Home Chuyên Đề Lược Sử Tranh Luận Giữa Thuyết Tiến Hóa Và Thuyết Thiết Kế Thông Minh

Lược Sử Tranh Luận Giữa Thuyết Tiến Hóa Và Thuyết Thiết Kế Thông Minh

by Sưu Tầm
30 đọc

Từ xa xưa cho đến ngày nay, những dấu hiệu về Đấng Tạo Hóa đã được thể hiện rõ ràng.

Trong hơn 2000 năm, người ta đã tranh luận rằng “thiết kế” phức tạp trong thiên nhiên cho thấy phải có một Nhà Thiết Kế vĩ đại. Vào năm 44 TCN, nhà văn, nhà hùng biện, và nghị sĩ La Mã Cicero (106-43 TCN) đã dùng khái niệm này trong quyển sách De Natura Deorum (Về Bản Chất Của Các Thần) để tranh luận với các ý tưởng tiến hóa của những triết gia cùng thời với mình.

Thuyết Tiến Hóa Của Người Hy Lạp Cổ, Các Vị Thần, Và Nỗi Sợ Cái Chết.

Hai trường phái triết học chính thời đó là chủ nghĩa Hưởng Lạc (Epicureanism) và chủ nghĩa Khắc Kỷ (Stoicism). Những người theo chủ nghĩa hưởng lạc chủ trương tìm kiếm hạnh phúc qua những thú vui xác thịt cùng sự giải thoát khỏi đau đớn và lo lắng. Hai nguyên nhân chính gây lo lắng là nỗi sợ các thần (trừng phạt) và nỗi sợ cái chết. Vậy nên Epicurus (người khai sinh trường phái Hưởng Lạc) tìm cách giải tỏa cả hai nỗi sợ này bằng cách dạy về thuyết tiến hóa phân tử.

Ông ta phủ nhận rằng không có bất kỳ mục tiêu nào trong thiên nhiên, bởi vì mọi thứ đều được cấu tạo từ các hạt nguyên tử (atoma), và tất cả đều lắng xuống. Ông nói các nguyên tử này đôi khi tự nhiên ‘chuyển hướng’ kết hợp lại với nhau tạo thành các cơ thể – thể không có sự sống, cơ thể sống, con người, và các vị thần. Các vị thần được hình thành từ các nguyên tử mịn hơn [các hạt nguyên tử] tạo ra con người. Họ không tạo dựng thế giới hay có quyền hành gì với nó, vậy nên họ không quan tâm đến những vấn đề của con người. Do đó con người chẳng việc gì phải sợ các thần. Khi chết, thể xác lẫn linh hồn sẽ tan rã và không tồn tại nữa, vậy nên chẳng việc gì phải sợ cái chết hay sự trừng phạt sau khi chết. 

Cicero dùng nhân vật Khắc Kỷ trong quyển sách của mình để bác bỏ những ý tưởng này bằng các luận cứ từ thiết kế, với mục tiêu chứng minh rằng vũ trụ này được quản trị bởi một Nhà Thiết Kế thông minh. Ông lập luận rằng cần có một ý thức mục đích rõ ràng để thể hiện nghệ thuật (như việc vẽ một bức tranh hay tạc một pho tượng). Vì thiên nhiên hoàn hảo hơn nghệ thuật (thiên nhiên có nhiều cảnh đẹp hơn tranh vẽ, và cơ thể con người tinh tế hơn các pho tượng), do đó, thiên nhiên cũng thể hiện rõ mục đích của Nhà Thiết Kế. Ông lý luận rằng chuyển động của một con tàu được điều khiển bởi trí thông minh của một người tài năng, và đồng hồ mặt trời hay đồng hồ nước chỉ thời gian theo thiết kế chứ không phải ngẫu nhiên. Ông nói ngay cả những người hoang dã ở Anh hay Scythia cũng không thể không nhận thấy rằng mô hình miêu tả chuyển động của mặt trời, các vì sao và các hành tinh là sản phẩm của trí tuệ có ý thức.

(Ngày xưa, người La Mã – Hy Lạp chế tạo những cỗ máy bánh răng mô phỏng chính xác chuyển động của mặt trời, trăng sao và các hành tinh gọi là máy Antikythera. Chúng được xem là những máy tính cổ xưa nhất của loài người. Những người hoang dã không biết gì nhưng khi nhìn qua cũng biết rằng cỗ máy này không thể tự nhiên mà có.)

máy Antikythera của người Hy Lạp cổ đại

Cicero tiếp tục thách thức thuyết tiến hóa của Epicurus bằng việc đặt câu hỏi xem ai có thể tự thuyết phục mình để thực sự tin được chuyện các hạt bụi đá va chạm ngẫu nhiên có thể tạo ra cái gì đẹp đẽ như thế giới này. Ông nói điều này cũng vô lý ngang với việc tin rằng nếu các chữ cái trong bảng chữ cái được ném xuống đất đủ số lần thì chúng sẽ tự động ghép lại thành quyển Biên Niên Sử Của Enninus (Annals of Enninus).Và Cicero hỏi: Nếu sự va chạm ngẫu nhiên của nguyên tử có thể tạo ra thế giới này, vậy tại sao chúng không tạo ra những vật thể ít phức tạp hơn, như một hàng cột, một đền thờ, một căn nhà, hay một thành phố?

Những Người Sử Dụng Luận Cứ Thiết Kế Thông Minh Gần Đây

Vào thế kỷ 18, người sử dụng luận cứ thiết kế thông minh nổi bật nhất là William Paley (1743-1805). Trong quyển Thần Học Thiên Nhiên của mình, ông đặt ra trường hợp một người thấy một cái đồng hồ khi đi dạo ở một vùng quê hoang vắng. Từ những chức năng mà các bộ phận khác nhau của đồng hồ cần thực hiện (như lò xo, bánh răng, kim chỉ), kết luận lô-gic duy nhất là có một nhà chế tạo, người ‘hiểu cấu tạo và thiết kế các công dụng của nó’. Paley cũng thảo luận về bằng chứng được thiết kế của mắt – về vai trò để nhìn thì mắt cho thấy sự thiết kế thông minh giống như những gì được thấy ở các kính viễn vọng, kính hiển vi, và kính thuốc vậy. Và ông tiếp tục thảo luận về những thiết kế phức tạp của các cơ quan khác trong cơ thể con người và động vật. Tất cả đều đưa đến kết luận rằng sự tồn tại của sự sống phức tạp cho thấy phải có một Đấng Tạo Hóa thông minh đã thiết kế ra chúng.

David Hume, triết gia hoài nghi về Chúa người Scotland vào thế kỷ 18, cố gắng phản biện lập luận về cái đồng hồ của Paley rằng đồng hồ không phải là sinh vật sống có thể tự sinh sản. Tuy nhiên, Paley viết 30 năm sau Hume, và các lập luận của Paley là hoàn toàn miễn nhiễm với những phản đối của Hume. (Ngày xưa, người ta tin rằng vật chất có sự sống là nhờ nó có chất sống (hữu cơ), thứ giúp vật chất vô cơ trở nên có sự sống với khả năng sinh sản và phát triển. Vậy nên David Hume nghĩ rằng chất sống này giúp sinh vật sống có thể tự sinh sản và tiến hóa tạo ra các bộ phận chức năng của mình, khác với cái đồng hồ vô cơ phải được lắp ráp chế tạo. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của ngành hóa sinh học phân tử, ta biết rằng không có chất làm cho vật chất vô cơ trở nên sống. Mỗi tế bào là một rô-bốt nhỏ hơn đầu kim nhưng bên trong chứa vô số cỗ máy phân tử (molecular machine) hoạt động để tự lắp ráp nhân bản chính mình từ các chất vô cơ. Rô-bôt này khoa học hiện đại chưa thể làm.)

Minh họa thế giới bên trong 1 tế bào

Một triết gia hiện đại đã phản biện Hume thế này: ‘Luận điểm của Paley về các sinh vật là vững vàng dù đồng hồ và các sinh vật sống có khác nhau đi chăng nữa. Vì chúng ta dễ nhìn thấy thiết kế cấu tạo của đồng hồ hơn là của các sinh vật sống. Những cỗ máy bên trong tế bào như bộ mã ADN, hệ thống giải mã, xây dựng, lắp ráp, vận chuyển… đều ở cấp độ phân tử mà mắt người không thể nhìn thấy được. Việc sử dụng đồng hồ để làm minh họa giúp người đọc dễ hình dung và có thể thấy rằng biện luận về sinh vật sống là rất thuyết phục.’

Charles Darwin và Paley

Charles Darwin được yêu cầu đọc sách của Paley trong thời gian học thần học ở Cambridge (1828-31). Sau này ông nói: ‘Tôi không nghĩ rằng tôi từng ngưỡng mộ quyển sách nào hơn quyển Thần Học Thiên Nhiên của Paley. Trước đây tôi gần như có thể thuộc lòng những gì được ghi trong đó.’

Tuy nhiên, sau đó ông đã dành cả đời mình để phát triển và quảng bá một thuyết để giải thích cách các ‘thiết kế’ trong thiên nhiên có thể xảy ra mà không cần đến Đức Chúa Trời – Đấng Tạo Hóa. Darwin đề xuất rằng những thay đổi nhỏ hữu ích có thể xảy ra cách ngẫu nhiên, và giúp sinh vật sở hữu chúng có thể tồn tại và truyền lại những thay đổi này – điều này gọi là chọn lọc tự nhiên. Chọn lọc tự nhiên sẽ phát huy tác dụng ngay cả với những cải tiến nhỏ nhất, và qua những khoảng thời gian rất dài, được cho là sẽ tích lũy đủ những thay đổi nhỏ để tạo ra tất cả ‘thiết kế’ mà chúng ta thấy trong thế giới sự sống.

Khoa Học Hiện Đại VS Darwin

Những người tin theo thuyết tiến hóa, gồm cả giáo sư vô thần Richard Dawkins của Đại-học Oxford, vẫn sử dụng thuyết của Darwin để chống lại luận cứ về thiết kế thông minh. Nhưng giờ đây họ tin rằng sự chọn lọc tự nhiên tác động đến các lỗi sao chép di truyền (đột biến di truyền), một số chúng được cho là làm tăng hàm lượng thông tin di truyền. Nhưng luận điểm của Dawkins đã bị phê bình gay gắt trên cơ sở khoa học. Tư tưởng Darwin mới (neo-Darwinism) của Dawkins có nhiều sai sót như:

+ Sự chọn lọc tự nhiên đòi hỏi các thực thể có khả năng tự sinh sản. Việc tạo ra ngay cả một tế bào sống có khả năng tự sinh sản đơn giản nhất bằng cách kết hợp ngẫu nhiên các hóa chất còn đáng kinh ngạc hơn việc tạo ra quyển Biên Niên Sử của Ennius bằng cách tung các chữ cái xuống đất. Sinh vật sống đòi hỏi những phân tử dài được sắp xếp cách chính xác từ những “khối xây dựng” nhỏ hơn. Theo cách tự nhiên, không chỉ những khối xây dựng này không kết hợp theo đúng thứ tự, mà chúng còn hoàn toàn không thể xây nên các phân tử lớn hơn! Thay vào đó, các phân tử lớn thường vỡ ra thành các phân tử nhỏ hơn. Cũng vậy, các khối xây dựng này rất dễ vỡ.

+ Có một bộ máy sinh học phức tạp mà Darwin đơn giản là không biết. Tiến sĩ hóa sinh Michael Behe liệt kê một số các ví dụ: động cơ thực sự (giúp các cỗ máy phân tử bên trong tế bào di chuyển), hệ thống vận tải, cơ chế chống đông máu, bộ máy thị giác phức tạp. Ông lập luận rằng chúng đòi hỏi phải có nhiều bộ phận, nếu không chúng sẽ hoàn toàn không thể hoạt động. Vậy nên chúng không thể được tạo ra dần dần từ từng bước nhỏ qua cơ chế chọn lọc tự nhiên.

+ Nhà vật lý sinh học /lý thuyết thông tin, Tiến-sĩ Lee Spetner chỉ ra rằng đột biến ngẫu nhiên chưa bao giờ được thấy là thêm vào thông tin cho gen, mà chỉ làm giảm đi – điều này gồm cả những đột biến hiếm hoi hữu ích. Và ông chỉ ra rằng sự chọn lọc tự nhiên là không đủ để tích lũy những lợi thế nhỏ, vì chúng quá yếu để vượt qua tác động của sự ngẫu nhiên, thứ có xu hướng loại bỏ những đột biến này.

Kinh Thánh Và Luận Cứ Thiết Kế Thông Minh: Thiết kế thôi chưa đủ!

Sứ-đồ Phao-lô đã sử dụng luận cứ về thiết kế thông minh trong Rô-ma 1:20 khi ông tuyên bố rằng quyền năng đời đời và bản chất thánh của Đức Chúa Trời có thể được nhận biết qua những vật được tạo dựng (tức là những bằng chứng về thiết kế trong thiên nhiên). Và ông nói rằng vì việc này, những kẻ không tin kính ‘không thể bào chữa’. Nhưng Phao-lô nói tiếp rằng người ta cố ý chối bỏ bằng chứng rõ ràng này.

Bằng chứng về sự thiết kế trong thiên nhiên đủ để buộc tội con người, nhưng không đủ để cứu chuộc họ. Kinh Thánh nói rõ rằng việc giảng Tin Lành cũng cần thiết để chỉ cho chúng ta cách để có mối quan hệ đúng đắn với Đấng Tạo Hóa.

Cicero sống vào thế kỷ trước Đấng Christ và có lẽ chưa bao giờ nghe về Đức Chúa Trời của Sáng Thế Ký; ông dùng luận cứ thiết kế để ủng hộ cho các thần và nữ thần Hy Lạp của phái Khắc Kỷ. Ngày nay, những người theo thuyết Tâm Linh Thời Đại Mới (New Age) có thể nói sự thiết kế đến từ Mẹ Thiên Nhiên hay Gaia (nữ thần trái đất của Hy Lạp).

Chia Sẻ Tin Lành Qua Thuyết Sáng Tạo

Khi Cơ-đốc nhân dùng luận cứ thiết kế thông minh và những lập luận khác từ khoa học, họ đang thực hiện việc tiền rao giảng Tin Lành, nghĩa là họ đang tìm cách chỉ ra những sai lầm của các giả định tiến hóa đã làm mù mắt con người ngày nay trước lẽ thật của Lời Chúa. Điều này được thể hiện qua trải nghiệm của sứ đồ Phao-lô ở thành A-thên. Phao-lô giảng về Chúa Giê-xu và sự phục sinh (Công-vụ 17:18), điều thách thức tất cả các triết gia chủ nghĩa Khoái Lạc (tin con người là duy vật chất và các thần không can dự vào chuyện thế gian, chết là hết nên chú trọng hưởng lạc) và chủ nghĩa Khắc Kỷ (tin có linh hồn và vô số thần, nhưng không có sự phục sinh, linh hồn bất tử nên chú trọng kỷ luật linh hồn) – nghĩa là cả những đối thủ của Cicero cùng các tín hữu theo ông. Phao-lô thách thức những tư tưởng sai lầm của họ bằng cách chỉ cho họ Đấng Chân Thần đã tạo dựng mọi thứ. Nhưng Phao-lô không ngừng ở sự sáng tạo.

Ông kêu gọi họ ăn năn, và ông nói họ có thể biết rằng sẽ có một Ngày Phán Xét vì Đức Chúa Trời đã đặt ra một Đấng Phán Xét và đảm bảo điều này bằng việc khiến Ngài sống lại từ cõi chết (Công-vụ 17:18-31).

Cách duy nhất để được cứu là tin Phúc Âm của Chúa Giê-xu Christ (Công-vụ 4:12), Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Chuộc (Ê-sai 59:20), Đấng đã chết và sống lại để trả giá chuộc cho tội lỗi của loài người. Chúng ta nên làm theo cách Phao-lô trình bày Phúc Âm ở 1 Cô-rinh-tô 15:1-4, 21-22, 26, 45, điều chỉ có ý nghĩa khi thực sự đã có sự Sáng Thế, sự Sa Ngã, và án phạt cho tội lỗi là cái chết… theo nghĩa đen.

Sứ-đồ Giăng đã viết sách Phúc Âm Giăng ‘… để các người tin rằng Đức Chúa Giê-xu chính là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi tin các người có sự sống trong danh Ngài.’ (Giăng 20:31). Nhưng ông bắt đầu sách Phúc Âm của mình bằng cách tuyên bố rằng Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa (Giăng 1:1-3), Ngôi Hai trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Đấng mang lấy bản chất của con người (Giăng 1:14). Vậy nên việc truyền giảng Tin Lành phải giới thiệu Đấng Christ là Đấng Sáng Tạo nếu không sẽ bị thiếu sót – nếu đấng Christ không phải là Đức Chúa Trời, thì Ngài không thể là Cứu Chúa của chúng ta (Ê-sai 43:11).

Kết Luận

Nếu không có sứ điệp về sự thiết kế và Đấng Sáng Tạo, việc rao giảng Tin Lành sẽ bị thiếu cơ sở. Không có Đấng Christ, luận cứ thiết kế thông minh không có khả năng cứu chuộc con người. Chúng ta phải trình bày một Phúc Âm trọn vẹn, bắt đầu bằng sự sáng tạo của Đức Chúa Trời Ba Ngôi, và kết hợp điều đó với sứ điệp về sự chết của Đấng Christ cho tội lỗi của con người và sự phục sinh của Ngài.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: creation.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like