Home Chuyên Đề Đức Chúa Trời Đã Rèn Luyện Đa-vít Trở Nên Một Vị Vua Đặc Biệt Như Thế Nào?

Đức Chúa Trời Đã Rèn Luyện Đa-vít Trở Nên Một Vị Vua Đặc Biệt Như Thế Nào?

by Sưu Tầm
30 đọc

Nếu có một cuộc tranh luận xem ai là vị vua nổi bật nhất của Israel, chắc chắn Đa-vít là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Mặc dù từng có những sai lầm, ông vẫn là một nhà lãnh đạo xuất chúng, và là một người rất ấn tượng. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã đưa ông đi qua một chương trình rèn tập vất vả để chuẩn bị ông trở nên một vị vua. Không chỉ là một vị vua, mà còn là hình bóng của Đấng Mê-si-a.

Đức Chúa Trời đã nói tiên tri thông qua Sa-mu-ên, tuyên bố vận mệnh của Đa-vít. Và dường như Ngài cố tình kéo Đa-vít lùi xa khỏi mục tiêu đó, khiến cho khoảng cách giữa lời hứa và thực tế trở nên ngày càng rộng hơn…

Chúng ta có thể thấy hình ảnh của một người bắn cung, kéo lùi mũi tên, sẵn sàng để bắn xa hơn, và với lực mạnh hơn khi nó chạm vào mục tiêu.

Đức Chúa Trời, một cung thủ, đã ấn định ngôi vua cho Đa-vít, nhưng Ngài đã kéo ông theo hướng ngược lại trong nhiều năm. Thay vì những bữa tiệc, vàng, và sự xa hoa, Đa-vít đã phải sống trong rừng, trong hang đá với địa vị không tương xứng với một vị vua, thậm chí còn phải giả làm người điên để bảo toàn tính mạng. Thay vì nhận được sự tôn trọng, ông bị săn đuổi như một con chó. Thi Thiên giãi bày cho chúng ta sự đau đớn mà ông phải chịu đựng, những lần ông rơi nước mắt, và những tình thế tuyệt vọng mà ông phải lâm vào. Nhưng trong suốt khoảng thời gian đó, Đa-vít học được về sự thành tín và quyền năng của Đức Chúa Trời. Đa-vít học được rằng ông được coi là quý giá và được yêu thương trước mặt Đức Chúa Trời, và ông được an toàn tuyệt đối trong cánh tay của Cha Thiên Thượng. Đa-vít đã học tốt những bài học đó.

Không có vua nào khác trải qua chế độ luyện tập này, và không có vua nào khác tốt như Đa-vít.

Vua là người dẫn đầu dân sự. Những vị vua và nữ hoàng xuyên suốt dòng lịch sử đã trở nên nổi danh bởi họ đã cắt đầu của những người có tầm ảnh hưởng, và họ trở nên những người có quyền lực hủy diệt. Tuy nhiên, Đa-vít hoàn toàn khác biệt. Hãy xem sự cố được nhắc đến trong II Sa-mu-ên:

“Vua Đa-vít vừa đến Ba-hu-rim, thấy ở đó đi ra một người về dòng dõi nhà Sau-lơ, tên là Si-mê-i, con trai của Ghê-ra. Người vừa đi tới, vừa rủa sả, ném đá vào Đa-vít và các tôi tớ của vua: cả dân sự và các dõng sĩ đều vây phủ vua bên hữu và bên tả. Si-mê-i rủa sả Đa-vít như lời nầy: Ớ người huyết, người gian tà kia! Hãy đi nà, hãy đi nà! Người đã tự làm vua thay vì Sau-lơ, nên bây giờ Đức Giê-hô-va khiến những huyết của nhà người đổ lại trên ngươi; Ngài sẽ phó nước vào tay Áp-sa-lôm, con trai ngươi; và kìa, chính ngươi bị hoạn nạn, bởi vì ngươi là một người huyết”(II Sa-mu-ên 16:5-8).

Một sự xấc xược! Điều đáng ngạc nhiên là Si-mê-i không bị chém đầu ngay tại đó và sau đó nữa. Chắc chắn, các bạn của vua Đa-vít đã tự hỏi tại sao ông ấy phải chịu đựng như thế.

“Bấy giờ, A-bi-sai, con trai của Xê-ru-gia, tâu với vua rằng: Cớ sao con chó chết kia dám mắng vua chúa tôi? Hãy để tôi đi chém đầu nó. Nhưng vua đáp rằng: Hỡi các con trai Xê-ru-gia, ta có can hệ gì với các ngươi? Hãy để Si-mê-i rủa sả. Ấy là Đức Giê-hô-va đã phán cùng người rằng: Hãy rủa sả Đa-vít. Vậy ai dám nói cùng người rằng: Cớ sao ngươi làm như vậy? Đoạn, Đa-vít nói với A-bi-sai và các tôi tớ mình rằng: Kìa, con ruột ta, là kẻ do lòng ta sanh ra, còn muốn hại mạng sống ta thay; phương chi người Bên-gia-min nầy! Hãy để cho nó làm, để nó rủa sả, vì Đức Giê-hô-va đã phán dặn nó làm vậy. Có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ đoái xem sự hoạn nạn ta, lấy phước trả lại thế cho sự rủa sả mà ta bị ngày nay. Đa-vít và các tôi tớ người cứ đi; còn Si-mê-i đi theo hông núi, đối ngang Đa-vít. Người vừa đi vừa rủa sả Đa-vít, ném đá người, và hất bụi lên” (II Sa-mu-ên 16:9-13).

Làm thế nào Đa-vít có thể giữ bình tĩnh trước một cuộc tấn công vào sự tôn trọng của ông?

Bởi vì ông đã học được hai điều:

1. Ý muốn của Đức Chúa Trời quan trọng hơn “cái tôi” của ông.

2. Sự tôn trọng, sự vinh hiển, và sự an ninh của ông nằm trong tay Đức Chúa Trời.

Bạn đồng hành của Đa-vít đã hiểu lầm khi ông bị rủa xả, nhưng Đa-vít đã tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ cân bằng tỉ số và đền đáp cho ông nhiều phước hạnh hơn. Nếu Si-mê-i là người đã đúng trong câu chuyện này, Đa-vít không muốn trở nên một người chống đối ý muốn của Đức Chúa Trời. Nói tóm lại, ông hoàn toàn được thuyết phục rằng Đức Chúa Trời nắm quyền kiểm soát, và ông không hề lo lắng về điều đó. Đa-vít biết rằng Đức Chúa Trời nâng đỡ ông, nên ông có thể bình tĩnh ngay cả khi bị “con chó chết” này nguyền rủa và lăng mạ. Sự tin cậy vào Đức Chúa Trời của ông lớn đến mức ông không cần dùng hành động đáp trả – ông biết rằng điều đó được Đức Chúa Trời đoái xem đến. Đa-vít không hề đáp trả lại vì ông biết rằng ông không thể thất bại!

Chúng ta thấy sự tin chắc nơi sự công bình của Đức Chúa Trời. Đa-vít biết rằng Đức Chúa Trời ban cho quyền tự do để không cần bám vào điều đó mà tự cứu lấy mình. Đa-vít không hề lo sợ khi bị phát hiện rằng mình đã làm sai. Đa-vít không phòng thủ, nhưng an toàn tuyệt đối.

Sự an ninh của Đa-vít không phải ở trong danh hiệu và quyền lực của một vị vua, nhưng nó bắt nguồn từ sự tốt lành và công bình của Đức Chúa Trời, ở một mức độ khác thường.

Tiếp theo, chúng ta học về Áp-sa-lôm, con trai của Đa-vít đã giao kèo với nhà cố vấn đáng tin cậy của vua là A-hi-tô-phe để nổi loạn chống lại Đa-vít. Một tin tức khủng khiếp. Đa-vít đã phản ứng như thế nào?

“Người ta bèn đến nói cùng Đa-vít rằng: A-hi-tô-phe cũng hiệp đảng phản nghịch với Áp-sa-lôm. Đa-vít cầu rằng: Ôi, Đức Giê-hô-va! Xin làm cho những mưu chước của A-hi-tô-phe ra ngu dại. Khi Đa-vít đã đi đến chót núi, tại nơi người ta thờ lạy Đức Chúa Trời.”(II Sa-mu-ên 15:31-32).

Việc đầu tiên và ngay lập tức Đa-vít làm là cầu nguyện và thờ phượng Đức Chúa Trời. Không tức giận, không hoảng sợ, nhưng cầu nguyện. Đa-vít biết chính xác ai là nơi có thể dựa vào và làm thế nào để dàn xếp chuyện này. Trong những hoàn cảnh thảm khốc, Chúa luôn sẵn sàng giúp đỡ vào đúng thời điểm. Đa-vít biết năng quyền siêu nhiên của Chúa có thể can thiệp vào và sửa lại những vấn đề tận gốc. Không giận dữ, không nguyền rủa, không có sự khát máu hoặc sự kêu gọi trả thù. Đa-vít đã học biết về quyền năng của Đức Chúa Trời, và đó là sự ưu tiên hàng đầu ông hướng đến trong cơn khủng hoảng. Chỉ hướng mắt nhìn lên, và một vài lời cầu nguyện hướng lên Đức Chúa Trời. Một lần nữa, Đa-vít không hành động, nhưng dâng điều đó lên cho Chúa là Đấng biết rõ tình hình và có thể trực tiếp dàn xếp.

Kinh Thánh chép rất nhiều những câu chuyện về sự kiềm chế, sự công bằng, và lòng tốt của Đa-vít. Ông tin cậy vào sự giúp đỡ của Chúa cách tự nhiên như khi hít thở không khí.

Giai đoạn rèn luyện

Đa-vít được xức dầu làm vua vào năm ông mười bảy tuổi, nhưng chỉ được ngồi trên ngôi vua vào năm ba mươi tuổi. Đây là một khoảng trống dài. Thời niên thiếu, ông đã từng nhận được một lời hứa rằng ông sẽ trở thành vua. Dầu thánh đã được đổ trên ông để làm chứng rằng đó là sự thật. Từng chút một Đa-vít biết sẽ còn rất nhiều năm cho đến khi lời hứa được hoàn thành, và khoảng thời gian giữa đó sẽ rất khó khăn. Trong suốt quãng thời gian này, Đa-vít đã học cách để giải quyết khủng hoảng, cách để yêu kẻ thù nghịch, tôn trọng thẩm quyền, làm điều công bình, thương xót, và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời.

Đó dường như là khủng khiếp, vô tận, bất hạnh, và kinh hãi trong suốt mười ba năm, nhưng quãng thời gian khó khăn đó đã khiến Đa-vít trở nên vĩ đại trong khoảng 40 năm trị vì.

Chúng ta có thể nhớ lại rằng có một thời điểm mà cơ hội để nắm lấy vương miện của vua Sau-lơ nằm trong tay Đa-vít. Phân đoạn Kinh Thánh I Sa-mu-ên 24 nói chúng ta biết thời điểm đó vua Sau-lơ rất dễ bị tấn công, và những người bạn của Đa-vít đã xúi giục ông làm điều đó.

“Những kẻ theo Đa-vít nói cùng người rằng: Nầy là ngày mà Đức Giê-hô-va có phán cùng ông: Ta sẽ phó kẻ thù nghịch ngươi vào tay ngươi. Hãy xử người tùy ý ông” (I Sa-mu-ên 24:5).

Tất cả bọn họ đều biết lời hứa đã ban cho Đa-vít, và trông đợi ngày đó đến. Nhưng Đa-vít chọn làm điều công bình và chờ đợi Đức Chúa Trời hành động thay cho ông, trong đúng thời điểm của Ngài.

Đức Chúa Trời thành tín nhưng Ngài thường để chúng ta chờ đợi

Khi chúng ta nhìn vào cuộc đời của Đa-vít, có rất nhiều bài học quý giá có thể rút ra được để giúp chúng ta đứng vững trong thời gian chờ đợi. Khi chúng ta nhìn và kết quả cuối cùng của công việc Đức Chúa Trời làm, chúng ta thấy rằng không một giọt nước mắt nào bị lãng phí. Đa-vít không phải là người duy nhất trải qua chương trình rèn luyện như vậy. Thử nghĩ về Giô-sép, ông đã chờ đợi 13 năm trong sự thấp hèn để rồi trở nên một người lãnh đạo đứng đầu tại Ai Cập. Đây là điều thường thấy khi bước đi cùng Đức Chúa Trời –  chờ đợi một thời gian dài trong sự gian khổ và bất ngờ chuyển hướng ngược lại. Một ngày, khá bất ngờ, Giô-sép đứng bên cạnh Pha-ra-ôn. Một ngày, Đa-vít trở thành một vị vua. Nhưng từ thời điểm của lời hứa cho đến thời điểm hoàn thành lời hứa là một quá trình rèn luyện gian khổ. Như Thi Thiên 105:19 có chép,

“Cho đến ngày điều người đã nói được ứng nghiệm: Lời của Đức Giê-hô-va rèn thử người”(Thi Thiên 105:19).

Chờ đợi là một yếu tố quan trọng trong sự tinh luyện, đào tạo và thử nghiệm, dường như ngược lại những gì chúng ta mong muốn. Mũi tên được kéo ngược lại xa hơn và xa hơn trong cái cung, sẵn sàng được phóng tới phía trước với lực mạnh nhất. Cũng như quãng thời gian đi chăn chiên đã dạy Đa-vít cách chiến đấu với các loài thú dữ để chuẩn bị cho trận chiến kinh điển với Gô-li-át, thời gian Đa-vít dẫn dắt một đám côn đồ trong khi chạy trốn khỏi sự truy sát dạy ông cách chiến đấu với cái tôi của ông và cách lãnh đạo tốt. Đa-vít đã học được làm thế nào để tin cậy vào Đức Chúa Trời. Và đó là cách mà Đức Chúa Trời đào tạo Đa-vít trở nên một vị vua vĩ đại.

Dịch: NCMV

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like