Home Chuyên Đề Y-sơ-ra-ên Trong Kinh Thánh: Cổng Đa-mách

Y-sơ-ra-ên Trong Kinh Thánh: Cổng Đa-mách

by Cbn.com
30 đọc

Du khách đến Thành-cổ Giê-ru-sa-lem ngày nay có thể vào thành qua bảy cổng nằm rải rác xung quanh các mặt phía đông, nam, tây và bắc. Những cánh cổng này, giống như những bức tường của Thành-phố Cổ, có từ thời Ottoman (thế kỷ 16-20).

Dọc theo bức tường phía bắc của Thành là ba cổng, từ tây sang đông, Cổng Mới, Cổng Đa-mách và Cổng Hoa (hay Cổng của Hê-rốt). Cổng Đa-mách hiện tại có từ thời Ottoman đứng trên tàn tích của cổng ba vòm có niên đại từ thời La Mã, là một phần của Aelia Capitolina là tên được đặt cho Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ 2 SCN bởi Hoàng-đế La Mã Hadrian. Vòm trung tâm là vòm lớn nhất, còn hai vòm bên thì thấp hơn.

Những cánh cổng được đặt tên theo những gì nằm bên ngoài chúng; do đó, Cổng Đa-mách có tên như vậy vì con đường phía bắc dẫn ra khỏi thành hướng tới Đa-mách. Trong tiếng Do Thái, cổng này được gọi là Cổng Shechem (hay Si-chem) vì con đường dẫn đến Si-chem (Nabulus ngày nay) ra từ đó.

Sau khi người La Mã phá hủy Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SCN, diện mạo của thành phố đã thay đổi do những thiệt hại gây ra bởi quân đội La Mã ở một số khu vực, đặc biệt là khu vực phía nam của thành phố. Điều này khiến thành phố dịch chuyển về phía bắc và phía tây vào cuối thời kỳ La Mã. Từ thế kỷ thứ 2 SCN, Giê-ru-sa-lem bắt đầu trông giống như một thành phố La Mã, và Thành-cổ Giê-ru-sa-lem ít nhiều cũng như vậy cho đến ngày nay.

Hoàng-đế La Mã Hadrian đổi tên Giê-ru-sa-lem thành Aelia Captilina và tỉnh Giu-đê, ông đổi thành Palestina. Là một phần của quá trình xây dựng lại Giê-ru-sa-lem (Aelia Capitolina), cổng ba vòm, nơi mà ngày nay là Cổng Đa-mách, đã được xây dựng.

Cổng ba vòm này đánh dấu giới hạn phía bắc của thành phố. Cổng ba vòm ban đầu đứng độc lập, nhưng vào cuối thế kỷ thứ 3, nó được kết nối với bức tường của thành phố. Bước qua cổng vòm, người ta bắt gặp một quảng trường lát đá (tương tự như những gì du khách có thể thấy được ở Cổng Đa-mách ngày nay), trong đó hai con đường chính bắc-nam của Giê-ru-sa-lem gặp nhau. Cây cột trụ đứng ở quảng trường này, có lẽ đã từng có một bức tượng của hoàng đế trên đó.

Một bản đồ của Xứ Thánh được khảm trên sàn của một nhà thờ ở Maedaba, Jordan có từ thế kỷ thứ 6 SCN chỉ mô tả cây cột, không có tượng, đứng ở quảng trường trước Cổng Đa-mách. Cho đến ngày nay trong tiếng Ả Rập, người ta gọi Cổng Đa-mách là Bab al-‘Amud, Cổng của Cột, nơi lưu giữ ký ức về cây cột trụ đứng ở quảng trường.

Cổng ba vòm có từ cuối thời kỳ La Mã được xây dựng trên một đoạn tường có từ thế kỷ thứ nhất.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: cbnisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like