Link bài đọc: https://youtu.be/Hr6UauL1kfk
Gia-cơ, đầy tớ[a] của Ðức Chúa Trời và của Ðức Chúa Jesus Christ … (Gia-cơ 1:1a)
Truyền thống cho rằng tác giả của thư Gia-cơ là Gia-cơ em kế của Chúa Giê-xu.[1] Có 4 lần, tên Gia-cơ được nói đến trong các sách Phúc Âm, Gia-cơ anh của Giăng, một trong những môn đệ đầu tiên được Chúa Giê-xu kêu gọi (Mat 4:19); Gia-cơ em kế của Chúa Giê-xu (Mat 13:55); Gia-cơ, con trai A-phê (Mat 10:3; Mác 3:18; Lu-ca 6:15; Công Vụ 1:13) và Gia-cơ nhỏ, người đứng bên cạnh bà Ma-ri khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá (Mác 15:40) mà có những nhà thần học tin rằng đó là Gia-cơ, em kế của Chúa. Gia-cơ, anh của Giăng đã chết rất sớm dưới tay Hê-rốt (Công Vụ. 12:2), nên không thể là một trong những lãnh đạo đầu tiên của Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem, và tác giả của thư Gia-cơ được.
Để nhìn nhận Giê-xu anh mình là Chúa Cứu Thế là Đấng cứu rỗi và tự xem mình là đầy tớ – nguyên văn là nô lệ – cho Ngài, Gia-cơ cần một thời gian rất dài. Những năm Chúa Giê-xu giảng dạy rất thành công giữa công chúng, có nhiều lần Gia-cơ đã cùng với mẹ và các em mình đến tìm gặp Ngài (Mat 12:46; Mác 3:31; Lu. 8:19). Có lúc họ đến với mục đích đem Ngài trở về, vì họ cho là Ngài đã bị quẩn trí (Mác 3:21). Lời Chúa phán Nhà tiên tri chỉ bị quê hương và gia đình mình xem thường mà thôi (Mat 13:57) phản ảnh ít nhiều sự đau lòng của Ngài về thái độ của anh em Ngài đối với Ngài. Vào dịp Lễ Lều Tạm,[2] các người em của Chúa Giê-xu thậm chí đã thách thức Ngài lên Giê-ru-sa-lem để chứng tỏ Ngài là Đấng Mê-si-a (Giăng 7:1-10).
Lúc Chúa Giê-xu bị người ta đóng đinh trên cây thập tự, có Gia-cơ cùng với mẹ mình là bà Ma-ri đứng kề bên (Mác 15:40). Kinh Thánh gọi ông là Gia-cơ nhỏ, có lẽ ông là một người nhỏ thấp. Sử gia Eusebius cho biết thêm chi tiết rằng ông là một người được biệt riêng cho Chúa từ khi lọt lòng mẹ.[3] Ông đau buồn về việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh đến độ ông thề rằng ông sẽ không ăn bánh từ cái giờ ông uống chén của Chúa cho tới chừng nào ông thấy được Chúa sống lại.[4] Cám ơn Chúa vì qua thư tín của Phao-lô, chúng ta biết Chúa sống lại và đã hiện ra cho ông.[5]
Gia-cơ còn được biết như một người có đầu gối lạc đà, vì lớp da ở đầu gối chai cứng bởi thói quen quì gối biệt mình liên tục trên sàn đá trong nơi thánh để cầu nguyện xin Chúa tha tội cho dân chúng vì đã giết Chúa Giê-xu.
Cùng với Giăng và Phi-e-rơ, Gia-cơ được Phao-lô gọi là “cột trụ của Hội Thánh“ (Ga-la-ti 2:9). Vai trò lãnh đạo của Gia-cơ tại Hội Thánh mẹ ở Giê-ru-sa-lem được khẳng định qua nhiều bằng chứng:
– Sau khi ra khỏi tù, Phi-e-rơ bảo các môn đồ hãy đi báo tin cho Gia-cơ (Công Vụ. 12:17);
– Sau khi ăn năn, tiếp nhận Chúa Giê-xu, lần đầu đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đã đến gặp Gia-cơ (Ga-la-ti 2:9);
– Gia-cơ là người chủ tọa Giáo Hội Nghị đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem; là người sau cùng đưa ra quyết định quan trọng để giải quyết vấn đề các tín hữu ngoại Do Thái có phải cắt bì và giữ trọn luật pháp Môi-se hay không (Công Vụ. 15);[6]
– Lần cuối cùng khi đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô cũng đến thăm Gia-cơ (Công Vụ. 21:18).
Gia-cơ được người đương thời gọi là Gia-cơ, Người Công Chính vì đức tính nổi bật đó của ông, và để phân biệt ông với rất nhiều người mang cùng tên. Cũng theo sử gia Eusebius, vì sợ những ảnh hưởng của Gia-cơ trên dân Do Thái, viết về cái chết tuẫn đạo của Gia-cơ rằng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đưa ông lên nóc đền thờ, buộc ông làm chứng nghịch lại cùng Chúa Giê-xu trước mặt dân chúng vào dịp lễ Vượt Qua. Thay vì làm như vậy, ông đã trả lời với họ rằng “Sao các ông hỏi tôi về Chúa Giê-xu, Đấng Con Người? Ngài đang ngự bên hữu Đấng quyền năng vĩ đại và rồi đây sẽ trở lại trên đám mây trên thiên đàng.“ Câu trả lời đó khiến đoàn dân lắng nghe được thuyết phục và hô vang “Hô-sa-na, Con Vua Đa-vít!“ Việc nầy khiến các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nổi giận, họ ném Gia-cơ từ trên nóc đền xuống, nhưng ông không chết mà vẫn tiếp tục cầu nguyện Chúa tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Họ tiếp tục ném đá Gia-cơ, nhưng ông cũng chưa chết và vẫn tiếp tục cầu xin Chúa tha thứ cho họ. Cuối cùng một người thợ nện da cầm cái dùi đánh vào đầu Gia-cơ và Gia-cơ đã tuần đạo như thế.[7]
Con đường từ một người ngờ vực, không tin sứ mạng của Chúa Giê-xu cho đến lúc trở nên một đầy tớ, nô lệ cho Chúa là Đấng lấy mạng sống của Ngài để chuộc tội cho ông quả là một con đường thật dài. Gia-cơ, lãnh đạo của Hội Thánh mẹ ở Giê-ru-sa-lem, cuối cùng đã chết cho niềm tin của mình.
Ông để lại dấu tích cho ngàn đời sau qua lời mở đầu của thư Gia-cơ: Gia-cơ, đầy tớ – hay nô lệ của Đức Chúa Trời và của Chúa là Đức Chúa Giê-xu Christ.
Lời Cầu Nguyện cho Hôm Nay
Lạy Chúa, cám ơn Chúa về những gì con biết được về ông Gia-cơ. Xin cho con được tấm lòng cầu nguyện phần nào được như ông. Xin cho con có thể sống cho đức tin mình phần nào giống như ông. Và như Gia-cơ, con cũng xin được làm đầy tớ, làm nô lệ cho Chúa, Đấng đổ huyết trên thập tự giá để chuộc lấy linh hồn con khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và tối tăm, đem con đến với ánh sáng của sự cứu rỗi đời đời của Chúa. Amen!
Ân Điển
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com
[1] http://freebiblecommentary.org/pdf/VOL11A_vietnamese.pdf
[2] Lễ kỷ niệm hằng năm của người Do Thái, nhắc nhớ rằng Đấng Chăn Dắt Vĩ Đại đã chọn “cư ngụ ở giữa họ,“ để bảo vệ và ban phước cho bất kỳ họ lưu lạc ở nơi nào https://jewsforjesus.org/jewish-resources/community/jewish-holidays/sukkot-the-feast-of-tabernacles/
[3] https://biblehub.com/library/pamphilius/church_history/chapter_xxiii_the_martyrdom_of_james.htm
[4] Jerome (5th century) quotes the non-canonical Gospel of the Hebrews, https://en.wikipedia.org/wiki/James,_brother_of_Jesus
[5] 1 Cô-rinh-tô 15:7
[6] https://www.wiki.thuvientinlanh.org/index.php?title=Gia-c%C6%A1
[7] https://biblehub.com/library/pamphilius/church_history/chapter_xxiii_the_martyrdom_of_james.htm