Home Chuyên Đề 5 Thói Quen Để Nuôi Dưỡng Tình Yêu Với Chúa

5 Thói Quen Để Nuôi Dưỡng Tình Yêu Với Chúa

by Richard Huỳnh
30 đọc

Yêu mến Chúa là điều răn quan trọng hơn hết theo Kinh Thánh (Ma-thi-ơ 22:37-38). Nó quan trọng đến độ hội thánh Ê-phê-sô dù làm việc khó nhọc, kiên trì, chịu đựng vì danh Chúa, thuần khiết trong đức tin, nhưng vì đánh mất lòng kính mến ban đầu mà bị Chúa khiển trách, dặn phải chiến thắng mới được ăn trái cây sự sống ở thiên đàng (Khải Huyền 2:2-7). Đó là vì dẫu làm việc lớn, hy sinh nhiều mà không có tình yêu thương thì cũng là vô ích (1 Cô-rinh-tô 13:1-3). Do đó, nuôi dưỡng tình yêu với Chúa là việc quan trọng nhất. Sau đây là 5 thói quen giúp ta gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu với Chúa:

1. Giữ sự tương giao với Chúa

“Trong những ngày đó, Đức Chúa Jêsus đi lên núi để cầu nguyện; Ngài thức thâu đêm cầu nguyện với Đức Chúa Trời.”Lu-ca 6:12

Lý do chính khiến ta đánh mất tình yêu thương là do mất đi sự tương giao. Trước những khó nhọc bộn bề của cuộc sống, ta dễ mải lo làm việc mà quên dành thời gian cho người mình yêu. Với người thân trong gia đình ta còn vậy, với Chúa là đấng vô hình ta lại càng dễ bỏ bê hơn. Mất đi sự tương giao rồi, cả hai sẽ ra như người xa lạ, mọi việc làm cho nhau chỉ còn là gánh nặng trách nhiệm danh nghĩa bề ngoài.

Dẫu Chúa Giê-xu có công tác trên đất rất bận rộn, đoàn dân đi theo rất đông, Ngài vẫn dành thời gian rút lui khỏi mọi người để cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Và Chúa cầu nguyện thâu đêm, cả khi các môn đồ ngủ quên vì mệt mỏi (Lu-ca 22:46). Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-xu đặt việc tương giao với Đức Chúa Trời quan trọng hơn công tác mục vụ và cả nhu cầu thể xác của mình. Nó là điều quan trọng nhất, cũng như việc yêu mến Chúa là quan trọng nhất.

Mà cầu nguyện tương giao không phải là cầu xin. Con người hay nghĩ cầu nguyện là nói ra một danh sách những điều cầu xin. Đó là cầu nguyện dâng nan đề, không phải cầu nguyện tương giao. Chẳng ai tương giao với người khác như vậy, và với Chúa cũng thế. Hãy học sách Thi Thiên xem Đa-vít cầu nguyện tương giao với Chúa thế nào. Hãy trải lòng mình với Chúa, nói những lời suy ngẫm, tâm sự, kêu cầu… như với cha mình, hay với một người bạn thân.

Câu chuyện của thánh Patrick [1] cho ta minh họa cụ thể về cầu nguyện tương giao. Patrick là một cậu bé con chấp sự, cháu linh mục ở Anh. Hẳn cậu cũng được nghe nhiều về Chúa, đi lễ đều đặn, là một cậu bé Cơ Đốc ngoan, nhưng lại không có sự tương giao với Ngài. Rồi cậu bị bắt cóc bán sang Ireland làm nô lệ chăn cừu. Ở nơi xứ lạ quê người, không biết tiếng, cả ngày lang thang với bầy cừu ngoài đồng vắng, Patrick thèm khát có một người để chia sẻ, tâm sự. Cậu nghĩ đến Chúa, và cứ trút đổ lòng mình với Ngài như một người bạn vô hình ở bên (đỡ hơn nói chuyện với mấy con cừu). Trong quyển “Lời Tự Thú” (Confession) của mình, ông nói “tôi cầu nguyện hàng trăm lần mỗi ngày, và tối cũng nhiều như thế”. Sau vài năm cầu nguyện tương giao như vậy, ông được Chúa dẫn đường về nhà, học thần học, rồi quay lại Ireland nơi mình từng là nô lệ làm một nhà truyền giáo. Và ông đã làm lễ báp tem cho hơn 100,000 người, lập hơn 300 nhà thờ, và biến Ireland từ một hòn đảo còn chế độ nô lệ thành một hòn đảo thánh, nơi gửi các nhà truyền giáo đi khắp nơi. Việc cầu nguyện tương giao với Chúa đã biến một cậu bé Cơ Đốc ngoan nhưng không biết Chúa thành một vị thánh đầy bông trái tốt lành cho Chúa.

Mà làm sao thánh Patrick có thể cầu nguyện hàng trăm lần mỗi ngày? Tất nhiên ông không thể nhắm mắt cúi đầu giơ tay cầu nguyện như ta hay thấy. Ông chỉ cầu nguyện trong Thánh Linh, nghĩa là nói thầm trong lòng với Chúa, giữa đời sống và công việc. Và Chúa, người biết những ý nghĩ của lòng, sẽ nghe. Vậy nên ta hãy tập sự nói thầm trong lòng với Chúa, mọi lúc, mọi nơi, về mọi tâm sự của mình. Thói quen này sẽ giúp ta luôn giữ sự tương giao với Chúa, cả khi phải đối mặt với những áp lực bận rộn của cuộc sống.

2. Suy ngẫm về các phước lành Chúa ban

“Hỡi linh hồn ta, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va, Chớ quên các ân huệ của Ngài.” (Thi Thiên 103:2)

Con cái hay xem những điều cha mẹ làm cho chúng là chuyện tự nhiên, không mảy may nghĩ đến hay biết ơn gì. Và con người, thậm chí nhiều Cơ Đốc nhân, đối với Chúa cũng thế. Họ không nghĩ đến những ân huệ Chúa đã ban cho mình, nên không thấy mến yêu Ngài. Họ còn nghĩ Ngài không tồn tại và mọi thứ tự nhiên có nữa kìa! Chúng ta thường chỉ biết một thứ giá trị như thế nào khi chúng mất đi và mình không được hưởng nữa. Hãy ngẫm về những điều Chúa đã ban cho ta như:

+ Chúa cho ta một thế giới tươi đẹp đầy cây hoa chim thú (Sáng Thế Ký 1). Tất nhiên là thế giới này có nhiều vấn đề vì những hư nát do tội lỗi loài người (Sáng Thế Ký 3, Rô-ma 8:22-23), nhưng nó vẫn tốt hơn nhiều so với mặt trăng, sao hỏa, sao kim kề bên. Sao kim là chị em song sinh ở sát trái đất mà nó như hỏa ngục [2]. Thỉnh thoảng báo nói tìm thấy hành tinh ở đâu đó giống trái đất, họ lên đó đi thì sẽ biết. Sự sống mong manh lắm, nhiều người cảnh báo chỉ cần trái đất nóng lên vài độ là sống hết nổi rồi.

+ Chúa cho ta một cơ thể được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng (Thi Thiên 139:14). Mỗi tế bào như một robot nhỏ bằng đầu kim có thể tự lắp ráp chính mình, điều đến nay chưa robot nào làm được. Và cơ thể con người gồm hàng tỷ robot như vậy, được chuyên môn hóa và phối hợp với nhau nhịp nhàng chính xác để duy trì sự sống. Mắt người như một camera 120MP, siêu nhạy sáng, góc nhìn cực rộng, lấy nét cực nhanh, với khả năng xử lý ảnh siêu việt không camera hiện đại nào sánh bằng [3]. Não người có hơn 86 tỷ nơ-ron với tốc độ xử lý 1-200 Hz, tương đương 1433 máy tính 3GHz lõi tứ [4]. Con người hay thấy cái gì phổ biến là tầm thường. Chỉ khi hiểu rõ mới biết nó đáng sợ lạ lùng thế nào, bao nhiêu tiền cũng không tạo dựng được.

+ Chúa nghe lời kêu cầu và giúp đỡ ta trong những lúc khó khăn, an ủi ta lúc đau thương (Thi Thiên 50:15, Thi Thiên 34:18).

+ Chúa cho ta sự cứu chuộc nhờ sự hy sinh đau đớn của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Nhờ vậy ta không phải chịu trừng phạt nơi địa ngục chung với Satan và các thiên sứ nổi loạn [5] mà được hưởng những phước hạnh nơi thiên đàng với Chúa [6].

3. Cầu nguyện dâng lên Chúa những lo lắng nhu cầu của mình

“Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-lip 4:6)

“Hãy kêu cầu Ta trong ngày gian truân, ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ tôn vinh Ta.” (Thi Thiên 50:15)

Đây là lý do chính khiến nhiều người thực sự tin nhận Chúa và trung tín với Ngài: họ được trải nghiệm sự giúp đỡ của Ngài lúc khó khăn và thấy đời sống mình biến đổi trong Ngài. Đây là điều nhiều người làm chứng chia sẻ. Nổi tiếng trong lịch sử có chuyện cải đạo tin Chúa của hoàng đế La Mã Constantine khi Chúa giúp ông chiến thắng đạo binh đông gấp đôi mình [7], và của Clovis vua người Pháp khi Chúa giúp ông thắng một trận chiến tuyệt vọng sắp thua [8]. Vậy hãy nương cậy Chúa, cầu nguyện dâng lên Chúa những lo lắng nhu cầu của mình, và cảm ơn sự chu cấp giúp đỡ của Ngài (Đây là lời cầu nguyện cầu xin mà ta hay thấy). Khi trải nghiệm sự cứu giúp của Chúa và được bình an nhờ nương cậy Ngài, ta sẽ yêu mến biết ơn Ngài hơn.

4. Học biết thêm về Chúa

“Lạy Đức Giê-hô-va, công việc Ngài vĩ đại biết bao! Tư tưởng Ngài rất sâu sắc!” (Thi Thiên 92:5)

Càng biết về Chúa, ta sẽ càng thấy Ngài vĩ đại và sâu sắc, và sẽ càng yêu Ngài hơn. Vậy nên ta hãy dành thời gian học biết thêm về Chúa, qua Kinh Thánh Lời Ngài, qua các công việc Ngài làm trong đời sống và trong cuộc đời Cơ Đốc nhân mọi nơi để thấy yêu mến Ngài hơn.

5. Làm theo lời Ngài

“Nếu các con yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ các điều răn Ta.” (Giăng 14:15)

“Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng con, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong đó. Vì như thế, con mới được thịnh vượng trong con đường mình và mới thành công.” (Giô-suê 1:8)

Vâng giữ lời Chúa là cách ta thể hiện lòng yêu mến Ngài, và là cách để ta được thịnh vượng trong đời sống mình. Lời Chúa cho ta sự khôn ngoan từ thiên thượng, giúp ta thanh sạch, hiếu hòa, và có nhiều bông trái tốt lành (Gia-cơ 3:17). Trải nghiệm những phước lành khi vâng giữ Lời Chúa sẽ giúp ta yêu mến với Ngài hơn, và có thêm động lực để tiếp tục trung tín với Ngài.

Tổng Kết

Yêu mến Chúa là điều răn quan trọng hơn hết. Dẫu ta có làm nhiều việc lớn mà đánh mất lòng yêu mến Chúa thì Ngài cũng không đẹp lòng. Vậy nên ta phải luôn gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu với Chúa. Dẫu đời sống có bận rộn áp lực thế nào, mỗi ngày ta hãy dành thời gian (1) tương giao với Chúa, (2) suy ngẫm các ơn phước Ngài ban, (3) cầu nguyện dâng trình các nhu cầu lo lắng của mình, (4) học biết thêm về Chúa, và (5) vâng giữ Lời Ngài. Làm vậy, ta sẽ luôn có mối quan hệ gần gũi với Chúa, hiểu Ngài hơn, và trải nghiệm sự bình an, tình yêu thương, cùng đủ các phước lành trong Ngài. Chúng sẽ là động lực mạnh mẽ, đúng đắn, đẹp lòng Chúa giúp ta trung tín trong đời sống phụng sự.

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài Tham Khảo

1. Cầu nguyện là gì qua cuộc đời thánh Patrick
https://bachkhoa.name.vn/2021/03/07/cau-nguyen-la-gi-qua-cuoc-doi-thanh-patrick/

2. Mô tả về sao kim
https://vi.wikipedia.org/wiki/Sao_Kim

3. Mắt người hay camera, cái nào tốt hơn?
https://davidmolnar.com/which-is-better-human-eye-or-camera/

4. Nơ-ron thần kinh
https://en.wikipedia.org/wiki/Neuron

5. Địa Ngục Đáng Sợ Như Thế Nào Theo Kinh Thánh?
https://bachkhoa.name.vn/2023/05/05/dia-nguc-dang-so-nhu-the-nao-theo-kinh-thanh/

6. 5 Phước Hạnh Nơi Thiên Đàng Theo Kinh Thánh
https://bachkhoa.name.vn/2024/02/13/5-phuoc-hanh-noi-thien-dang-theo-kinh-thanh/

7. Battle of the Milvian Bridge

https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_the_Milvian_Bridge

8. Battle of Tolbiac

https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Tolbiac

Bình Luận:

You may also like