Home Dưỡng Linh Tình Yêu Của Chúa – Phần 10: Một Đời Sống Với Suy Nghĩ Yêu Thương

Tình Yêu Của Chúa – Phần 10: Một Đời Sống Với Suy Nghĩ Yêu Thương

by AdrianChua
30 đọc

Rô-ma 5:5 – “Tình yêu của Ðức Chúa Trời đã tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Ðức Thánh Linh, Ðấng Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta.” 

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta, tràn vào tâm linh chúng ta khi chúng ta được sinh lại. Tuy nhiên, để lớn lên theo ảnh tượng của Đấng Christ, thì tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong tâm linh chúng ta cũng phải ảnh hưởng đến tâm hồn chúng ta nữa.

Chúng ta có thân thể (xác thịt), linh hồn (cảm xúc và suy nghĩ) và tâm linh. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời chỉ ở trong phần linh của chúng ta thôi thì chưa đủ. Nó cũng phải thấm vào phần hồn chúng ta nữa. Các công việc của xác thịt là biểu hiện của đời sống tâm hồn. Mọi việc làm của xác thịt đều bắt đầu từ một ý nghĩ sai trật hoặc một thái độ tinh thần sai trái mà chúng ta đã cho phép nó tồn tại trong tâm trí mình, cuối cùng nó sẽ sản sinh bông trái trong thân thể. Người ta thường nói, gieo một suy nghĩ và gặt một hành động.

Rô-ma 8:5-6 – “Vì những ai sống theo xác thịt thì để tâm trí họ vào những gì thuộc về xác thịt, nhưng những ai sống theo Ðức Thánh Linh thì để tâm trí họ vào những gì thuộc về Ðức Thánh Linh. Ðể tâm trí vào những gì thuộc về xác thịt dẫn đến sự chết, nhưng để tâm trí vào những gì thuộc về Ðức Thánh Linh dẫn đến sự sống và bình an.” 

Phân đoạn Kinh Thánh này đối chiếu công việc của xác thịt và công việc của Thánh Linh. Chúng ta có thể có tâm trí xác thịt hoặc tâm trí thuộc về Thánh Linh. Có tâm trí xác thịt là sống theo xác thịt và nó sẽ tạo ra các công việc của xác thịt.

Ga-la-ti 5:19-21 – “Những việc của xác thịt thật là rõ ràng: gian dâm, ô uế, trụy lạc,  thờ thần tượng, phù phép, thù hận, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, chia rẽ, phe đảng,  ganh tị, say sưa, ham ăn mê uống, và những điều tương tự…” 

Tâm trí theo Thánh Linh dẫn đến sự sống và bình an. Làm thế nào để chúng ta có được tâm trí theo Thánh Linh một cách thường xuyên và thiết thực để nó có thể ảnh hưởng đến đời sống tâm hồn hoặc suy nghĩ của chúng ta? Suy nghĩ của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi xác thịt hoặc tâm linh của chúng ta. Vậy làm thế nào để chúng ta phân biệt những suy nghĩ đến từ Đức Chúa Trời và những suy nghĩ đến từ xác thịt? Chúng ta có thể có tình yêu của Đức Chúa Trời trong tâm linh mình nhưng cũng có thể thường xuyên mang lấy tâm trí xác thịt.

Nếu bản chất của Đức Chúa Trời, là tình yêu, ngự trong tâm linh của chúng ta, thì việc có tâm trí theo Thánh Linh cũng có nghĩa là có một tâm trí đầy tình yêu thương. Bất kỳ ý nghĩ nào không có tình yêu thương của Đức Chúa Trời đều không đến từ Đức Chúa Trời. Nếu những suy nghĩ của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi Thánh Linh, thì nó sẽ luôn đi đôi với tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

1 Cô-rinh-tô 13:4-8 – “Tình yêu hay nhẫn nhục, tình yêu hay nhân từ, tình yêu không ganh tị, không khoe khoang, không tự cao, không cư xử trái lẽ, không tìm tư lợi, không nhạy giận, không ghim gút, không vui về việc bất chính, nhưng vui về sự chân thật. Tình yêu dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả…” 

Nếu chúng ta có tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong mình, chúng ta sẽ không có những ý nghĩ xấu xa đối với người khác. Chúng ta sẽ không nuôi dưỡng những ý nghĩ ghen ghét, đố kỵ, không tha thứ, hay căm phẫn, v.v. và v.v. Vì tình yêu không nghĩ xấu. Tình yêu sẽ không cho phép ý nghĩ xấu xa đó tồn tại trong tấm lòng và tâm trí bạn. Chúng ta sẽ luôn nghĩ tốt về người khác.

Tuôn đổ hay đầy tràn

Hãy tưởng tượng ở đây có một cái chai chứa ít nước. Chiếc chai tượng trưng cho chúng ta như một cái bình của Chúa và nước bên trong chiếc chai này tượng trưng cho tình yêu của Chúa. Khi chúng ta có rất ít tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong mình, chúng ta phải rất cẩn thận và dè dặt khi tuôn đổ tình yêu đó ra từ bên trong chúng ta khi chúng ta phục vụ người khác, vì chúng ta chỉ có thể cho đi những gì mình có. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên được đầy dẫy tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong tâm linh và linh hồn mình như nước tràn tới miệng chai, thì tình yêu thương ấy sẽ chảy tràn một cách chân thật và tự nhiên từ chúng ta sang người khác.

Giăng 6:63 – “Thần Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời Ta nói với các ngươi là thần linh và là sự sống.” 

Chúng ta luôn truyền đạt một điều gì đó khi chúng ta tiếp xúc với người khác. Chúa Giê-xu nói rằng Ngài truyền cho thần khí và sự sống. Thế chúng ta truyền đạt những gì? Điều gì chảy ra từ chúng ta khi chúng ta phục vụ người khác? Nếu thay vì yêu thương, chúng ta có sự không tha thứ, cay đắng, giận dữ, hoặc hận thù, chúng tràn ra khỏi chúng ta; và chúng ta truyền đi sự chết.

Ma-thi-ơ 12:34 – “Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.” 

Châm-ngôn 4:23 – “Hãy hết sức cẩn thận giữ gìn tấm lòng của con, vì các nguồn sự sống đều từ đó mà ra.” 

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong tâm linh chúng ta phải ảnh hưởng đến tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải xóa bỏ bất kỳ kinh nghiệm đau đớn hoặc cay đắng nào. Nếu chúng ta có một mối quan hệ sai trái với một người, nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Những gì trong tâm linh của chúng ta cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn của chúng ta và chúng ta không thể chia nhỏ đời sống tâm hồn của mình.

Nếu chúng ta muốn truyền ra sự sống và một tinh thần lành mạnh cho người khác, chúng ta cần quan sát sức khỏe tâm hồn của mình và học cách trau dồi một đời sống với những suy nghĩ yêu thương. Vì lý do đó, Phao-lô khuyến khích chúng ta không ngừng suy ngẫm về những suy nghĩ lành mạnh để có thể có một đời sống tâm hồn lành mạnh.

Phi-líp 4:8 – “Sau cùng, thưa anh chị em, những gì chân thật, những gì đáng tôn trọng, những gì công chính, những gì trong sạch, những gì đáng yêu mến, những gì đáng tuyên dương, những gì xuất sắc, và những gì đáng khen ngợi, xin anh chị em hãy nghĩ đến.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like