Home Chuyên Đề Những Trở Ngại Trong Truyền Giáo: Có Hay Không “Một Sự Kêu Gọi”?

Những Trở Ngại Trong Truyền Giáo: Có Hay Không “Một Sự Kêu Gọi”?

by thetravelingteam.org
30 đọc

“Một sự kêu gọi” – đã trở thành chủ đề quen thuộc được thảo luận trong giới truyền giáo. Mặc dù có rất ít sự đồng thuận về khái niệm “một sự kêu gọi” đó bao gồm những gì và chúng ta nên định nghĩa sự kêu gọi đó như thế nào, nhưng phần lớn đều đồng ý với tuyên bố này, cho đến một thế hệ trước, người ta cho rằng sự kêu gọi là điều cần thiết để trở thành một nhà truyền giáo. Các nhà lãnh đạo trong giới truyền giáo đã nỗ lực để làm sáng tỏ những sự nhầm lẫn liên quan đến khái niệm “một sự kêu gọi” và loại bỏ nhiều quan điểm hư cấu xung quanh khái niệm này. Ví dụ, vào năm 1954 Harold Cook đã viết thế này :

Nói tóm lại: (1) không cần thiết phải có một sự kêu gọi đặc biệt từ thiên thượng để làm chứng về Đấng Christ bên ngoài biên giới quốc gia; (2) khải tượng nổi bật Sđồ Phao-lô nhận được tại thành Trô-ách, cái gọi là “tiếng gọi Ma-xê-đoan,” không phải là sự kêu gọi dấn thân vào sứ mạng truyền giáo của ông, cũng không phải là một sự kêu gọi điển hình; và (3) sự kêu gọi đến với mục vụ truyền giáo không cần thiết gắn liền với một địa phận cụ thể ở quê hương hay ở nước ngoài.

Từ điều này có vẻ như chúng ta đã loại trừ hết mọi ý tưởng về một sự kêu gọi. Nhưng nó không phải vậy.

Tuy nhiên, sau đó, ông nói tiếp, “Đôi khi để nhìn nhận vấn đề trong mối liên hệ đúng đắn, tốt nhất chúng ta nên bỏ qua cụm từ ‘sự kêu gọi’ và nói về vấn đề này như một sự hướng dẫn.” Ông tiếp tục đưa ra lời chứng của bảy nhà truyền giáo lớn và chỉ ra rằng không có một khuôn mẫu cố định nào, cũng như chúng ta không thể rút ra định nghĩa nào từ những kinh nghiệm của họ.

Herbert Kane nói rõ hơn về vấn đề này: “Đáng lẽ không nên đặt ra thuật ngữ ‘sự kêu gọi truyền giáo’. Đây không phải thuật ngữ Kinh Thánh và do đó nó có thể gây hại. Hàng ngàn thanh niên khao khát phục vụ Chúa đã chờ đợi và chờ đợi ‘sự kêu gọi truyền giáo’ huyền bí nào đó nhưng nó không bao giờ đến.

GIÁO LÝ KINH THÁNH VỀ ‘SỰ KÊU GỌI’

Làm thế nào chúng ta tìm ra sự thật về “sự kêu gọi truyền giáo”? Chúng ta có cân nhắc xem xét một phần nào đó từ kinh nghiệm truyền giáo không? Dĩ nhiên là không. Chúng ta phải quay trở về nơi có thẩm quyền tuyệt đối: Kinh Thánh. Cách sử dụng chủ yếu của từ “sự kêu gọi” trong Tân Ứớc là sự kêu gọi đến với sự cứu rỗi. Có vẻ Sứ-đồ Phao-lô đã sử dụng từ này như một thuật ngữ toàn diện để gộp chung tất cả những gì liên quan đến việc chúng ta quay trở về với Đấng Christ: nghe Phúc Âm, tin nhận, và hệ quả tức thời là sự tái sinh, … Sứ-đồ Phao-lô cũng đã dùng từ này để nói về sự kêu gọi đến với chức vụ Sứ-đồ trong Rô-ma 1:1 và 1 Cô-rinh-tô 1:1, nhưng chúng ta không tìm thấy bất kỳ sự đề cập nào đến “sự kêu gọi truyền giáo”!

Có hai phân đoạn có thể đã được sử dụng để luận giải cho điều này. Một là Công-vụ 13:2: “Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc Ta đã gọi làm.” Xin lưu ý rằng Sau-lơ người Tạt-sơ đã được kêu gọi để làm sứ đồ cho dân ngoại ngay khi cải đạo. A-na-nia đã nói cho ông biết điều đó (Công-vụ 9:16; 22:21; 26:16-18) và sau đó Chúa đã xác nhận lại điều này rất lâu trước khi các lãnh đạo Hội-thánh tại An-ti-ốt được Thánh Linh truyền cho mạng lệnh biệt riêng Ba-na-ba và Sau-lơ để làm chức vụ. Như vậy, đây rõ ràng chỉ là một sự xác nhận cho lời kêu gọi hầu việc Chúa của Ba-na-ba và Sau-lơ mà hai người đã nhận lãnh trước đó. Đó không phải là một sự kêu gọi riêng biệt để phục vụ trong công tác truyền giáo. Có thể nói rằng, cả Sau-lơ và Ba-na-ba đều đã trở nên những nhà truyền giáo làm việc giữa vòng các dân ngoại, nhưng Thánh Linh vẫn cần phải thúc đẩy họ với tư cách là những nhà truyền giáo xuyên văn hóa để sự kêu gọi có thể được thực hiện ở quy mô lớn nhất.

Một phân đoạn khác có thể đã được trích dẫn một cách hời hợt để làm cơ sở cho “sự kêu gọi truyền giáo” được tìm thấy trong Công-vụ 16, khải tượng về một người Ma-xê-đoan được Thánh Linh sử dụng để dẫn các sứ đồ đến xứ Ma-xê-đoan. “Phao-lô vừa thấy sự hiện thấy đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Ma-xê-đoan, vì đã định rằng Đức Chúa Trời gọi chúng ta rao truyền Tin Lành ở đó” (Công-vụ 16:10). Một trong những bài thánh ca truyền giáo đã đề cập đến “tiếng gọi Ma-xê-đoan,” nhưng sự thật rõ ràng là Phao-lô và Si-la đều đã là những nhà truyền giáo, quả thật Phao-lô đang trong chuyến truyền giáo thứ hai của ông. Sự kiện này chỉ là một phần trong quá trình Đức Chúa Trời sử dụng để đưa các sứ đồ đến vùng lãnh thổ chưa được tiếp cận với Phúc Âm.

Vấn đề then chốt là có chăng một sự kêu gọi riêng biệt để “vượt qua những giới hạn về địa lý và/hoặc văn hoá để rao giảng Phúc Âm cho những địa phận trên thế giới, là những nơi mà danh Giê-xu Christ hầu như, nếu không muốn nói là hoàn toàn, không được biết đến.” Đây là điều khá rõ ràng: bất cứ điều gì cần thiết, đều không được xem như một “sự kêu gọi.” Harold Cook cho rằng chúng ta nên đề cập đến những trường hợp này như sự hướng dẫn. James Weber cảm thấy chúng ta nên gọi đó là sự chỉ dẫn. Những thuật ngữ khác như “sự bổ nhiệm”, “sự xác quyết”, và “gánh nặng” có thể được gợi ý khi đề cập đến công tác truyền giáo, nhưng rõ ràng là không cần đến một kiểu trải nghiệm như nhìn thấy khải tượng, hay sự hiện thấy.

NHU CẦU TÂM LINH TƯƠNG ĐỐI

Một diễn giả trong một buổi hội thảo truyền giáo tại học viện Kinh Thánh đã nói rất thẳng thắn: “Nhu cầu hình thành nên sự kêu gọi.” Ông tiếp tục minh hoạ bằng cách cho mười sinh viên cố nâng cây đàn piano bằng cách đặt chín người ở đầu này và một người ở đầu kia. Ông làm rõ điểm này bằng cách nói rằng, thực tế là trong số mười Cơ-đốc nhân đang làm mục vụ trên thế giới, có đến chín người đang hầu việc Chúa tại 1/10 thế giới nơi đã được truyền giáo nhiều nhất, trong khi chỉ một người trong số mười người này được phân bổ rải rác khắp 9/10 thế giới nơi có nhu cầu lớn nhất và cấp thiết nhất. Điều này thật kinh khủng. Thật nực cười khi chín người nam tụ tập ở một đầu cây đàn piano đang phớt lờ một anh chàng tội nghiệp đang cố gắng tự mình nâng đầu kia lên.

Sau buổi hội thảo, các sinh viên rất bối rối vì ngày hôm trước có một nhà truyền giáo khác đã nói, “Nếu bạn không có một sự kêu gọi truyền giáo rõ ràng thì đừng trở thành một nhà truyền giáo. Dù bạn có làm gì đi nữa, bạn sẽ gây hại nhiều hơn là làm ích lợi nếu bạn đi ra.” Nhà truyền giáo này chỉ đang phản ánh quan điểm của nhiều người khác trong quá khứ như Robert Hall Glover, tác giả của một vài quyển sách truyền giáo cổ điển: “Không có gì quan trọng hơn cho những ai sắp sửa dấn thân vào cánh đồng truyền giáo là được đảm bảo rõ ràng về sự kêu gọi và sự dẫn dắt của Chúa khi thực hiện quyết định đó.” Mặt khác, Glover tiếp tục trích dẫn một số nhà truyền giáo vĩ đại ở một khía cạnh khác của vấn đề:

Có người thực sự đã nói rằng “một nhu cầu, sự nhận biết nhu cầu đó, và khả năng đáp ứng nhu cầu đó tạo ra một sự kêu gọi.” Chính lý luận này đã thu hút Keith Falconer, một nhà quý tộc anh hùng người Scotland vạch ra con đường để đưa Phúc Âm đến “bán đảo bị bỏ quên” của Ả-rập. Ông nói: “Trong khi các lục địa rộng lớn vẫn gần như chìm trong bóng tối, và hàng triệu người phải chịu đựng nỗi kinh hoàng của tà giáo và Hồi giáo, vậy mà gánh nặng trách nhiệm của bạn lại là làm sao để chứng minh được rằng hoàn cảnh Chúa đã đặt để bạn là do Ngài muốn ngăn không cho bạn bước ra cánh đồng truyền giáo nước ngoài.” James Gilmour, nhà truyền giáo tiên phong dũng cảm trong số những người du mục Mông Cổ, đã nói những lời không kém phần mạnh mẽ và thuyết phục này: “Đối với tôi, câu hỏi không phải là ‘Tại sao phải đi?’ mà là ‘Tại sao không đi?’ Ngay cả với một nền tảng nhận thức thấp kém, tôi dường như đã được kêu gọi để làm một giáo sĩ. Vì vương quốc không phải là cánh đồng đang trong mùa gặt sao? Sau đó, tôi đã nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu kiếm cho mình một công việc tại nơi có nhiều cơ hội việc làm và có ít người đi làm nhất.”

Một lần nữa chúng ta phải quay trở lại với Kinh Thánh. Sứ-đồ Phao-lô ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc về nhu cầu trong Rô-ma 15:20, 23: “Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin Lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra, để cho khỏi lập lên trên nền người khác, … Nhưng bây giờ chẳng còn có chi cầm buộc tôi lại trong các miền nầy nữa …” Chắc chắn, nhu cầu phải đóng một vai trò nổi bật trong việc nhận thức được sự chỉ dẫn về nơi mà chúng ta sẽ đi đến để làm mục vụ. Nếu chúng ta có quyền lựa chọn và trừ khi có những lý do thuyết phục theo chiều ngược lại, nhân sự Cơ-đốc nên chọn những nơi có nhu cầu lớn nhất! Thất bại trong việc xem xét yếu tố này cách thỏa đáng đã dẫn đến sự mất cân bằng đáng kinh ngạc trong việc phân bổ nhân sự.

Có người đã nói rất chính xác, “Tại sao có những người có cơ hội nghe Phúc Âm đến hai lần trước khi tất cả mọi người được nghe chỉ một lần?” Đây có thể là một sự cường điệu hoá, nhưng nó dấy lên một câu hỏi xác đáng cần được trả lời. Tôi nghi ngờ rằng các hội đồng truyền giáo đều muốn có một lượng lớn các ứng viên nộp đơn vào và sàng lọc bớt một phần lớn các ứng viên không đạt tiêu chuẩn, hơn là thực trạng thiếu ứng viên hiện nay, điều này đôi khi buộc các ban phải chấp nhận quá nhiều người thiếu hụt chuyên môn.

Ngày nay, ở Mỹ, chúng ta chứng kiến cảnh tượng các hội thánh nhỏ nhận được hàng trăm đơn ứng tuyển vào vị trí mục sư trong tương lai. Có điều gì đó “không ổn”! Các ban truyền giáo thậm chí không nhận được đến hai đơn ứng tuyển cho vị trí giáo sĩ mỗi lần mở đợt ứng tuyển. Họ còn quá đỗi vui mừng dù chỉ nhận được một đơn. Các học viện Kinh Thánh ở Mỹ nhận được quá nhiều hồ sơ ứng tuyển trong khi các trường Kinh Thánh ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí giảng viên. Mục vụ ở đâu cũng giống nhau (mặc dù thường bằng một ngôn ngữ khác). Phải chăng những trường hợp này thiếu đi “sự kêu gọi” huyền bí nào đó còn những trường hợp kia thì không?

Khi Phao-lô chọn Ti-mô-thê làm thành viên trong nhóm truyền giáo của ông, đó là vì Ti-mô-thê đã được “làm chứng tốt” tại quê nhà của người (Công-vụ 16:1-2), chứ không phải bởi vì người đã nhận được “một sự kêu gọi truyền giáo”.

Dịch: NCMV

Nguồn: thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like