Home Chuyên Đề Vật Cản Của Truyền Giáo -Thắng Được Nhờ Mất Đi: Điều Quan Trọng Của Việc Từ Bỏ Quyền Lợi Bản Thân

Vật Cản Của Truyền Giáo -Thắng Được Nhờ Mất Đi: Điều Quan Trọng Của Việc Từ Bỏ Quyền Lợi Bản Thân

by Sưu Tầm
30 đọc

Vài năm về trước, tôi cùng người vợ mới cưới chạy xe cả ngày lẫn đêm xuyên nước Mỹ bằng chiếc xe ô tô Volkswagen. Chỉ sau một buổi bình minh nọ, tôi để Darlene cầm lái còn mình thì bò lại ghế sau để nghỉ ngơi. Chúng tôi đương chạy xuyên miền Nam Arizona đến Tucson.

Tôi bừng tỉnh khi chiếc xe lắc lư và bắt đầu lộn vòng. Vài giây sau đó, tôi thấy mình bị ném ra khỏi xe. Bụi vẫn bay mù mịt trong lúc tôi nhìn quanh. Chiếc xe nằm hẳn qua một bên. Mọi thứ chúng tôi có nát tan nơi hoang vắng. Rồi tôi hoảng hốt. Vợ tôi đâu rồi? Tôi tìm thấy cô ấy cách đó vài thước, đầu bị va đập mạnh, mắt trợn ngược, cô ấy thậm chí đã tắt thở.

Tôi ngồi tại đó trong tuyệt vọng, nâng chiếc đầu bị biến dạng của vợ mình lên. Rồi Chúa nói cùng tôi. Ngài hỏi: “Loren, con có sẵn lòng phục vụ Ta chăng?” Tôi suy nghĩ và trả lời: “Vâng thưa Chúa, con chẳng còn gì ngoài Ngài.”

Cho đến lúc đó, tôi đã không nhận ra rằng mình thật sự chẳng còn sở hữu bất cứ thứ gì trên thế gian này. Chúng ta nói về “gia đình mình”, “nhà mình”, “chức vụ của mình”, “xe của mình”, “danh tiếng của mình”, nhưng ta có thể mất tất cả chỉ trong phút chốc. Những điều ấy chỉ được ban cho chúng ta bởi Chúa trong một khoảng thời gian, và được sử dụng để làm vinh hiển Chúa.

Ngay khi tôi nói: “Vâng, thưa Chúa, con sẽ phục vụ Ngài.” Chúa phán cùng tôi lần thứ hai. Ngài bảo tôi hãy cầu nguyện cho Darlene. Tôi vẫn chưa cầu nguyện cho Darlene trước đó vì tưởng rằng cô ấy đã chết. Đương khi cầu nguyện, cô ấy bắt đầu thở và đấu tranh giành lại sự sống. Một người Mê-xi-cô tìm thấy chúng tôi và lại gần giúp đỡ. Một tiếng sau, chúng tôi cùng ngồi trong xe cứu thương, đi một đoạn đường dài đến bệnh viên. Darlene vẫn chưa lấy lại ý thức, nhưng Chúa nói cùng tôi lần thứ ba, rằng vợ tôi sẽ không sao cả.

Darlene hồi phục, và chúng tôi đã vui sống được 22 năm cùng nhau kể từ lúc sự việc xảy ra. Nhưng tôi vẫn không quên lời hứa của mình với Chúa đó là phục vụ Ngài. Từ bỏ quyền lợi về con người và vật chất mà Ngài đã ban cho chính là điều cốt lỗi của một tín hữu Cơ Đốc.

Mỗi cá nhân chúng ta đều có những quyền lợi. Kinh Thánh chép rằng mọi ân tứ toàn hảo và tốt lành là bởi Cha mà có (Giăng 1:17). Chúa cho chúng ta quyền có được một gia đình. Chúa cho ta quyền sở hữu, quyền tự do, quyền lợi với đất nước, và quyền được các ơn phước cơ bản khác. Mọi thứ đó đều tốt lành.

Ấn độ giáo nói rằng thế giới vật chất là tội lỗi, trong khi Phật giáo lại nói rằng chỉ có cách quay lưng khỏi mọi điều trên thế gian này thì người ta mới đạt được ngưỡng thực tế. Nhưng Đức Chúa Trời nhìn xuống trái đất mà Ngài tạo dựng và nói: “Nầy là tốt lành.” Rồi Chúa nhìn xuống chúng ta và mọi quyền lợi Ngài ban cho ta mà nói: “Nầy là tốt lành.”

Vậy thì vì sao Ngài lại yêu cầu chúng ta từ bỏ những quyền lợi đó? Bởi vì Ngài muốn ban cho chúng ta những điều lớn hơn nữa. Đấy là luật định của Nước Chúa; từ bỏ thứ tốt lành để nhận lấy thứ gì đó lớn hơn. Từ bỏ quyền lợi của chính mình và bạn sẽ được nhận lãnh đặc ơn lớn hơn từ Chúa.

Chúa cho chúng ta quyền có vật sở hữu. Chúa nhấn mạnh quyền được có tài sản cá nhân trong Mười Điều Răn. Chúa muốn ta mở lòng bàn tay mình ra hơn là nắm chặt lấy những gì ta sở hữu. Ngài nói rằng chúng ta không thể vừa làm tôi mọi cho tiền bạc lại vừa làm tôi tớ cho Ngài cùng một lúc được. Ngài cho chúng ta quyền được sở hữu và rồi yêu cầu chúng ta sẵn lòng trả lại những gì Ngài đã ban cho. Khi chúng ta từ bỏ quyền sử dụng tiền bạc theo ý muốn của mình, và có thể nói được với Chúa: “Hãy cho con biết điều Chúa muốn. Mọi điều con có đều là của Ngài. Chúa muốn con đưa lại thứ gì cho Ngài?”, rồi chúng ta sẽ coi Chúa như Đấng cung ứng cho mình. Sau đó ta sẽ mang lấy lòng phấn khích nhìn xem Chúa thực hiện những điều kì diệu đáp ứng cho nhu cầu của chúng ta.

Chúng ta đã được ban cho những quyền khác nữa. Chúng ta được cha mẹ sinh ra, nuôi lớn trong một khu dân cư và được dấy lên một số niềm tin cơ bản. Mẹ của ta nấu đồ ăn theo cách nhất định, và những món ăn đó hẳn vẫn là món mà chúng ta ưa thích đến tận bây giờ. Cho dù bạn có là người Mỹ, người Philippines, hay người Thụy Điển, dù bạn có lớn lên tại Seattle hay Thượng Hải, thì những thứ ở trên vẫn góp phần khiến bạn trở thành chính bạn của ngày hôm nay. Khi ta cần gì đó để mặc, ta mua những thứ mình thích, rất có thể bởi bị ảnh hưởng từ phong cách của người chúng ta ngưỡng mộ. Đó có thể là một bộ đồ mà ta thấy mọi người ở trường vẫn mặc, hoặc nếu ta sống tại một ngôi làng ở Malaysia, thì xà-rông nhuộm tay là một bộ đồ nhất định. Dù là gì đi nữa, nếu chúng ta vui vẻ hơn và cảm thấy bản thân ở trạng thái tốt nhất khi được mặc một cách nhất định, ăn các món nhất định, sống một cách nhất định trong một ngôi nhà và nuôi dạy con cái mình để thực hiện một số thứ quan trọng với chúng ta.

Ngay cả việc đi nhà thờ nào cũng hướng tới hoàn cảnh, lựa chọn của chúng ta, chúng ta thích gì hoặc không thích điều gì và cả trải nghiệm của bản thân. Ta có thể thích một tòa nhà đơn giản để thờ phượng, với cách hát, cách giảng vui vẻ, gần gũi. Ta có thể thích nơi có cửa sổ thủy tinh nhiều sắc màu và đàn organ ống cao vút. Đó đều là một phần của di sản, văn hóa, giáo phái, gia đình chúng ta và sự nuôi dưỡng mà ta nhận được.

Hơn nữa, chúng ta được quyền trở thành một người Mỹ (hay người Úc, người Brazil, hay người Nga). Ta có quyền yêu thích văn hóa và đất nước mình. Ta có quyền thuộc về một Hội Thánh nhất định và các nhóm khác mà ta tin rằng là quan trọng. Chúng ta có quyền sống, quyền ăn, và quyền nói.

Nhưng nếu mọi người sử dụng quyền hạn của mình mà loại trừ kế hoạch của Chúa cho mình, tỷ lệ các biến cố lớn sẽ xảy ra. Hàng triệu người sống trong cuộc đời tội lỗi và tuyệt vọng sẽ chết để đón chịu sự phán xét tội lỗi của mình đời đời nơi hỏa ngục. Có hơn 2,5 tỷ người vẫn chưa được nghe đến Phúc Âm. Hơn 8,000 dân tộc chưa được vươn tới đang chờ chứng nhân Cơ Đốc đến.

Tất cả những gì chúng ta cần phải làm để đóng lại định mệnh của hàng triệu con người này chính là ngồi một chỗ, thực hiện quyền hạn của mình, trong không gian thoải mái, ăn thứ ta ưa, đi tới nhà thờ ta thích, mặc những đồ hợp với mình, ngồi lại với bạn bè để nói về những thứ chúng ta thích nói và đóng chặt đôi tai trước lời kêu gọi của Chúa: “Ta sẽ sai người nào đi đây? Và ai sẽ đi cho chúng ta?”

Chúa Giê-xu đã cho ta một ví dụ tối thượng về việc từ bỏ hết thảy mọi thứ (mọi “quyền lợi” của Ngài) vì một mục đích cao cả hơn. Phi-líp 2: 6-7 chép: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.”

Ngài từ bỏ quyền ở bên cạnh Cha.

Ngài từ bỏ quyền có một mái ấm, phán rằng chim trời có ổ, con cáo có hang, song Ngài không có chỗ mà gối đầu.

Ngài từ bỏ quyền về tiền bạc. Một lần, Ngài đã phải mượn một đồng tiền từ một người làm ví dụ minh họa cho bài giảng.

Ngài từ bỏ quyền kết hôn, và quyền quyết định danh tiếng của Ngài. Theo những gì người ta quan ngại, Ngài là đứa trẻ ngoài luật pháp, lớn lên tại một thị trấn bị rủa sả, sự sỉ nhục tận cùng đến danh tiếng của Ngài chính là khi Ngài, Con của Đức Chúa Trời, bị gọi là quỉ bởi các chuyên gia tôn giáo lúc bấy giờ. Nhưng Chúa Giê-xu lại đi được xa hơn thế.

Ngài từ bỏ quyền trên chính mạng sống của mình, vâng phục cho đến chết trên cây thập tự. Vì mục đích gì? Để được Đức Chúa Trời khen ngợi, ban cho Ngài một cái danh cao hơn hết thảy mọi danh khác, mà khi hết thảy nghe tới danh Ngài đều quỳ gối xuống. Nhưng còn một lý do khác: Chúa Giê-xu chỉ cho ta cách sống. Ngài chỉ ta cách thắng ma quỉ, là công việc cao cả được ban cho chúng ta – giành lại thế gian từ Satan và thắng lấy nó cho Chúa. Chúa Giê-xu dạy chúng ta rằng ta chỉ thắng bằng cách mất đi; cách duy nhất để chinh phục chính là vâng lời.

Chúa Giê-xu muốn chúng ta theo Ngài, từ bỏ bản thân và giành lấy thế giới. Chỉ khi ta áp dụng các thí dụ của Chúa Giê-xu vào mọi phần của đời sống mình thì ta mới chiến thắng được trong cuộc sống.

Ngài nói cho chúng ta trong Mác 8:3435: “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu.”

Lựa chọn thuộc về chúng ta. Chúng ta có thể giữ khư khư quyền lợi của mình, mong đợi được nhận lấy “ơn phước của mình” (trong khi những người khác đang dần đối mặt với địa ngục) và bỏ lỡ những mục đích lớn hơn mà Chúa dành cho chúng ta. Hoặc ta có thể sẵn lòng trả lại cho Chúa để có được đặc quyền lớn nhất – giành lại thế giới này cho Nước Đức Chúa Trời.

Bài viết được trích từ sách của Loren Cunningham, Daring to Live on the Edge.

Dịch: H.U

Nguồn: The Travelling Team

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like