Home Chuyên Đề CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 2: Người Ban Sự Sống (Ê-va)

CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 2: Người Ban Sự Sống (Ê-va)

by Sưu Tầm
30 đọc

Chúng ta sẽ đặt tên con là gì? Nếu là một bé gái, chúng ta có thể đặt tên cho cô bé là Ê-va. Đó là cái tên đầu tiên được đặt cho một người nữ, và tên đó được đặt cho người phụ nữ đầu tiên. Từ Ê-va trong tiếng Do Thái có nghĩa là “sống” hoặc “người ban sự sống.” Chúng ta thấy trong Sáng-thế Ký 3:20 rằng A-đam đã đặt tên cho vợ mình là Ê-va: “A-đam gọi vợ là Ê-va, vì là mẹ của cả loài người.” Bạn sẽ nhớ ra rằng vào buổi sáng tạo, nàng được gọi là “A-đam”: “Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ, và trong ngày đã dựng nên, đặt tên là người [A-đam theo bản dịch King James]” (5:2). Mặc dù Ê-va được tạo ra từ xương sườn của A-đam, nàng vẫn được đặt tên là A-đam vì xương sườn đấy cũng ra từ đất. Tất cả chúng ta, cả nam và nữ, đều ra từ bụi đất và trở về bụi đất khi chết đi. Và vì lẽ đó người nữ được gọi là “bà A-đam,” bởi một ngày nào đó, người cũng sẽ trở về với đất giống như chồng mình.

Điều quan trọng cần lưu ý là người nữ được dựng nên bởi cùng một Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng người nam và nàng cũng được dựng nên theo cùng một ảnh tượng. “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng Ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng-thế 1:26-28). Mặc dù Ê-va được tạo ra sau, nhưng nàng cũng cùng chia sẻ hình ảnh của Đức Chúa Trời với A-đam. Nàng được dựng nên bởi cùng một Đấng Tạo Hóa diệu kỳ. Và nàng cũng dự phần trong việc cai trị đất: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng…hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị…” (câu 28). Ê-va cũng có phần trong cùng một ân phước; do đó, nàng là nữ hoàng của tạo vật cũ cũng như A-đam là vua của tạo vật cũ. Tôi nghĩ chính Matthew Henry là người đã viết rằng nếu Chúa tạo ra người nam là đầu, thì Ngài cũng tạo ra người nữ là mão miện. Và đó là sự mô tả tuyệt vời.

Khi Đức Chúa Trời lần đầu tiên mang cô dâu của A-đam đến với ông trong Vườn, A-đam đã nói, “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có” (2:23). Đức Chúa Trời đã gọi người nữ đầu tiên là “A-đam,” và Ngài ban cho nàng quyền bình đẳng với A-đam trong sự sáng tạo, trong ảnh tượng của Ngài và trong phước lành của Ngài. A-đam gọi nàng là “Người Nữ,” và rồi một ngày kia ông đặt tên cho nàng là “Ê-va.”

Lời tuyên bố đức tin của A-đam

Chúng ta cần xem xét ý nghĩa của tên này. Khi A-đam gọi vợ mình là “Ê-va,” trước hết, đó là lời tuyên bố về đức tin của ông. “A-đam gọi vợ là Ê-va, vì là mẹ của cả loài người” (Sáng-thế 3:20). Ông làm điều này khi nào? Ấy là sau khi Đức Chúa Trời tuyên bố sự phán xét trên con rắn, người nữ, người nam và đất đai.

Sáng-thế Ký 3 là câu chuyện về sự sa ngã của con người. Con rắn cám dỗ Ê-va, rồi nàng cám dỗ A-đam. Bởi tội lỗi của A-đam, sự chết và sự phán xét đã đến trên tất cả tạo vật. Trong A-đam tất cả mọi người đều chết. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, họ cố gắng chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời và che đậy tội lỗi của mình. Nhưng Chúa đã tìm thấy họ. Tôi không thể chứng minh được điều này, nhưng tôi tin rằng khi Chúa gọi A-đam, “Ngươi ở đâu?” (câu 9), thì đó không phải là giọng nói lạnh lùng của một viên cảnh sát đang truy lùng tội phạm. Tôi tin rằng đó là tiếng kêu đau khổ của một người cha yêu thương với tấm lòng nặng trĩu vì các con của mình đã nổi loạn chống lại mình.

Trong bối cảnh là tội lỗi và sự phán xét, chúng ta vẫn thấy được tấm lòng yêu thương của Cha Thiên Thượng. Thật thú vị khi thấy rằng Đức Chúa Trời đã rủa sả con rắn và đất là chất liệu mà từ đó con người được tạo ra, nhưng Ngài không rủa sả người nữ hay người nam. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời” (câu 14).

Sau đó chúng ta đọc được lời tuyên bố tuyệt vời mà các nhà thần học gọi là sự mặc khải đầu tiên về Phúc Âm: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (câu 15). Trong câu này Đức Chúa Trời đã tuyên chiến với Sa-tan khi nói rằng, “Mi và loài người sẽ nghịch thù và tranh chiến nhau từ đời này qua đời khác, nhưng cuối cùng dòng dõi của người nữ sẽ chiến thắng mi.

Đức Chúa Trời đã tuyên chiến với Sa-tan chứ không phải với con người. Người nữ không hề bị rủa sả; tuy nhiên, nỗi nhọc nhằn của nàng lại tăng lên gấp bội do hậu quả của tội lỗi mình (câu 16). Tôi không nghĩ rằng Đức Chúa Trời phán xét Ê-va như thể việc làm mẹ và sinh con là một sự rủa sả. Không, Ngài chỉ đơn giản là nói với nàng rằng, “Vì tội lỗi giờ đây đã đến trong đời sống con, nên lẽ ra một điều mà có thể là điều đẹp đẽ và tuyệt vời hơn rất nhiều—như việc sinh con—thì nay sẽ là khổ cực và đau đớn kèm theo” (xem câu 16). Đức Chúa Trời đang nói với người nữ, “Như người nam sẽ phải đối mặt với những nan đề khi cày xới đất đai và tìm kiếm cái ăn hàng ngày cho mình, thì con cũng sẽ có những gánh nặng phải mang và những trận chiến phải tranh đấu khi con làm tròn bổn phận của mình trong thế gian này.”

Giữa viễn cảnh đau buồn này, Đức Chúa Trời đã ban cho A-đam và Ê-va hy vọng về tương lai. Sáng-thế Ký 3:15 là lời hứa của Đức Chúa Trời rằng một ngày nào đó Đấng Cứu Chuộc sẽ đến. Khi Chúa thông báo rằng xung đột và hận thù sẽ tồn tại giữa con cái của người nữ và con cái của Ma-quỷ, Ngài cũng hứa hẹn một chiến thắng chung cuộc cho con người. “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy [con cái, hậu duệ] cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau” (câu 15).

Thật thú vị khi nhìn vào câu này chúng ta thấy Ma-quỷ cũng có gia đình. Con cái của Ma-quỷ là ai? Chúa Giê-su đã từng nói với những người Pha-ri-si rằng: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỷ, mà sanh ra…Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người…và là cha sự nói dối” (xem Giăng 8:44). Đứa con đầu tiên của Ma-quỷ trong lịch sử loài người là Ca-in. Ông là một kẻ nói dối và là một tên giết người, vì ông đã giết em trai mình rồi sau đó nói dối về điều đó (Sáng-thế 4:8,9).

Gia đình của Sa-tan là một gia đình theo kiểu tôn giáo, tự cho mình là công bình. Nhưng sự công bình của họ không đến từ trời; nó đến từ địa ngục. Những người này thậm chí còn có thể ra vẻ đức hạnh đạo mạo, nhưng đó không thực sự là sự công bình của Chúa Giê-su Christ. Một thành viên trong gia đình Sa-tan nổi bật lên như sản phẩm cuối cùng của hắn—là An-ti Christ. Kẻ thống trị thế giới này được sinh ra bởi Sa-tan sẽ là tạo tác xấu xa nhất từ trước đến giờ của hắn. Lịch sử sẽ lên đến đỉnh điểm trong trận chiến lớn giữa Đấng Christ và An-ti Christ (II Tê-sa-lô-ni-ca 2).

Dòng dõi của người nữ trong Sáng-thế Ký 3:15 là ai? Cuối cùng, điều này đang đề cập đến Chúa Giê-su Christ. Đức Chúa Trời đã dùng một người nữ để đưa Cứu Chúa đến thế gian. Chúng ta tìm thấy lời hứa đầu tiên của Đức Chúa Trời trong câu này: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.” Trong suốt Kinh Thánh, bạn sẽ tìm thấy nhiều lời hứa—lời tuyên bố “Ta sẽ”—được nói ra bởi Đức Chúa Trời. Nhưng đây là điều vĩ đại hơn hết: “Một ngày nào đó, Ta sẽ sai dòng dõi của người nữ đến, và người sẽ đạp nát đầu Sa-tan, mặc dù Sa-tan sẽ cắn gót chân người.”

Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu thấy tầm quan trọng của lý do tại sao A-đam đặt tên cho vợ mình là Ê-va. Ông tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời được ghi trong Sáng-thế Ký 3:15. Đó là cách A-đam và Ê-va được cứu. Bởi đức tin, họ tin lời Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi luôn luôn là bởi đức tin.

Sáng-thế Ký 5:1 nói, “Đây là sách chép dòng dõi của A-đam.” Bạn có thể áp dụng tuyên bố đó cho toàn bộ Cựu Ước, vì nó ghi lại các chi tiết về con cái của A-đam. Và mỗi người con của A-đam đều thất bại theo cách này hay cách khác. Khi bạn đọc đến Ma-thi-ơ 1:1, “Gia phổ Đức Chúa Giê-su Christ.” Đức Chúa Trời bắt đầu viết một cuốn sách mới với Tân Ước, và Ngài bắt đầu một gia đình mới. “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:22). Cựu ước kết thúc như thế nào? “Kẻo Ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy” (Ma-la-chi 4: 6). Tân ước tuyên bố điều gì? “Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa” (Khải-huyền 22: 3). Bạn thuộc gia đình nào? Gia đình của A-đam hay gia đình của Đấng Christ? A-đam tin Chúa, và việc ông đặt tên cho vợ là Ê-va là bằng chứng cùng lời tuyên bố về đức tin của ông.

Mô tả về thiên chức của Ê-va

Tên của Ê-va (người ban sự sống) không chỉ là lời tuyên bố về đức tin của A-đam; mà tên đó còn là một mô tả về thiên chức của Ê-va. Sự chết đến qua A-đam, nhưng sự sống đến qua Ê-va. Tôi có thể nói chắc điều này bởi vì chính nhờ sự ra đời của một con trẻ mà sự cứu chuộc đã đến với thế gian. Khi Ma-ri sinh ra Chúa Giê-su Christ, bà đã làm ứng nghiệm Sáng-thế Ký 3:15. Vì Chúa Giê-su đã đến thế gian này, chúng ta mới có thể có được sự sống đời đời.

Chắc chắn Ê-va là người ban sự sống theo nghĩa thuộc thể. Tôi nghĩ Chúa đang nói về thiên chức làm mẹ trong phân đoạn này. Và đây thật là một thiên chức! Chúng ta không nên chỉ trích những người không được dự phần vào thiên chức này, vì Đức Chúa Trời có những ơn kêu gọi và ân tứ khác nhau dành cho những người khác nhau. Nhưng vai trò làm mẹ là một thiên chức Ngài dành cho tạo vật mà Ngài gọi là phụ nữ. Thi-thiên 113:9 nói, “Ngài khiến đàn bà son sẻ ở trong nhà, làm mẹ vui vẻ của những con cái. Ha-lê-lu-gia!” Tôi hy vọng rằng mọi người mẹ đều vui mừng, bất chấp gánh nặng và đau đớn, để có thể nói “Ngợi khen Chúa.” Thi-thiên 127 nhắc nhở chúng ta rằng con cái là một phước lành: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng. Con trai sanh trong buổi đang thì, khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ. Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình! Người sẽ không hổ thẹn, khi nói năng với kẻ thù nghịch mình tại cửa thành” (câu 3-5).

Bạn có biết rằng Đức Chúa Trời mô tả Ngài không chỉ như một người cha mà còn như một người mẹ thuộc linh không? Ê-sai 49:15 nói, “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, Ta cũng chẳng quên ngươi.” Ở đây Chúa đang so sánh Ngài với một người mẹ sẽ phó chính mình vì con. Chúng ta đọc trong Ê-sai 66:13, “Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con, và ấy là tại trong Giê-ru-sa-lem mà các ngươi sẽ được yên ủi.” Đức Chúa Trời chăm sóc cho chúng ta như một người mẹ cũng như một người cha.

Thiên chức làm mẹ là một nhiệm vụ thiêng liêng. Tôi chắc rằng nhiều người trong chúng ta rất muốn cảm ơn những người mẹ đã cầu nguyện cho mình, đã dạy dỗ mình và chúng ta có thể tìm thấy những người mẹ đó ở trường Chúa Nhật và trong Hội Thánh.

Chúng ta tìm thấy một câu Kinh Thánh thú vị trong I Ti-mô-thê 2:15 nói về việc sinh con: “Dầu vậy, nếu đàn bà lấy đức hạnh mà bền đỗ trong đức tin, trong sự yêu thương, và trong sự nên thánh, thì sẽ nhân đẻ con mà được cứu rỗi.” Một số người hiểu câu này có nghĩa là nếu một cặp vợ chồng Cơ-đốc đồng đi với Chúa, thì Đức Chúa Trời sẽ ban cho người vợ sự cứu rỗi khi sinh con—không phải sự sống đời đời mà là sự an toàn về mặt thuộc thể. Nói cách khác, Chúa sẽ đưa người vợ ấy vượt qua giai đoạn mang thai khó nhọc, hoặc thành công để sinh ra một đứa trẻ. Rốt cuộc, khi một người nữ sinh con, cô sẽ phải trải qua trũng bóng chết.

Nhưng tôi nghĩ có thể có một cách giải nghĩa khác về I Ti-mô-thê 2:15, bởi vì câu này trong tiếng Hy Lạp nói rằng, “Nàng sẽ được cứu khi sinh nở.” Tôi tự hỏi phải chăng Phao-lô không có ý nói đến sự ra đời của Em Bé vĩ đại là Chúa Giê-su Christ. Rốt cuộc, làm thế nào mà những người nam và người nữ được cứu? Qua Chúa Giê-su Christ. Không ai thừa kế sự cứu rỗi. “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết [không phải do thừa kế từ cha mẹ], hoặc bởi tình dục [không phải bằng nỗ lực cá nhân], hoặc bởi ý người [không phải bằng nỗ lực của người khác], nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy” (Giăng 1:12,13). Sự cứu rỗi đến chỉ bởi đức tin vào Chúa Giê-su Christ. Không có con đường cứu rỗi nào khác.

Một minh chứng về ân điển của Đức Chúa Trời

Cái tên Ê-va là lời tuyên bố đức tin của A-đam. Ông tin lời Chúa, và Chúa đã cứu ông. Đó cũng là sự mô tả về thiên chức của Ê-va—thiên chức làm mẹ. Phụ nữ qua các thời đại trong Cựu Ước đã chờ đợi sự ra đời của Đấng Mê-si, và cuối cùng Đấng Mê-si đã đến. Cuối cùng, cái tên Ê-va là một minh chứng về ân điển của Đức Chúa Trời. Sáng-thế Ký 3:20 nói, “A-đam gọi vợ là Ê-va, vì là mẹ của cả loài người.” Đức Chúa Trời đáp lại điều này như thế nào? Câu 21 nói, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.

Đức Chúa Trời đã đáp lại đức tin của họ, cứu họ và tha thứ cho họ; và Ngài biểu tượng hóa điều đó bằng việc mặc quần áo cho họ. Đức Chúa Trời muốn chúng ta được bao phủ, không chỉ về thuộc thể mà cả về thuộc linh. Bạn luôn có thể nhận ra khi nào một dân tộc bắt đầu sa sút đạo đức vì khi đó nó bắt đầu cởi bỏ y phục mình. Trong Kinh Thánh khỏa thân bị coi là tội lỗi. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã mặc quần áo cho A-đam và Ê-va để che cho họ, nhưng đó cũng là hình ảnh về sự bao phủ thuộc linh cho họ. Đức Chúa Trời không chấp nhận thứ quần áo mà họ đã làm ra để che thân, khố kết bằng lá cây vả. Ngài nói, “Không, các con không thể tự che đậy bằng công việc của tay mình. Ta phải che cho các con.” Và khi Ngài che phủ họ, không phải bằng lá cây; Ngài che phủ họ bằng da thú. Điều này có nghĩa là một con thú nào đó đã phải chết. Nên ngay từ đầu chúng ta đã có khái niệm về việc phải có sự đổ huyết thì tội lỗi của chúng ta mới được che lấp. Chúa có thể tha thứ và chấp nhận chúng ta trên cơ sở của sự đổ huyết.

Điều này dấy lên một câu hỏi thú vị: Hôm nay bạn mặc gì? Bạn có đang tin cậy vào kiểu trang phục, chẳng hạn như, những việc làm công đức? Chúng có đủ tốt để che đậy cho bạn không? Hãy xem Ê-sai 64:6: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp.”  Nếu Đức Chúa Trời coi mọi việc làm công chính của chúng ta là áo nhớp, thì Ngài còn nhìn tội lỗi của chúng ta gớm ghiếc đến mức nào? Không, Chúa sẽ không chấp nhận tấm áo tự cho mình là công bình mà chúng ta dùng để che thân. Ngài muốn chúng ta mặc lấy chiếc áo choàng công bình tuyệt đối mà chỉ mình Ngài mới có thể ban cho. “Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rể mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới giồi mình bằng châu báu” (Ê-sai 61:10).

Đức Chúa Trời bao phủ chúng ta trong sự công bình của Chúa Giê-su Christ, và chúng ta không cần phải khoác lên mình chiếc áo nhớp của sự tự cho mình là công bình. Một minh họa khác cho điều này được tìm thấy trong câu chuyện về Người Con Trai Hoang Đàng. Khi Người Con Trai Hoang Đàng trở về nhà, cha anh nói, “Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó” (Lu-ca 15:22).

Khi Đức Chúa Trời mặc cho A-đam và Ê-va những bộ quần áo làm từ da thú, đó là sự tỏ ra ân điển của Ngài. A-đam đã tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời và đặt tên cho vợ là Ê-va. Đáp lại hành động đó, Đức Chúa Trời đã mặc cho A-đam và Ê-va sự công bình của Con Ngài. Khi đọc thêm trong Kinh Thánh, bạn sẽ thấy lẽ thật kỳ diệu này được bày tỏ: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21).

A-đam gọi vợ mình là Ê-va (người ban sự sống). Đó là một lời tuyên bố đức tin của ông. Bạn đã tuyên xưng đức tin của mình chưa? Bạn có tin vào Lời Chúa, hay vẫn đang lắng nghe những lời giả dối của Ma-quỷ? Tên đó là sự mô tả về thiên chức làm mẹ của Ê-va—mang sự sống vào thế gian và ban cho chúng ta sự sống đời đời thông qua Chúa Giê-su Christ. Và tên đó cũng là một minh chứng về ân điển của Đức Chúa Trời. Ngài đáp lại cái tên đó. Ngài mặc quần áo cho họ, và để làm được điều đó, cần phải có một sự hy sinh. Bạn đã được mặc lấy sự công bình của Chúa Giê-su Christ chưa? Không gì khác có thể khiến bạn trở nên công bình.

Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like