Link bài đọc: https://youtu.be/W3EbyUlqJYw
“Những người Ta yêu thì Ta quở trách, sửa phạt; vậy, hãy sốt sắng và ăn năn đi!” (Khải Huyền 3:19, TTHĐ).
Cách đây vài năm, một nhà thăm dò ý kiến nổi tiếng ở Mĩ tên là George Gallup đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá môi trường tôn giáo ở nước này, đặc biệt là hiện tượng mà người ta gọi là phong trào “tái sanh”.
Khi xem lướt qua các kết quả khảo sát thì những gì thu nhận được rất ấn tượng. Ví dụ, tỉ lệ phần trăm dân số Mĩ đi nhà thờ vào ngày Chúa nhật hiện nay lớn hơn nhiều so với thời thuộc địa – thời mà người ta thường gọi là kỷ nguyên Cơ Đốc.
Một kết quả khác là ngày nay, số người tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, số người tin rằng có thiên đàng và địa ngục, số người bảo rằng họ đã kinh nghiệm sự tái sanh, các con số này lớn hơn bao giờ hết. Mặc dù những con số thống kê trên có vẻ khích lệ, nhưng câu kết luận của ông Gallup lại dập tắt sự phấn khởi đó. Tim tôi chùn xuống khi nghe ông nói: “Lịch sử nước Mĩ chưa từng chứng kiến Phúc Âm trải rộng đến thế, nhưng lại đem đến ít sự thay đổi trong đời sống người dân đến thế!” Thật là một tuyên bố gây chấn động.
Sao lại có thể như vậy? Làm thế nào mà một người được biết về Chúa Giê-xu và những gì Ngài đã làm cho cuộc đời mình lại không có sự biến đổi nào đáng kể? Có thể có rất nhiều câu trả lời cho điều đó, nhưng một trong những nguyên do chính dẫn đến tình trạng trên được mô tả trong Khải Huyền 3:17, nói về thực trạng của hội thánh Lao-đi-xê. Chúa phán về hội thánh này như sau: “Con nói: ‘Tôi giàu, tôi đã phát đạt rồi, tôi không cần gì nữa.’ Nhưng con không biết rằng mình đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ”.
Chủ nghĩa vật chất là một nan đề của hội thánh Lao-đi-xê, cũng là nan đề của nhiều hội thánh trên thế giới ngày nay. Đây là hội thánh mà Chúa đã dùng những lời rất nghiêm khắc: “Ta biết các công việc của con; con không lạnh cũng không nóng. Ước gì con nóng hay lạnh thì hơn. Vậy, vì con hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên Ta sẽ nhả con ra khỏi miệng Ta.”
Ngài cũng đưa ra một giải pháp đơn giản cho họ: “Những người Ta yêu thì Ta quở trách, sửa phạt; vậy, hãy sốt sắng và ăn năn đi!”
Mặc dù sự cứu rỗi là quà tặng miễn phí của Đức Chúa Trời – chúng ta không thể có được bằng việc làm hay nỗ lực của mình – nhưng việc đi theo Chúa Giê-xu và sống như một môn đồ thật sự của Ngài luôn đòi hỏi sự nỗ lực và trả giá. Chúng ta không thể nhìn thấy sự ảnh hưởng cần có của Phúc Âm lên thế giới nếu như con dân Đức Chúa Trời không hoàn toàn đầu phục đời sống mình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu – Đấng sáng tạo nên vũ trụ, Đấng đã yêu chúng ta và chết thay cho tội của chúng ta – để Chúa có thể bắt đầu biến đổi đời sống chúng ta và dùng chúng ta để biến đổi thế giới này.
Chúa đã làm cho chúng ta được hồi sinh để sống cho Ngài, vậy nên chúng ta không thể dùng sự sống mới này để sống giống như người không biết đến Chúa, hoặc có khác chăng chỉ là hình thức tôn giáo bên ngoài, nhưng đời sống thì vẫn theo đuổi những điều thuộc về thế gian. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta rằng: “Chớ yêu thế gian cùng những gì trong thế gian. Nếu ai yêu thế gian thì sự kính yêu Đức Chúa Cha không ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của xác thịt, ham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo về cuộc sống, đều không đến từ Đức Chúa Cha mà đến từ thế gian. Thế gian với những dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (1 Giăng 2:15–17)
Sứ đồ Phao-lô cũng dùng chính đời sống ông để làm gương và kêu gọi tín đồ nhận thức về đời sống mới cho Chúa Cứu Thế Giê-xu: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20). “Anh em cũng không còn thuộc về chính mình nữa, vì anh em đã được mua bằng giá rất cao. Vậy, hãy dùng thân thể anh em mà tôn vinh Đức Chúa Trời.” (1 Cô-rinh-tô 6:19b-20).
Thật là một đặc ân khi chúng ta được thoát khỏi án phạt của tội lỗi là sự chết tâm linh, sự ngăn cách khỏi Đức Chúa Trời. Nhưng chương trình cứu chuộc của Chúa là cứu cả nhân loại và vạn vật khỏi sự hư mất và sự rủa sả của tội lỗi (Rô-ma 8:19–21). Chúng ta được cứu không phải để sống ích kỷ cho riêng mình, nhưng để cùng đồng công với Chúa trong chương trình cứu chuộc của Ngài. Vậy nên, hãy dâng đời sống cách trọn vẹn cho Cứu Chúa của chúng ta để được sử dụng nhằm tạo nên sự khác biệt trong thế gian như Ngài luôn khao khát.
Kính lạy Chúa Giê-xu yêu dấu của con, con cảm tạ Ngài vì ơn cứu rỗi kỳ diệu và đời sống mới tràn đầy phước hạnh mà Ngài ban cho con. Con không thể làm gì để có được những điều ấy, tất cả đều bởi ân điển và tình yêu của Ngài. Đời sống của con bây giờ thuộc về Ngài và tùy thuộc vào Ngài. Xin dạy con biết vâng phục Chúa trong mọi điều để Ngài dùng đời sống con có sự ảnh hưởng lên người xung quanh, lên cộng đồng, đất nước và thế giới cho Ngài. Nguyện xin ý Chúa được thực hiện qua đời sống con. A-men!
Biên tập: NLPH
Nguồn: Bill Bright
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com