Home Chuyên Đề KHÔNG PHẢI TẤT CẢ TÔN GIÁO ĐỀU DẪN TỚI CHÚA SAO? – Chương 8: Không có vị thầy vĩ đại nào chọn sống chung với môn đồ

KHÔNG PHẢI TẤT CẢ TÔN GIÁO ĐỀU DẪN TỚI CHÚA SAO? – Chương 8: Không có vị thầy vĩ đại nào chọn sống chung với môn đồ

by Sưu Tầm
30 đọc

Không có điểm nào khiến Cơ đốc giáo hoàn toàn khác với các niềm tin khác trên thế giới hơn điểm này. Đó là người sáng lập chọn đến và sống trong lòng và cuộc đời của các tín hữu! Hãy xem xét tuyên bố hoàn toàn ngược đời này.

Xét trên nhiều khía cạnh, Chúa Giê-su có những điểm giống như các thầy dạy tôn giáo và triết học khác. Socrates có một nhóm tín đồ luôn đi theo thảo luận về bản chất của lẽ thật với ông. Phật tổ cũng có một nhóm tương tự. Chúa Giê-su cũng vậy. Đây là điều phổ biến trong thế giới cổ xưa. Đó là cách để Thầy truyền đạt kiến thức cho môn đồ. Nên không có gì bất thường về Chúa Giê-su. Sự khác biệt khác thường bắt đầu xuất hiện vào cái đêm trước khi Ngài chết. Ngài bắt đầu dạy dỗ họ, mà họ chỉ có thể hiểu mơ hồ, về Đức Thánh Linh. Ngài nói như vậy:

Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.” (Giăng 14:16-18)

Ý Chúa là gì? Ngài đang nhắc đến ai?

Hồi giáo có câu trả lời rất hay. Họ tin rằng Chúa Giê-su, mà kinh Ko-ran coi trọng như một vị tiên tri đến từ A-la, đang tiên đoán về sự xuất hiện của Muhammad vào sáu thế kỷ sau. Sự giải thích này là không thể. “Đấng Yên Ủi” phải ở cùng các môn đồ mãi mãi và sẽ sống trong họ, và thế gian sẽ thấy, biết và tiếp nhận Ngài. Chắc chắn đó không phải là Muhammad hay người khác: bất cứ con người xác thịt tài năng năng nào cũng sẽ được biết đến, chào mừng nhưng chắc chắn không thể sống trong thân thể người khác.

Không. Chúa Giê-su nhắc đến Đức Thánh Linh, Đấng họ đã biết bởi Ngài ngự trong Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là Đấng dẫn dắt, dạy dỗ và yên ủi cho môn đồ Ngài, và Ngài hứa sau khi Ngài chết họ sẽ nhận được “Đấng Yên Ủi” khác. Trong lời dạy của Chúa Giê-su trước khi chết tới các môn đồ có nhiều liên hệ đến Ngài, được ghi lại trong Giăng đoạn 14-16. Đức Thánh Linh sẽ là món quà lâu dài cho họ, Ngài sẽ đưa họ tiến xa đến lẽ thật của Đức Chúa Trời, ngập tràn họ trong sự bình an của Chúa Giê-su, mang lời chứng về Chúa Giê-su và dẫn dắt các môn đồ làm điều tương tự. Họ còn nhận thấy lợi ích của sự kiện Chúa Giê-su yêu dấu bị mang đi, bởi nếu không thì Thánh Linh sẽ không đến với họ.

Nhưng bởi sự hiểu biết giới hạn về những gì Chúa Giê-su nói, các môn đồ vẫn có thể nắm được ý chính của Chúa Giê-su, từ những hiểu biết về Cựu ước. Thánh Linh của Chúa được bày tỏ từ thuở ban đầu. Sáng thế ký 1:2 nói rằng Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước và tham gia vào sự sáng tạo thế giới. Trong Cựu ước, vai trò của Đức Thánh Linh càng rõ rệt. Đó là Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà chúng ta đang nói đến, không phải khía cạnh thuộc linh của con người. Thần của Đức Chúa Trời không phải bị thuần hoá bởi con người, mà là một “Thần khác” và mạnh mẽ hơn. Thánh Linh đó giáng trên người thợ Bết-sa-lê-ên, khiến anh ta trở nên một người thợ lành nghề (Xuất 31:2-5). Thánh Linh ngự trên con người bình thường như Ghê-đê-ôn khiến ông trở thành một người giải cứu mạnh mẽ (Các quan xét 6). Thánh Linh giáng trên Sam-sôn và khiến ông trở thành người mạnh nhất thế gian (Các quan xét 13). Nhưng mạnh mẽ nhất là khi chúng ta thấy Thánh Linh Chúa cảm hứng các tiên tri và khiến họ phán lời của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên.

Tuy nhiên, có ba điểm hạn chế lớn về Đức Thánh Linh trong Cựu ước. Thứ nhất, Thánh Linh chỉ là một năng quyền: không phải một thân vị. Thứ hai, Thánh Linh không phải dành cho mọi người mà chỉ dành cho những người đặc biệt được chọn bởi Chúa, như vua và tiên tri. Và thứ ba, Đức Thánh Linh không nhất thiết phải ở mãi với một người trong thời điểm Cựu ước. Thánh Linh có thể rời đi nếu người đó bất tuân, như Vua Sau-lơ hay Sam-sôn.

Có những bất lợi, nhưng cũng có những hi vọng tươi sáng, đặc biệt trong ghi chép của Ê-xê-chiên và Giê-rê-mi. Họ tìm kiếm người sẽ ra từ dòng dõi vua Đa-vít, dù mịt mù bởi sự lưu đày, thất bại và cái chết.

Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 11:1-2)

Họ cũng tìm kiếm ngày mà Thánh Linh của Chúa sẽ ngự trong tất cả dân sự Ngài. Ngày đó sẽ đến với sự thoả thuận mới và kéo dài giữa Đức Chúa Trời và con người. Ê-xê-chi-ên đã tiên tri 600 năm trước về Chúa Giê-su.

Ta sẽ rưới nước trong trên các ngươi, và các ngươi sẽ trở nên sạch; ta sẽ làm sạch hết mọi sự ô uế và mọi thần tượng của các ngươi. Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo  các ngươi sẽ làm dân ta, ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 36:25-29)

Tiên tri Giê-rê-mi là người sống cùng thời cũng có sứ điệp tương tự:

Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va! vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa.” (Giê-rê-mi 31:33-34)

Đây là một điều không tin nổi. Tất cả dân sự của Chúa sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh. Thay vì có các điều răn đặt trước mặt họ trên các tấm bảng đá, họ sẽ có các điều răn ở trong họ bởi Thánh Linh. Thay vì chỉ có những con người đứng đầu biết Chúa, tất cả đều sẽ biết Ngài. Thay vì hệ thống tế lễ, mà tội lỗi được nhắc lại mỗi năm nhưng không được tha, tội lội của họ sẽ sẽ được làm trọn và tha thứ! Thật là một lời hứa tuyệt diệu. Mối quan hệ cá nhân với Chúa, sự tha thứ thật, và Thánh Linh của Chúa sống trong họ để chỉ dẫn họ trong các quyết định đạo đức để họ thực sự làm đẹp lòng Chúa.

Đó là bối cảnh phía sau lời hứa của Chúa Giê-su cho các môn đồ vào đêm trước khi Ngài bị nộp. Ngài đã ứng nghiệm điều Ê-sai mong đợi. Ngài đến từ dòng dõi Đa-vít, rễ đâm ra từ dòng dõi hoàng tộc. Và các nhà truyền giáo đều nói về Thánh Linh của Chúa ngự trên Ngài khi Ngài làm phép báp-têm tại sông Giô-đanh và ở lại (như một món quà đời đời) xuyên suốt chức vụ trên đất, nên sự dạy dỗ, phép lạ, đuổi quỷ đều là công việc của Đức Thánh Linh ngự trong Ngài. Và tại buổi ăn tối, Ngài nói với các môn đồ đang ủ rũ, thất vọng vì họ biết Ngài sẽ chết, rằng ngày lớn được phán bởi tiên tri Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên  đang đến. Sự chết và sống lại của Ngài sẽ giải phòng Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang ngự đầy dẫy trong Chúa Giê-su, bước vào cuộc đời của tất cả những người theo Ngài. Thánh Linh sẽ không phải một Đấng xa lạ nhưng mang những đặc tính của Chúa Giê-su. Con người sẽ không còn kinh nghiệm Thánh Linh như một quyền năng mà như một thân vị: không phải quyền năng mà là Ngài!Và Thánh Linh sẽ không chỉ dành cho số ít người được chọn mà cho tất cả các tín hữu. Ngài sẽ bày tỏ sự hiện diện của Chúa Giê-su tới những người chưa từng thấy Ngài hoặc sống cách xa nhiều thế kỷ sau đó, để họ cũng biết và vui thoả với Ngài, giống như những người sống cùng thời với Ngài. Và có lẽ quan trọng hơn là không còn nguy cơ nay có mai mất Thánh Linh: Ngài sẽ thuộc sở hữu của tín hữu đời đời, lời cam kết của sự tha thứ, năng quyền, và tri thức của Đức Chúa Trời.

Tôi không cho rằng các môn đồ hiểu hết khi ở trên Phòng Cao vào buổi tối của Buổi Ăn Tối Cuối Cùng. Nhưng sớm thôi họ sẽ thấy điều đó thành sự thực cách vinh hiển. Khi chúng ta đọc chương cuối, Chúa Giê-su sống lại trong ngày Phục sinh đầu tiên, và trước khi trở về với Cha trên trời, chức vụ của Ngài trên đất đã thành. Việc làm cuối cùng trên đất là lặp lại lời hứa Thánh Linh sẽ giáng trên họ và ban cho họ năng quyền để công bố phúc âm trên toàn thế giới:

Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công vụ 1:8)

Chúa Giê-su rõ ràng nhận diện Đức Thánh Linh với chính Ngài, kinh nghiệm cách thuộc linh, bởi câu chia tay của Ngài có nhắc đến: “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).

Ý nghĩa của lời này là gì. Chúa Giê-su là Đấng tiên tri Ê-sai đã chỉ ra quả thật được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Và giờ Ngài hứa về sự hiện diện của cùng một Thánh Linh ở cùng với các môn đồ trong cuộc đời họ, khi Ngài rời đi. Thánh Linh sẽ khiến Chúa Giê-su trở nên chân thực với họ và giúp họ biết Ngài cách cá nhân, kinh nghiệm sự tha thứ mỗi ngày, và tìm thấy năng quyền của Ngài trong sứ mạng truyền giáo thế giới. Điều được hứa trong Cựu ước đã được ứng nghiệm đầy vinh hiển. Và các môn đồ đều chấn động với thực tế họ đã kinh nghiệm. “Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển,” sứ đồ Phao-lô hân hoan nói (Cô-lô-se 1:27). “Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô-ma 8:9). Có nhiều câu trong Tân Ước cũng nói như vậy. Bạn có thấy ý nghĩa của các câu đó không? Là bí quyết để trở thành Cơ đốc nhân là phải chào đón Thánh Linh của Chúa Giê-su bước vào tấm lòng và cuộc đời. Đó không phải là cố gắng đi theo sự dạy dỗ xuất sắc, như các tôn giáo khác, mà là chào đón Đấng Christ ngự vào lòng! Thật khác biệt với các niềm tin khác mà thế giới từng chứng kiến. Cả hội thánh non trẻ đã choáng ngợp với đặc quyền này. Họ nhanh chóng trở thành một cộng đồng của Đức Thánh Linh, và sách Công vụ các sứ đồ kể câu chuyện về họ đón nhận Thánh Linh vào lễ Ngũ Tuần và sự vươn ra năng nổ sau đó, trên khắp thế giới lúc đó.

Cụ thể, Đức Thánh Linh sống trong họ đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong nhận thức đạo đức và lối sống. Có nhớ lời hứa của Giê-rê-mi rằng luật pháp của Chúa sẽ ngự bên trong kẻ tin? Và điều đó bắt đầu xảy ra. Thay vì “thạnh nộ, buồn giận và hung ác, nói hành, lời tục tĩu” thuộc về những ngày tháng chưa tin Chúa (như Phao-lô đã thẳng thắn nhắc nhở họ), độc giả tại Cô-lô-se mặc vào áo choàng tinh sạch, bản tính mới của người có Đấng Christ ngự vào lòng. Họ không bao giờ còn có định kiến, dựa trên sắc tộc, tầng lớp và tôn giáo. Đấng Christ là tất cả và ngự trong mọi việc họ làm. Bởi là những người thánh (được biệt riêng) của Chúa, họ “mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau”. “Tha thứ,” ông nói, “như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy”. Nhưng trên hết mọi sự đó, họ phải mặc lấy lòng yêu thương và để sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng họ. Đó là những gì họ đã được kêu gọi. Họ lại phải biết ơn. Họ phải để lời Chúa đầy dẫy trong lòng. Họ phải dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài. Và mọi lời nói việc làm, họ phải làm mọi sự trong danh Chúa Giê-su, tạ ơn Đức Chúa Cha qua Ngài (Cô-lô-se 3:12-17).

Thật là một sự biến đổi lớn được Phao-lô nhắc đến – ngay cả trong các Cơ đốc nhân Cô-lô-se mà ông chưa từng gặp. Đó là những phẩm chất của cuộc sống đã làm ngạc nhiên xã hội lúc đó và khiến cho đức tin mới của Cơ đốc giáo có ảnh hưởng lớn đến vậy. Họ quyết định làm theo tấm gương của Chúa Giê-su và làm vui lòng Ngài trong mọi điều. Họ làm trong sức mạnh mà Đức Thánh Linh cho họ. Như thể Chúa Giê-su sống lại qua họ. Đó chính là và luôn là trung tâm của đạo đức Cơ đốc. Không phải giữ một quyển sách luật pháp, mà là yêu thương và làm vừa lòng con người, và trong năng quyền của Ngài chiến thắng xu hướng sai lầm của bản chất con người và tuôn đổ tình yêu của Đấng Christ cho người khác.

Ngoài sự dạy dỗ đạo đức của Tân Ước, bạn còn thấy tấm gương và sự vùa giúp của Đấng Christ. Lắng nghe sứ đồ Phao-lô, viết từ trong tù,

Tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi!” (Phi-líp 4:1-13)

Ông có thể đối mặt với mọi thứ vì quyền năng của Đấng Christ hằng sống ở trong ông.

Đây là sự tương phản rõ nét với hệ thống đạo đức của niềm tin khác.

Cơ đốc giáo không vận hành như Phật giáo với sách giới luật, hay như Hồi giáo với nhiều luật cấm cố định (haram). Họ cũng không có sách luật pháp, không có luật shariah, là luật ném đá người phạm tội tà dâm và chặt tay kẻ trộm. Thay vào đó, họ tìm cách làm theo tấm gương của con người hoàn hảo duy nhất từng tồn tại, Chúa Giê-su, và trong năng quyền của Đức Thánh Linh để có thể tiến gần đến Ngài nhất. Đó là lý do chúng ta không cho phép có bốn vợ và vô số thê thiếp như Muhammad. Chúa Giê-su đã cho họ thấy tầm quan trọng của một vợ một chồng, như Đức Chúa Trời đã hoạch định từ thuở ban đầu (Sáng thế ký 2:24). Đó là lý do tại sao họ không tìm cách đạt đại nghĩa bằng vũ lực như các đội quân đang bắt bớ Cơ đốc nhân tại 32 quốc gia dưới danh nghĩa Hồi giáo: Chúa Giê-su từ chối dùng gươm và những người theo Ngài cũng vậy. Đó là lý do tại sao họ không giết những người bội đạo, như những gì Muhammad dạy sau đó và luật này vẫn tồn tại trong một số quốc gia Hồi giáo, như Saudi Arabia, Iran và Sudan. Chúa Giê-su không hại ai kể cả Giu-đa đã phản bội Ngài. Đó là lý do tại sao họ không phân loại con người theo thứ tự ưu tiên, đẳng cấp như đạo Hin-đu, với số lượng lớn nô lệ và Dalit (những người ko thể chạm vào) ở đáy cùng. Chúa Giê-su đối xử trong tình yêu thương và tôn trọng với mọi người như nhau. Đạo đức Cơ đốc luôn học theo tấm gương và bản tính của Chúa Giê-su. Họ không học theo những luật lệ đạo đức mà là nỗ lực làm đẹp lòng Đấng họ yêu. Đức Thánh Linh dần dần giúp chúng ta làm được điều này, nếu chúng ta dựa vào Ngài.

Thường thì, than ôi, Cơ đốc nhân gặp thất bại trong việc dựa vào Thánh Linh và sức mạnh của Ngài, và nhận được kết quả thất bại. Nhưng trong sự mặc khải của Cơ đốc nhân không bao giờ có sự giết hại những người chưa tin hay đàn ông được hạ thấp phụ nữ như chép trong kinh Koran (sura 9.5, 73 và 4.4, 34), ghi rằng, “Người nam có thẩm quyền trên người nữ vì Chúa tạo nên họ cao quý hơn”. Luật pháp tôn giáo (shariah) chỉ cho người nữ nửa giá trị như đàn ông trong lời chứng và đền bù. Khi Cơ đốc nhân phạm tội, họ không tìm kiếm lệnh của toà án trong Tân ước. Thay vào đó, hậu quả sai lầm của họ đến từ thất bại trong việc đi theo tấm gương của Chúa Giê-su và nghe theo sự dẫn dắt của Kinh Thánh. Mục tiêu vĩ đại của đạo đức Cơ đốc, và công việc cao quý của Thánh Linh của Chúa Giê-su trong chúng ta, là khiến các tín hữu trở nên như Chúa. Ngài muốn chúng ta được biến đổi từ vinh hiển này (tức là giống Đấng Christ) tới vinh hiển kia bởi Chúa, Đức Thánh Linh (2 Cô-rinh-tô 3:18). Cuộc đời của chúng ta phải được cai trị bằng tình yêu thương. Phao-lô nói trong bài hát tuyệt diệu về tình yêu thương trong1 Cô-rinh tô 13:4-6:

Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.”

ông đang vẽ lên một lý tưởng cho tín hữu. Nhưng bạn hiểu sự thách thức của đạo đức tuyệt vời đó chỉ khi bạn thay danh “Chúa Giê-su” bằng “Tình yêu thương”. Than ôi, Michael Green thì không phải lúc nào cũng nhịn nhục và nhân từ. Anh ấy hay khoe mình và ghen tị. Nhưng Chúa Giê-su không như vậy. Ngài không bao giờ nhạy giận hay nghi ngờ sự dữ, kiêu ngạo hay làm điều trái phép. Và hơn thế, bởi quyền năng của sự hiện diện của Ngài có trong chúng ta, Chúa Giê-su hành động trong các tín hữu để họ bắt đầu bộc lộ bản tính của Ngài. Cũng cần thời gian, cũng như Michelangelo cần thời gian để biến đổi tảng đá hoa trở thành một bức tượng đẹp đẽ tên “Đa-vít”. Nhưng Đấng Christ sống trong chúng ta mài dũa chúng ta để có được thành phẩm tương tự. Chỉ có một vị thầy trên thế giới làm vậy bằng cách ngự bên trong môn đồ Ngài. Tên Ngài là Chúa Giê-su.

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like