Home Dưỡng Linh Đôi Khi Chúa Phán Qua Sự Yên Lặng

Đôi Khi Chúa Phán Qua Sự Yên Lặng

by Sưu Tầm
30 đọc

“Khi Ngài ban cho bình an, ai sẽ làm cho rối loạn? Khi Ngài ẩn mắt mình, ai có thể thấy Ngài? Ngài làm như vậy hoặc cho dân tộc nào, hoặc cho người nào,” (Gióp 34:29 – BD 1934)

Chúa phán với chúng ta bằng nhiều cách, và đôi khi Ngài phán với chúng ta qua sự yên lặng. Điều này thật dễ gây nản lòng! Nhưng Đức Chúa Trời có lý do khi Ngài yên lặng. Điều mà chúng ta cần phải làm đó là chờ đợi và tin cậy. Nếu chúng ta cứ chạy trước Ngài và nói rằng, “Tôi không nghe được điều gì từ Chúa cả nên có lẽ tôi cần phải làm gì đó thôi, tôi phải tiếp tục hành động”. Làm như vậy có nghĩa là chúng ta đã không có sự tin cậy. Dễ lắm chúng ta sẽ rơi vào những rắc rối và hối tiếc do chính mình tạo ra.

“Khi Ngài muốn yên lặng, ai dám đặt vấn đề thắc mắc?  Khi Ngài muốn giấu mặt, dù cả nước hay chỉ một cá nhân, ai có thể thấy được Ngài chăng?” (Gióp 34:29 – BD 2011)

Trong Kinh Thánh có nhiều câu chuyện minh họa cho điều này. Một trong những ví dụ tiêu biểu là câu chuyện về Sau-lơ, vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Khi ông đang chuẩn bị ra chiến trận, ông đã đến cùng Đức Chúa Trời để cầu vấn, rằng: “Chúa ơi, Ngài muốn con làm gì trong cuộc chiến này?”

Nhưng lòng Sau-lơ từ lâu đã không trọn thành với Chúa. Ông mất kiên nhẫn hoàn toàn trong sự chờ đợi. Kinh Thánh chép trong I Sa-mu-ên 28:6  “Người cầu vấn Đức Giê-hô-va; song Đức Giê-hô-va không đáp lời, hoặc bằng chiêm bao, hoặc bằng u-rim, hay là bởi các đấng tiên tri.”

Sau-lơ đã cố gắng tìm kiếm sự đáp lời của Chúa trong ba phương cách khác nhau, nhưng ông vẫn không nhận được gì. Vua nóng lòng, tuyệt vọng, mất hết kiên nhẫn và cuối cùng xoay qua tà thuật – là điều chính vua đã từng ra lệnh khai trừ khỏi đất nước. Vua ra lệnh, “Hãy tìm cho ta một người đồng bóng, một nhà thuật số, một phù thuỷ, hay bất cứ một ai có thể gọi hồn, hay làm thuật thông linh”. Sau-lơ biết điều đó là sai, nhưng sự nóng lòng, bất nhẫn khiến ông không còn đủ khôn ngoan để lựa chọn đúng nữa. Ông đã phạm vào điều bội nghịch với Chúa vì quá tuyệt vọng.

Hậu quả bi thảm xảy đến cho Sau-lơ là điều tất yếu. Ông đã mất tất cả, bị thất trận, bị mất danh tiếng, và mất cả mạng sống. Sau-lơ đã không thể kiên nhẫn đợi chờ để nghe chính tiếng Chúa, quyết định hành động theo ý mình và phải gánh chịu những hậu quả khốc liệt.

Vậy chúng ta thì sao? Chúng ta phải làm gì khi Đức Chúa Trời yên lặng?

Trước hết, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời nắm quyền tể trị

Gióp 34:29 chép rằng: “Khi Ngài muốn yên lặng, ai dám đặt vấn đề thắc mắc? Khi Ngài muốn giấu mặt, dù cả nước hay chỉ một cá nhân, ai có thể thấy được Ngài chăng?” (Bản dịch 2011). Dù yên lặng hay ẩn mình, Chúa vẫn đang hiện diện và tể trị. Ngài có thể không tỏ bày ý định của Ngài ngay cho bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài không có hiện diện hoặc không biết điều gì đang xảy ra. Thực tế, bằng trí hiểu giới hạn của con người, chúng ta không thể nào hiểu hết được lý do vì sao Chúa làm điều này hay điều kia. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài có một kế hoạch và mục đích cho đời sống của bạn và tôi. Ngài thương yêu chúng ta. Ngài là một Đức Chúa Trời nhân từ, khôn ngoan và thành tín. Ngài sẽ chăm sóc và ban những điều tốt nhất nếu chúng ta cứ bền lòng chờ đợi trong sự tin cậy. Ngài sẽ bày tỏ ý muốn tốt lành của Ngài cho chúng ta, vì ý tưởng của Chúa là ý tưởng bình an, chẳng phải tai họa, để ban cho chúng ta sự sống và hy vọng.

Thứ hai, hãy tin cậy Chúa

Kinh Thánh chép trong Thi Thiên 50:15 “ Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta: Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen Ta.” Ngày hôm nay khi Chúa phán hỏi bạn: “Con có tin cậy Ta không? Con có sẵn lòng tin cậy Ta trong mọi nan đề của con không? Con có tin cậy Ta trong mọi ước mơ của con không? Con có tin cậy Ta trong nỗi đau đớn đang dày vò con không? Con có tin cậy ta khi đứng trước những áp lực của đời sống, trong nỗi cô đơn của tâm hồn, trong những sự khao khát mà con đang chờ đợi, hay trong vấn đề sức khoẻ con đang gặp phải không? Con có sẵn lòng tin cậy rằng Ta sẽ giúp con và làm trổi hơn cả những điều con cầu xin không?…”

Bạn sẽ đáp lời như thế nào với Ngài?

Hãy nói lớn lời cầu nguyện nầy từ tấm lòng của bạn:

“Lạy Chúa, con không muốn đi suốt cuộc đời trong sự vội vàng mà không nghe được tiếng Ngài phán với con. Con không muốn dành cả cuộc đời con đuổi theo những mục tiêu mà con tự đặt ra và hoàn thành mọi thứ bằng sức riêng của mình nữa. Con muốn được nghe tiếng Ngài, con muốn học cách kiên nhẫn để lắng nghe tiếng Ngài dù đôi lúc Chúa im lặng với con. Cảm tạ Ngài vì đã ban Kinh Thánh cho con.

Xin giúp con ham mê được chiêm nghiệm và đắm chìm trong Lời của Ngài. Cảm ơn Chúa vì mỗi sứ điệp Ngài dạy dỗ con qua cả những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của con. Xin giúp con thực hành những điều con học được để con kinh nghiệm Chúa mỗi ngày một nhiều hơn.

Con mở lòng tiếp nhận những ý tưởng Ngài đặt trong tâm trí con. Khi con đau đớn hoặc phải đối mặt với những chướng ngại vật trong cuộc đời con, con sẽ không cầu nguyện để xin Chúa cất đi những điều đó nữa, nhưng xin hãy cho con biết Ngài muốn dạy dỗ con điều gì qua những sự ấy, và giúp con đối mặt chứ không trốn chạy.

Trên tất cả, xin thêm sức cho con mỗi ngày để con đặt trọn sự tin cậy mình nơi Ngài, vào chương trình Ngài tốt đẹp mà dành cho con và chờ đợi, ngay cả trong những lúc Ngài yên lặng. Chúa Giê-xu ơi, con khao khát được biết Ngài, yêu Ngài như cách Ngài đã yêu con.

Trong Danh Chúa con cầu nguyện. Amen!

Biên soạn: Hồng Ân

Nguồn: pastorrick.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like