Home Chuyên Đề Cầu Nguyện Như Đa-ni-ên Cho Đất Nước Mình

Cầu Nguyện Như Đa-ni-ên Cho Đất Nước Mình

by Sưu Tầm
30 đọc

Đó là năm đầu tiên vua Đa-ri-út lên ngôi, và thời kỳ 70 năm lưu đày của dân Israel sắp mãn. Đa-ni-ên đã đọc Kinh Thánh, và hiểu được vấn đề…

Tôi, Đa-ni-ên, qua nghiên cứu Kinh Thánh, biết được số năm phải trải qua trước khi mãn thời kỳ điêu tàn của Giê-ru-sa-lem, mà lời Đức Giê-hô-va đã phán với nhà tiên tri Giê-rê-mi, là bảy mươi năm. Tôi hướng mặt về Chúa là Đức Chúa Trời mà tìm kiếm, khấn nguyện, nài xin với sự kiêng ăn, quấn vải sô và rắc tro lên đầu(Đa-ni-ên 9:2-3).

Đa-ni-ên biết rằng lời tiên tri sẽ sớm ứng nghiệm, nên ông cầu nguyện bằng tất cả sức lực. Nhưng nếu ông biết Chúa chắc chắn hoàn thành lời hứa, tại sao ông phải khẩn nguyện?

Chúng ta học được điều gì?

1. Đọc và tìm hiểu Kinh Thánh để biết được ý định, kế hoạch của Chúa

Đa-ni-ên biết những lời tiên tri trong Kinh Thánh chắc chắn xảy đến trong tương lai. Ông đọc qua sách Giê-rê-mi và nhận biết điều sắp xảy đến. Tiên tri A-mốt nói: “Cũng vậy, Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các Đấng tiên tri” (A-mốt 3:7). Cuộc đời Đa-ni-ên gắn liền với Lời Chúa và tin rằng đó là lẽ thật trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Issac Newton, nhà khoa học nổi tiếng, cũng là một người sống với Kinh Thánh. Ông tin rằng tìm hiểu kế hoạch của Chúa dựa trên lời Ngài đã ban là trách nhiệm của mỗi tín hữu. Ông cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng khi bỏ qua kế hoạch của Chúa, như người Do Thái đã bị xét đoán nghiêm khắc vì không biết về Đấng Mê-si-a khi Ngài đến. Là nhà toán học, Isaac Newton tiếp cận sách Đa-ni-ên với mục đích tìm hiểu ý nghĩa các con số. Ông đã nghiên cứu nhiều năm, và viết quyển “Of ye Day of Judgement & World to Come”. Mặc dù quyển sách được viết trong khoảng thế kỷ 17-18, những suy nghĩ của ông về khung thời gian dân Do Thái trở về Israel (dựa trên lời tiên tri của Đa-ni-ên) khá chính xác. Ông viết nhiều điều về sự phục hồi của Israel dưới sự soi dẫn của các lời tiên tri trong Kinh Thánh, và cả ý nghĩa của điều đó đối với thế giới. Ông hiểu rằng sự tái thiết lập nhà nước Israel vào giữa thế kỷ 20 đã là một phần trong kế hoạch của Chúa, được nói chi tiết trong những lời tiên tri từ lâu.

Các sách Ê-sai, Ê-xê-chi-ên, Xa-cha-ri, Khải-huyền, và dĩ nhiên, Đa-ni-ên chứa đựng nhiều lời tiên tri chưa liên quan đến khu vực Trung Đông và cả thế giới. Chúa Giê-xu cũng nói đến những điều này trong các sách Phúc Âm. Đôi khi chúng ta khá mơ hồ khi nghĩ đến tương lai, nhưng Chúa đặt tất cả thông tin này vào Kinh Thánh với mục đích: Ngài muốn chúng ta biết! Chúa nói cho chúng ta kế hoạch của Ngài, nhưng chúng ta có chú ý điều Ngài nói? Chúng ta có tìm hiểu ý nghĩa những thông tin trong Kinh Thánh? Hãy đọc, học biết Lời Chúa, và bắt đầu cầu nguyện, như Đa-ni-ên đã làm.

2. Không đòi hỏi Chúa theo ý muốn riêng

Chúa quan tâm mọi chi tiết trong đời sống chúng ta. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi chúng ta cũng quan tâm đến vương quốc Đức Chúa Trời. Sẽ vui mừng dường nào khi người cha thấy con mình trở nên một phần trong cơ nghiệp gia đình – biểu hiện của sự tin cậy, tôn trọng, và sự khao khát trong mối quan hệ. Những đứa trẻ có khi không giỏi trong việc giúp đỡ nhưng hình ảnh chúng làm việc bên cạnh người cha thật đẹp biết bao. Đó chính là điều Chúa muốn ở chúng ta: mối quan hệ. Chúa muốn chúng ta khao khát ở bên Ngài, cùng làm việc với Ngài.

Thật vật, Chúa muốn hợp tác cách nghiêm túc với dân sự Ngài. Chúng ta có thể thấy điều này trong Đại Mạng Lệnh: Chúa gia phó kế hoạch vĩ đại, mang Phúc Âm đến mọi nơi trên thế giới cho chúng ta – những môn đồ của Ngài. Điều này cũng đúng với sự cầu nguyện: Chúa muốn chúng ta hợp tác với Ngài qua việc cầu nguyện cho “Nước Cha được đến, ý Cha được nên(Ma-thi-ơ 6:10). Thật tuyệt vời khi Chúa mong chúng ta làm việc bên cạnh Ngài!

Bạn có tán thành, sẵn sàng và cầu nguyện cho những mục đích của Chúa? Hay bạn đang quan tâm đến bản thân hơn vương quốc Ngài?

3. Cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày với lòng biết ơn

Cầu nguyện là cuộc đối thoại 2 chiều với Chúa. Hãy cầu nguyện 3 lần mỗi ngày với lòng biết ơn, cảm tạ Chúa, dâng trình lên Ngài mọi điều như Đa-ni-ên. Mối quan hệ, sự tương giao với Chúa sẽ tăng trưởng khi chúng ta dành thời gian để cầu nguyện. Khi chúng ta trải lòng trước Chúa, trình dâng mọi điều cầu xin, những khao khát, dự tính, Chúa sẽ chia sẻ ý tưởng và những mong muốn của Ngài cho chúng ta. Nếu bạn thật lòng dành thời gian với Chúa, bạn có thể học được cách nhìn mọi việc xung quanh như cách Chúa nhìn.

Chúng ta thường xem Chúa như “người giúp việc”, có nghĩa vụ giúp đỡ chúng ta, hơn là nhớ rằng chính chúng ta cần Ngài. Cầu nguyện làm vững chắc mối quan hệ với Chúa, giúp chúng ta nhận ra lẽ thật: Ngài là Cha, chúng ta là con Ngài. Chúa là Đấng ngự trên trời, chúng ta ở thế gian. Ngài thánh khiết, chúng ta cần sự tha thứ. Chúa là Đấng chu cấp, chúng ta phụ thuộc vào Ngài. Chúng ta yếu đuối, Ngài mạnh mẽ. Ngài là Vua, có mọi thẩm quyền, chỉ duy Ngài có quyền phán xét…

Chúng ta choáng ngợp bởi những điều nhỏ nhặt trong đời sống, và không để tâm đến vận mệnh đất nước, dân tộc. Chúa sẽ giúp bạn có cái nhìn tốt hơn về những điều này khi thường xuyên trò chuyện với Ngài; và Ngài sẽ cho bạn biết điều Chúa muốn bạn làm gì trong kế hoạch: “Nước Cha được đến, ý Cha được nên”.

Lời hứa của Chúa cho dân sự Ngài đã được ứng nghiệm qua lời cầu nguyện của Đa-ni-ên. Sự cầu nguyện của chúng ta cũng có thể góp phần khai phóng những lời hứa của Chúa trên đất ngày nay.

Khi cầu nguyện, chúng ta thật sự đang hợp tác với Cha Thiên Thượng trong công tác Ngài.

Dịch: NCMV

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like