Hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có rất nhiều trẻ được chuẩn đoán mắc ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đây là sự kết hợp giữa các yếu tố: di truyền, chấn thương não, dinh dưỡng, và môi trường thể chất/xã hội có thể gây ra mất cân bằng nồng độ hoá học trong não gây ra tình trạng “không chú ý” hoặc hành vi “tăng động bốc đồng”. Các triệu chứng này thường xuyên được mô tả dưới dạng: khó duy trì tập trung, không thể hoàn thành công việc, bồn chồn, ngắt quãng, hay quên, bốc đồng, hiếu động thái quá và vô tổ chức.
Kinh Thánh cũng thuật tả cho chúng ta về Phi-e-rơ người thường có hành vi bốc đồng mà ngày nay được phân loại là triệu chứng của ADHD. Hãy chú ý đến sự bốc đồng của Phi-e-rơ khi đáp lại Chúa Giê-su sau khi các môn đồ tuân theo chỉ dẫn của Ngài thả lưới xuống vùng nước sâu hơn và họ bắt được một mẻ cá kỳ diệu, nhưng Phi-e-rơ lại hấp tấp nói “Lạy Chúa, xin Chúa tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lu-ca 5:8) Một lần khác, Phi-e-rơ lại phản ứng một cách bốc đồng với Chúa Giê-su trên núi hóa hình, theo cách mà có lẽ thậm chí có thể được mô tả là “tăng động” khi ông đề nghị dựng lều tạm cho Chúa Giê-su, Môi-se và Ê-li. (Mác 9:5) Hành động của Phi-e-rơ dùng gươm chém đứt tai người đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm và sau đó ít lâu ông lại phủ nhận vào đêm Chúa Giê-su bị bắt, dường như cho thấy thêm những đặc điểm của hành vi hiếu động, bốc đồng. (Giăng 18:10) Có lẽ ngay cả Chúa Giê-su đã nói chuyện với Phi-e-rơ cũng phải nhắc lại ba lần liên tiếp(Giăng 21:15-17), phải chăng đó là một nỗ lực của Chúa Giê-su để đảm bảo rằng Phi-e-rơ thật sự đã lắng nghe và hiểu lời của Ngài, cũng như Ngài muốn chắc chắn đã truyền đạt rõ ràng sự tha thứ và lời cảnh tỉnh của Ngài đối với người Ngài yêu, một người đang phải vật lộn với sự khiếm khuyết trong học hỏi vì tính hiếu động thái quá hoặc tính bốc đồng.
Mặc dù đây chỉ là những suy đoán, nhưng từ các cuốn sách phúc âm, người ta có ấn tượng rằng ông là người có vẻ hấp tấp, bốc đồng, tập trung vào những điều sai trái và cứng đầu. Bất kể những suy đoán về việc Phi-e-rơ mắc chứng ADHD có đúng hay không thì chúng ta vẫn biết rõ ràng rằng Chúa Giê-su rất yêu thương Phi-e-rơ và sử dụng ông một cách mạnh mẽ, bất chấp những đặc điểm tính cách tiêu cực hoặc các triệu chứng y tế tiêu cực mà ông biểu hiện.
Nếu bạn là cha mẹ có con đang biểu hiện các triệu chứng ADHD thì hình ảnh của Phi-e-rơ chính là sự khích lệ an ủi và hy vọng dành cho bạn. Bất kể vấn đề y tế là gì, Kinh Thánh đều nói rất rõ ràng rằng Chúa Giê-su có quyền năng vượt qua tất cả mọi bệnh tật và còn sử dụng chúng vì sự vinh hiển của Ngài và lợi ích của con dân Ngài.
ADHD chỉ là những triệu chứng thể hiện bên ngoài, và thuốc dùng để điều trị cho chứng ADHD chỉ tập trung vào điều trị các triệu chứng đó. Tuy nhiên, Kinh Thánh lại cho chúng ta thấy mọi vấn đề đều nằm ở bên trong tấm lòng. “vì lòng người ta nghĩ sao, con người họ thế ấy.” Châm ngôn 23:7a. Chính tấm lòng và tâm trí mới điều khiển con người và hành vi bên ngoài. 1 Sa-mu-ên 16:7 “Đức Giê-hô-va không xem theo cách loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng.” Đức Chúa Trời tập trung vào giá trị bên trong vì đó mới chính là gốc rễ của mọi điều.
Vì vậy, là cơ đốc nhân, chúng ta cần xem xét trạng thái của tấm lòng và tâm trí trước khi bước đến những nỗ lực sửa đổi hành vi. “Đừng rập khuôn theo đời nầy, nhưng phải được biến hoá bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” Rô ma 12:2 chính sự đổi mới trong tâm trí là chìa khoá để nhận lãnh những điều tốt đẹp và trọn vẹn của Chúa. Là cơ đốc nhân, chúng ta có năng quyền trong sự biến đổi qua Chúa Giê su có thể thay đổi mọi hoàn cảnh, mọi biểu hiện trạng thái và hành vi bên ngoài.
Thông qua ân điển, sự kiên nhẫn và sự tha thứ mà Chúa đã bày tỏ với Phi-e-rơ, là những cha mẹ cơ đốc đang vật lộn với chứng ADHD của con mình, đây sẽ là sự an ủi dành cho bạn. Mỗi chúng ta được tạo dựng rất khác nhau, mỗi người có những trải nghiệm khác nhau và những cuộc đấu tranh khác nhau, tuy nhiên tình yêu của Chúa Giê su dang rộng để đụng đến tất cả chúng ta. Và Ngài mong muốn chúng ta được đào luyện nhiều hơn theo hình ảnh, tính cách, suy nghĩ và hành vi của Ngài. Chúa nhìn thấy bạn và yêu thương bạn, nguyện Ngài ban cho bạn sự khôn ngoan, phước lành và chiến thắng trong hành trình làm cha mẹ dưới sự dẫn dắt và đồng hành của Ngài!
Hongan Doan
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com