Sửa phạt con trẻ như thế nào mới là đúng? Có hàng trăm ý kiến khác nhau về vấn đề này. Thật sự không có một phương pháp cụ thể nào trong việc sửa phạt con cái, nếu bạn hỏi các bậc cha mẹ ngoài kia. Nhưng nếu tìm kiếm câu trả lời trong Kinh Thánh, bạn sẽ thấy Đức Chúa Trời rất cụ thể trong cách Ngài muốn bạn rèn luyện và sửa phạt con mình. Vậy, chúng ta nên sửa phạt con trẻ như thế nào để phù hợp với Kinh Thánh?
Đức Chúa Trời sửa phạt con cái Ngài
Trước khi nói chi tiết, chúng ta phải nhắc đến những câu Kinh Thánh quan trọng này. Hê-bơ-rơ 12:4-11 nói:
“Anh em chống cự với tội lỗi còn chưa đến nỗi phải đổ máu. Anh em đã quên lời khuyên dành cho anh em như khuyên con, rằng:
“Hỡi con ta, chớ xem thường sự sửa phạt của Chúa,
Và khi Chúa khiển trách, chớ ngã lòng.
Vì Chúa sửa phạt người Ngài yêu thương,
Những ai được nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt.”
Anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đối đãi anh em như con; vì có người con nào mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em không chịu sửa phạt như mọi người con đều phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chứ không phải con thật. Hơn nữa, cha về phần xác sửa phạt mà chúng ta còn kính sợ, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta lại chẳng thuận phục bội phần hơn để được sống hay sao? Vì cha về phần xác theo ý mình sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích lợi cho chúng ta mà sửa phạt, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài. Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy.”
Đặc điểm của sự sửa phạt theo Kinh Thánh
Theo phân đoạn Kinh Thánh trên, Đức Chúa Trời cho phép sửa phạt con trẻ. Kinh Thánh cũng nói việc sửa phạt sẽ mang lại đau đớn cho người chịu sửa phạt. Roi vọt không hề dễ chịu, nó gây cho đau đớn, nhưng về sau mang lại lợi ích cho con trẻ. Vậy, chính xác thì Chúa muốn chúng ta sửa phạt con cái mình như thế nào?
1. Có hành động cụ thể
Việc sửa phạt con cái là bắt buộc, đặc biệt là khi ta thấy con mình đang làm những điều sai trái. Chúa muốn chúng ta có hành động cụ thể. Nếu cần thiết phải bắt con ở nhà, hãy làm như vậy. Hãy làm những gì chúng ta thấy cần thiết để dạy cho con mình một bài học, nhưng đừng lạm dụng sức mạnh và quyền hạn của mình.
Một số bậc cha mẹ phạm sai lầm khi đối xử với con cái như với sếp; họ sợ các con nổi giận với mình. Kinh Thánh nói sự sửa phạt cũng gây đau buồn cho người làm cha mẹ, vậy nên hãy chấp nhận thực tế là các con có thể sẽ giận dỗi mình trong vài giờ. Trong thâm tâm chúng ta biết rằng điều này sẽ tốt cho các con, và con cái chúng ta sẽ hiểu được lòng cha mẹ khi chúng lớn lên.
2. Hành động đi kèm lời nói
Để việc sửa phạt con cái mang lại hiệu quả tốt, chúng ta phải cân bằng giữa hành động và lời nói. Cha mẹ phải thực hiện hành động sửa phạt, nhưng cũng phải giải thích cho con hiểu tại sao con bị phạt. Chỉ biết đánh mắng mà không dạy dỗ sẽ không giúp ích gì cho con trẻ. Chúng ta không thể chỉ nói con đã làm sai rồi thôi. Hãy nhớ, việc sửa phạt không chỉ là hành động trừng phạt khi con làm điều sai quấy, mà chúng ta còn muốn con mình học được những bài học giá trị.
3. Thương con đồng nghĩa với nhất quán trong việc dạy con
Điều này khá dễ hiểu. Ai yêu con mình, thì phải sửa phạt chúng, và phải làm việc này cách nhất quán. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết điều này, nhưng trẻ con hiểu khái niệm cơ bản đằng sau những hình phạt. Chúng biết mình đã làm gì sai, và một khi đã làm sai thì phải chịu phạt. Các con thực sự hiểu cha mẹ thương mình nên mới sửa dạy mình. Khi cha mẹ không để ý đến con cái hay không quan tâm ngay cả khi chúng nghịch ngợm, đó là dấu hiệu cho thấy đứa trẻ thiếu tình yêu thương.
Bên cạnh đó, chúng ta phải nhất quán trong việc sửa phạt của mình. Bạn không thể nói con bị cấm túc trong hai tuần, rồi chỉ 3 ngày sau đã gỡ lệnh cấm túc. Điều này cho thấy bạn là người thế nào? Có thể chúng ta luôn mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với con mình, nên cuối cùng chúng ta phải thỏa hiệp. Tuy nhiên, việc này sẽ phản tác dụng. Hãy nhất quán trong sự sửa phạt của mình, lời bạn đã nói ra là trước sau như một. Khi các con trưởng thành, chúng cũng sẽ học được tính này từ chúng ta.
4. Mục tiêu cuối cùng là sự vâng phục
Bạn sửa phạt con mình không phải vì muốn chúng sợ mình. Chúng ta sửa phạt con cái vì chúng ta muốn các con học được tính vâng phục. Chúng ta muốn con mình hiểu rằng các quy tắc được đặt ra đều có lý do. Và quan trọng hơn, chúng ta muốn con cái mình biết vâng lời cha mẹ vì điều này cũng phản ánh sự vâng phục của chúng với Đức Chúa Trời. Nếu con cái tôn trọng luật lệ của cha mẹ ở nhà, thì chúng sẽ không gặp vấn đề gì trong việc hiểu các luật lệ Chúa. Vâng phục bao gồm yêu thương và tin cậy.
Hãy lắng nghe điều Đức Chúa Trời đang phán với chúng ta – “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Nếu chúng ta yêu thương con cái như cách Chúa yêu mình, đừng lo sợ hay ngần ngại trong việc sửa phạt con. Hãy ghi nhớ những đặc điểm của việc sửa phạt con cái theo Lời Chúa và xem đây như bản chỉ dẫn lần tới khi bạn phải đối mặt với một đứa trẻ ngỗ nghịch. Ngoài ra, hãy nhớ rằng sửa phạt không phải là gieo rắc nỗi sợ hãi vào lòng con trẻ, nhưng là khắc ghi những giá trị mà các con có thể sống theo đó khi trưởng thành. Sự đau đớn chỉ thoáng qua nhưng lợi ích mà roi răn phạt đem lại có thể theo các con cả một đời.
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: christiantoday.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com