Home Chuyên Đề Tôn Trọng Sự Khác Biệt Của Trẻ

Tôn Trọng Sự Khác Biệt Của Trẻ

by Hongan Doan
30 đọc

Mình có hai đứa con trai, cùng cha cùng mẹ, cùng sinh trong một môi trường giống nhau, cùng một cách nuôi dưỡng như nhau, cùng hoàn cảnh sống, cùng lớn lên như nhau. 

Nhưng:

  • Một đứa ngủ trên tay mẹ còn một đứa ngủ phải nằm thẳng lưng trên giường.
  • Một đứa khó đi vào giấc, một đứa muốn ngủ là ngủ thôi.
  • Một đứa vô cùng khó chịu và nhạy cảm với từng chi tiết, một đứa chuyện gì cũng có thể chấp nhận nhanh chóng.
  • Một đứa thích ngồi yên một chỗ đọc sách – tô màu vẽ tranh, một đứa thích leo trèo mò mẫn vặn ốc vít.
  • Một đứa thích cảm giác an toàn, một đứa thích thử thách.
  • Một đứa nghĩ đến người khác trước khi làm, một đứa nghĩ cho mình trước.
  • Một đứa cẩn thận và cân nhắc, một đứa cứ thử đi đã kết quả tính sau.
  • Một đứa thích lặp lại quy cũ, một đứa thích thử điều mới lạ.
  • Một đứa ăn rau củ trái cây, một đứa ăn thịt cá.
  • Một đứa thích ăn món Âu, một đứa thích ăn món Việt
  • Một đứa không thích đông người và ngại gặp người mới, một đứa làm quen bạn mới và hoà nhập rất nhanh.
  • Một đứa thích âm nhạc và mê nhạc cụ, một đứa thích xe và cảm giác mạnh.
  • Một đứa trẻ cầu toàn, và một đứa trẻ thích trải nghiệm. 
  • Một đứa vô cùng nguyên tắc, một đứa luôn phá vỡ mọi nguyên tắc.
  • Một đứa rất quan tâm chăm sóc và biết cách an ủi người khác, một đứa biết tự xoa dịu bản thân và tạo ra niềm vui cho mình.
  • Một đứa khi buồn sẽ quay mặt đi và rơi nước mắt, còn một đứa sẽ la làng cho tất cả những người yêu thương nó đều biết.

Nếu hai đứa trẻ cùng huyết thống, cùng nuôi dưỡng trong môi trường như nhau nhưng vẫn có những khác biệt lớn và trái ngược nhau thì việc so sánh những đứa trẻ sinh ra từ những gia đình khác nhau và nuôi dạy trong những môi trường khác nhau là điều không cần thiết. 

Người Việt chúng ta quá quen thuộc với cụm từ: “con nhà người ta…” và cha mẹ nào cũng mong muốn con mình giỏi giang xuất chúng hơn người. Nhưng việc đem con ra so sánh với những đứa trẻ cùng trang lứa lại là những động thái khiến con trẻ dễ rơi vào tình trạng tự ti mặc cảm, thu mình hoặc đôi khi là bọc lộ cảm xúc cáu bẩn.  Việc “so sánh những đứa trẻ” không thể thúc đẩy chúng cố gắng hay nỗ lực hơn nhưng lại khiến trẻ giảm sự nhiệt thành và ngừng cố gắng. Sau cùng khiên trẻ không thể phát huy hết khả năng và năng lực của bản thân.

Mình viết ra những khác biệt của hai đứa trẻ nhà mình để tự nhắc nhở bản thân là:  mỗi đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt có cá tính, sở thích và suy nghĩ khác nhau. Mỗi nét riêng của trẻ đều đặc biệt theo cách mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên chúng. 

“Một đứa trẻ nhạy cảm – nội tâm” được mình hiểu rằng trẻ dễ bị căng thẳng và dễ gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc nhưng lại là một đứa trẻ sâu sắc, luôn biết cách chăm sóc và an ủi người khác.

Đứa còn lại “dễ hoà nhập – luôn nghĩ đến bản thân trước” sẽ có phần hơi ích kỷ, hay ăn vạ la làng. Nhưng lại tự biết cách tự xoa dịu bản thân khi gặp nỗi đau và chia sẽ nỗi đau với những người xung quanh khi cần giúp đỡ hay ủi an.

Một đứa trẻ cầu toàn sẽ luôn làm mọi thứ một cách an toàn nhưng lại ngại thay đổi và khó chấp nhận sai xót. Một đứa trẻ thích trải nghiệm lại cố thử đi thử lại nhiều lần dù có thất bại nhưng sẽ không từ bỏ cho đến khi đạt được kết quả. 

Đứa trẻ cầu toàn sẽ ít gặp phải sai lầm trong cuộc sống hơn, quản lý tốt công việc của mình hơn. Nhưng đứa trẻ thích trải nghiệm lại kiên nhẫn đeo đuổi mục tiêu lâu hơn và khó có gì có thể làm khó chúng được. 

Những sự khác biệt đều là một món quà, không có tính này tốt hơn tính kia, không có đứa này giỏi hơn đứa kia. Mọi đứa trẻ đều là tác phẩm độc đáo của tạo hoá. “Vì chính Chúa nắn nên tâm can con, Dệt thành con trong lòng mẹ con. Con cảm tạ Chúa vì con được dựng nên một cách đáng sợ và lạ lùng. Công việc Chúa thật quá diệu kỳ,…” Thi Thiên 139:13-14

Việc của cha mẹ là tôn trọng sự khác biệt của trẻ bằng cách ngừng so sánh và tin tưởng trẻ đủ để tạo môi trường cho trẻ được phát triển theo đúng con người của chúng. Điều đó buộc cha mẹ phải luôn có tầm nhìn xa ra khỏi những khía cạnh tiêu cực trong những tính cách của trẻ và luân chuyển chúng, định hướng và thúc đẩy trẻ để phát triển đúng theo mục đích mà Chúa đã tạo nên. 

Mong rằng mọi cha mẹ đều nhìn ra được những điều đặc biệt của con, cùng con phát triển và trưởng thành. Mọi đứa trẻ đều được yêu thương và chấp nhận vô điều kiện, việc của chúng chỉ cần vui vẻ và lớn lên, được làm chính mình.

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like