Sau khi kết hôn sáu năm, mình mới có em bé đầu tiên, tuy nhiên sau đó vài tuần mình đã không thể giữ được em bé. Sau sảy thai em bé đầu, mình đã đợi hai năm mới có thai Kairos, tuy nhiên trong suốt thời kỳ mang thai ba tháng đầu doạ sảy hơn 70% và ba tháng cuối lại doạ sinh non. Với tâm lý đã bị sảy em bé đầu tiên, đến em bé thứ hai mình đã bị khá nhiều áp lực tâm lý, vậy mà hành trình mang thai em bé thứ hai cũng không được suôn sẻ. Mình đã sút hơn mười hai cân khi mang thai, kèm theo đó là những lần ốm nghén không thể ăn uống được gì và tâm trạng luôn lo lắng bất an sẽ không giữ được con. Sau khi Kai ra đời, con bị eczema thể nặng đến hơn một tuổi, sau đó chuyển sang ốm vặt, viêm phổi phải nhập viện điều trị nhiều lần, Kai lại là em bé siêu nhạy cảm, khó chịu và luôn phản ứng dữ dội với mọi sự thay đổi. Sự nhạy cảm trong suốt thai kỳ, nhạy cảm về da, những mối đe doạ đến sức khoẻ con, sự nhảy cảm trong tính cách của con khiến mình luôn trong tình trạng kiệt sức, mệt mỏi và đầy nỗi lo lắng sợ hãi. Khi đó mỗi lần bên trong mình ưu phiền, dù cố gắng kiềm nén trước mặt con, nhưng bằng cách nào đó, mình vẫn nhậy thấy sự nhạy cảm của Kai cũng tăng cao hơn là những lúc mình được thư giãn và thoái mái. Khi Kai bị nhập viện điều trị viêm phổi, sự lo lắng bất an của mình tăng cao điều này đã ảnh hưởng đến con một cách trầm trọng, Kai đã phải nằm viện gần một tháng để điều trị. Thay vào những lần viêm phổi khác, mình luôn nói tích cực với con và tinh thần mình cũng thoải mái hơn Kai cũng có thể lướt qua cơn bệnh một cách nhanh chóng. Những lần Kai trở nên nhạy cảm, nếu mình đang ở trong trạng thái kiệt sức chắc chắn sẽ đẩy cơn bùng nổ của con lên cao, khác với những lần con mất kiểm soát nhưng mẹ vẫn bình tĩnh dần dần trong thời gian ngắn con cũng có thể lấy lại sự bình tĩnh nhanh hơn. Tuy làm việc trong lĩnh vực tâm lý, nhưng không phải lúc nào mình cũng lý trí để giữ vững được tâm thái nhẹ nhàng an nhiên trong hành trình nuôi dạy con. Nếu bạn là một người mẹ, có lẽ bạn cũng từng phải chịu đựng sự lo lắng:
- Trằn trọc thay vì nghỉ ngơi.
- Sợ hãi thay vì tin tưởng.
- Hoảng loạn thay vì bình yên.
Tất nhiên lý do duy nhất chỉ là vì bạn muốn bảo vệ con mình. Nhưng con càng lớn thì bạn lại càng có ít khả năng kiểm soát. Và nếu bạn không cẩn thận, sự lo lắng có thể xâm chiếm bạn, giống như axit, sự lo lắng có thể ăn mòn bạn từ bên trong. Nó có thể cướp đi niềm vui trong việc nuôi dạy con cái.
Sau khi đối mặt với tình trạng của bản thân cũng như làm việc với những người mẹ cũng đã từng trải qua những giai đoạn khủng hoảng như vậy mình đã rút ra được những bài học quý giá cho bản thân và cũng giúp đỡ được nhiều người mẹ mắc rối loạn lo âu. Mình đã rút ra năm nguyên lý để áp dụng cho bản thân khi rơi vào trạng thái mất cân bằng, lo lắng nghiêm trọng.
1- Nguyên lý “Kiểm Soát”: Chúa mới là Đấng kiểm soát mọi sự – chúng ta không.
Ngay cả khi bạn cảm thấy mình đang kiểm soát tất cả mọi thứ, nhưng thực tế bạn vẫn không thể kiểm soát được. Học biết và chấp nhận rằng Chúa mới là Đấng tể trị và kiểm soát tất cả mọi điều đó là sự giải thoát cho chính bản thân những người làm mẹ. Điều này khiến chúng ta phải tin cậy rằng Chúa là Đấng yêu thương con của bạn, trong tay của Ngài có tương lai, mục đích cho cuộc đời của chúng. Sa-lô-môn viết: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con”. (Châm ngôn 3:5) Thông qua sự tin cậy ở Đấng tốt lành chúng ta sẽ học được cách đầu phục dưới sự tể trị và dẫn dắt của Ngài.
2- Nguyên lý “Tin Tưởng”: Tin cậy Chúa – tin tưởng con.
Tin cậy một Đấng vĩ đại, Đấng nắm giữ tương lai của con, Đấng tạo nên con và có mục đích cho con, Đấng đã đặt con trong tử cung của bạn, Đấng đã giao cho bạn thiên chức làm mẹ. Thì cũng hãy tin cậy sự tốt lành của Ngài qua món quà Ngài đã ban tặng cho bạn là những đứa con của bạn. Đôi khi bạn phải học cách tin tưởng con. Khi bạn cố quá bảo vệ con, bạn đã tước đi quyền được trải nghiệm của con. Sợ con cầm dao nguy hiểm nên không cho con tập cắt (sẽ nguy hiểm hơn nếu trẻ tự sử dụng thay vì được chỉ bảo, luyện tập và sử dụng dưới sự giám sát của mẹ), sợ con bị ốm nên không cho con ra mưa, nắng, gió cuối cùng những nguyên tố đó mới có thể tăng đề kháng cho con, những lần con bệnh vặt chính là những lúc kháng thể trong con được kích hoạt. Đôi khi vì sự lo lắng “con không thể làm được” nên người mẹ phải bao quát hết mọi việc và làm thay con mọi việc, ngủ dậy giúp con gấp chăn mền vì nghĩ nó to quá con chưa thể gấp được, khi con làm vỡ cốc thuỷ tinh sẽ thay con dọn dẹp vì sợ những mãnh vỡ làm tổn thương con, chuẩn bị áo quần hoặc sách vở cho con đi học thay vì sợ con mang không đủ. Thật ra những sự lo lắng đó của mẹ xuất phát từ tình yêu dành cho con nhỏ, nhưng mẹ đã không nhận ra rằng, khi mẹ làm thay con mẹ đang truyền tải một thông điệp con không làm được đâu, con thật vô dụng. Kai từ lúc đi học mẫu giáo đã phải tự chuẩn bị đồ đi học, cũng có ngày mặc quần dơ về nhà vì mang thiếu, nhưng mình tin đó là một trải nghiệm vô cùng có giá trị với con. Kai từng vật vã trong thời gian đầu tập mang giày, mình đã đứng bên rất lâu để chờ Kai hoàn thành thay vì giúp con mang cho nhanh. Nhiều người trách rằng tại sao mình không giúp con, nhưng nếu mình cuối xuống giúp con mình sẽ không thấy được vẻ mặt đầy tự hào của một đứa trẻ 2 tuổi rưỡi tự mang giày sneaker dưới sự kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng của mẹ rằng con có thể làm được. Tất cả những sự thách thức trải nghiệm đều tốt hơn sự bao bọc. Vậy thì những người làm mẹ hãy thả lỏng hãy tin cậy Chúa và tin tưởng nơi con để con được trải nghiệm những thách thức của cuộc sống này, vì nó sẽ đem lại nhiều ích lợi cho con sau này.
“Đồng thời, chúng ta vui mừng giữa mọi gian khổ, vì biết rằng gian khổ đào tạo kiên nhẫn. Kiên nhẫn đem lại kinh nghiệm, và từ kinh nghiệm phát sinh hy vọng của sự cứu rỗi. Hy vọng trong Chúa không bao giờ phải thất vọng như hy vọng trần gian, vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, sai Chúa Thánh Linh đổ tình yêu tràn ngập lòng chúng ta.” Rô-ma 5:3-5
3-Nguyên lý “ Lựa Chọn”: Bạn có thể lựa chọn bình an ngay cả khi bạn cảm thấy lo lắng.
Bình an không chỉ là một tính từ, rằng bạn cảm thấy được bình an. Nhưng “Bình an” cũng là một danh từ để bạn có thể sỡ hữu. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn sự bình an ngay cả khi bạn không hề cảm thấy nó. Làm sao để lựa chọn sự bình an dù thực tế bạn đang phải vật lộn với sự lo lắng? Hãy ngừng tập trung vào nan đề nhưng hãy tập chú vào Chúa. “Tôi ngước mắt nhìn lên đồi núi; Sự giúp đỡ tôi đến từ đâu? Sự giúp đỡ tôi đến từ CHÚA, Đấng dựng nên trời và đất.” Thi 121:1-2
Khi chúng ta tập trung vào một Đức Chúa Trời vĩ đại, toàn năng, vô song, không điều gì quá khó với Ngài, phải chăng đức tin chúng ta sẽ được gia tăng. Và đức tin khai phóng năng quyền có thể giải quyết hết tất cả mọi nan đề của chúng ta “Đức Chúa Jêsus phán: “Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Thật, Ta bảo các con, ai bảo hòn núi nầy: ‘Hãy nhấc lên, và lao xuống biển,’ nếu trong lòng người ấy không có chút nghi ngờ, nhưng tin điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều đó sẽ được thực hiện. Vì vậy Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được rồi, thì các con sẽ được điều ấy.” Mác 11:22-24
Sự bình an mà chúng ta có khi thực tế mọi việc đều êm xui thì đó có thể chỉ là sự bình an của thế gian mà thôi. Nhưng sự bình an được chúng ta lựa chọn ngay cả khi đã rối bời sợ hãi chính là sự bình an của Đức Chúa Trời ban cho: “Ta để lại cho các con sự bình an trong tâm hồn. Ta ban cho các con sự bình an, chẳng phải sự bình an của trần gian cho. Lòng các con đừng bối rối, sợ hãi.” Giăng 14:27
4-Nguyên lý “Kế Hoạch”: Chúa luôn có kế hoạch vĩ đại hơn cho con cái chúng ta
Đôi khi những gì chúng ta nghĩ là tốt cũng chưa chắc là tốt nhất dành cho các con của chúng ta. Đôi khi những mon muốn, hoạch định của chúng ta cho con cái của mình vẫn dựa vào những trải nghiệm mà chúng ta có thay vì mục đích thật sự mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên chúng. Chúng ta biết rằng, Chúa là Đấng rất giỏi trong sự lên kế hoạch hay hoạch định cho tương lai chúng ta. Và dù muốn hay không thì Ngài sẽ luôn hoàn thành những kế hoạch mà Ngài đã lên. Và phải biết rằng những hoạch định của Chúa cho các con luôn tốt lành và hoàn hảo hơn chúng ta rất nhiều. Kế hoạch của Ngài là một kế hoạch vĩ đaị và lớn lao hơn những gì mà chúng ta nghĩ , tầm nhìn của Ngài là bao quát và đầy trọn hơn những gì mà chúng ta biết. Vậy tại sao chúng ta lại lo âu? Chẳng phải Ngài đã có kế hoạch tốt đẹp cho các con rồi sao? “Đức Giê-hô-va phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.” Giê-rê-mi 29:11 Trong khi kế hoạch của bạn dành cho con cái là tốt đẹp thì kế hoạch của Chúa còn tốt lành hơn. Ngài có kế hoạch ban phước và chu cấp cho tương lai của con cái bạn. Có lẽ điều này bao gồm bạn bè, con cái của chúng, một sự nghiệp tuyệt vời hoặc thậm chí là một điều gì đó hoàn toàn bất ngờ nhưng tuyệt vời hơn. Cuộc sống của chúng có thể khác với những gì bạn mong đợi, nhưng bạn không bao giờ biết được điều Chúa đang đang làm điều gì cho chúng. Hãy khích lệ con bước đi với Chúa và sống theo những nguyên tắc của Ngài. Tin cậy Chúa sẽ sử dụng cuộc đời chúng cho mục đích cao cả của Ngài (ngay cả khi nó không phù hợp với mục đích của bạn).
5- Nguyên lý “Thay Thế”: Thay vì rối bời lo lắng và sợ hãi hãy cầu nguyện
Trong khi Satan ngày đêm đi rình mò xung quanh và tung vũ khí để chống lại con cái của bạn mỗi ngày, thì sự cầu nguyện hàng ngày của bạn chính là bức tường lửa để bảo vệ các con. Đôi khi việc cầu nguyện cho các con có thể khiến bạn nản lòng, bạn có thể cảm thấy lời cầu nguyện không hiệu quả. Những nỗ lực của bạn có thể dường như không có kết quả, và những lời cầu nguyện của bạn có thể không được đáp lại trong một thời gian dài. Nhưng đừng ngừng cầu nguyện, Mẹ ơi! Đừng bao giờ ngừng cầu thay cho con cái của bạn. Hãy nhớ rằng, một số câu trả lời sẽ được đáp lời trong nhiều năm chứ không phải trong vài ngày. Nhưng có một điều chắc chắn là: khi bạn càng cầu nguyện cho con mình, thì nỗi lo lắng của bạn sẽ càng giảm đi. Kinh Thánh nói rằng: “Đừng lo lắng gì, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và cảm tạ mà trình dâng những nhu cầu của anh chị em lên Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt quá mọi khả năng hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí của anh chị em trong Đức Chúa Jesus Christ.” Phi 4:6-7
Hỡi những người đang làm mẹ, nếu lúc này bạn đang cảm thấy lo lắng, hãy thực hành những nguyên lý này. Đây là cách bạn đang chống lại nỗi sợ hãi của mình bằng cách tập trung vào Chúa hơn là rơi vào sự khủng hoảng của nỗi lo âu. Và trên hết, mong bạn luôn nhớ rằng: Chúa yêu thương bạn và con cái của bạn. Tình yêu đó là mãi mãi bất diệt dù thế nào đi chăng nữa.
Hongan Doan
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com