Home Chuyên Đề Năm Sai Lầm Của Cha Mẹ Giết Chết Sự Tự Tin Của Con

Năm Sai Lầm Của Cha Mẹ Giết Chết Sự Tự Tin Của Con

by Hongan Doan
30 đọc

Một em bé không được nuôi dưỡng để phát triển lòng tự tin sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Sự tự tin chính là sức bật cho trẻ để trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ, cũng là bước đệm để trẻ rèn luyện những kỹ năng ích lợi cho cuộc sống.  Không những vậy, sự tự tin sẽ giúp trẻ có những cảm xúc tích cực, hổ trợ trẻ khi đối diện với khó khăn thách thức.  Ngược lại, một em bé thiếu sự tự tin sẽ không khó nhận biết được điểm mạnh của bản thân, mình là ai, mình thích điều gì và khó thể hiện và nói lên được chính kiến của mình, về lâu dài sẽ chịu những áp lực tâm lý nặng nề. 

Nhưng đôi khi, trong quá trình nuôi dạy con cái, không ít cha mẹ đã mắc những sai lầm giết chết sự tự tin của con .

 Dưới đây là năm sai lầm cha mẹ thường xuyên mắc phải. 

1- So sánh con với người khác

Có rất nhiều cha mẹ so sánh trẻ với người khác với mục đích mong con lấy đó là mục tiêu phấn đấu. Tuy nhiên việc so sánh con luôn gây ra phản ứng ngược, thông điệp mà trẻ nhận được qua những lần so sánh không phải là động lực để nỗ lực nhưng là sự chê bai về sự yếu kém của trẻ. Và những lời nói phủ nhận trẻ lại đến từ những người mà trẻ tin tưởng nhất. Điều này khiến trẻ mất dần sự tự tin. Thay vào đó là cảm giác thua kém và tự ti mặc cảm. 

Mẹ: Nhanh lên nào con, em làm xong rồi kìa.

Kai: mẹ lúc nào cũng chê con chậm hơn em, có lúc con cũng làm nhanh hơn em mà

Mẹ: à, mẹ không có ý chê con, mẹ chỉ muốn nói là em đã xong rồi chúng ta cần nhanh hơn thôi.

Kai: là mẹ đang chê con còn gì

Mẹ: ồ mẹ nói vậy làm con hiểu là mẹ chê con, mẹ xin lỗi nhé. Có cách nào để mẹ có thể nói với con để con làm nhanh mà không khiến con nghĩ là mẹ chê con không nhỉ?

Kai: mẹ chỉ cần nói: “Kairos ơi con còn 2 phút nữa” là được. 

Mẹ: đơn giản vậy thôi sao?

Kai: vâng, con sẽ tự sắp xếp được, đừng cái gì mẹ cũng lôi em vào để nói với con, đây là việc của con và mẹ nhưng sao mẹ lại kể em vô.

Mẹ: ồ mẹ sai quá, mẹ không biết việc mẹ nói về em trong chuyện của con khiến con cảm thấy khó chịu nhiều như thế. Mẹ xin lỗi, lần sau mẹ sẽ nhớ để dùng cách của con.

Kai: ok 

Có lẽ với cha mẹ, việc nói về các anh chị em khác trong nhà là bình thường, nhưng với trẻ, chúng muốn ta tách biệt. Câu chuyện trên chỉ là một câu chuyện vô cùng đơn giản trong hàng trăm câu chuyện so sánh con khác nhưng ta cũng thấy được, đối với trẻ những lời so sánh không đơn giản chỉ là so sánh nhưng còn là sự đánh giá gián tiếp về trẻ. 

2- Phủ nhận cảm xúc của con

Phủ nhận cảm xúc của con không phải đơn giản chỉ là bắt con kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như (cáu giận, tuyệt vọng, bất bình…)

Nhưng đôi khi những lời an ủi qua loa cũng là một trong những sự phủ nhận cảm xúc của trẻ. Như:  “Con trai thì không được khóc”, “có gì đâu mà khóc”, “thôi nín đi”, “có vậy thôi mà cũng buồn” chính là những câu nói như là an ủi nhưng lại mang tính sát thương cao nhất. Thay vì bị đau thì có quyền được khóc, tức giận thì có thể bày tỏ bằng cách đánh đấm vào gối mền, đau buồn thì được lắng nghe và xoa dịu thì cha mẹ tìm cách để bỏ qua những cảm xúc như vậy. 

Cha mẹ thường cảm thấy bị làm phiền bởi tiếng khóc của trẻ, đôi khi vì thiếu kiên nhẫn mà cha mẹ thường bắt trẻ nín khóc ngay lập tức hoặc tìm cách đánh lạc hướng cảm xúc của trẻ như đem đến những lời hứa hẹn để dụ dỗ trẻ. Thật ra trẻ chỉ cần được đáp ứng nhu cầu cảm xúc, được thấu hiểu và lắng nghe thông qua cái ôm, sự nhẫn nại để con được khóc, được thể hiện cảm xúc dù cách đúng đắn thay vào những lời hứa để đánh lạc hướng cảm xúc của trẻ. Từ cảm xúc đau buồn thì kiềm nén xuống để chuyển qua cảm xúc hứng khởi trông chờ vì lời hứa thay vì giải quyết cảm xúc đang có. 

Trẻ khóc vì đồ chơi bị hư hỏng: “thôi nín đi vài bữa mẹ mua cái khác cho” Ta dạy trẻ không biết trân quý giá trị, làm hỏng thì sẽ có cái mới. Thay vì “à, con đang buồn vì đồ chơi con thích bị hỏng đúng không nhỉ?

Trẻ bị té đau khóc: “thôi nín đi không sao, có gì đâu mà khóc” hoặc “cái gì chọc con khóc, để mẹ đánh đau nó nha.” Ta dạy trẻ đổ lỗi cho những điều khác thay vì chịu trách nhiệm và xử lý xoa dịu  “ồ con bị té đau quá rồi đúng không, vậy con cứ khóc một tí nhé, khóc sẽ giảm đau hơn đấy, mẹ ôm con nhé.” 

Trẻ đang chơi bị bạn đến dành đồ chơi và khóc: “thôi kệ cho bạn mượn đi, nhường bạn một chút cũng được mà.”Ta dạy trẻ cảm xúc của trẻ không đáng trân trọng và không nên bày tỏ ra bên ngoài. Thay vì tôn trọng trẻ vì trẻ đang chơi đồ chơi đó trước nên sẽ yêu cầu đứa trẻ kia phải đưa lại đồ chơi và nếu muốn chơi phải chờ bạn cho chơi cùng. 

3- Thiếu tin tưởng con

Đôi khi cha mẹ dựa trên những trải nghiệm mà mình có được để mặc định trẻ. Rằng trẻ không làm được điều này không làm được điều kia. Nên đã vô tình hạn chế trẻ.

Kai: “mẹ, con sẽ cà phê và trà”

Mẹ: “cà phê ở đâu mà con bán?”

Kai: “con lấy từ khách sạn đó” (mỗi lần đi khách sạn Kai sẽ gom cà phê với trà miễn phí trong phòng về)

Mẹ: rồi ai uống mà mua của con

Kai: thì con cứ bán thôi sẽ có người uống

Mẹ: không có ai uống đâu, còn đừng có bày ra dọn mệt lắm

Kai: mẹ không mua thôi chứ sẽ có người mua mà.

Mẹ: tuỳ con. 

Trong đầu mình nghĩ kệ đi, chắc gì pha được chưa mà bán với mua.

Nhưng Kai thì hý hửng tô vẽ Menu, bài trí bàn ghế, thuê thêm nhân viên (là ông em Zion của Kai), chào mời khách thì bán được 2 ly đầu tiên cho ông ngoại và daddy. Mình chỉ biết nhe răng ra cười rồi nghỉ chắc được 2 ly cho người nhà. Nhưng rồi Kai cũng chào mời được thêm một số khách. Cuối cùng, Kai có thể mua được hai con chuột hamster bằng tiền bán cà phê và trà của khách sạn. 

Mình có phần hơi xấu hổ vì đã nghĩ rằng Kai không thể làm được, nhưng rõ ràng Kai rất có năng lực trong việc thiết lập một quán nước như này, từ chi tiết kế hoạch, thiết kế, bài trí, thực hiện, phục vụ, chào khách Kai đều làm rất có hệ thống. Trong khi mẹ còn đang nghi ngờ khả năng của con thì con đã tạo ra được thành quả. 

Mình nghĩ rằng, chỉ cần cha mẹ tin tưởng con hơn một chút là có thể trao cho con năng lượng để con bay cao và bay xa rồi. 

4- Quá cầu toàn

Cha mẹ quá cầu toàn sẽ đưa ra những yêu cầu quá cao đối với con. Nếu không cẩn thận, khi trẻ không thể đáp ứng được hay làm thỏa mãn những mong muốn của cha mẹ thì những điều đó sẽ tác động ngược lại trên trẻ, về sau trở thành những áp lực tấm lý đè nén trên trẻ. Trẻ có thể rơi vào sự mặc cảm, tự ti mình không đủ tốt, không làm cho cha mẹ vui, không xứng đáng nhận được tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ. Những cảm xúc tiêu cực cứ liên tục chất chứa bên trong trẻ mà không được giải toả sẽ dần bóp nghẹt sự tự tin của trẻ. 

Mình nhớ có lần em gái mình chia sẻ có những lần em muốn tự tử chỉ vì được điểm chín chứ không được điểm mười. Nghe thì vô lý, nhưng em đã sống trong khoảng thời gian bị bóp nghẹt đó suốt những năm cấp ba. Chỉ vì mỗi lần đi học về mẹ hỏi hôm nay được mấy điểm? Bạn đó được mấy điểm? Bạn đó được mười điểm mà sao con được có chín điểm? Trong đầu em liền hiện lên hình ảnh chín điểm là không đáng sống nữa, đi chết đi. Sau này khi học xong khóa tâm lý mình trở về có giúp đỡ em được đôi chút, may mắn em mình đã thoát ra khỏi những ám ảnh tâm lý đó. Tuy nhiên quá trình vật lộn đó cũng không phải dễ dàng. 

5- Xây dựng niềm tin đúng đắn

Những đứa trẻ được xây dựng niềm tin đúng đắn trên sức mạnh của Kinh Thánh là những đứa trẻ có đủ khả năng để đối diện với thử thách.

Những đứa trẻ nhận diện được bản thân (tạo vật của Đấng tạo hoá hoàn hảo, mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, được Ngài yêu, Ngài chăm sóc và Ngài bên cạnh) là những đứa trẻ biết được sức mạnh của bản thân và sự tự tin mà trẻ có không phải từ con người không hoàn hảo nhưng là sự tự tin từ niềm tin vững chắc vào một Đức Chúa Trời năng quyền. “Như con chim đậu trên cành không bao giờ sợ cành cây gãy, niềm tin của nó không đặt vào cành cây, mà đặt vào đôi cánh.” Niềm tin đặt đúng chỗ chắc chắn sẽ sản sinh ra sự tự tin vững chắc. 

Những đứa trẻ có đức tin mạnh mẽ giống như xây nhà trên đá. Dù có mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào nhà đó cũng không làm cho những giá trị chúng xây dựng bị lung lay. 

Việc cha mẹ kỷ luật trong Đức tin và cùng con xây dựng một mối quan hệ mật thiết với Chúa là cách để xây dựng niềm tin trong con trẻ.

Mình mong rằng cha mẹ cơ đốc luôn biết cách để nuôi dưỡng sự tự tin trong con và tránh những sai lầm tưởng chừng như nhỏ nhặt thường ngày nhưng lại dần khiến cho con mất đi sự tự tin. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để nuôi dạy con trẻ trở nên những người ích lợi cho vương quốc của Chúa.

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like