“Thế hệ chúng tôi là một thế hệ lạ lùng. Đứa trẻ nào cũng thấy mình cô độc. Đứa trẻ nào cũng thấy mình bất hạnh và thiếu thốn tình yêu hơn người khác. Đứa trẻ nào cũng bất mãn với thứ gia đình ban cho. Đứa trẻ nào cũng loay hoay không biết làm thế nào cho đỡ khổ. Đứa trẻ nào cũng tin tưởng vào những người dưng chưa bao giờ thấy mặt hơn là những khuôn mặt thân quen bên cạnh mình…
Rồi chúng tôi cũng không biết đi lối nào cho qua cái tuổi dở người thích thể hiện bản thân, không biết cách gục ngã thế nào chỉ để nghỉ ngơi mà không đau đớn, không biết phương hướng tương lai ở đâu ngay cả khi đã thi xong đại học. Những niềm tự hào cũ rích phủ lên thế hệ mình một đám rong rêu vô giá trị, đi lối nào cũng không thể thoát thân…” – một đoạn trong tập truyện “Thức Dậy Trên Mái Nhà” của tác giả Lê Ngọc Mẫn.
Dường như đoạn truyện ngắn trên tái hiện lại một lớp những con người, một lớp những thế hệ và một lớp những đứa trẻ không biết mình là ai, mình sinh ra để làm gì. Những lớp con người ấy cứ đi theo một lối mòn vô định trong khoảng thời gian bất tận của tuổi trẻ để rồi nhận ra mình là “một đám rong rêu vô giá trị”.
Họ – những đứa trẻ cô đọc và lúc nào cũng thiếu thốn tình yêu thương. Họ có lẽ là những người kém may mắn hơn tôi, hơn chúng ta – những người không đơn độc, không thiếu thốn tình yêu thương bởi được nhận điều đó từ Thiên Chúa.
Tôi nghĩ rằng, cho đến khi nào họ nhận thức được Chúa, họ tin vào Chúa, họ sống vì Chúa thì cái viễn cảnh trên sẽ không còn, đến lúc đó họ sẽ vui mừng nhảy múa và ca ngợi Đấng đã cứu họ ra khỏi gông cùm của sự bất hạnh không biết mình là ai, sinh ra để làm gì, sự cay đắng và cô đơn trong cuộc sống đơn độc, thiếu vắng tình thương, sự thờ ơ và vô cảm với những người thân trong gia đình…
Đọc những dòng trên, tôi thấy mình may mắn vì có niềm tin nơi Chúa. Tôi biết mình là ai, sinh ra để làm gì và sống với sự mệnh Chúa đặt để trên cuộc đời mình thế nào. Vừa qua, tôi có dịp tham dự một kỳ trại dành cho sinh viên tại Đà lạt, kỳ trại với chủ đề “Lời mời gọi” ấy giúp tôi xác quyết một lần nữa niềm tin của mình và cam kết sống với niềm tin đó.
Cuộc đời tôi là những chuỗi ngày thất bại trong niềm tin khi miệt mài sống với những cám dỗ của cuộc sống. Đôi khi tôi đánh mất mình trong mối quan hệ quý báu với Chúa. Và rồi chính điều ấy làm tôi loay hoay không biết phải làm gì đến nỗi tự mình cách biệt với Chúa, vì nghĩ rằng Chúa thánh khiết không nên tiếp xúc với con người tội lỗi của mình trong những lời cầu nguyện. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng, Chúa yêu thương tôi và Ngài chỉ ghét tội lỗi, tôi nhận ra mình trong câu chuyện Chúa Giê-xu đã chủ động tìm và gặp ông Xa-chê khi ông còn đang trốn tránh Chúa bằng việc leo lên cây sung (vì nghĩ rằng lá cây sung to có thể che được mình). Nhân vật Xa-chê được Chúa sử dụng trong kinh thánh nhắc tôi rất nhiều. Thời đó, sự giàu có, tiền tài, địa vị của ông Xa-chê là niềm mơ ước của nhiều người nhưng điều đó không giúp ông có được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Vì thế, với ước muốn tìm đến Chúa, ông đã bỏ qua tất cả để thực hiện điều đó. Đôi khi tôi cũng thường không dám nêu ra những sai phạm mình vì sợ ánh nhìn không tốt của người khác về mình, đôi khi tôi không dám từ bỏ những sở thích thiếu tiết độ để đến với lời Chúa. Chính những điều đó cũng làm tôi đánh mất cơ hội tìm kiếm Chúa bởi vì tôi xem trọng người khác, thứ khác hơn xem trọng Chúa. Tôi nhận ra thực trạng của mình, tôi nhận thấy cách Chúa chủ động đến với Xa-chê, đến với tôi để giúp tôi trong vấn đề mà tôi đang đối diện.
Câu chuyện hai môn đồ trong hành trình đi đến làng Em-ma-út. Họ cũng là những người yêu Chúa nhưng tình yêu của họ không được hướng dẫn bởi lẽ thật mà được hướng dẫn bởi cảm xúc. Vì thế họ bàn tán với nhau về những việc vừa mới xảy ra và cũng không nhận ra Chúa đang khi Chúa cùng đi với họ cho đến khi Chúa bày tỏ mình với họ và dùng lời Chúa để giảng cho họ nghe. Tôi thấy được đụng chạm nhiều vì “Ngài nói cùng họ và giải nghĩa kinh thánh cho họ nghe”, Ngài cũng chủ động đến với họ khi họ còn đang lằm bằm và chưa tin. Điều đó giúp họ tin nhận Chúa thật sự so với việc trước kia bà Ma-ri báo tin Chúa sống lại cho họ thì họ vẫn chưa nhận biết Chúa. Chỉ có Chúa đến với họ thì sự nhận biết Chúa cũng như là kinh nghiệm Chúa mới đến trên họ. Tôi dường như được thức tỉnh vì bấy lâu nay tôi thờ ơ và không chăm chỉ đọc lời Chúa, tôi xem trại hè là cớ để nhận biết Chúa nhưng thật ra đó chỉ là phương tiện, điều quan trọng là tôi phải đến với Chúa, đến với lời Chúa để được biến đổi. Khi đó, tôi nhận thấy mình được Chúa nhắc nhở nhiều và cảm động trước lòng thương xót của Chúa. Đó là một trong những bài học tôi được học trong kỳ trại và thấy được sự đụng chạm của Chúa qua những bài học đó.
Trước kia, tôi sống trong niềm mơ ước có được nhiều tiền, sự thăng quan tiến chức trong cuộc sống, sống mà không biết tôi là ai, đến từ đâu và sống với mục đích gì giống như viễn cảnh mà tác giả Lê Ngọc Mẫn đã lột tả qua đoạn truyện ngắn trên. Trước kia, mặc dù có niềm tin nơi Chúa nhưng tôi chưa tìm đến lời Chúa một cách thật lòng để được biến đổi. Trước kia, tôi cũng sống thờ ơ với thực trạng cuộc đời mình, những vấn đề cần đến Chúa để giải quyết, những tội lỗi cần phải được xưng ra nhưng tôi vẫn sống là tôi với những ngày bình thường trôi qua một cách tẻ nhạt. Đến với những ngày của kỳ trại, tôi được gần Chúa, được lắng nghe Ngài qua những lời của Chúa được chép trong kinh thánh. Tôi có cơ hội nhìn lại mình và đối diện với Chúa để ăn năn những sai phạm, trở lại mối liên hệ với Chúa. Đó là điều hạnh phúc nhất trong những ngày trước đây của tôi.
Tôi nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên mà tôi có được đặc ân lớn lao được biết Chúa, được kinh nghiệm Chúa bằng lời của Chúa qua những kỳ trại. Tôi biết ơn Chúa càng hơn bởi sự thương xót của Chúa trên cuộc đời của tôi. Bởi thế, tôi quyết tâm sống chứng nhân cho Chúa vì tôi biết giá trị của cuộc đời mình đặt trong tay Chúa.
Trong kỳ trại, nhiều giọt nước mắt đổ ra, nhiều tấm lòng ăn năn trong sự kêu cầu Chúa. Và chắc hẳn khi xuống núi, họ cũng có quyết tâm sống chứng nhân một cách mạnh mẽ như tôi vì họ thật sự được Chúa nhắc nhở và đụng chạm bởi lời Chúa.