của chúng ta với Ngài.

Xin tha tội lỗi cho chúng tôi….”

Lời cầu xin tiếp theo ở trong câu 12: “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.” Một người môn đồ thật sẽ nhận biết nhu cầu xưng nhận tội lỗi, vì Kinh Thánh nói rằng tội lỗi không được xưng ra sẽ ngăn cản lời cầu nguyện (xem Thi thiên 66:18). Nếu chúng ta nắm chặt lấy tội lỗi trong đời mình, Chúa sẽ không nghe chúng ta. Chúng ta nên luôn nhớ xin Chúa tha thứ cho tội lỗi chúng ta, kể cả với những tội mà chúng ta không biết. Tóm lại, tội lỗi duy nhất mà Chúa không thể tha thứ là tội chúng ta không xưng ra.

Một vài người đã hiểu sai phần thứ hai của câu này, “như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.” Họ dạy rằng điều kiện để được tha thứ là chúng ta phải tha thứ người khác trước. Tôi không tin vào điều này bởi vì nó rõ ràng đi ngược lại sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Điều căn bản duy nhất để tiếp nhận sự tha thứ của Chúa đó là là xin sự tha thứ: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:9).

Rõ ràng Chúa không để tha thứ người khác là điều kiện tiên quyết cần thiết để được tha thứ. Điều Ngài muốn nói với chúng ta là thế này: “Nếu con thực sự được tha thứ và con hiểu về sự tha thứ đó thì con sẽ tha thứ người khác.” Nếu bạn không tha thứ người khác, thì tôi tự hỏi liệu bạn có biết gì về sự tha thứ của Chúa trên cuộc đời bạn không.

Một người được tha sẽ tha thứ người khác. Một người môn đồ thật sẽ không chất chứa sự hận thù với người khác. Người môn đồ biết rằng điều đó sẽ ngăn trở lời cầu nguyện của mình và sự bước đi với Chúa. Chớ quên điều Chúa Giê-su đã nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35).

Bởi thế, con cái của Đức Chúa Trời không thể bước đi với sự cay đắng, tức giận, hay thù hận người khác trong lòng mà không cảm thấy cáo trách vì tội mình. Chúng ta phải tha thứ người khác bởi chúng ta đã được tha thứ.

Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ….”

Chúa Giê-su kết luận lời cầu nguyện như này: “Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác! [Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men]” (câu 13). “Điều ác” rõ ràng là ám chỉ Sa-tan. Chúng ta nhận thấy toàn bộ điểm yếu của chúng ta không liên quan đến Chúa và thực ra chúng ta đang ở trong một trận chiến thuộc linh. Chúng ta cần sự bảo vệ của Cha. Không có Ngài, chúng ta hoàn toàn yếu đuối. Chúng ta phải phụ thuộc vào Ngài với bánh hàng ngày, phụ thuộc vào ý muốn Chúa để chỉ dẫn và phụ thuộc vào năng quyền Ngài.

ACTS (Công vụ)

Đây là hình mẫu cho lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su cho chúng ta. Đầu tiên, nhận biết dự vĩ đại của Chúa. Trước khi nói một lời, hãy thờ phượng, ngợi khen, và cảm tạ Ngài vì những điều Ngài đã làm. Cầu nguyện cho ý muốn Chúa trong cuộc đời bạn và sau đó là sự tể trị của Nước Cha trong tấm lòng bạn cũng như tấm lòng của người khác. Sau đó để mọi thứ theo đúng thứ tự, mang nhu cầu của bạn đến trước Ngài. Xưng nhận tội lỗi, và tha thứ cho những người đã đối xử sai với bạn.

Một cách khác để nhớ cấu trúc bài cầu nguyện mẫu này là sử dụng những chữ cái đầu tiên, ATCS:

Adoration – Ngợi khen

Confession – Xưng tội

Thanksgiving – Tạ ơn

Supplication – Nhu cầu

Đầu tiên tôi sẽ ngợi khen. Sau đó tôi xưng nhận tội lỗi. Tiếp theo tôi nhớ dâng lời cảm tạ. Sau đó tôi trình dâng nhu cầu của mình.

Với bài cầu nguyện mẫu làm chỉ dẫn cho chúng ta, chúng ta sẽ không thất bại trong sự “cầu nguyện không thôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Khi chúng ta làm được, những thành phần cần thiết để có lời cầu nguyện hiệu quả sẽ giúp chúng ta có những bước tiến lớn trong việc trở nên môn đồ của Chúa Giê-su.

Nguồn: daotaomondo.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like