Home Dưỡng Linh Tình Yêu Của Chúa – Phần 11: Yêu và Tha Thứ

Tình Yêu Của Chúa – Phần 11: Yêu và Tha Thứ

by AdrianChua
30 đọc

Mác 11:23-25 –Thật, Ta bảo các con, ai bảo hòn núi nầy: ‘Hãy nhấc lên, và lao xuống biển,’ nếu trong lòng người ấy không có chút nghi ngờ, nhưng tin điều mình nói sẽ xảy ra… Khi các con đứng cầu nguyện, nếu có chuyện bất bình với ai thì hãy tha thứ, để Cha các con ở trên trời cũng tha thứ những vi phạm của các con.”

Điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây là sau khi giảng về đức tin có thể dời núi, Chúa Giê-xu nói ngay về sự tha thứ. Khi chúng ta sống trong một thế giới đổ vỡ, nơi mà mọi người đều không hoàn hảo, thì chúng ta cần nhiều tình yêu thương và sự tha thứ hơn nếu chúng ta muốn sống tốt.

Chúng ta đã đề cập trước đây rằng mối quan hệ theo chiều ngang cũng chính là biểu hiện của mối quan hệ theo chiều dọc của chúng ta với Đức Chúa Trời. Tình yêu của Cơ-đốc nhân không phát triển theo một đồ thị thẳng mà giống như một cái cầu thang. Chúng ta phát triển theo chiều dọc đối với Chúa rồi theo chiều ngang ra ngoài để chạm đến người khác, và quá trình này được lặp đi lặp lại. Mức độ chúng ta tăng trưởng trong tình yêu với Chúa cũng là mức độ chúng ta có thể phát triển ra bên ngoài để yêu người khác. Sự trưởng thành của chúng ta trong tình yêu Chúa xác định khả năng để chúng ta có thể yêu người. Do đó, sự bất hòa theo chiều ngang với người khác sẽ khiến chúng ta bất hòa theo chiều dọc với Đức Chúa Trời. Trong những câu Kinh Thánh trên, Chúa Giê-xu ngụ ý rằng sự bất hòa theo chiều ngang thậm chí sẽ làm tê liệt lời cầu nguyện có đức tin của chúng ta.

Kinh Thánh cho chúng ta biết đức tin được tỏ ra qua hành động yêu thương (Ga-la-ti 5:6, BD2011). Nếu chúng ta nuôi dưỡng sự không tha thứ, đức tin của chúng ta không thể được thúc đẩy bởi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Không tha thứ là một sự gây tắc nghẽn và trở ngại ngăn cản những lời cầu nguyện của chúng ta đến được với Đức Chúa Trời.

Điều này đặc biệt đúng trong các mối quan hệ gia đình. Chúng ta có thể cầu nguyện cho người phối ngẫu của mình tin Chúa hoặc thay đổi thái độ và hành vi của họ, nhưng lòng chúng ta vẫn không chịu tha thứ cho họ. Hay chúng ta có thể cầu nguyện cho cha mẹ của mình nhưng không thể giải tỏa những tổn thương và đau đớn mà họ đã gây ra trong cuộc đời của chúng ta.

Thiên đàng tràn ngập tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa. Nếu chúng ta có lòng không tha thứ, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ chứa đầy những lời oán hận, thù ghét và giận dữ. Lời cầu nguyện kiểu này sẽ không giống như hương thơm dâng lên Cha, và do đó, làm sao nó có thể đi vào sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời? Bất kỳ lời cầu nguyện nào không được sinh ra từ tình yêu thương sẽ bị cản trở và không thể đến được ngôi báu của Tình Yêu thiên thượng.

Các thuộc tính của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời có hai loại thuộc tính: những thuộc tính mà Ngài sở hữu trong chính mình Ngài (thuộc tính nội tại, chẳng hạn như sự tốt lành, tình yêu thương, sự thánh khiết trọn vẹn của Ngài, v.v.), và những thuộc tính mà Ngài liên hệ với con người. Về bản chất, Đức Chúa Trời là chân thật; nhưng khi Ngài liên hệ với con người, điều đó được tỏ ra bằng sự thành tín. Bản chất của Chúa là thánh; và khi Ngài liên hệ sự thánh khiết đó với con người, nó trở thành công lý.

Tình yêu thương là thuộc tính nội tại của Đức Chúa Trời, nhưng khi tình yêu thương này được liên hệ với tội nhân, nó trở thành ân điển và lòng thương xót. Ân điển ban cho chúng ta những gì mà chúng ta không xứng đáng, và lòng thương xót thì không để cho chúng ta nhận lãnh những gì chúng ta xứng đáng. Và thông qua hai thuộc tính này, sự tha thứ được bày tỏ ra cho chúng ta.

Bản chất của Đức Chúa Trời là tình yêu thương và sự tha thứ đến từ bản chất của Ngài. Nếu bạn quyết định không tha thứ cho ai đó, điều đó có nghĩa là chúng ta đã lựa chọn một cách có chủ ý để không phát triển theo bản chất và đặc tính của Đức Chúa Trời.

Yêu thương là nghĩa vụ của chúng ta

Rô-ma 13:8 – “Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ món nợ yêu thương nhau; vì ai yêu người lân cận mình là đã làm trọn luật pháp.”

Tất cả chúng ta đều mắc nợ tình yêu, món nợ yêu thương nhau, đó là những gì Phao-lô đang nói. Chúng ta mắc nợ con người vì tình yêu cần phải được đáp lại. Trên thực tế, không giống như bất kỳ loại nợ nào khác, đây là món nợ mà chúng ta sẽ luôn mắc phải và sẽ không bao giờ có thể trả hết cho đến suốt đời. Miễn là chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không bao giờ hết nợ về tình yêu thương, vì chúng ta có nghĩa vụ phải tiếp tục yêu. Vậy làm thế nào mà chúng ta lại gánh món nợ tình yêu này cho người khác?

Rô-ma 1:14 – “Tôi mắc nợ cả người văn minh lẫn người lạc hậu, cả người thông thái lẫn người dốt nát.”

Món nợ của Phao-lô là rao giảng Phúc Âm cho tất cả mọi người. Ông gánh món nợ đó vì chính bản thân ông đã nhận được tình yêu thương của Đức Chúa Trời khi vẫn còn là một tội nhân. Nếu chúng ta đã nhận được món quà nhân từ là sự sống đời đời như một tội nhân, thì chúng ta cũng mắc một món nợ tình yêu đối với tất cả mọi người và chúng ta chỉ có thể trả qua tình yêu thương tràn đầy vô hạn của Đức Chúa Trời dành cho người khác.

Khi chúng ta bắt đầu đếm xem Đức Chúa Trời đã làm bao nhiêu điều cho chúng ta trong việc tha thứ tất cả tội lỗi và bảo đảm cho chúng ta một cơ nghiệp đời đời trên thiên đàng, chúng ta sẽ nhận ra tại sao món nợ tình yêu của mình với những người khác không bao giờ có thể trả hết được hoàn toàn. Chúng ta phải trả nó mỗi ngày, nhưng chúng ta sẽ vẫn tiếp tục mang nợ cho đến ngày chúng ta về với Chúa. Sẽ không bao giờ chúng ta có thể nói được, “Tôi đã làm tất cả những gì mà yêu thương cần làm. Tôi đã hết nợ rồi. Tôi có thể được nghỉ hưu khỏi chức vụ yêu thương của một Cơ-đốc nhân rồi.”

Nếu chúng ta nợ tiền người ta mà không chịu trả thì bị gọi là ăn cắp. Tương tự như vậy, nếu chúng ta mắc món nợ tình yêu và không tìm cách trả, chúng ta cũng là một kẻ cắp trước mặt Đức Chúa Trời.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like