Home Dưỡng Linh Tình Yêu Của Chúa – Phần 9: Tình Yêu Và Chức Phận Môn Đồ

Tình Yêu Của Chúa – Phần 9: Tình Yêu Và Chức Phận Môn Đồ

by AdrianChua
30 đọc

Ga-la-ti 2:20 – “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi.

Là người tin Chúa, chúng ta có tiềm năng để trở nên giống như Đấng Christ nhờ Thánh Linh Ngài ngự trong chúng ta. Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta để ý đến tiềm năng này, và chúng ta cũng không có chủ tâm để trở nên giống như Đấng Christ. Thay vào đó, hầu hết chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc theo đuổi những lợi ích “ngoài lề” khác của Cơ-đốc giáo.

Khi người ta nói với Chúa Giê-xu rằng Ngài đi đâu họ sẽ theo đó, Chúa Giê-xu ngay lập tức chỉ ra cái giá phải trả cho việc đi theo Ngài (Lu-ca 9:57-62). Với người này, Chúa Giê-xu nói rằng Ngài, Con Người không có chỗ gối đầu. Với người kia, Chúa Giê-xu nói “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”, và với một người khác, Chúa Giê-xu lại bảo rằng không ai đã tra tay cầm cày mà cứ quay nhìn đằng sau lại thích hợp với nước thiên đàng. Có một cái giá phải trả để làm môn đồ Chúa!

Lu-ca 14:27 – “Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta, cũng không thể làm môn đồ Ta.” 

Cái giá phải trả của việc làm môn đồ là thập tự giá – tượng trưng cho việc đặt toàn bộ tâm linh, linh hồn và thể xác của chúng ta làm của lễ dâng lên Chúa. Thập tự giá của Chúa Giê-xu là sự sống của Ngài ban cho chúng ta; trong khi thập tự giá của chúng ta là sự phó sự sống mình cho Đức Chúa Trời và cho người khác. Trọng tâm của việc làm môn đồ là tình yêu của Đức Chúa Trời. Nếu không có tình yêu của Chúa, chúng ta không thể làm môn đồ của Ngài. Trên thực tế, Chúa Giê-xu của chúng ta đã nói rằng yêu thương người khác là phương tiện và cách duy nhất để mọi người biết rằng chúng ta là môn đồ của Ngài.

Giăng 13:34-35 – “Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta.

Yêu Chúa yêu người 

Sau khi Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết, Ngài dành thời gian để chăm sóc đặc biệt cho Phi-e-rơ, người đã chối Ngài ba lần. Phi-e-rơ đau buồn vì Chúa đã hỏi ông ba lần rằng ông có yêu Ngài không. Đối với Phi-e-rơ, thì dường như Chúa nghi ngờ tình yêu của ông dành cho Ngài.

Hãy tưởng tượng Chúa Giê-xu hỏi chúng ta ba lần liệu chúng ta có yêu Ngài không. Giống như Phi-e-rơ, chúng ta có thể sẽ cảm thấy bị lên án và xấu hổ, đặc biệt là khi chúng ta không bước đi trong Điều Răn Lớn và không biết rằng Chúa biết mọi điều về chúng ta. Nhưng chúng ta hãy xem xét câu hỏi này một cách cẩn thận.

Giăng 21:15-17 – “Khi ăn xong, Đức Chúa Giê-xu nói với Si-môn Phi-e-rơ rằng: “Si-môn, con của Giăng, con yêu Ta hơn những người nầy chăng?” Phi-e-rơ thưa: “Vâng, thưa Chúa, Chúa biết rằng con yêu Chúa.” Đức Chúa Giê-xu  bảo: “Hãy chăm sóc những chiên con của Ta.”

Ngài lại hỏi ông lần thứ hai: “Si-môn, con của Giăng ơi, con yêu Ta chăng?” Phi-e-rơ thưa: “Vâng, thưa Chúa, Chúa biết rằng con yêu Chúa.” Đức Chúa Giê-xu bảo: “Hãy chăn chiên Ta.

Ngài lại hỏi ông lần thứ ba: “Si-môn, con của Giăng ơi, con yêu Ta chăng?” Phi-e-rơ buồn vì Ngài hỏi mình đến ba lần: “Con yêu Ta chăng?” Ông thưa rằng: “Thưa Chúa, Chúa biết tất cả mọi sự; Chúa biết rằng con yêu Chúa.” Đức Chúa Giê-xu  bảo: “Hãy chăm sóc chiên Ta.”

Tất nhiên, Chúa biết  Phi-e-rơ  yêu Ngài vì Ngài biết tất cả mọi sự, ngay cả những ước muốn sâu thẳm nhất bên trong tấm lòng của chúng ta. Vậy tại sao Chúa lại hỏi Phi-e-rơ rằng ông có yêu Ngài không? Đó là để chuẩn bị cho Phi-e-rơ yêu người khác. Khi chúng ta yêu Chúa, chúng ta sẽ yêu người khác; đó là quy luật thuộc linh.

Chúa đáp lại lời khẳng định về tình yêu của Phi-e-rơ bằng những lời thế này, “Hãy chăn những chiên con Ta… Hãy chăn chiên Ta… Hãy chăm sóc chiên Ta.” Vấn đề là yêu Chúa Giê-xu thì phải yêu cả dân sự của Ngài.

Vì vậy, môn đồ hóa không chỉ là việc làm những dấu kỳ phép lạ, giảng dạy và rao giảng. Điều cốt yếu mà Chúa Giê-xu muốn chúng ta bày tỏ là tình yêu thương, theo cách mà chúng ta có thể được phân biệt với những người trong thế gian. Việc thực hành và kỷ luật trong tình yêu thương là dấu hiệu thực sự của một môn đồ Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta. Ở đây, Chúa Giê-xu chỉ đơn giản là đang nói rằng, nếu các con thực sự yêu Ta, hãy yêu dân Ta, hãy môn đồ hóa họ – “hãy chăn những chiên con Ta”, và yêu thương chúng một cách thực tế – “hãy chăm sóc chiên của Ta”.

Chúng ta có thể trở thành môn đồ trong việc học giáo lý, bằng cách thực hành các ân tứ Thánh Linh, và thực hiện các chương trình tiếp cận cộng đồng hoặc làm chức vụ  một cách hiệu quả, nhưng chúng ta có thể bỏ qua chương trình đào tạo môn đồ quan trọng nhất – dạy người ta yêu thương, biến họ thành môn đồ của tình yêu thương. Điều này quan trọng hơn các chương trình và hoạt động của chúng ta. Nếu chúng ta thành công ở mọi thứ khác nhưng thất bại trong khía cạnh này của việc môn đồ hóa, chúng ta vẫn thất bại vĩnh viễn.

Nhiều người trong chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời với tấm lòng cao cả, nhưng không có lý do chính đáng. Một số người thích nghiên cứu thần học và giảng dạy  Kinh Thánh, một số khác thì thích dẫn dắt mọi người vào sự thờ phượng, và một số lại thích việc phục vụ nhu cầu của dân sự hơn, v.v. Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ tấm lòng và động cơ của mình, động cơ của chúng ta có thể không hoàn toàn là yêu Chúa và yêu người. Chúng ta có thể phục vụ để có được cảm giác thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu được nhận biết của bản thân. Hoặc, chúng ta có thể phục vụ vì sự phụ thuộc lẫn nhau, bởi vì chúng ta thích cái cảm giác được mọi người cần chúng ta và chúng ta tận hưởng việc được khẳng định chính mình, những tràng pháo tay và sức mạnh mà cảm giác quan trọng mang lại.

Đằng sau những câu hỏi của Chúa Giê-xu dành cho Phi-e-rơ là hai Điều Răn Lớn: yêu Chúa và yêu người. Nếu động cơ đó không phải là trung tâm trong tấm lòng của chúng ta khi chúng ta phục vụ, thì chúng ta sẽ sớm bị kiệt sức, thất vọng và thậm chí là vỡ mộng.

Chúng ta hãy luôn ghi nhớ những Điều Răn Lớn này khi tiếp tục làm môn đồ Chúa một cách có chủ đích.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like