Home Chuyên Đề CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 3: Kẻ Sát Nhân Và Người Tử Đạo (Ca-in và A-bên)

CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 3: Kẻ Sát Nhân Và Người Tử Đạo (Ca-in và A-bên)

by Sưu Tầm
30 đọc

Bạn đã từng thấy gia đình nào mà bạn không tài nào đoán ra được những đứa trẻ trong nhà đó là cùng một cha mẹ sinh ra chưa? Có thể những đứa trẻ đó trông không có nét giống nhau. Hoặc có lẽ tính cách của các em hoàn toàn trái ngược nhau. Tôi chắc rằng hầu hết chúng ta đều quen biết một số bậc cha mẹ Cơ-đốc đang phải vật lộn với một “con chiên đen” trong gia đình mình. Mặc dù đứa trẻ được nuôi dạy để biết Chúa, nhưng nó đã chọn cách đi ngược lại sự dạy dỗ của cha mẹ mình. Các bậc cha mẹ trong tình huống này có thể tự hỏi: Tại sao mình lại gặp nhiều rắc rối với đứa con này trong khi mấy đứa khác thì rất là ngoan? Mình đã làm gì sai?

A-đam và Ê-va có thể đã tự hỏi mình những câu hỏi tương tự. Các con trai của họ, hai em bé đầu tiên được sinh ra trên thế giới, chẳng có gì giống nhau cả. Mặc dù Ca-in và A-bên là hai anh em, mặc dù được nuôi dưỡng trong cùng một gia đình với cùng cách giáo dục và sự ảnh hưởng, nhưng đời sống của họ lại rất khác nhau. Tại sao vậy? Bởi vì tấm lòng của họ không giống nhau. Mặc dù môi trường và sự hướng dẫn của cha mẹ khá quan trọng, nhưng nói cho cùng thì điều thực sự quan trọng là thái độ và động cơ của người đó.

Những cái tên được đặt cho hai em bé đầu tiên của Kinh Thánh tiết lộ nhiều điều về cuộc đời của hai nhân vật này—và cả cuộc đời của chúng ta nữa. Sáng-thế Ký 4:1,2 cho chúng ta biết, “A-đam ăn ở với Ê-va, là vợ mình; người thọ thai sanh Ca-in và nói rằng: Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người. Ê-va lại sanh em Ca-in, là A-bên; A-bên làm nghề chăn chiên, còn Ca-in thì nghề làm ruộng.

Khi Ê-va ôm con trai đầu lòng trong tay, bà có thể đã suy ngẫm về lời hứa của Đức Chúa Trời rằng dòng dõi của người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn (xem 3:15). Bà đặt tên cho đứa trẻ là “Ca-in” có nghĩa là “thành quả thu được, có được.” Có lẽ Ê-va tin rằng cậu bé này là vị cứu tinh trong lời hứa. Một cách diễn giải khác của Sáng-thế Ký 4:1 là “Tôi đã có được một người, là chính Chúa.” Mặc dù có thể Ê-va tin rằng Ca-in là người được Chúa chọn, tôi nghĩ bà chỉ đơn giản là thừa nhận sự thật rằng đứa con này đến từ Chúa.

Trong suốt Kinh Thánh, chúng ta được biết con cái là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Trong Thi-thiên 127:3 chúng ta đọc thấy: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.” Con cái được ban cho chúng ta như một phước lành và phần thưởng. Thật không may, rất nhiều bậc cha mẹ xem con cái của họ như một gánh nặng—một điều ngoài ý muốn ngăn trở họ làm những thứ họ muốn. Như chúng ta đã thấy, kiểu thái độ này dẫn đến những bi kịch trong gia đình. Giống như Ê-va, chúng ta cần coi các con mình như một món quà từ Chúa—một phước lành đáng để được tận hưởng, nuôi nấng và bảo vệ.

Ngay sau khi sinh Ca-in, Ê-va lại thọ thai và sinh thêm một cậu con trai nữa. Bà đặt tên cho con thứ hai của mình là “A-bên,” mang ý nghĩa “hư không, như hơi thở.” Ấy là cùng một từ tiếng Do Thái được sử dụng trong Sách Truyền-đạo khoảng 37 lần: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không” (1:2). Chúng ta không biết điều gì đã xui khiến Ê-va đặt cho con mình cái tên này. Bà có thể đã bắt đầu nhìn ra thực tế về tội lỗi của mình và hậu quả của tội lỗi đó—là sự chết. Bà có thể đã nhận ra cuộc sống phù du như thế nào. Ê-va không biết việc chọn tên cho con của bà lại mang tính tiên tri như vậy. Bởi vì Ca-in không có được phước lành tương tự mà Đức Chúa Trời ban cho A-bên, ông đã giết em trai mình trong cơn ghen tức. Vậy là chỉ trong thoáng chốc, cuộc đời của A-bên đã qua đi như một làn hơi, một hơi thở.

Cuộc đời, và tên của A-bên nhắc nhở chúng ta rằng thời gian của chúng ta trên đất không hề lâu dài như chúng ta vẫn nghĩ. Tác giả sách Gia-cơ phản ánh lẽ thật này khi nói, “Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài, song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia. Kìa anh em lấy những lời kiêu ngạo mà khoe mình! Phàm khoe khoang như vậy là xấu. Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Gia-cơ 4:13:17).

Trong phân đoạn này, Gia-cơ cảnh báo chúng ta đừng nên kiêu ngạo về cuộc sống của mình. Chúng ta lên kế hoạch, gạt Chúa sang một bên mà không cầu hỏi gì đến Ngài. Chúng ta quyết định mình sẽ tìm một công việc nhất định ở một thành phố nhất định trong một khoảng thời gian nhất định và kiếm một số tiền nhất định. Nhưng chúng ta không có gì đảm bảo rằng ngày mai chúng ta vẫn còn ở trên đất. Sự sống như hơi nước và có xu hướng tan biến trước khi chúng ta kịp nhận ra. Thay vì khoe khoang về những kế hoạch lớn của mình, chúng ta nên tìm kiếm ý muốn của Chúa trong mọi sự, nhớ rằng mỗi ngày được sống là một món quà từ Ngài.

Tên của Ca-in và A-bên đại diện cho hai khía cạnh khác nhau của sự sống. Con người là sự kết hợp của cát bụi và thần linh, của trời và đất. Đức Chúa Trời đã nắn nên chúng ta từ bụi đất rồi sau đó hà sinh khí vào chúng ta. Vì vậy, chúng ta là sự pha trộn của cái tạm thời và cái vĩnh cửu. Khi chết, thân xác trở về với cát bụi là nơi từ đó mà ra, trong khi linh hồn đi vào cõi đời đời. Chúng ta lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng Chúa ban sự sống cho chúng ta. Nhưng sự sống của chúng ta trên đất chỉ là tạm thời—một hơi thở thoáng qua. Chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ lại cất chúng ta ra khỏi thế gian. Đó là lý do tại sao quan trọng là chúng ta phải nhận biết Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa của mình. Khi bạn thuộc về Đấng Christ, thì đời sống của bạn không chỉ là hơi thở. Bạn đã không sống vô ích, vì “ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:17).

Ca-in và A-bên cũng khác nhau như tên của họ vậy. Thật khó để chúng ta có thể hiểu được tại sao họ lại trở nên khác biệt đến như vậy trong khi họ có quá nhiều điểm chung. Họ có cùng một sự di truyền—cả hai đều là con trai của A-đam và Ê-va. Họ được lớn lên trong cùng một môi trường và có cùng một tấm gương để học hỏi từ đó. Họ giống nhau ở chỗ rất tận tâm với công việc; A-bên chăn chiên, trong khi Ca-in canh tác đất đai. Hai anh em này không hề lười biếng. Họ đã làm việc chăm chỉ thay vì tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Họ hẳn cũng đã nhận được sự huấn luyện giống nhau. Cha mẹ của họ đều biết Chúa và chắc chắn đã dạy cho hai cậu con trai cách thờ phượng Chúa và bước đi với Ngài. Bằng chứng từ Kinh Thánh cho thấy hai con người trẻ tuổi này rất ngoan đạo. Trong Sáng-thế Ký 4:3-5 chúng ta thấy họ đến dâng lễ vật trên bàn thờ: “Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người.

Ca-in và A-bên có rất nhiều điểm chung. Cả hai đều làm việc chăm chỉ và sau đó mang lễ vật là thành quả từ sức lao động của mình dâng lên Đức Chúa Trời. Vậy tại sao Chúa chấp nhận A-bên cùng lễ vật của ông trong khi lại từ chối Ca-in và lễ vật của người? Bởi vì trong khi hai người nam này bề ngoài nhìn có vẻ giống nhau, nhưng tấm lòng của họ lại khác nhau. Họ có những động cơ và thái độ khác nhau khi dâng lễ vật của mình lên cho Đức Chúa Trời. Chính sự tương phản này giải thích tại sao Ca-in trở thành kẻ giết người, còn A-bên trở thành một người tử vì đạo.

Đối lập trong sự thờ phượng

Khi xem xét cuộc đời của Ca-in và A-bên, chúng ta nhận thấy có ba điểm trái ngược nhau giữa hai anh em này. Đầu tiên, chúng ta thấy sự đối lập trong cách họ thờ phượng. Thoạt nhìn, sự tương phản này không rõ ràng. Ca-in và A-bên đều tin Chúa; Ca-in không phải là một người vô thần hay một người theo thuyết bất khả tri. Có vẻ như họ đã được dạy những điều giống nhau và có cùng một tấm gương là cha mẹ của mình. Họ đến cùng một bàn thờ vào cùng một thời điểm. Vậy sự thờ phượng của họ khác nhau như thế nào? A-bên dâng lễ vật mà Đức Chúa Trời đã quy định; Ca-in thì không. Bởi vì Ca-in từ chối thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mà Ngài đã truyền dạy, nên lễ vật của ông không được Chúa nhậm.

Những chỉ dẫn của Đức Chúa Trời liên quan đến sự thờ phượng là gì? Tôi tin rằng khi Đức Chúa Trời mặc quần áo cho A-đam và Ê-va trong Vườn, Ngài đã làm một ví dụ về cách mà Ngài muốn họ thờ phượng. Sáng-thế Ký 3:21 nói rằng, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.” Để làm ra những tấm áo dài bằng da thú này, Đức Chúa Trời đã phải giết một con vật vô tội. Vì vậy, việc dâng động vật làm sinh tế đã trở thành khuôn mẫu của sự thờ phượng được áp dụng trong suốt thời kỳ Cựu Ước. Cách duy nhất để che đậy tội lỗi của con người từ thời A-đam và Ê-va trở đi, là qua sự đổ huyết. Ngay từ lúc ban đầu, Đức Chúa Trời đã thiết lập một khuôn mẫu cho sự thờ phượng để chỉ đường để con người đến với Đấng Christ, Đấng đã trở thành của lễ hy sinh cuối cùng và trọn vẹn cho tội lỗi của con người.

Dưới sự sáng của những chỉ dẫn từ Đức Chúa Trời cho A-đam và Ê-va, sự khác biệt trong lễ vật của Ca-in và A-bên trở nên rõ ràng. A-bên đến trước bàn thờ với đức tin; Ca-in thì không. Chúng ta thấy điều này được xác nhận trong Hê-bơ-rơ 11:4: “Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói.

Sự tương phản mà chúng ta thấy trong cách thờ phượng của Ca-in và A-bên là sự khác nhau giữa đức tin và sự vô tín. Rô-ma 10:17 nói, “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.” A-bên đã thực hành đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời. A-bên biết sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về tế lễ hy sinh, và ông đã mang đến của lễ phù hợp—một tế lễ hy sinh bằng huyết. Ông cũng dâng nó lên với một thái độ đúng đắn; tấm lòng của ông được đặt ở đúng chỗ. Ông mang đến thứ tốt nhất trong bầy của mình. Do đó, Đức Chúa Trời đã chấp nhận sự thờ phượng của A-bên: “Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người” (Sáng-thế 4: 4).

 Mặt khác, Ca-in có tôn giáo mà không có đức tin. Ông chỉ đơn thuần là làm theo những nghi thức của sự thờ phượng. Ông chỉ quan tâm đến bề ngoài—ông muốn bản thân nhìn có vẻ ngoan đạo trong mắt người khác. Tấm lòng của ông không đúng đắn trước mặt Chúa. Nhiều “Cơ-đốc nhân” ngày nay cũng mắc vào cùng một thứ tôn giáo chỉ tập trung vào bề nổi giống như vậy. Họ giống như những giáo sư giả mà Giu-đe đã mô tả. Những giáo sư giả này được cho là đã “theo đường của Ca-in” (Giu-đe 1:11).

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời làm chứng cho A-bên và lễ vật của người (xem Hê-bơ-rơ 11:4). Làm thế nào mà A-bên biết được Đức Chúa Trời đã nhậm lấy lễ vật của mình? Tôi tin rằng Chúa đã đặt sự xác tín này vào lòng ông. Ngài ban cho ông sự tự tin và bình an giúp ông biết chắc rằng bản thân mình ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời qua đức tin. Bên cạnh đó, mặc dù Kinh Thánh không chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã xác nhận lễ vật của A-bên bằng một dấu lạ, nhưng có thể Ngài đã sai lửa từ trời xuống để thiêu đốt của lễ. Vậy nên A-bên có lẽ đã nhận được một lời chứng từ bên trong và cả bên ngoài rằng ông thuộc về Chúa.

Nhưng Ca-in không nhận được lời chứng nào giống như vậy. Đức Chúa Trời không đoái đến Ca-in vì lòng ông đầy dẫy sự vô tín. Tương tự như vậy, Chúa không nhậm lễ vật của Ca-in vì đó không phải là loại của lễ mà Ngài muốn. Khi Ca-in biết Đức Chúa Trời đã từ chối lễ vật của mình, thì ông “giận lắm, và sa sầm nét mặt” (Sáng-thế 4:5). Tôi chỉ có thể tưởng tượng ra cảnh ông đứng bên bàn thờ bĩu môi hờn dỗi. Ông giận Chúa và giận em trai mình trong khi, trên thực tế, lẽ ra ông nên giận chính bản thân mình vì đã làm một điều dại dột.

Đức Giê-hô-va phán hỏi Ca-in rằng: Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao?” (câu 6,7). Khi Ca-in đang đứng bên bàn thờ bốc khói nghi ngút, Chúa nói với ông thế này, “Tại sao con giận dỗi với Ta. Con biết điều Ta đã nói với con; hãy tin và làm theo. Khi con làm vậy, Ta sẽ chấp nhận con và lễ vật của con giống như Ta đã coi trọng em con và sự thờ phượng của nó.”

Chúa biết cơn giận dữ và ghen tức đang nhen nhóm trong lòng Ca-in, cùng với lời giải thích của Ngài, Chúa đưa ra lời cảnh báo: “Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó” (câu 7). Từ tiếng Do Thái được dịch là “rình đợi” trong câu này miêu tả hình ảnh một con sư tử đang nằm trước cửa với tư thế chuẩn bị vồ mồi. Vậy nên, thực chất là, Chúa đang nói với Ca-in, “Hãy cẩn thận khi rời khỏi đây, bởi vì sự cám dỗ đang chực chờ để vồ lấy con.”

Vì Ca-in đã không thờ phượng Chúa theo cách mà ông nên làm, nên ông đã đánh mất thẩm quyền và sức mạnh của mình. Cuộc sống trở nên quá sức đối với ông. Sự vô tín của ông đã làm suy yếu tâm linh ông đến mức ông dễ dàng trở thành con mồi cho Sa-tan. Thiếu đi sự thờ phượng thật là bước đầu tiên dẫn đến con đường tội lỗi. Khi mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời trở nên sai trật, thì chúng ta không thể phản ứng một cách đúng đắn trước những con người và hoàn cảnh trong thế giới của Đức Chúa Trời. Vì lẽ đó, quan trọng là chúng ta phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Christ.

Đối lập trong việc làm

Cách thờ phượng của Ca-in và A-bên cho thấy sự khác biệt giữa đức tin và sự vô tín. Vì động cơ thờ phượng của họ khác nhau, nên cũng có một sự đối lập trong việc làm của họ.

Sự khác nhau giữa việc làm của Ca-in và việc làm của A-bên là gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong I Giăng 3: “Bởi đó, người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái ma quỷ: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy. Vả, lời rao truyền mà các con đã nghe từ lúc ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỷ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình… Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết” (câu 10-12,14).

Những việc làm của A-bên trái ngược với những việc làm của Ca-in vì việc làm của ông là công bình trong mắt Đức Chúa Trời trong khi việc làm của Ca-in là dữ. Đức Chúa Trời coi việc làm của A-bên là công bình vì hai lý do. Đầu tiên, đó là kết quả của đức tin. Khi bạn có đức tin nơi Đức Chúa Trời, bạn tự nhiên muốn làm công việc của Ngài. Nếu không, thì đức tin của bạn không phải là đức tin thật, vì đức tin mà không có việc làm là đức tin chết (Gia-cơ 2:20). Lý do thứ hai khiến công việc của A-bên là công bình là vì những việc làm đó làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Động cơ thờ phượng của ông là ca ngợi và tôn vinh Đức Chúa Trời. Ông không muốn thu hút sự chú ý vào bản thân và “sự công bình” của mình.

Mặc dù Ca-in đã ở tại nơi bàn thờ, dâng của lễ cho Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng việc làm của ông là dữ. Tại sao? Bởi vì Sa-tan nắm quyền trên ông (xem Giăng 3:12). Những việc làm của Ca-in là gì? Việc làm đầu tiên của ông là vô tín. Ông bác bỏ lời Chúa và do đó, về bản chất, ông gọi Chúa là kẻ nói dối. Thứ hai, ông đã phạm vào những công việc của sự đố kỵ và thù ghét. Khi bạn có “lòng dữ và chẳng tin” (Hê-bơ-rơ 3:12), bạn sẽ phạm hết tội này đến tội khác. Sự vô tín của Ca-in khiến ông ghen tỵ với em trai mình. Rồi ông bắt đầu ghét A-bên. Sự thù ghét này cuối cùng đã dẫn ông đến chỗ giết chết em mình: “Ca-in thuật lại cùng A-bên là em mình. Vả, khi hai người đương ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên là em mình, và giết đi. Đức Giê-hô-va hỏi Ca-in rằng: A-bên, em ngươi, ở đâu? Thưa rằng: Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao? Đức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta. Bây giờ, ngươi sẽ bị đất rủa sả, là đất đã hả miệng chịu hút máu của em ngươi bởi chính tay ngươi làm đổ ra” (Sáng-thế 4:8-11).

Ca-in giết em mình rồi cố nói dối Đức Chúa Trời. Vì Ca-in là con của Ma-quỷ, nên ông tỏ ra những việc làm của Ma-quỷ. Ông đã chết về mặt thuộc linh. Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta về những gì sẽ xảy ra khi chúng ta để cho Sa-tan điều khiển mình: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỷ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Trong phân đoạn này, Chúa Giê-su không nói với những tội nhân không tôn giáo. Ngài đang nói với những người Pha-ri-si ngoan đạo và tự cho mình là công bình. Giống như những người Pha-ri-si, Ca-in (người “có được” từ Chúa) nghĩ rằng ông có thể được Đức Chúa Trời chấp thuận bằng các công việc của mình. Ông đã phát hiện ra quá muộn màng rằng cơ sở để được Đức Chúa Trời chấp nhận là đức tin. Những việc làm chỉ là kết quả tự nhiên của đức tin và sự thờ phượng của chúng ta. Vì vậy, những việc làm của Ca-in là dữ vì sự thờ phượng của ông là sai trái. Vị thần mà bạn tôn thờ sẽ quyết định những việc làm của bạn.

Đối lập trong lời chứng

Điều thứ ba mà chúng ta thấy trong cuộc đời của Ca-in và A-bên là sự đối lập trong lời chứng của họ. Ca-in là một kẻ nói dối và là một tên giết người; do đó ông không phải là nhân chứng cho lẽ thật. Sau khi phạm tội, ông chỉ quan tâm đến hình phạt, chứ không phải việc xưng tội. Khi Đức Chúa Trời quở trách Ca-in về tội lỗi của ông và tuyên bố sự phán xét trên ông, Ca-in than thở, “Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi” (Sáng-thế 4:13). Hãy lưu ý rằng Ca-in đã không nói, “Tội lỗi và nỗi mặc cảm của tôi nặng nề quá mang không nổi.”

Ca-in là hình ảnh của một người theo tôn giáo, tự cho mình là công bình và không muốn đi theo con đường cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người này chỉ quan tâm đến hình phạt, chứ không phải là sự trong sạch. Người không bận tâm đến việc có một mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời; người ấy chỉ cần mình thấy ổn là được. Những ai chọn khước từ Đức Chúa Trời sẽ chịu chung số phận như Ca-in, người đã trở thành kẻ trốn tránh và sống lưu lạc (xem câu 12,14). Từ tiếng Do Thái có nghĩa là “không nhà không cửa” hay phiêu bạt, có nghĩa là “đi lang thang không mục đích.” Từ này mô tả một người không ổn định và bước đi loạng choạng như người say rượu trên đường. Người giống như cây sậy trong nước; người không có phương hướng và mục đích. Cuộc sống không có Chúa sẽ thiếu đi ý nghĩa và mục đích sống. Khi một người cố gắng thành công bằng sự công bình của chính mình, thì người đó được định sẵn là sẽ thất bại hết lần này đến lần khác.

“Sự công bình” của Ca-in đã khiến ông trở thành kẻ giết người và sống rày đây mai đó. Mặt khác, A-bên đã trở thành một vị tử đạo vì đức tin của mình. Mối quan tâm hàng đầu của ông là làm theo ý muốn của Chúa, và kết quả là ông nhận được sự tôn trọng cùng sự chấp thuận từ Đức Chúa Trời. Vì mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời, mà ngày nay người ta vẫn nghe thấy lời chứng của A-bên: “Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói” (Hê-bơ-rơ 11:4).

Cuộc đời của Ca-in nói với những kẻ lang thang, dối trá, những tên sát nhân và những người vô tín trên thế gian này về hậu quả của việc từ chối Đức Chúa Trời. Trên thực tế, cuộc đời của ông có nhiều nét tương đồng với mô tả về những kẻ sẽ ở đời đời trong địa ngục (xem Khải-huyền 22:15). Ông là nhân chứng của cái ác kèm theo thái độ tự cho mình là công bình và vô tín.

Trái lại, cuộc đời của A-bên là lời chứng về lẽ thật lớn lao rằng bạn có thể được Đức Chúa Trời chấp thuận nhờ đức tin. Huyết của ông vẫn còn chỉ ra con đường để người ta đến với Chúa. Nhưng mặc dù cái chết của A-bên có ý nghĩa là vậy, nhưng chỉ có sự hy sinh của Đấng Christ mới có giá trị đời đời. Huyết của A-bên kêu lên sự phát xét, nhưng huyết của Chúa Giê-su ban cho sự thương xót và ân điển. Vì dòng huyết của A-bên, Ca-in đã bị đuổi ra khỏi mặt Chúa để trở thành một kẻ sống lang thang phiêu bạt. Tuy nhiên, huyết của Chúa chúng ta mở đường cho chúng ta trở về nhà và trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Huyết của A-bên nói về sự chết, nhưng huyết của Chúa chúng ta nói về sự sống đời đời.

Bạn đã tin vào lời chứng của ai? Bạn có đang đi theo con đường của Ca-in—con đường của sự vô tín, sự thờ phượng sai trật và những việc làm dữ? Hay bạn đang lắng nghe lời chứng của A-bên—lời chứng về huyết? Ở Ca-in, chúng ta thấy bi kịch của sự vô tín—làm mọi việc theo cách của mình. Ở A-bên, chúng ta thấy phước hạnh của đức tin—đi theo đường lối của Đức Chúa Trời. Ca-in là con cái của Ma-quỷ; A-bên là con cái của Đức Chúa Trời. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt? Thái độ của họ đối với Chúa. Điều quan trọng nhất mà bạn và tôi có thể làm hôm nay là đảm bảo tấm lòng của chúng ta ngay thẳng với Đức Chúa Trời bằng cách tin nhận Chúa Giê-su Christ, có thái độ và động cơ đúng đắn khi thờ phượng và hầu việc Ngài. Bạn sẽ là ai—một tên giết người hay một người chết cho lẽ thật?

Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like